Hưởng dương,hưởng thọ

Chuyên mục: Khoa học nông nghiệp - Đời sống & Sức khỏe Được đăng: Thứ hai, 21 Tháng 5 2018 Viết bởi Ban điều hành

CHUYỆN TẦM PHÀO

Bài số một

Hưởng Thọ Hưởng Dương

Bùi Tho

 

 Bàn về chuyện sống chết có người kể chuyện rằng :

Ông bác của anh ta mới mất, năm  nay đã 68 tuổi , khi dựng bia không được đề chữ Hưởng Thọ mà phải đề chữ Hưởng dương 68 tuổi . Vì ông nội anh không cho phép , bởi  ông ta còn sống, năm nay ông  gần 100 tuổi .!

Anh ta lại bảo là ông nội anh  vốn là một nhà nho, vì ông còn sống nên không cho con được dùng chữ hưởng Thọ dù đã 68 tuổi, vì  cái tội con chết trước cha?

Anh ta đặt vấn đề đó vì thắc mắc, về việc ba tôi mất lúc 53 tuổi sao được dùng chữ Thọ  lẽ ra phải dùng  chữ Hưởng Dương ?

Nếu dựa theo truyền thuyết dân gian, cuộc sống con người được hưởng thể hiện bằng hình tượng  ba ông Phước, Lộc , Thọ thì ông Thọ là người phải có râu, vậy người có râu là già, là thọ. Khốn nỗi giờ đây có người mới mười mấy tuổi đã dài râu, có người đến bảy mươi như tôi chẳng thấy sợi râu nào. Như vậy biết đàng nào gọi là thọ?

Tôi đã được dọc một bài viết về chữ Thọ, người viết đã chiết tự chữ  thọ từ chữ Hán ra thành 5 chữ ghép lại từ trên xuống dưới là :

1-Sĩ : ý nói có tri thức

2- nhị:  là hai, nói lên sự  giao lưu qua lại.

3: Công : là vận động

4- Khẩu : miệng, ý nói đến cách ăn,kiểu nói.

5-Thốn : ý nói đến thước đo, chuẩn mực.

( Xin thưa theo bài viết như thế chứ bổn thân tôi, không có biết chữ Hán )

Có nghĩa là người được gọi là thọ khi đạt được những chuẩn trên , mang đậm tính chất triết học quá, như thế có được chữ Thọ cho đời người thì quá khó.

Một tài liệu khác ghi  Dương là sự sống, Thọ là sống lâu. Và ấn định là người mất trước 60 tuổi gọi là hưởng Dương, trên 60 tuổi gọi là hưởng Thọ.

Xét lại chữ Dương và chữ Thọ  đang nói ở đây  áp dụng  khắc lên bia bộ áp dụng cho đời người, theo tôi là đang dùng  NGHĨA BÓNG .

Còn nghĩa chính, nghĩa đen ,tra cứu từ điển  Việt Nam phổ thông của ông Đào văn Tập do nhà sách Vĩnh Bảo Sài Gòn xuất bản năm 1951 giải thích

 a/DƯƠNG :  một trong hai thứ khí trong trời đất , Dương là giống đực ( âm là giống cái  )  có(  trái với không),  ngày( tv đêm), nóng ( tv lạnh), sống ( tv chết)..

b/THỌ đồng nghĩa với  THỤ  có nghĩa là  Nhận, Được . Ví dụ thọ ơn : (nhận ơn, được ơn), Thọ  tuế  (được tuổi ,nhận tuổi),  Thọ trai ( ăn chay )thọ hình, thọ án

 

Từ sau năm 1975 hay gần đây tôi thấy người ta dùng chữ Hưởng Dương dành cho người mất dưới 60 tuổi và hưởng thọ là người mất trên 60 tuổi, có nghĩa là ranh giới của thọ được bắt đầu ở tuổi 60 ? Tôi hỏi tại sao lấy cái mốc đó ? thì được trả lời là từ bản nhạc “60 năm cuộc đời “ ??

Trở lại câu chuyện đã nói ở đầu bài, tôi ra nghĩa trang Phật Giáo xem lại bia mộ những người thân quen đã quá vãng cùng thời hay trước ba tôi, thì được biết có ba loại :

 1/  Một số thì được ghi là Thọ và Hưởng thọ bất kỳ lứa tuổi nào .

 2/ Một số là ghi Hưởng Dương áp dụng cho người mất dưới 20 tuổi, còn trẻ chưa lập gia đình,

     Cũng thấy những người dưới  60 tuổi dùng chữ hưởng dương, xem xét kỷ thì là những mộ phần người mất sau năm 1980, hoặc mộ phần đã lâu được con cháu tôn tạo lại lập bia mới vào những năm gần đây dùng chữ mới là Hưởng Dương.

3/ Đa số bia mộ không ghi tuổi chết mà ghi ngày tháng năm sinh và ngày tháng từ trần mà thôi.

Lượt qua việc lập bia bất cứ thời nào thì ta thấy phần căn bản là : ghi tên  họ người mất, pháp danh hay tên thánh ( theo tôn giáo) Ngày sinh, nơi sinh. Ngày mất nơi mất . Từ đó  suy ra ta biết được tuổi , không cần phải dùng  chữ xác định là hưởng dương hay hửơng thọ.

Thực lòng mà nói trong tâm cảm của ta khi đọc trên một bia mộ thấy ghi chữ thọ hay hưởng thọ ta cảm nhận được sự thanh  thản, bình thường. Trong lúc gặp phải chữ Hưởng dương cảm thấy buồn buồn, thương tiếc hay nói khác đi cảm nhận một cách nặng nề vì nói rõ ra đó là đoản thọ, yểu mệnh… mà lại  đem khắc trên bia lưu danh nữa chứ!

Tập tính của chúng ta luôn rộng lượng đối với người bệnh cũng như người đã khuất, tôi cũng từng viết điếu văn ,đọc lời cảm tạ  trước khi hạ huyệt . Nên nhận  được khuyên nhủ của các bậc cao niên trưởng lão là chớ dùng ngôn từ mang ý trách móc, chê bai mà hãy dành cho những người ra đi những lời ca tụng, những lời tri ân  nhẹ nhàng để họ được yên lòng nơi chin suối.

Xét cho cùng, người mất có đòi hỏi gì đâu,  gọi là làm cho người mất thực sự là vì ta , phải tổ chức tầm cỡ mới xứng đáng cương vị mình hiện nay , phải là áo quan gỗ quí, phải có  bát âm,  nhạc sống, phải có dàn kèn đồng…rồi mộ phần phải đồ sộ, phải gạch này ,đá nọ, và đến cả cái bia được đặt trước mộ phần  thì cũng chính do ta đặt do ta đề xuất ghi tạc.

Theo truyền thuyết về tâm linh thì mỗi người có một căn phần, một số mệnh, một nghiệp duyên cuộc sống dài hay ngắn đều nằm trong đó, người  nhận được ít, người nhận được nhiều… Sao ta không dùng chữ Thọ mà lại dùng chữ Hưởng Dương để mỗi lần nhìn thấy, là mỗi lần đau đáu trong lòng.

Cuối cùng chúng ta phải khẳng định rằng việc lập bia mộ là dấu tích ghi lại cho người quá vãng, do chính ta thực hiện, không có một luật định bắt buộc nào,

 Trong lúc người ra đi đối với  với người  không tôn giáo thì có lời chúc “  an nhàn về cõi Vĩnh hằng” với Thiên chúa giáo thì  dùng “ Chúa Gọi Về “ “ Chết  là vào cõi sống đời đời” với Phật Giáo  “ Vãng sanh cực lạc quốc” “nhàn du Phật Quốc “ . Thì cớ chi lại khắc trên bia người thân mình cái chữ  “Hưởng Dương “làm cho chính mình đau xót ?

 

Tôi cũng xin tâm sự rằng, khi bài viết này chưa thành hình thì hộp thơ điện tử của tôi đầy tin nhắn của không biết bao địa chỉ : …X nghiatrang@ …Y.đatthanh@....  Z.hoaviendiatang@.... …cimetiere@... …cemetery@... nói chung là toàn thế giới.

Tới tấp gửi về, đại ý cho biết cuộc đời là bể khổ, họ đã tự nguyện ra đi và đề nghị mai hậu đừng khắc chữ Hương Dương vào bia mộ nữa.

Bùi Tho

Tin mới

Các tin khác

Lượt xem: 38800