Đạo Cao Đài trong kỷ niệm nhạc sĩ Lê Thương

Chuyên mục: Sưu Tầm Được đăng: Thứ tư, 27 Tháng 1 2016 Viết bởi Ban điều hành

Đạo Cao Đài trong kỷ niệm nhạc sĩ Lê Thương

Lê Anh Dũng


Nhạc sĩ Lê Thương, tên thật là Ngô Đình Hộ, sinh ngày 08.01.1914 tại Nam Định. Lên chín, mẹ mất; cha sớm tục huyền, ba anh em trai ông cùng một em gái sống với bà nội, là trùm họ đạo Thiên chúa ở phố Hàm Long, Hà Nội. An-tôn Ngô Đình Hộ học chữ và nhạc ở trường Dòng. Đang học lớp đệ Tứ, ông bỏ ngang, vào Nam (1934) làm việc cho một hãng buôn Pháp. Hai mươi tuổi, Lê Thương sáng tác bản nhạc đầu tay: Trưng vương. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là trường ca nhạc cảnh Hòn vọng phu (ba bài, sáng tác trong các năm 1945, 1946, 1947). Nhạc sĩ Lê Thương có một kỷ niệm với đạo Cao đài trong quá trình sáng tác Hòn vọng phu II, tức Ai xuôi vạn lý. Ông tâm sự :

 

“Sau khi hoàn tất nhạc phẩm Hòn vọng phu I, tôi nhờ nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đưa ra Bắc phổ biến hồi năm 1945. Vào năm 1946, tôi đang sống trong vùng kháng chiến, tiếp tục sáng tác bài Ai xuôi vạn lý tức là Hòn vọng phu II...
“Tôi sáng tác Ai xuôi vạn lý đang thời kháng Pháp. Tôi len lỏi trong vùng Chẹt Sậy nằm ven cửa biển An Hóa, Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Đó là thời tuổi trẻ luân lạc nhất của đời tôi. Nhiều trận giặc Pháp ruồng bố, tôi chạy theo gia đình ông Đầu tộc đạo Cao đài trong vùng Chẹt Sậy.
“Vì ăn uống quá kham khổ, tôi đau một trận thập tử nhất sinh, nhờ có gia đình ông này chăm sóc thuốc men cứu giúp, tôi mới còn sống đến ngày nay. Phải gặp hoàn cảnh khốn khổ cùng cực của cuộc sống ta mới thấy được lòng nhân đạo của đồng bào Việt Nam cư xử với nhau.
“Tôi sáng tác Ai xuôi vạn lý lúc đang ăn gửi nằm nhờ trong gia đình đạo Cao đài, sau khi tôi đau sắp chết cho nên trong nhạc phẩm này có những câu trối trăn rất đỗi bi quan: Thôi, đứng đợi làm chi. Thời gian có hứa mấy khi, sẽ đem đến trả đúng kỳ. Những người mang mệnh biệt ly.
“(...) tôi cũng xin nói về thêm âm giai trong bài Ai xuôi vạn lý này có âm hưởng kinh Cao đài, mà trong thời gian tôi tá túc gia đình ông Đầu tộc Cao đài, sớm tối nghe giọng tụng kinh, và lời thuyết giáo (...) đã thấm vào tôi lúc nào không hay. Đến khi tìm giai điệu thể hiện Ai xuôi vạn lý thì âm hưởng trầm bổng của hơi nhạc lễ trong kinh Cao đài đã lồng vào đoạn nhạc mở đầu (introduction) một giai điệu trầm bổng buồn buồn: Phá rê, rê, phà phá. Phá rê, rê đồ rê phá là (...) Rề, pha xôn lá pha, xôn rề. Rồi lời ca và tiết điệu như âm hưởng những lời rao giảng: Đá mòn nhưng hồn chưa mòn giấc mơ. Có đám cây trên đồi, sống trong, trong mơ hồ. Ngày nào tròn trăng, lại nhớ đến tích xưa. Khi tướng quân qua đồi, kéo quân, quân theo cờ. Đoàn cỏ cây hãy còn trẻ thơ. Cho đến bây giờ. đã thành đoàn cổ thụ già. Mà chờ người đi mất từ ngàn xưa. Nàng đứng ôm con xem chàng về hay chưa?”

Nhạc sĩ Lê Thương với tâm hồn dân tộc, thể hiện trong sáng tình dân tộc bằng giai điệu Việt Nam qua trường ca Hòn vọng phu. Do hoàn cảnh lịch sử, ông có dịp gần gũi, tiếp cận nhạc lễ Cao đài, tâm hồn dân tộc trong Lê Thương và tính dân tộc trong Cao đài đã cùng nhau hòa điệu. Ảnh hưởng sâu sắc này lắng đọng trong tiềm thức, để đến khi sáng tác Ai xuôi vạn lý, ở khoảnh khắc nào đó rất tự nhiên, cái hồn dân tộc trong giai điệu Cao đài đã phả sinh lực vào hồn nhạc Ai xuôi vạn lý, và Lê Thương đã lưu lại cho đời một kiệt tác bất hủ còn rung động mãi lòng ai nặng tình quê hương đất nước.
LÊ ANH DŨNG
( nguồn : tranquanghai.info)

 

 

Tin mới

Các tin khác

Lượt xem: 16125