Vài nét về địa danh tỉnh Tây Ninh

Chuyên mục: Sưu Tầm Được đăng: Thứ tư, 25 Tháng 7 2018 Viết bởi Ban điều hành

Vài nét về địa danh tỉnh Tây Ninh

 PGS TS Lê Trung Hoa

 

1.Nam Bộ gồm 2 thành phố và 17 tỉnh. Chúng tôi đã và đang hướng dẫn sinh viên và học viên cao học sưu tập và nghiên cứu địa danh của 11 tỉnh, thành; còn 8 tỉnh, thành chưa có điều kiện thực hiện khảo cứu, trong đó có tỉnh Tây Ninh. Bài viết này mở đầu cho công việc sắp tới.

2.1.Chúng tôi chia địa danh Việt Nam làm 4 loại: địa danh chỉ địa hình thiên nhiên (tên núi, sông, rạch, biển,…), địa danh hành chính (tên thôn, xã, quận, huyện,…), địa danh vùng (tên khu, xóm, địa điểm,…) và địa danh chỉ công trình xây dựng thiên về không gian hai chiều (tên cầu, đường, công viên, sân vận động,…)*.

2.2.Sau đây chúng tôi sẽ lần lượt điểm qua bốn loại địa danh trên.

2.2.1. Trước hết là loại địa danh chỉ địa hình.

Bà Đen là tên ngọn núi cách thị xã Tây Ninh 15km, cao 986m, một điểm du lịch nổi tiếng. Cũng gọi là núi Bà.

Có 5 giả thuyết giải thích nguồn gốc của địa danh này: 1.Nàng Đênh quyết chí đi tu ở núi; cha mẹ ép duyên; nàng trốn biệt tích; tên núi Bà Đênh nói chệch thành Bà Đen [5]. 2. Cô Lý Thị Thiên Hương yêu và định lấy một trí thức tên Lê Sĩ Triệt, nhưng bị tên công tử bắt cóc; nàng tuẫn tiết; vua phong cho nàng là Linh Sơn Thánh mẫu [8].

3. Nàng Rê Đeng cùng chàng trai đắp núi thi; cuối cùng nàng thắng, tên nàng trở thành tên núi; 4. Nữ Oa và Tứ Tượng thi đắp núi; nếu Tứ Tượng thắng thì thành vợ chồng; cuối cùng nàng thắng; núi nàng đắp trở thanh núi Bà Đen. 5. TS. Thái Văn Chải (trao đổi riêng) bảo rằng: Có một nữ thần của người Khmer, gọi là “Mẹ Đen” (Néang Khmâu), mà hòn núi là bàn chân của bà nên trước đây thường gọi là Phnom Chơn Bà Đen (người Việt gọi núi Chơn Bà Đen)[10]; hiện trên núi còn dấu chân này. Chúng tôi vừa đến đó (2009) và thấy dấu chân này khắc trên đá, lớn hơn dấu chân người một chút. Thuyết thứ 5 có lý nhất.

Cái Răng là rạch ở xã Thanh Điền, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh.

Cái Răng còn là tên quận của thành phố Cần Thơ; tên cầu trên một tuyến đường ở tỉnh An Giang và là tên đường nông thôn ở huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau.

Có ý kiến cho rằng Cái Răng do từ Khmer Kran “cái cà ràng” mà ra [10]. Chúng tôi nhận thấy: k- thường biến thành cà (crème > cà rem) chứ không biến thành cái. Cái là “rạch” (ở Nam Bộ có độ 300 địa danh mang từ Cái ở đầu); Răng: có lẽ do Kran.

Chàm là hang ở núi Bà Đen, nơi có nhiều đồng bào Chăm vào nghỉ ngơi, ăn uống. Chàm là từ chỉ người, nướcChăm / Chămpa, vì trước đây họ từng ở nơi này.

Rỏng Tượng là tên một dòng nước ở tỉnh Tây Ninh. Cũng gọi là Láng Tượng.

Rỏng Tượng là đường khuyết sâu do voi đi lại nhiều lần tạo nên.

Trao Trảo là gò ở xã Cẩm Giang, huyện Gò Dầu.

Trao Trảo có lẽ là biến âm của tên cây trao tráo, là “loại cây cao 3-4m, thân không gai, trái dẹp, không ăn được, lá giống lá quýt” [1].

 2.2.2.Tiếp theo là địa danh chỉ vùng.

Bàu Nâu là địa điểm ở huyện Gò Dầu.

Bàu Nâu là cái bàu, ở đó có cây nâu - một loại “dây leo, củ có màu đen dùng nhuộm vải” [4]. Ở tỉnh Tiền Giang cóGiồng Nâu.

Bến Đổi là địa điểm nay thuộc xã Cẩm Giàng, huyện Gò Dầu. Cũng gọi Trường Đổi.

Bến Đổi là “nơi trao đổi hàng hoá giữa người Việt và người Chăm” lúc quân Pháp mới xâm chiếm vùng này [8].

Bến Kéo là địa điểm thuộc xã Long Thành, tỉnh Tây Ninh, trên qưốc lộ 22, cách tỉnh lỵ 8km. Vì trước kia đường sá khó đi nên hàng hoá từ Sài Gòn chở đến đây phải tập trung lại để thuê xe bò chở tiếp.

Bến Kéo là “bến tập trung xe để kéo hàng” [8].

Bố Heo là địa điểm ở trong núi Bà Đen.

Bố Heo có thể là khu có nhiều cây bố, có heo rừng sinh sống ở đó. Cây bố cũng gọi là cây đay, là “cây trồng thuộc loại thân cỏ, vỏ thân có thể tạo sợi dùng làm bao tải, dây buộc” [11]. Có lẽ Bố trong  Bố Lá ở Bình Phước cũng là từ này.

Gò Dầu Hạ và Gò Dầu Thượng là hai khu vực thuộc huyện Gò Dầu.

Gò Dầu Hạ là “gò cây dầu ở phía dưới” và Gò Dầu Thượng là “gò cây dầu ở phía trên”, Gò Dầu Hạ xa biên giới Việt Nam-Campuchia hơn Gò Dầu Thượng.

2.2.3. Kế đến là tên công trình xây dựng.

Dầu Tiếng là hồ nhân tạo ở xã Phước Minh, huyện Dương Minh Châu, cách thị xã Tây Ninh 20km, diện tích 27.000ha, chứa 1,5 tỉ mét khối nước để phục vụ tưới tiêu cho tỉnh Tây Ninh và thành phố Hồ Chí Minh. Dầu Tiếng còn là tên huyện và thị trấn của tỉnh Bình Dương, được tách ra từ huyện Bến Cát từ năm 1999.

Chúng tôi chưa biết nguồn gốc và ý nghĩa của địa danh này.

Mộc Bài là cửa khẩu giữa Việt Nam và Campuchia, ở huyện Gò Dầu, diện tích 21.284ha, có 180.000 lao động tại chỗ; nơi trao đổi hàng hoá giữa hai nước.

Mộc Bài gốc Hán Việt, nghĩa là “cái thẻ hay cái bảng bằng gỗ để làm dấu, chỉ ranh đất” (tablette).

Ông Năm Vinh là tên bến đò ở huyện Gò Dầu. Cũng gọi là bến đò Cầu Sắt.

Ông Năm Vinh là Trình Minh Vinh, cha của Trình Minh Thế, độc quyền quản lý, thường xuyên có hai chiếc tàu đò chạy từ Cầu Sắt đến Cẩm Giang và ngược lại [9].

Tha La là vùng đất ở xã An Hoà, huyện Trảng Bàng. Tha La còn là tên ao ở xã Tân Lý Tây, tỉnh Tiền Giang; tên xóm ở huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, tên chợ ở huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long.       

Tha La gốc Khmer Sa-la, có hai nghĩa là “trường học” và “chòi ở bên đường để khách nghỉ chân”.

Trại Bí là địa điểm gần núi Bà Đen, thuộc xã Tân Phong, huyện Tân Biên, cách thị xã Tây Ninh 22km.

            Trại Bí là nơi mà những người đi chặt củi, bứt mây rừng đem theo bí nấu canh, bỏ hột nên bí mọc khắp nơi [8].

Gò Chai là bến phà vượt sông Vàm Cỏ Đông, thuộc huyện Châu Thành.

Gò Chai là gò có nhiều cây chai mọc. Chai là loại cây cho mủ đóng cục, nấu chảy để thắp, đốt.

Gò Kén là địa điểm ở xã Hiệp Tân, huyện Hòa Thành.

Gò Kén là gò đất rộng có mọc nhiều cây kén, một loại cây có lá xanh, trái chín như trái hồng đào [8].

2.2.4.Sau cùng là địa danh hành chính.

Địa danh Tây Ninh hiện nay vừa là tên tỉnh vừa là tên thị xã.

Tỉnh Tây Ninh hiện nay có diện tích 4.029,6km2, dân số 1.066.402 người (2009), gồm thị xã Tây Ninh và 8 huyện: Bến Cầu, Châu Thành, Dương Minh Châu, Gò Dầu, Hoà Thành, Tân Biên, Tân Châu, Trảng Bàng với 8 thị trấn, 5 phường và 82 xã.

Thị xã Tây Ninh gồm 5 phường: 1, 2, 3, 4, Hiệp Ninh và 5 xã: Bình Minh, Ninh Sơn, Ninh Thạnh, Tân Bình, Thạnh Tân.

Ở mùa thu năm 1836, Tây Ninh là một phủ của tỉnh Gia Định, gồm hai huyện với 7 tổng và 56 xã thôn. Năm 1878, Tây Ninh là một hạt của khu vực Sài Gòn, gồm 2 huyện Tân Ninh và Trảng Bàng. Đến năm ngày 1-1-1900, Tây Ninh trở thành một tỉnh của Nam Bộ [3].

Tỉnh Tây Ninh được thành lập lại ngày 22-10-1956 (tỉnh lỵ Tây Ninh). Ngày 3-1-1957, tỉnh Tây Ninh có 3 quận (Châu Thành Tây Ninh, Gò Dầu Hạ và Trảng Bàng). Quận Châu Thành Tây Ninh gồm 6 tổng; quận Gò Dầu Hạ gồm 3 tổng và quận Trảng Bàng chỉ có 1 tổng (Hàm Ninh Hạ).

Trong Mê-kông ký sự, người ta thấy ở Trung Quốc hiện giờ cũng có địa danh Tây Ninh.

Tây Ninh gốc Hán Việt, nghĩa là “an ninh ở phía tây”.

Bến Cầu là huyện của tỉnh Tây Ninh, diện tích 233,3km2, dân số 59.000 người (2006), gồm thị trấn Bến Cầu và 8 xã: An Thạnh, Long Chữ, Long Giang, Long Khánh, Long Phước, Long Thuận, Lợi Thuận, Tiên Thuận. Tên huyện ra đời năm 1961.

Bến Cầu là “bến nằm cạnh cái cầu”. Chúng tôi chưa biết vị trí bến và cây cầu cụ thể nào ở đây.

Châu Thành là huyện của tỉnh Tây Ninh, diện tích 571,3km2, dân số 119.200 người (2006), gồm thị trấn Châu Thành và 14 xã: An Bình, An Cơ, Biên Giới, Đồng Khởi, Hảo Đước, Hoà Hội, Hoà Thạnh, Long Vĩnh, Ninh Điền, Phước Vinh, Thái Bình, Thanh Điền, Thành Long, Trí Bình. Tên huyện ra đời năm 1942.

Châu Thành đồng nghĩa với thành phố. Huyện nào bao quanh thị xã hoặc thành phố thì gọi là huyện Châu Thành. Ở Nam Bộ hiện có tất cả 11 huyện mang tên Châu Thành.

Dương Minh Châu là huyện của tỉnh Tây Ninh, diện tích 606,5km2, dân số 99.500 người (2006), gồm thị trấn Dương Minh Châu và 10 xã: Bàu Năng, Bến Củi, Cầu Khởi, Chà Là, Lộc Ninh, Phan, Phước Minh, Phước Ninh, Suối Đá, Truông Mít.

Dương Minh Châu (1912-1947) quê tại làng Linh Thạnh, tỉnh Tây Ninh, là Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến tỉnh Tây Ninh, đại biểu Quốc hội khoá 1, hy sinh trong kháng chiến chống Pháp, được phong Anh hùng Lực lượng vũ trang năm 1998.

Gò Dầu là huyện của tỉnh Tây Ninh, diện tích 250,5km2, dân số 135.300 người (2006), gồm thị trấn Gò Dầu và 8 xã: Bàu Đồn, Cẩm Giang, Hiệp Thạnh, Phước Đông, Phước Thạnh, Phước Trạch, Thanh Phước, Thạnh Đức.

Gò Dầu gốc thuần Việt, vốn có nghĩa là “gò có nhiều cây dầu”.

Trảng Bàng là quận từ ngày 3-1-1957, gồm quận lỵ Gia Lộc và 7 xã: An Hoà, An Tịnh, Đôn Thuận, Gia Bình, Gia Lộc, Lộc Hưng, Phước Chỉ.

Hiện nay, Trảng Bàng là huyện của tỉnh Tây Ninh, diện tích 337,8 km2, dân số 139.400 người (2006), gồm thị trấn Trảng Bàng và 10 xã: 7 xã cũ và 3 xã mới: Bình Thạnh, Hưng Thuận, Phước Lưu.

Trảng Bàng được dùng làm địa danh hành chính năm 1878. Trảng là khoảng đất rộng giữa rừng hoặc giữa hai khu rừng. Còn Bàng có lẽ là cỏ bàng. Vậy Trảng Bàng vốn có nghĩa là cái trảng có nhiều cỏ bàng. Còn theo Trương Vĩnh Ký, trước kia người Khmer gọi vùng đất này là Srôk Oknha Păn (xứ Ông quan Păn).

Tiếp theo, chúng tôi thử giải mã một số tên xã gốc thuần Việt.

Bàu Đồn là xã của huyện Gò Dầu.

Bàu Đồn là “cái bàu ở gần một đồn lính”. Chưa biết cụ thể đồn này tên gì.

Bàu Năng là xã của huyện Dương Minh Châu.

            Bàu Năng có lẽ có dạng gốc là Bàu Năn, tức “bàu cỏ năn”, bị viết sai chính tả.

Bến Củi là xã của huyện Dương Minh Châu.

Bến Củi là “bến chứa nhiều củi”.

Cầu Khởi là xã của huyện Dương Minh Châu.

Cầu Khởi có dạng gốc là Cầu Khỉ, chỉ chiếc cầu nhỏ và không vững chắc.

Chà Là là xã của huyện Dương Minh Châu.

Chà Là có lẽ là tên cây mọc nhiều ở vùng này.

Mỏ Công là xã của huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh. Chúng tôi chưa biết nguồn gốc và ý nghĩa của địa danh này.

Suối Dây là xã của huyện Tân Châu.

Suối Dây có lẽ là “con suối chảy qua vùng rừng có nhiều dây leo”.

Suối Đá là xã ở huyện Dương Minh Châu.

Suối Đá vì dưới lòng và hai bên suối có nhiều đá lớn nhỏ.

Suối Ngô là xã của huyện Tân Châu.

Suối Ngô có lẽ là “suối chảy qua vùng trồng nhiều bắp”.

Truông Mít là xã của huyện Dương Minh Châu.

Truông Mít là “vùng đất hoang, rậm, có nhiều cây mít”.

Sau đây chúng tôi thử giải mã một số tên xã gốc Hán Việt.

Cẩm Giang là xã của huyện Gò Dầu, có nghĩa là “sông gấm”.

Long Chữ là xã của huyện Bến Cầu.Long Chữ có lẽ có dạng gốc là Long Chử, từ tổ Hán Việt, nghĩa là “bãi lớn/thịnh vượng”. Do người ta không biết nghĩa của từ Chử và rất quen với từ Chữ nên viết sai.

Hảo Đước là xã của huyện Châu Thành. Hảo Đước có âm gốc là Hảo Đức, có nghĩa là “đạo đức và tốt đẹp”. Có lẽ do kiêng húy Nguyễn Huỳnh Đức hoặc Trịnh Hoài Đức, là những quan lớn ở thế kỷ 19 nên phải nói chệch.

Tân Bình là xã của thị xã Tây Ninh và huyện Tân Biên, có nghĩa là “yên bình ở nơi đất mới”.

Tân Phong là xã của huyện Tân Biên, có nghĩa là “gió mới”.

Thanh Điền là xã của huyện Châu Thành, có nghĩa là “ruộng xanh”.

Trường Hòa là xã của huyện Hòa Thành, nghĩa là “hòa thuận lâu dài”.

3.Trên đây chỉ là bước đầu khảo sát vài chục địa danh ở tỉnh Tây Ninh. Khi điều kiện cho phép, chúng tôi sẽ tiến hành nghiên cứu kỹ hơn, đầy đủ hơn địa danh ở vùng đất này. Hi vọng ngày ấy không xa.   

LTH   

( Nguồn: internet)                                

Tin mới

Các tin khác

Lượt xem: 2769