Chuyện trên tàu

Chuyên mục: Sưu Tầm Được đăng: Thứ năm, 28 Tháng 8 2014 Viết bởi Sưu tầm

CHUYỆN TRÊN TÀU

THÁI BÁ TÂN

Ðúng giờ, đoàn tàu tốc hành Bắc Nam, loại nhanh và tiện nghi nhất mới đưa vào hoạt động, rời ga Hà Nội. Khoảng ba mươi phút sau thì ra khỏi thành phố và hiện đang chạy giữa những cánh đồng trống thoảng mùi đất mới cày lật. Không khí về đêm dễ chịu. Chắc trời nhiều sao, có thể còn có cả trăng, vì nhìn ra

ngoài thấy sang sáng.

Trong cup-pê có sáu giường trải nệm trắng muốt, nhưng chỉ bốn khách. Toàn những người đàn ông đứng tuổi, có thể nói đã già hoặc sắp già. Sau một lúc hỉ hả khen thời bây giờ đi lại sướng chứ không như những năm bao cấp, mấy ông chuyển sang nói chuyện gẫu. Một ông kể lại nội dung bài báo nào đó mới đọc, thế là bây giờ họ quay sang tranh luận, khe khẽ và chẳng mấy hào hứng, về việc liệu bản chất con người có thể thay đổi hay không, nhất là khi trải qua một sự kiện đặc biệt, đại khái như một cú sốc chẳng hạn.

- Tôi nghĩ có đấy. - Một ông nói. Ông là một bác sĩ đã nghỉ hưu, nay mở phòng khám riêng. Ông mắc bệnh hen suyễn nên hàng năm cứ dịp này là vào Sài Gòn sống với con mấy tháng.

- Trước cũng như bác đây, tôi chẳng tin, nhưng vừa rồi ở chỗ tôi xẩy ra một chuyện khiến tôi thay đổi ý kiến.

      Ông bác sĩ đưa mắt nhìn mấy bạn đồng hành xem họ có muốn nghe không. Tất nhiên các các ông kia muốn nghe.  Sửa lại thế ngồi, ông kể.

*       Chuyện này xẩy ra với chính thằng cháu tôi chứ chẳng phải ai khác. Hắn năm nay mới ngoài ba mươi, tốt nghiệp tin học Bách khoa và từng là cán bộ một viện nghiên cứu lớn. Hắn thông minh, tư chất tốt, chỉ tội quá máu mê cờ bạc nên mọi việc hóa ra tồi tệ, tất tồi tệ. Bị đuổi việc do lấy tiền cơ quan ném vào trò đỏ đen, bị vợ bỏ, rồi bị gia đình, anh em xa lánh, cuối cùng hắn trơ lại một mình với đứa con trai năm tuổi.     

       Lúc li dị, vợ hắn nhận nuôi đứa nhỏ hơn, ba tuổi. Hắn kiếm sống bằng nghề sửa chữa đồ dùng điện tử. Ai thuê thì làm chứ chẳng có cửa hàng cửa hiệu gì. Hình như hắn cũng kiếm được vì thấy vẫn có tiền chơi đề đều đều. Không hiểu các vị nghĩ thế nào, chứ tôi thì tôi cho rằng nghiện cờ bạc, đề đóm cũng là một dạng bệnh, và với tư cách một căn bệnh, nó có các giai đoạn phát triển với mức độ nặng nhẹ khác nhau. Căn bệnh này ở thằng cháu tôi thì chắc chắn đã vào giai đoạn chót, có thể gọi vô phương cứu chữa.  Nhưng thôi, đó thuộc đề tài khác.

      Một hôm, người ta nhắn tôi đến nhà hắn ngay. Thì ra hắn ốm liệt giường đã hai ngày. Chỉ sốt bình thường, nhưng nếu để lâu thêm nữa không chữa trị thì có thể nguy hiểm. Ngay tối hôm ấy hắn tỉnh, thôi mê sảng và đã có thể nói chuyện.

     Phải nói rằng dẫu không được tôi yêu mến lắm - chủ yếu vì thói xấu kia - nhưng hắn rất quí và tin tôi. Hôm ấy hắn đã kể tôi nghe chuyện này kỳ cục lắm, các vị xem có tin được không.

      Một tối nọ đang ngủ thì có người đến gọi dậy nhờ đi chữa gấp một thiết bị nào đấy rất quan trọng và hứa sẽ trả công hậu hĩnh. Không do dự, hắn đồng ý đi ngay. Theo hắn kể thì sau khoảng một giờ ngồi trong ô tô bịt kín, hắn được đưa vào một nơi tối om. Ở đấy, người ta dùng nến soi cho hắn chữa một thứ mà thoạt nhìn hắn biết là thiết bị điện tử điều khiển hệ thống chiếu sáng. Một việc không khó với những chuyên gia giỏi như hắn. Khoảng nửa giờ sau đèn bỗng rực sáng khắp nơi. Hắn ngạc nhiên thấy mình đang đứng trong một cung điện cực kỳ lộng lẫy kiểu vua chúa ngày xưa, với những người xung quanh cũng giống người ngày xưa, từ cách ăn mặc, đi đứng đến cư xử. Dường như họ đang có buổi yến tiệc nào đó thì mất điện, nên phải nhờ hắn.

       Người dẫn hắn đến đây - một ông già bây giờ hắn mới kịp nhìn rõ, mặc áo thụng màu xanh, thắt lưng đỏ to bản, chân đi hài nhung mà hắn đoán là người thừa sai nơi này - thấy xong việc liền vội vàng dẫn hắn ra ngoài. Ông ta rút từ túi áo thụng một tờ giấy gió, lấy bút lông viết mấy con số lên đó rồi đưa cho hắn:  Tiền công anh đây! Nhiều đấy. Hãy chi tiêu cho đúng mục đích và đừng dính vào mấy cái trò đỏ đen kia nữa!  Xong, ông ta cùng cái lâu đài to đẹp và bí ẩn kia biến mất.

      Sáng tỉnh dậy, hắn thấy mình đang nằm trong một nghĩa trang gần như hoang phế hoàn toàn ở Cổ Loa, nơi có những ngôi mộ rất lớn với những chiếc bia đá cũng lớn đã bị thời gian ăn mòn, nhìn kỹ lắm mới thấy một vài chữ nho mà hắn không hiểu nghĩa. Tờ giấy gió vẫn ở trong tay. Hắn ngơ ngác đi ra đường nhựa rồi nhảy xe buýt về Hà Nội. Dọc đường, hắn suy nghĩ mãi về những điều kỳ lạ mới xẩy ra, về tờ giấy  tiền công  với mấy con số trên đó. Cuối cùng vì thông minh, vì máu đỏ đen đã ngấm vào mọi ý nghĩ, hắn đoán đây là con số độc đắc kỳ xổ số lần này. Vậy là suốt buổi sáng hôm ấy hắn lùng khắp nơi mua tấm vé có con số đó, và đã mua được, lúc về tới nhà thì lên cơn sốt nặng. Khi tỉnh lại, hắn nhờ tôi ra phố mua giùm tờ báo có kết quả xổ số. Các vị tin hay không thì tùy, nhưng hắn đã trúng độc đắc. Ðúng con số ghi trên tờ giấy. Năm trăm triệu!

       Xưa nay tôi chẳng bao giờ tin chuyện ma quỉ, cả cái chuyện kỳ cục kia mà hắn đã kể một cách chân thành tôi cũng không tin. Tôi nghĩ chẳng qua hắn say rượu (hắn cũng là một ma men có tiếng) nên ngủ quên đâu đó ở vệ đường, hoặc bị bọn bạn đùa, khênh ra nghĩa trang. Nhưng không tin là một chuyện, còn tờ giấy (tôi tận mắt xem rất kỹ lúc ở nhà hắn) và cái vé trúng số kia là có thật và không thể phủ nhận được.

         Sau đó thì sao? Sau đó hắn nhờ tôi cùng đi tới chỗ nhận tiền. Ở đấy, vẫn còn tái nhợt và hơi run run vì chưa khỏi hẳn, hắn yêu cầu người ta chuyển tất cả số tiền trúng thưởng vào một sổ tiết kiệm, chỉ giữ lại đúng mười triệu đồng, chia đôi đưa tôi một nửa nhưng tôi không lấy. Hắn cũng từ chối lời mời dự lễ trao giải được phát qua truyền hình vào chiều hôm sau. Tôi lặng lẽ theo dõi, và thấy hình như có cái gì đấy rất lớn, rất quan trong đang xẩy ra trong con người hắn. Tôi chẳng là nhà tâm lý để tìm hiểu cái đó là gì, cũng không biết có mối liên hệ nào không giữa sự thay đổi ấy với câu chuyện kỳ cục hắn kể.  Chỉ thấy hắn như người khác lạ, ngơ ngơ ngác ngác và ít nói hẳn.

         Vâng, sau vụ trúng số, hắn trở thành một người hoàn toàn khác. Ý tôi muốn nói thành người tốt. Vì thế mà lúc nãy tôi bảo tôi tin bản chất con người cũng có thể thay đổi. Nhưng... - ông bác sĩ bỗng hạ giọng thở dài.

- Nhưng cũng từ đấy nhiều rắc rối đã xuất hiện.          

     Nơi hắn ở là một điển hình của sự lộn xộn về xây dựng, tương phản giàu nghèo và tính phức tạp của thành phần dân cư ở Hà Nội ta hiện nay. Nó nằm cuối đường Kim Ngưu, vốn xưa là bãi đất trống sát bờ sông, sau bị lấn chiếm dần rồi thành khu dân cư hợp pháp. Bám quanh quãng đường ba bốn trăm mét lổn nhổn những ngôi nhà dài đuỗn cao ngất, na ná giống nhau trừ màu sắc và độ mới cũ của lớp sơn, xen kẽ những túp lều mái dầu hoặc nhà cấp bốn xiêu vẹo. Nhà hắn một tầng, đổ trần xi măng, có thể gọi lớp giữa của hai cực giàu nghèo ở đây. Cái nghề hắn làm cũng vậy, chẳng phải hèn mọn mà cũng không hẳn lương thiện, vì hắn hay lòe tiền công khách hàng. Bên phải nhà hắn là căn nhà ọp ẹp của vợ chồng Tư Béo. Cả hai không nghề nghiệp hoặc nghề nghiệp không rõ, thuộc loại bất hảo. Ðã trên bốn mươi nhưng hai người này (không hiểu có đúng vợ chồng thật không) có đứa con gái mới bốn tuổi. Tội nghiệp con bé nhiều hôm bố mẹ  đi làm  cả ngày quên không cho ăn phải ăn nhờ hàng xóm. Tư Béo và hắn đã mấy lần cãi nhau vì cái bờ rào của miếng đất ba mét vuông tranh chấp sau nhà. Thấy hắn không phải tay vừa nên gã chưa dám làm mạnh, chỉ để bụng ngấm ngầm. Bên trái là ngôi nhà bốn tầng mới xây của một cán bộ  hưu non  mà ai cũng biết là bị đuổi việc vì tham ô. Lão này kín tiếng, ít giao tiếp và ra mặt khinh bỉ những người nghèo trong khu. Ðối diện là ba ngôi nhà cao hình ống khác, trong đó có nhà một cặp vợ chồng đang ngồi tù vì buôn ma túy, nên luôn đóng cửa. Kế đó là quán nước chè, quán cơm bình dân và cửa hiệu  gội đầu thư giãn  của mấy cô tỉnh lẻ về đây lập nghiệp. Cuối cùng, gần kịch ngõ, là nhà bà Bình Cháo, một  nhân vật rất đặc biệt . Ðó là một bà nhà quê chẳng biết từ đâu đến, và là một trong những người đầu tiên ngụ ở xóm này. Bà ta sống một mình bằng nghề đồng nát, hôm nào cũng đúng bảy giờ quảy gánh không ra đi, tối mịt mới về, vẫn chiếc gánh không ấy sau khi đã bán những thứ thu lượm được trong ngày. Ðiều này chẳng gì đáng nói, vì thành phố nào chả đầy rẫy những người như bà. Cái đáng nói là, các vị thử hình dung xem, hôm nào trước lúc đi làm bà cũng dậy sớm, nấu hai xoong cháo lớn, loại xoong trước kia ta hay dùng nấu bánh chưng, rồi gánh ra bệnh viện Thanh Nhàn. Không phải để bán mà cho không. Cái bệnh viện ấy nổi tiếng chỉ toàn người nghèo từ các tỉnh xa về chữa bệnh, nên khỏi nói họ cơ cực thế nào. Có thể bà hoặc ai đó người thân của bà từng là bệnh nhân như thế ở đây. Vâng, một bà đồng nát lặng lẽ làm công việc từ thiện ấy hàng ngày, đến nay đã hơn mười năm. Một việc làm khiến nhiều người ngẫm mình thấy lương tâm vương vấn, nhiều người thắc mắc không hiểu vì sao. Cũng có kẻ độc mồm bảo phải có ý đồ gì đó. Rồi cuối cùng, không ai bảo ai, người ta cố tình không nhắc, không nghĩ đến bà nữa, một nhân vật đặc biệt và chương chướng như tôi đã nói.                   

         Quay lại chuyện thằng cháu tôi. Vâng, hắn đã trở thành người khác hẳn, hay nếu các vị muốn, bản chất hắn đã thay đổi. Ðiều này thể hiện rõ nhất ở việc hắn thôi không chơi trò đỏ đen nữa. Cả rượu cũng không. Tôi những tưởng tiền bạc vào tay những người như hắn chẳng mấy chốc sẽ hết. Thế mà không. Hắn chẳng bao giờ dùng tiền trúng số tiêu phí phạm điều gì. Thậm chí không ai biết hắn trúng số, ngoài tôi. Hắn vẫn làm nghề cũ, tu sửa lại ngôi nhà, chăm sóc con nhiều hơn, cách đối xử  với xóm giềng cũng khác trước. Chính tôi cũng lấy làm ngạc nhiên, nhiều khi dù thấy vô lý vẫn nghĩ phải chăng chuyện  xẩy ra ở nghĩa địa đã làm hắn thay đổi, nếu không, chẳng có cái gì lý giải được.

       Một hôm hắn chủ động sang chơi nhà Tư Béo, tuyên bố cho gã ba mét đất sau nhà.  Anh chị cần thì cứ lấy. Chừng ấy đất chẳng đáng để mất tình hàng xóm , hắn nói. Tư Béo ngớ người tưởng đùa, nhưng khi thấy hắn nghiêm túc thì đâm ra suy nghĩ tợn. Thời này, lại ở thủ đô, mà tự dưng đem đất cho không thì họa có điên! Gã nhìn kỹ, ngạc nhiên thấy hắn không điên. Vậy thì chắc có âm mưu gì! Phải đề phòng thằng cha này! Tuy vậy, ngay hôm sau Tư Béo cho gọi thợ xây bức tường gạch bao quanh để khẳng định chủ quyền. Từ đó gã ngoài miệng thì cảm ơn, vui vẻ nhưng trong bụng lại ngấm ngầm theo dõi anh hàng xóm ấm đầu. Ông  cán bộ hưu non  được hắn cho trổ cửa sổ sang phía nhà mình, bao nhiêu tùy thích, và lão đã trổ đúng sáu cửa ở cả ba tầng. Thấy dễ, lão còn gạ xin lấn mấy mét đất trước nhà hắn nhưng không được. Cả lão cũng tỏ ý nghi ngờ và tất nhiên không quên nhắc mình luôn để mắt canh chừng. Tư Béo, lão này và mấy người nữa trong xóm chưng hửng khi không phát hiện thấy điều gì khác lạ, không thấy hắn bị đưa vào nhà thương điên hoặc công an đến bắt vì một tội tầy đình nào đó. Từ chưng hửng, họ đâm ra thất vọng, rồi bực bội khó chịu, và cuối cùng thành ác cảm với hắn. Chỉ vì hắn tốt, không tranh giành, không cãi nhau với họ!

        Sự khó chịu, ác cảm ấy lên đến đỉnh điểm khi hắn tham gia việc làm từ thiện của bà Bình Cháo. Trước chỉ mình bà đã thấy chướng cho cả xóm, nay còn thêm hắn, một thằng trước đấy không lâu cũng chẳng ra gì, nghĩa là giống họ, vậy thì hỏi không khó chịu sao được. Số là khoảng hai tháng sau khi trúng độc đắc, hắn tự đến tìm bà đề nghị được góp tiền, định mỗi tháng rút hai triệu đồng chi cho mục đích này.    Bà Bình Cháo lẳng lặng gật đầu. Thế là hai xoong cháo của bà từ đó có nhiều thịt hơn và ngon hơn. Lúc đầu hắn chỉ đưa tiền, sau vì không phải hai mà những bốn xoong lớn, nhà bà lại chật, nên hắn thỉnh thoảng đem về nhà mình nấu hộ. Việc này cứ thế đều đều diễn ra. Hắn và bà già lặng lẽ làm như làm một việc bình thường. Người ngoài cố lờ không để ý, tuy trong lòng mỗi người suy diễn theo một cách riêng. Trẻ con trong xóm đứa nào đói cũng được cho ăn không mất tiền, tất nhiên phải giấu bố mẹ.

        Một sáng nọ, như thường lệ hắn nấu xong nồi cháo, múc riêng một bát để phần con bé nhà vợ chồng Tư Béo. Nó thường xuyên bị quên không cho ăn. Bà Bình vừa quảy gánh đi thì hắn ới con bé, đưa bát cháo cho nó. Bố mẹ nó không có nhà lúc ấy, dù mới bảy giờ sáng. Con bé lí nhí cảm ơn rồi đưa lên miệng húp. Bỗng nó đánh rơi bát cháo, nhăn nhó ôm bụng nôn oẹ rồi ngã xuống, người co giật như động kinh. Hắn hoảng hốt nhảy qua bờ rào, bế nó lên tay và chợt lờ mờ đoán hiểu. Hắn vội vác con bé lên vai, cắm cổ chạy ra bệnh viện. Ðể cứu nó, và nhất là để đuổi kịp bà Bình Cháo... Kể đến đây, ông bác sĩ dừng lời, không phải không cố ý. Mấy ông kia cũng ngồi im, không muốn tỏ ra mình đang sốt ruột muốn nghe tiếp. Rồi ông  kể tiếp, giọng đều đều và thoáng buồn. - Chuyện mới xẩy ra hôm kia. Chắc hôm nay hoặc mai báo sẽ đưa tin. Thằng cháu tôi đang bị công an giam trên đồn để điều tra. May con bé được cứu chữa kịp thời. Cũng không người nào ở bệnh viện ăn phải gánh cháo có thuốc chuột ấy. Hắn đến đúng lúc bà kia đang chuẩn bị múc. Hơn hai chục người đứng chờ như mọi ngày.

- Vợ chồng thằng Tư Béo?

- Vâng, thằng chồng. Công an bắt hắn, và hắn đã nhận tội. - Ông bác sĩ đáp rồi ngồi im hồi lâu. - Giờ thì các vị thấy đấy. Cái khó nhất là bản chất con người mà nhiều khi còn thay đổi được. Thế mà có cái khác tưởng dễ thay đổi, là lòng nghi kỵ, hóa ra lại khó hơn nhiều. Kể cũng buồn, con người ta ăn ở xấu với nhau mãi thành quen, đến mức khi ai đó bỗng trở nên tốt, thì liền bị nghi ngờ, bị coi là điên, thậm chí còn dẫn đến tai họa. Cuộc đời này kỳ thật. Các vị có nghĩ thế không? Không ai đáp. Tàu đang đi qua một chiếc cầu. Tiếng ầm ầm vang xa trong đêm tĩnh mịch. Chênh chếch phía đông là chiếc lưỡi liềm trăng non đầu tháng màu trắng đục. Nó đứng lặng giữa trời đêm như một dấu chấm hỏi.

Sưu tầm ( Bùi Tho )

Tin mới

Các tin khác

Lượt xem: 3672