Thơ ca Tây Ninh, chặng đường khai phá và tìm kiếm

Chuyên mục: Truyện ngắn - Bút kí - Tùy bút Được đăng: Thứ năm, 23 Tháng 7 2015 Viết bởi Ban điều hành

Thơ ca Tây Ninh, chặng đường khai phá và tìm kiếm

Trần Hoàng Vy

Tra cứu thư tịch, tìm trong các tài liệu ít ỏi có được, có thể thấy người Tây Ninh thành đạt về mặt văn học dưới thời phong kiến, thực dân Pháp hầu như không có ai.

Mùa xuân năm 1901, theo sách “Tây Ninh xưa và nay” của Huỳnh Minh thì làng thơ Tây Ninh tổ chức cuộc hành hương lên núi Điện Bà, có mời nữ sĩ Sương Nguyệt Anh (con gái cụ Đồ Chiểu) tham dự. Tại đây, nữ sĩ đã hứng bút đề thơ vịnh hoa bạch mai trên núi cùng với hai bài thơ chữ Hán là “Linh sơn nhất thụ mai” và bài “Hựu”. Theo nhiều người thì đây có lẽ là những bài thơ đầu tiên viết về hoa bạch mai trên núi Bà.

 

Từ năm 1915 trở đi, cũng theo tác giả Huỳnh Minh, nhóm nhà thơ tiền bối ở Tây Ninh thường hội họp để ngâm thơ xướng vịnh có các cụ: Tô Ngọc Đường, Huỳnh Văn Tâm, hương lễ Tịnh, Võ Sâm còn gọi là ông giáo Xôm, nổi tiếng trên văn đàn với tác phẩm “Thi phú văn từ” được giới văn học nhiệt liệt tán thưởng. Nối gót, có cụ Quốc biểu Nguyễn Văn Hiến thành lập văn đàn Quốc Biểu năm 1923, gồm các ông Thanh Vân, Nguyễn Toại Chí, Thanh Phong, Nguyễn Văn Trí, lâm tuyền Võ Trung Nghĩa, tân sắc Võ Văn Tấn, Sầm Sơn, Sầm Văn Đá, Nguyễn Văn Vàng, Du Tử, Mai Huê, cổ lệ Lê Văn Thành, Nhà Quê, Dương Văn Kim, Nhất Thiện, Huỳnh Long, Huỳnh Văn Cầu.

Thơ ca trong giai đoạn này thường là thơ cảm tác, xướng hoạ, gắn liền với thú du sơn ngoạn cảnh. Người làm thơ hướng về nét đẹp đạo đức của đạo và đời, có những bài thơ ca ngợi công đức, ý chí chống giặc ngoại xâm của tiền nhân. Thơ gắn liền với thực tế dầu sôi lửa bỏng và cuộc sống cơ cực lầm than của người dân dường như còn ít!

Thời kỳ 1945 đến 1975, tạm chia thơ ca Tây Ninh thành 2 phần: trong kháng chiến và trong vùng tạm chiếm (chính quyền Sài Gòn).

Về thơ ca trong kháng chiến, hầu hết các văn nghệ sĩ cách mạng, với nhiệm vụ hàng đầu là xây dựng căn cứ cách mạng, kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tiểu ban Văn nghệ thuộc căn cứ TW Cục, tập trung các văn nghệ sĩ cách mạng ở miền Nam và của miền Bắc chi viện. Những văn nghệ sĩ Tây Ninh làm thơ có các ông Bảy Dũng, Ba Phát, Tư Văn, Xuân Quang, Xuân Thới… Nhà thơ Hoài Vũ (quê Long An) có những bài thơ về sông Vàm Cỏ Đông được phổ nhạc và được mọi người yêu thích. Nhiều bài thơ lúc này ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Ở Tây Ninh, dưới chế độ Sài Gòn có Đạo Đức văn đàn do ngài Cao Tiếp Đạo, bút tự Huyền Quang, Chánh Đức thành lập vào năm 1950, hoạt động hai năm thì ngưng. Năm 1957, ngài Bảo pháp Nguyễn Trung Hậu, phục hồi sinh hoạt của văn đàn Đạo Đức.

Những người Tây Ninh làm thơ lớp sau như: Hi Đạm Nguyễn Hữu Trí, Lâm Tuyền Võ Trung Nghĩa, Hàn Y Nguyễn Ngọc Diệp, Ngữ pháp Nguyễn Văn Tâm… Các nhà thơ Phan Yến Linh, Từ Trẩm Lệ, Yên Giang Nguyễn Khắc Chánh đều có những tác phẩm riêng, thơ xuất hiện nhiều trên báo chí ở Sài Gòn. Nhà thơ Thái Phong với thi phẩm thơ “Linh Sơn thắng cảnh” xuất bản năm 1968, Yên Giang Nguyễn Khắc Chánh với tập “Mưa phổi” xuất bản năm 1969, Trường Anh với thi phẩm “Mưa đêm nay” xuất bản năm 1964 được giới văn chương Sài Gòn đánh giá cao về chất lượng nghệ thuật, bên cạnh là bút nhóm “Đất Lành” với những tên tuổi: Hưng Huyền, Thảo Anh, Bảo Tồn, Phi Yến, Thái Thường, Thuần Khiết… cùng các cây viết độc lập khác như Phan Phụng Văn, Võ Phụng Kiều, Linh Hữu, Thái Châu, Hoài Trinh, Thanh Việt Thanh, Thẩm Thệ Hà, Vân Đằng, Tinh Sắc, Lan Chi… Những nhà thơ này, hầu hết đã mất, số còn lại tuổi đời đã vượt ngưỡng “cổ lai hy”! Bên cạnh là những cây viết ở độ tuổi thanh xuân với các thi văn đoàn, bút nhóm: Động đất, Đất đứng, Thi văn đoàn Trăng núi Điện, với các cây viết Sa Chi Lệ, Phương Đình, Mai Duyên Căn, Hoàng Hương Trang, Sa Mạc Linh, Vũ Anh Sương, Dạ Sầu Vĩnh Thuỵ, Trần Thế Hoà Bình, Vũ Miên Thảo, Mạc Hàn Vi Linh…

Thơ ở giai đoạn này, vẫn chưa thoát khỏi “tháp ngà”, phần lớn hướng về tình yêu lứa đôi, tình yêu quê hương đất nước thông qua những dằn vặt trăn trở nội tâm của thân phận “nhược tiểu da vàng”, không cổ suý cho chiến tranh. Một số bài dành cho sự ca ngợi cảnh đẹp quê hương. Những bút nhóm thi văn đoàn trong xu thế chung của miền Nam xuất hiện và mọc lên như nấm sau mưa, song cũng chỉ quy tụ bạn bè, thân hữu, những người yêu thích thơ ca, chủ yếu sinh hoạt nội bộ, không có tầm lan xa, đó cũng là một nét mới mẻ của đời sống văn học lúc bấy giờ.

Từ sau ngày 30.4.1975, cuộc sống khó khăn, vất vả nên những thú vui ngâm thơ vịnh cảnh cũng dần mai một. Tiếp theo là chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, không khí văn học chùng xuống nhường chỗ cho những nhiệm vụ quan trọng trước mắt. Giai đoạn này, các văn nghệ sĩ từ trong chiến khu về như các ông Tư Văn, Bảy Dũng, Bảy Phát, Xuân Thới, Xuân Quang… Từ báo Thống Nhất chuyển về có nhà văn Vân An, bên Đài truyền thanh có nhà thơ Cảnh Trà, cùng những cây viết tại chỗ như Phan Phụng Văn, Phan Kỷ Sửu, Xuân Sắc… Họ mở một quán thơ trên núi Bà Đen, mục đích tuyên truyền cho nền văn học mới cách mạng, động viên tập hợp các văn nghệ sĩ trong tỉnh tiến tới thành lập Hội VHNT tỉnh.

Lúc này những cây bút thơ của Tây Ninh đã bắt đầu được tập hợp lại như Vũ Mậu Tý, Phan Kỷ Sửu, Phương Đình, Xuân Đường, Trần Viễn Thông, Nguyễn Quốc Nam... Một số khác từ tỉnh khác chuyển về có Trần Hoàng Vy, Nguyễn Đức Thiện, Nguyễn Quốc Việt, Nguyễn Văn Tài, Nguyệt Quế, Hà Trung… Những cây bút mới bắt đầu xuất hiện như Mộng Trung Nhân, Hường Liên, Minh Phương. Lớp trẻ trưởng thành sau những năm 1980, 1990 có Ngô Hồng Phước, Phan Thị Liên Giang, Đặng Mỹ Duyên, Đào Phạm Thuỳ Trang, Lê Thị Phù Sa, Tuyết Anh, Thiên Kim, Sông Hương, Trương Thứ Bảy… “Bản đồ” thơ ca của Tây Ninh thời kỳ này chủ yếu cũng chỉ tập trung tại Thị xã, Hoà Thành và Gò Dầu. Thơ ca Tây Ninh ban đầu xuất hiện khiêm tốn trên các trang báo tỉnh, sau đó xuất hiện trên các trang báo của TP. HCM, rồi của cả nước, song nội lực vẫn chưa mạnh. Các tác phẩm in mới chỉ có của Nguyễn Đức Thiện, Trần Hoàng Vy...

Bước vào thập niên sau năm 2000, bước đi của thơ ca Tây Ninh đã dần vững chắc. Thơ đã lan toả khắp các huyện, thị trong tỉnh, có thêm những cây viết của Trảng Bàng, Dương Minh Châu, Châu Thành, Tân Châu, Tân Biên… Thêm những người trẻ tuổi như Hạ Vi Phong, Thanh Nhã, Thanh Thi, Lương Hoài Sơn… Thơ ca lúc này đã được Hội VHNT tỉnh tập hợp in thành sách. Rất nhiều tác giả xuất bản sách thơ.

 

                                                                                                   Nhà văn Thẩm Thệ Hà

Suốt quá trình khai phá và tìm kiếm của thơ ca Tây Ninh, công đầu phải kể về nội lực, tự thân vận động của bản thân mỗi người làm thơ, bên cạnh là sự gợi mở, hỗ trợ của Hội VHNT tỉnh, của trang văn học trên Báo Tây Ninh. Còn phải kể đến sự góp sức của các câu lạc bộ thơ ca như Câu lạc bộ Thơ Vàm Cỏ Đông (Gò Dầu) và gần đây là Câu lạc bộ Thơ Tân Châu, Tân Biên… giúp người làm thơ nuôi dưỡng cảm hứng, đam mê mà sáng tác.

Chưa có phát hiện rõ ràng về những cây bút thơ học trò trong đội ngũ đông đảo sinh viên, học sinh của tỉnh. Song đã có những bạn viết trẻ từ các trường THPT Lý Thường Kiệt (Hoà Thành), Tân Châu, Tân Biên, Giáo dục Thực nghiệm phổ thông… cho những tín hiệu đáng mừng.

Thơ ca Tây Ninh từ sau 1975 đến nay, cơ bản đã ghi danh mình trên thi đàn cả nước. Thơ ca đã có nhiều giọng điệu, đề tài cảm hứng phong phú. Cái yếu hiện nay của thơ ca Tây Ninh là vẫn chưa khai thác được hết bề dày lịch sử đấu tranh của tỉnh nhà qua hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Một số ít tác giả còn thiên về lối viết truyền thống, chưa chú ý đến câu chữ ngày càng mới lạ của cuộc sống và còn khá hạn hẹp về đề tài. Lực lượng viết trẻ cũng còn mỏng, thiếu sự chăm sóc kế thừa.

Mảnh đất thơ ca phía trước vẫn còn đó sự màu mỡ, phì nhiêu. Người làm thơ tự cày bừa, gieo trồng và gặt hái. Hãy kỳ vọng cho một mùa bội thu tới…

TrẦn Hoàng Vy

 

 

Tin mới

Các tin khác

Lượt xem: 5360