Rưng rưng về thăm lại ngôi trường 600 mẫu

Chuyên mục: Truyện ngắn - Bút kí - Tùy bút Được đăng: Thứ ba, 06 Tháng 12 2016 Viết bởi Ban điều hành

 

Trường Đại Học Nông Lâm Thành phố Hồ chí Minh .Tiền thân là trường Nông Lâm Mục Blao được thành lập năm 1955 . 

Tháng 11 năm 2015 Trường tổ chức kỷ niệm 60 năm  thành lập . Trang Nhà xin được giới thiệu bài viết nói về ngôi trường đầu tiên tại Blao tỉnh Đồng Nai Thượng, nay là Bảo Lộc tỉnh Lâm Đồng, được đăng trong Kỷ yếu 60 năm trường Đại Học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh.

 Rưng Rưng về thăm lại

ngôi trường 600 mẫu

Như Long

 Ở cao nguyên BLao, bên cạnh Co.opmart với những hàng cây cổ thụ im lìm tỏa bóng, thấp thoáng trong cây lá ấy là những ngôi nhà dài cổ kính bốn mùa hoa nở. Những cư dân mới đến không phải ai cũng biết, đây là Trường Nông Lâm Mục, tiền thân của Trường Đại học Nông nghiệp ở miền Nam.

 

Một ngôi trường đồ sộ rộng đến 600 mẫu, trong sân có con đường hoa vàng rủ xuống gọi là Hoàng hoa lộ. Mỗi năm các học trò già chống gậy về thăm, bước dưới bóng hoàng hoa đều ầng ậng nước mắt…

Ngôi trường giữa rừng già

Thầy Bùi Tho, 72 tuổi là Tổng Giám thị của Trường Nông Lâm Súc Bảo Lộc trước năm 1975. Thầy sinh ra và lớn lên tại xứ trà, đã gắn bó với ngôi trường này trên 50 năm, Có lẽ Thầy Tho là người yêu xứ BLao nhất mà tôi đã gặp. 

Xuất thân từ khoa Thủy Lâm của trường, nên sau khi về hưu, ông thường đi chiếc xe máy cũ mèm vận động chính quyền, bà con trồng cây này trồng cây kia để giữ cho được màu xanh phố núi. 

Tôi đã từng theo thầy làm những việc “trời ơi” như mang bao nhặt hạt phượng tím, vàng đem về phát chẩn cho bà con xạ (gieo) theo đường xã, đường thôn, có lúc mang cả bao hạt rải từ đầu đèo đến cuối đèo, nhưng mấy năm rồi chẳng thấy cây nào sống sót. 

Tuy nhiên được đi với thầy, tôi biết được nhiều chuyện về đất và người BLao xưa, từ thời Đồng Nai Thượng xa xôi cho đến ngôi trường nơi ông gắn bó. Mới đây thầy tặng cho tôi tập Dấu Xưa viết về ngôi trường cũ, người tham gia là những cựu sinh viên ở tuổi U70-80. Đọc xong tôi rơi nước mắt.

Theo tư liệu cũ và nhân chứng còn sống vào độ tuổi 80. Vào năm 1930, Nha khảo cứu Đông Dương thành lập tại làng Công Hinh một trung tâm thực nghiệm. Đó là cơ sở đầu tiên của người Pháp dùng để nghiên cứu, thử nghiệm cây trồng, vật nuôi cho cả nước. 

Sau hiệp định Genève 1954, Trung tâm này được Bộ Canh Nông nâng cấp thành Trường quốc gia Nông Lâm Mục, trực thuộc Bộ Cải Cách Điền Địa và Canh Nông. Trường được giao nhiệm vụ đào tạo hai cấp học: Cao đẳng và kiểm sự cho các ngành canh nông, thủy lâm và mục súc. Trong thời gian từ năm 1955 đến 1963 trường đào tạo 8 khóa kiểm sự và 4 khóa cao đẳng đã cung cấp được gần 300 chuyên viên cho cả nước (từ vĩ tuyến 17 trở vào).

Vào thời điểm đó, tại vùng hạ BLao vẫn còn là rừng nguyên sinh. Sáng sớm và chiều tà, sương mù phủ lên trắng xóa ôm cả cánh rừng hoang. Diện tích trường tính các khu trà, cà phê, vườn cỏ, vườn ươm, rừng sưu tập và khu công sở rộng đến 200 mẫu. Nhưng nếu tính cả khu rừng để sinh viên thực tập thì tổng diện tích gần 600 mẫu. Trường có nhà máy phát điện, máy nước, sân vận động, đài khí tượng, võ đường. Trong khuôn viên trường có đại thính đường, ký túc xá sinh viên, thấp thoáng trong các cây sao, cây muồng, là những biệt thự xinh xắn dành cho giáo sư. 

Ông Bùi Tiến Khôi, một cựu sinh viên trường B’Lao hiện là giáo sư đại học ở Texas, cho rằng Nông Lâm Mục BLao là ngôi trường đẹp nhất trong các trường đại học ở miền Nam thời đó.

Ngày ấy các môn học, dù là giáo sư người Việt vẫn sử dụng tiếng Pháp để giảng dạy, mục đích luyện tập cho sinh viên kỹ năng nghe nói để có thể thể tiếp cận với văn minh thế giới. Hầu hết các giáo sư đều xuất thân từ các trường đại học danh tiếng của Pháp. Ngoài ra, còn có một giáo sư người Đức Hoeninger dạy Lâm học, và một giáo sư Mỹ tên Stevenson, dạy Kinh tế. Các giáo sư tuy giảng dạy tại trường, nhưng cũng làm chuyên môn của mình. Vì vậy các thầy cô không những am tường công việc mà còn rất nghiêm khắc trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Bác sĩ Vũ Ngọc Tân - vị  “Thành Hoàng”

Giáo sư, Bác sĩ Vũ Ngọc Tân là vị giám đốc đầu tiên của trường. Ông tốt nghiệp Trường Cao đẳng Thú y Alfort (Pháp). Sinh viên Tân học giỏi và có trách nhiệm với công việc nên được Giáo sư Patron của trường thương yêu đến nỗi gả con gái cưng cho ông dẫn về nước. Từ những ngày chọn đất, san lấp mặt bằng đặt viên đá đầu tiên đến khai giảng, thầy Tân vừa là nhân chứng vừa là người trong cuộc, ông đã dành cả tuổi xuân của mình để hình thành ngôi trường tầm cỡ giữa chốn rừng già. 

Từ ngày đảm trách nhiệm vụ lãnh đạo trường năm 1955, rồi nhận chức vụ cao hơn cho đến lúc già yếu, ông vẫn gắn bó từ xa với trường. Sau ngày đất nước thống nhất, thầy có đủ điều kiện để xuất ngoại, vì vợ là người Pháp, các con của thầy sinh sống tại Pháp nhưng thầy quyết định ở lại quê hương tiếp tục công việc giảng dạy. Thầy mất tại Sài Gòn tháng 5 năm 1981.

Trong thế kỷ thứ XXI, số lượng học trò tự viết về công ơn thầy cô không nhiều, nhưng đối với thầy Vũ Ngọc Tân khá nhiều người đã viết về ông. Đặc biệt các học trò của thầy đã lên chức ông bà nội ngoại, trong đó có nhiều giáo sư đã và đang dạy ở nước ngoài mỗi lần gặp nhau nhắc đến Hoàng Hoa Lộ, nhắc tên thầy. 

Ông Dư Thành Nghiệp, một học sinh cũ 80 tuổi của thầy đã viết: “Thầy Tân là người gây ấn tượng rất lớn đối với cuộc đời tôi. Đối với thầy việc giảng dạy, không nhất thiết chỉ trên giảng đường. Nhiều khi chúng tôi ngồi cạnh trại heo, trại bò hì hục ghi chép, thầy bảo: “Các anh chị không cần ghi hết những lời tôi nói mà phải chú ý các sự kiện, nắm vững cốt lõi vấn đề, ghi lại những điều trọng yếu. Sau giờ học, tự soạn lại sườn bài. Như vậy dễ nhớ và dễ thực hành". Nghe lời thầy, tôi áp dụng thử, lúc soạn lại bài có cực hơn đôi chút, nhưng rất dễ nhớ. Khi đi thi, sinh viên nào viết dài dòng thì điểm kém, còn người nào chỉ viết 5, 10 câu nhưng giải quyết được sự kiện đúng chủ đề thì điểm rất cao”. 

Ông Dư kể về người vợ Pháp của thầy (con của Giáo sư Patron): “Số là hồi trước tôi theo học chương trình Pháp tại trường Pétrus Ký, nên khi thi vấn đáp rất sợ giám khảo người Pháp. Hôm ấy thi môn sử địa, gặp bà đầm làm giám khảo, bà hơi gầy, mặt nghiêm khắc làm tôi run quá, cứ lấp ló bên ngoài. Một lát sau, bà ra trước cửa đứng chống nạnh nói bằng tiếng Việt giọng Bắc: "Còn anh chị nào chưa thi thì vào phòng thi đi chứ" làm tôi ngạc nhiên đến bất ngờ. 

Khi vào thi gặp đề không khó mấy, nhưng bị khớp nên trả lời còn ngập ngừng. Thấy vậy bà gợi ý giúp cho môn thi của tôi qua. Lúc lên trường BLao được gặp lại bà, đó là phu nhân giáo sư Tân. Trong thời gian ở trường, dù không có nhiệm vụ, bà cũng chăm lo cho sinh viên, nhất là môn thực hành ngoài trang trại, khi có sinh viên bị ốm ngất xỉu, bà mang túi y tế ra tận hiện trường để săn sóc tận tình như một người mẹ”.

Đi tìm thế hệ thứ I

Thầy Bùi Tho cho biết: “Sinh viên khóa đầu tiên, bây giờ đều ở tuổi 80, khá nhiều người đã chết. Hiện nay, tại xã Đinh Trang Hòa, huyện Di Linh còn một người là ông K’Liuh, kỹ sư canh nông 83 tuổi, người Kờ Ho. Ông K’Liuh còn sống, tôi mới đến thăm trước tết. Bây giờ ông yếu lắm, chắc cũng sắp xuất cảnh theo diện đoàn tụ ông bà. Tháng rồi, ông nhắn tin nhờ tôi mua 1 tô bún măng thịt chó vì lâu ngày không được ăn. Tôi mua cho ổng 2 tô 60 ngàn, Trời! ổng mừng hết chổ nói. Chắc đến ngã ba Hòa Ninh anh em mình mua một tô 40 ngàn biếu ổng”. 

Trên đường hai thầy trò thống nhất phương án bún măng thịt chó, nhưng khi xe chạy đến Hòa Ninh, thầy Tho đổi ý. Cuối cùng hai thầy trò mua hộp bánh vuông để biếu ông K’liuh.

Trên đường đi thầy Tho dặn: “Ông này kỳ cục lắm! Gặp khách người Youn (Kinh) lạ, nhất là giới báo chí, ổng chỉ trao đổi bằng tiếng Pháp. Chú mày là sinh viên thời chế độ cũ, thời ấy thằng sinh viên nào cũng chả nói được hai thứ tiếng!”. Nghe thầy Tho cảnh báo, gai óc tôi nổi lên, nên quay sang cầm tay thầy: “Khi vào cuộc, nếu em thiếu từ diễn giải, sư phụ ra tay nghĩa hiệp cứu em nhé!”. Thầy Tho ngửa mặt lên trời cười sằng sặc.

Khi chúng tôi đến, ông K’Liuh đang chống gậy đi thăm hàng xóm về. Ông đội nón vải rộng vành, mang trước ngực một túi dếch, dáng người nhỏ thó nặng khoảng 40 ký. Nhìn bóng ông liêu xiêu trên đường dốc thẳng đứng, tôi cảm thấy chạnh lòng nên vội vàng chạy đến. 

Ông nhìn tôi chằm chằm: “Kỹ sư Bùi Tho tôi biết rồi, còn ông là ai!”, ông hỏi bằng tiếng Kinh với âm sắc K’Ho. “Dạ, cháu là học trò thầy Tho đến thăm ông kỹ sư K’Liuh ạ!”, tôi trả lời bằng tiếng K’Ho trong ái ngại. Cùng lúc thầy Tho đến giới thiệu tôi với ông, đột nhiên ông quay sang nhìn tôi chuyển ngay sang tiếng Pháp: “Très bien (rất tốt)”. Ông bật hai ngón tay kêu cái trốc, đôi mắt sáng lên trong niềm kiêu hãnh.

Đã nhiều lần được gặp các trí thức người Kờ Ho, tuổi từ 80 trở lên, đa số trong họ không ai chịu nói tiếng Việt. Có lẽ, việc các ông ấy sử dụng ngoại ngữ để nhận ra người đối diện là ai hoặc để chứng tỏ mình là người sắc tộc có đẳng cấp! Lúc đầu tôi ngạc nhiên đến mức ngỡ ngàng, dần dần lo đối phó, vì sợ rào cản trong giao tiếp. Gặp được người nói tiếng Pháp các cụ rất vui, nói cười như thời trai trẻ. 

Ông K’Liuh kể: Đến bây giờ, tôi vẫn nhớ bà vợ người Pháp của thầy Vũ Ngọc Tân, bà ấy thương tôi lắm, vì là một thanh niên sắc tộc nói tiếng tây và đá banh giỏi. Tôi là cầu thủ đá tiền vệ mà. Hôm nào đội lên đường đấu giao hữu là bà đầm ấy ra bắt tay từng người. Bà ấy có ba đứa con lai Việt - Pháp rất đẹp, đứa thứ nhất là Vũ Thị Ngọc Chiến, đứa thứ hai là Vũ Thị Thanh Nhàn và con trai út là Vũ Quang Toàn. Chúng nó nói thông thạo hai thứ tiếng... 

Thầy Tho thông báo những người khóa I của ông người này mất, người kia bị liệt, ông K’Liuh ngồi lặng thinh ầng ậng nước mắt. Ông chậc lưỡi: “Thằng Bình mới gởi cho 4 triệu để mua cái máy cắt cỏ thế mà đã chết rồi”. Ông đứng dậy nhìn ra ngọn núi, lơ thơ vài cây kơ nia già cỗi với đôi mắt vô hồn.

Lúc chúng tôi về, ông chống gậy tiễn đưa ra tới cổng chép miệng bằng tiếng Việt: “Lâu rồi mới đụng đến tiếng Pháp còn vui hơn ăn tô bún măng thịt chó. Lần sau ông đến, nhớ mua tặng tôi tô bún thịt chó nhá, nhưng chưa chắc kỹ sư K’Liuh này còn sống để hầu chuyện với ông bằng tiếng Pháp nữa đâu!”.

Trường Trung học Nông Lâm Súc Bảo Lộc (1963-1975)

Từ đầu những năm 60 của thế kỷ trước, nhất là trước cuộc đảo chính ở Miền Nam, chiến tranh bắt đầu leo thang. Tuyến đường bộ Sài Gòn- Đà Lạt trở nên mất an ninh hơn đã ảnh hưởng đến các giáo sư lên Bảo Lộc giảng dạy. Vì vậy Bộ Canh nông chuyển sinh viên về Sài Gòn để tiếp tục việc học.

Năm 1963, Giáo sư, Bác sĩ thú y Đặng Quang Điện, Giám đốc Nha học vụ Nông Lâm Súc (NLS), người khai sinh ra ngành trung học NLS tại miền Nam thời bấy giờ. Ông là người đổi tên trường quốc gia Nông Lâm Mục BLao thành trường Trung học NLS Bảo Lộc trực thuộc nha học vụ NLS.

Từ năm 1963, học sinh NLS mặc đồng phục áo nâu, vì thế nhiều người gọi là trường “Áo Nâu”. Chương trình học gồm hai phần: Phổ thông và chuyên môn, khi tốt nghiệp được cấp chứng chỉ tú tài I, II NLS. Sau đó tùy theo điều kiện và khả năng có thể tiếp tục chương trình kỹ sư 4 năm hay kiểm sự một năm và được thi vào bất cứ trường đại học nào.( áo nâu NLS bắt đầu có từ 1970 Bùi Tho)

Học sinh muốn học trường NLS Bảo Lộc phải qua một kỳ thi tuyển. Ở trung học đệ nhị cấp (cấp III), mỗi lớp gồm có 3 ngành: Canh nông, Thủy lâm và Mục súc, đến niên khóa 70-71 thêm ngành Công thôn. Trường có 4 lưu xá A,B,C,D cho nam sinh và một lưu xá E cho nữ sinh.

Từ năm 1963-1975 sau 12 năm giảng dạy, trường đã tổ chức 11 kỳ thi trung học đệ nhất cấp và 9 kỳ thi tú tài II ngành NLS.

Trường Cao đẳng Công nghệ và Kinh tế Bảo Lộc (1975-2015)

Trở lại câu chuyện của ông thầy giáo gắn bó với trường 50 năm. Được hỏi, sau ngày 30/4/1975 thầy có còn ở trường nữa không!..., ông nhớ lại: 

“Ngày 28/3/1975, Bảo Lộc được giải phóng, trường lớp tan rã, ban giám hiệu và giáo viên tùy nghi di tản. Thầy Sơn ở lại giữ trường một mình đến ngày 30/4. Vào lúc 9 giờ sáng ngày 2/5, tôi đang chăn bò gần trường, bất ngờ một chiếc xe U Oát màu xanh dừng lại có hai ông bộ đội và một cán bộ phụ nữ mặc áo bà ba đen xuống xe hỏi: “Xin lỗi, ông có phải là thầy Bùi Tho không ạ!”. “Tho đây”, tôi trả lời. Các ông bà ấy là cán bộ ngành lâm nghiệp ( bộ nông nghiệp Hà Nội. Bùi Tho)ngoài Bắc vào tiếp quản, rồi mời tôi lên xe về trường hỏi thăm tình hình trường sở. Trên chiếc xe Uoát Liên Xô cũ tôi dẫn đi hết khuôn viên nhà trường, sau đó ra phố. Hồi mới giải phóng ngồi trên xe của Liên Xô do bộ đội chở đi, mình cũng sợ, cả phố BLao bé nhỏ đồm rùm lên rằng thầy Bùi Tho bị Việt Cộng bắt đi rồi”.

Sau đó thầy trở thành người bảo vệ cho trường Nông Lâm Súc đến gần cả năm. Đến ngày 8/12/1976 Trường được đổi thành Trung học Kỹ thuật & Dạy nghề Bảo Lộc trực thuộc Bộ Nông nghiệp. Sau đó giao cho Tổng Công ty Dâu Tằm Tơ, rồi Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên. Ngày 19/5/2009 được Bộ Giáo dục và Đào tạo nâng cấp thành Trường Cao đẳng Công nghệ và Kinh tế Bảo Lộc trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Trong 40 năm (1975-2015) đã qua nhiều lần tách nhập, chịu sự quản lý nhiều cơ quan chủ quản, gần như mọi kế hoạch từ quan hệ đến đào tạo phải xây dựng lại theo chủ trương cấp trên. Tuy nhiên với bề dày truyền thống, trường vẫn tập trung đào tạo nguồn nhân lực cho vùng Nam Tây Nguyên và các tỉnh lân cận. 

Hiện nay trường có 6 khoa chuyên môn, 2 bộ môn và 3 trung tâm: Khoa Công nghệ thông tin/Khoa Chăn nuôi - Thú y/Khoa Cơ điện/Khoa Kinh tế/Khoa Trồng trọt/Khoa Khoa học cơ bản. Bộ môn lý luận chính trị và Pháp luật/Bộ môn Quản lý đất đai và 3 trung tâm: Trung tâm Tin học - Ngoại ngữ/Trung tâm Thông tin - Thư viện/Trung tâm Tư vấn, chuyển giao tiến bộ Kỹ thuật và Công nghệ.

Với gần 40 năm phấn đấu xây dựng và trưởng thành (1976 – 2015) trường đã đào tạo được gần 35.000 người học ở các bậc đào tạo, phục vụ sự nghiệp phát triển của ngành cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên. Bây giờ ngôi trường nằm giữa trung tâm thành phố và hiện đại hơn nhiều.

Ông Nguyễn Đức Thiết, Phó Bí thư Đảng ủy, Thạc sĩ, Nhà giáo ưu tú,  Hiệu trưởng đương nhiệm của trường. Thầy Thiết là dân gốc B’Lao, xuất thân từ ngôi trường danh giá này. Lúc giới thiệu khuôn viên trường, hai anh em đi trên Hoàng Hoa Lộ, con đường đấy ắp kỷ niệm hàng bao thế hệ. Không ít các cựu sinh viên trở về thăm trường đều đi dọc theo con đường hoa vàng, lá bay ầng ậng nước mắt khi nhớ một thời trai trẻ. 

Thầy Thiết tâm sự: “Tây Nguyên là vùng trọng điểm về cà phê, chè, cây ăn trái, rau quả, nhưng trường chưa có ngành chế biến và bảo quản sau thu hoạch. Ở những quốc gia tiên tiến, người ta không xuất hàng thô như mình. Khi trình bày phương án lên hệ cao đẳng, chúng tôi đã đề xuất mang tên Công Nghệ và Kinh Tế, với ước vọng góp phần chung tay phát triển vùng miền trên cơ sở Hi-Tech (high technology: công nghệ cao)”.

* * *

Lúc chuẩn bị rời trường, một mình đứng trong Đại Thính Đường cổ kính, một thời những sinh viên “Áo Nâu” đứng ngồi nhộn nhịp. Tôi mơ hồ nghe tiếng thầy Vũ Ngọc Tân vang lên giữa núi rừng : “Các anh chị học để ra làm việc, và chỉ cho người khác làm. Các anh chị không được làm bậy, và dạy người khác làm bậy. Vì vậy, đừng trông đợi ra trường, nếu các anh chị chưa chứng tỏ mình đủ trình độ”. Mới đây mà đã 60 năm rồi.

Các nhân vật dẫn đi và cung cấp thông tin tư liệu:

1- Thế hệ thứ I, Kỹ sư Canh Nông K’Liuh 83 tuổi, sinh viên khóa I, dân tộc K’Ho. Trước năm 1975 là Chuyên viên Canh Nông và hợp tác Việt Mỹ IVS (International Volunteer Service). Địa chỉ: Thôn I, xã Đinh Trang Hòa, huyện Di Linh, Lâm Đồng.

2- Thế hệ thứ II,  giáo sư  Thủy Lâm Bùi Tho, 72 tuổi, Tổng giám thị trường Nông Lâm Súc BLao trước năm 1975. Số nhà 37 đường Nguyễn văn Trỗi, Bảo Lộc. 

3- Thế hệ thứ III, Thạc sĩ, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Đức Thiết 55 tuổi (người gốc BLao)  Hiệu trưởng đương nhiệm Trường Cao đẳng Công nghệ và Kinh tế Bảo Lộc.

 NHƯ LONG

( Email Thầy Bùi Tho )

Tin mới

Các tin khác

Lượt xem: 4015