Ký ức bánh xèo

Chuyên mục: Truyện ngắn - Bút kí - Tùy bút Được đăng: Thứ năm, 13 Tháng 9 2018 Viết bởi Ban điều hành

Kí ức bánh xèo

Ngữ Yên

 

Khi ra trường ,tôi được bổ nhiệm về dạy miền biên giới. Lúc ấy tình hình biên giới còn rất phức tạp, căng thẳng , các cuộc xung đột xảy ra thường xuyên, thầy trò chúng tôi vừa dạy học vừa đào giao thông hào trốn pháo kích. Chiều chiều dạy xong, không có chuyện gì làm chúng tôi kéo nhau ra đường mòn nhìn rừng rậm hoang vu , nghe chim kêu vượn hú, nhớ nhà lòng buồn mênh mang. Dạy chung với tôi có Mẫn từ Thị xã lên, hai người ở chung phòng nên rất thân, chúng tôi tự nấu ăn , tự trồng trọt để cải thiện đời sống. Thỉnh thoảng được dân làng cho một miếng thịt cheo, thịt mển là rất mừng. Lúc đó lương bỗng rất kém cỏi nhưng tình cảm,kỉ niệm thì rất nhiều. Có lần chúng tôi chèo ghe qua sông dự đám cưới một em học sinh đã ra trường, lần đầu tiên tôi được thưởng thức đặc sản vùng biên giới , uống nước thốt nốt, ăn bún với nước Xim Lo (*). Xim Lo chính hiệu vùng biên giới không giống như chỗ khác,mùi vị đặc trưng vì có thêm trái Cà Chây cho vào làm nước lèo óng ánh màu vàng vàng như nghệ rất thơm, rất ngon. Dự lễ cưới ban đêm vùng biên giới thật là vui, ngồi dưới đệm quay quần uống rượu bằng chén , coi múa Lâm Thôn.

Sáng sớm tôi và Mẫn lật đật qua sông về để kịp dạy, nhưng em học sinh khóc nức nở… hỏi ra vì em mồ côi cha mẹ ước muốn trong giờ phút trọng đại đời con gái có người thầy đứng ra đại diện bên đàng gái xem như cha mẹ vậy. Chúng tôi cầm lòng không được đành phải ở lại cho đến hết lễ.Mẫn có cô bạn gái tên Hạnh dạy ở Sa Mát, người nhỏ nhắn dễ thương lại biết ca nữa. Sa Mát ngày ấy là một vùng cực kì nguy hiểm vì quá sát biên giới ,bọn PônPốt thường xuyên sang quấy phá nên Mẫn rất lo lắng… Ngày cuối tuần nào cũng rũ tôi lên thăm Hạnh. Chúng tôi đèo nhau trên chiếc xe đạp trành băng rừng hằng chục cây số mới tới nơi.Thường đến nơi cũng chả biết làm gì, nấu nướng rồi đi dạo bìa rừng, anh thường bẻ những nhánh hoa bằng lăng tặng nàng. Nàng hay trổ tài nội trợ đãi chúng tôi món bánh xèo, có tép bắt ở dưới suối lên làm nhưn, có rau rừng ,lá lụa. rau nhái… ăn thật ngon ( thời ấy mà được món bánh xèo không gì bằng ).

Sau nầy tôi mới biết nhà Hạnh có quán bánh xèo, tuy là quán bình dân nhưng khá nổi tiếng ở Thị Xã , mẹ Hạnh làm để nuôi anh em ăn học ,nàng phụ giúp riết đã quen tay nghề. Chính mối tình của họ cũng nẩy nở từ quán nầy, khi thời đi học Mẫn thường hay ghé đây ăn. Một lần tôi vui miệng nói:Có dịp Hạnh làm lại món bánh xèo cho tụi anh ăn nghen, ngon lắm! Nàng cười tươi: - Tuần sau về Thị xã em sẽ làm cho mấy anh ăn, đây là món sở trường của em mà..

Không ngờ câu nói trên như một định mệnh, mãi mãi

chúng tôi không còn dịp ăn lại món bánh xèo của Hạnh làm nữa, khi nghe tin sét đánh , bọn Pôn Pốt tràn sang biên giới giết hại dã man anh chị em giáo viên trong đó có Hạnh. Mẫn như một cây chuối gục ngã, suốt tuần ủ rủ bơ phờ ,vật vả rồi cứ khóc cười như một người điên .Sau đó anh bỏ dạy đi đâu không biết…Vài tháng sau , anh em tìm được Mẫn ,vỗ về ,động viên anh lên vùng biên giới dạy trở lại .

Tôi thì được tổ chức điều về quê nhà. Lại một cuộc chia tay, trước khi đi tôi động viên Mẫn : - Nếu anh quên đi hình bóng của Hạnh thì mới an tâm giảng dạy được. Người chết thì không thể nào sống lại được, còn người sống cứ sống trong nỗi khổ đau hoài thì cũng không làm việc gì được… Anh không nói chỉ lặng im rồi khóc.Tôi biết anh còn thương nhớ Hạnh lắm. Có nỗi đau nào mà qua đi mau.. nhưng cũng may cho chúng ta khi thượng đế ban phát cho tâm linh con người nỗi đau nào cũng có lúc vơi đi... nên người ta mới sống nỗi ...không ai mang nỗi đau suốt đời cả. Tôi mong một ngày nào đó anh sẽ bình tâm trở lại.Sau nầy nghe nói anh tình nguyện ở lại luôn vùng biên giới, bây giờ là một chiến sỹ thi đua, một cán bộ quản lí giỏi. Nơi anh dạy chính là nơi Hạnh chết ngày xưa. Giờ thì anh đã có gia đình lập nghiệp hẳn trên đó, song mỗi năm Mẫn vẫn về dự ngày giỗ của Hạnh rất đều đặn.

                                                            ***

Nhiều năm qua chúng tôi bặt tin nhau,hoàn cảnh lúc đó khó khăn quá, phương tiện giao thông rất eo hẹp, các vùng sâu vùng xa lại còn khó hơn nữa. Thi thoảng tôi có đến quán bánh xèo của mẹ Hạnh, ngồi một góc khuất ăn rồi ra về trong im lặng, mẹ Hạnh không biết tôi và tôi cũng không giới thiệu gì cả , có lần đang ăn tôi nhìn vào phòng khách chợt thấy một bức hình lớn chụp chung chúng tôi được treo trên vách tường.. từ dạo ấy tôi không dám đến nữa sợ mẹ Hạnh nhìn ra mình !

Một hôm trong ngày đầu xuân,tôi định lên biên giới thăm lại bạn bè cũ ,thì bất ngờ Mẫn xuất hiện tôi quá mừng rỡ, hai anh em tâm sự không thôi.Mẫn nói người ta báo dự lễ cải táng các giáo viên bị sát hại ở Sa Mát được quy tập đưa vào nghĩa trang liệt sỹ Huyện , anh xuống rủ tôi cùng đi. Tới Thị Xã, khi đi ngang qua quán bánh xèo của mẹ Hạnh ,tôi mời anh ghé vào ăn sáng và thăm gia đình nhưng anh lắc đầu… Tôi chợt nhớ câu ngạn ngữ của người Nhật thật chí lí : “ Đừng khuấy động những gì vốn đã yên lặng! ”.

Khi đến  nghĩa trang mọi người đã về hết rồi.

Chúng tôi ngồi lặng yên trước mộ Hạnh, gió rít lên từng cơn ào ạt , những cây phượng ngã nghiêng hoa rơi ngập lối đi. Mẫn ôm mặt khóc một mình. Đây là lần thứ ba tôi thấy anh khóc.

                                                                                  Ngữ Yên

(*) Xim lo: một dạng nước lèo nấu cá đồng thường ăn với bún, món ăn thông dụng của người Kampuchia

Tin mới

Các tin khác

Lượt xem: 2210