Tưởng nhớ thầy Nguyễn Thanh Vân

Chuyên mục: Truyện ngắn - Bút kí - Tùy bút Được đăng: Thứ tư, 02 Tháng 2 2011 Viết bởi Nguyễn Quốc Nam

 

Thầy Nguyễn Thanh Vân (bìa phải)

DẤU ẤN THẦY NGUYỄN THANH VÂN -VỊ HIỆU TRƯỞNG ĐẦU TIÊN TRƯỜNG TRUNG HỌC NÔNG LÂM SÚC TÂY NINH
(Bài viết nầy như một sự tưởng niệm và ghi nhớ công ơn của thầy Nguyễn Thanh Vân vị hiệu trưởng đầu tiên của trường trung học Nông Lâm súc Tây Ninh)

Ngày đầu khai giảng niên học năm 1966, sau khi vào lớp ổn định chỗ ngồi thầy giáo vụ tên Huấn yêu cầu tất cả học sinh sửa soạn nghiêm chỉnh để tiếp thầy hiệu trưởng đến giáo huấn đầu tiên, thầy còn cho biết lớp các em rất hân hạnh được thầy hiệu trưởng chọn để nói chuyện.Cả lớp xúc động ngồi im phăng phắt, khoản năm phút sau thầy Huấn hướng dẫn thầy Hiệu Trưởng bước vào và đứng giữa trước bục giảng. Thầy Huấn giới thiệu sơ vài nét rồi rời lớp giao lại cho thầy hiệu trưởng làm chủ lớp học. Cả lớp im lặng đến độ tiếng gió và tiếng lá rơi ngoài sân cũng nghe được, nhưng gần 5 phút thầy nhìn nhìn từng khuôn mặt mà chẳng nói một lời nào. Thầy Vân dáng trung trung thấp, nét mặt đẹp trai với mái tóc bồng tém sang một bên có vẽ phong trần và đôi mắt trông lừ đừ nhưng có cái nhìn làm chim phải sa cá phải lặn. Thầy thường  mặc chiếc quần jean xanh hơi bạc màu, áo sơ mi ngắn tay màu nhạt, bỏ áo trong quần nghiêm chỉnh nhưng có vẻ bụi bụi làm sao ấy, kèm theo sợi dây nịt to bản và đôi giầy da chớm phong sương.( Hiện nay tôi thấy giới trẻ vẫn còn khoái ăn mặc moden như thế). Thầy cười lộ hàm răng có mùi thuốc lá, đôi môi dày và môi dưới hơi trề trề như là một tay anh chị thứ thiệt. Cả lớp bắt đầu áy náy mà thầy vẫn chưa nói lời nào, cuối lớp bắt đầu có tiếng xì xào to nhỏ thì thầy Vân cũng vừa lên tiếng: Tôi nghe nói lớp nầy nhiều anh chịu chơi lắm phải không? Cả lớp cười ồ...có tiếng chen vào - Dạ phải...không khí cả lớp cười vang và sôi động vô cùng. Thầy tiếp lời -Ít ra phải vậy ,tôi chọn nói chuyện với lớp nầy đầu tiên vì điều đó. Trường Nông Lâm Súc là một trường dạy nghề khác với trường trung học phổ thông là nó có truyền thống đàn anh nói đàn em phải nghe, đàn anh phải xứng đáng và luôn giúp đỡ đàn em khi có yêu cầu và không có lý do gì từ chối, học ra học ,chơi ra chơi mà phải chơi hết mình ra trò và xứng danh Nông Lâm Súc. Cả lớp ngồi ngẩng người ra bần thần căng thẳng nhưng những nữ học sinh thì rụt rè, e dè... Đùng một cái thầy bước đi từ dãy bàn đầu đến bàn cuối và chỉ mặt vài tên trong lớp và nói- Tướng nầy coi được... chịu chơi không? Lớp học ồn ào có tiếng nói của bạn nào đấy chen vào. - Thằng đó chịu chơi lắm thầy ơi ! Thầy cười cười nói - Được. Lớp nầy thầy thấy được. Sau đó thầy kể một số chuyện về học sinh Nông Lâm Súc như ở Blao ngày khai khoá đàn anh bảo đàn em bò từ ngoài cổng trường vào thì bò ngay không ý kiến gì cả nhưng qua tuần lễ huấn nhục rồi anh em vui vẽ cùng nhau trao đổi vui chơi học tập không một chút vướng bận ,tự ái gì cả , các thần dân Nông Lâm Súc như là một đại gia đình. Điều nầy các trường khác không dễ gì có được và đúng như vậy, sau bao nhiêu năm tháng, bao thăng trầm trong cuộc sống nhưng những học sinh Nông Lâm Súc bất cứ trường nào cũng chịu thương chịu khó vượt qua được mọi khó khăn và sống một cách đàng hoàng tử tế với cuộc đời . Nhưng có dịp gặp nhau ,nhìn nhau thì mừng rỡ như quen tự thuở nào và đối xử thật thâm tình như anh em một nhà.

Buổi nói chuyện và buổi học đầu tiên thầy Vân không giảng cao xa nhưng gieo vào lòng học sinh một tình cảm gắn bó, đoàn kết,tương thân, tương ái,yêu thương con người và thiên nhiên. Sống có trước có sau, có thuỷ có chung, hổ trợ nhau trong học tập và cuộc sống. Đến giờ phút nầy tôi thấy không khí và truyền thống đó vẫn còn tồn tại trong tâm hồn của các thần dân Nông Lâm Súc.

Học trò của thầy Vân hiện nay có người là kỹ sư, bác sỹ, thầy giáo, chủ đồn điền, chủ trang trại,chủ doanh nghiệp, giám đốc... nhưng cũng có nhiều người còn khó khăn gian khổ nhưng nói chung tất cả khi gặp nhau thì thì tình cảm nồng nàn, vui vẽ, sôi nổi và quan tâm đến nhau như những ngày còn đi học ,không một chút gượng gạo, không một chút gò ép nó vỡ toang mọi cánh cửa cho lòng tràn ngập niềm vui... Thật là hạnh phúc và điều đó có một phần dấu ấn mà thầy Vân đã truyền lại cho các em.

Thầy Nguyễn Thanh Vân vị hiệu trưởng đầu tiên của trường trung học Nông Lâm Súc Tây ninh của những năm 1965,1966,1967 đã mất nhưng những dấu ấn thầy để lại trong tâm hồn các em thì không bao giờ phai và chắc chắn như thế. Cầu nguyện cho hương hồn thầy được an vui nơi miền cực lạc.

Sài Gòn 07-01-2009.

Lượt xem: 3142

© NongLamSucTayNinh.com 2011 - 2020. Thiết kế website tại MtStudio.vn

Thành lập ngày 20 tháng 02 năm 2011

Email: nonglamsuctayninh@gmail.com