Gặp mặt học sinh khóa I bên dòng sông Hậu

Chuyên mục: Truyện ngắn - Bút kí - Tùy bút Được đăng: Thứ năm, 10 Tháng 2 2011 Viết bởi Phan Minh Đẩu

Khi nhóm học sinh khóa I đi Bảo Lộc thăm thầy Bùi văn Tho, thầy Tho có cho tôi  nới chuyện với các em qua điện thoại, Các em hứa sẽ đi tiếp miền Tây thăm các thầy. Tôi nghĩ rằng đây chỉ là lời hứa và lời hứa thì cũng có khi thực hiện được và cũng có khi không có điều kiện thực hiện. Nhưng tôi không ngờ...nhanh đến thế!

Trưa 18-8-2010 tôi đang ngủ, điện thoại reo lên.

-Em là Mai Hương, các em trên đường đến Cần Thơ thăm thầy.

-Còn lâu mau nữa đến Cần Thơ

-Chừng 30 phút nữa.

Tôi quá bất ngờ, không lẽ các em đến miền Tây thật sao?

Bà xã  đang bị bệnh nhưng cũng vội nói ngay:

-Ông chở tôi ra chợ, mua một ít trái cây, chuẩn bị nước nôi để đón các em chứ nó gần đến nơi rồi !

Tôi mặc áo quần, vội chở bà xã đi chợ và về ngay sợ các em đến nhà không gặp.

-A lô ! Các em đang ở đâu ?

-Các em đang ở hẽm 9 trước nhà thầy.

Tôi tức tốc ra đầu hẽm. Các em từ trên chiếc xe 14 chỗ đang bước xuống.

-Thầy - Thầy - Thầy ....


Trước mắt tôi những khuôn mặt của 45 năm về trước, có em thì nhớ rất rõ, có em thì nhớ mang máng và có em thì không nhớ vì bây giờ người nào tóc cũng đã pha sương .

-Thầy nhớ em không ?


Những khuôn mặt dễ nhớ nhất là những khuôn mặt tôi đã gặp trong những lân về dự họp mặt . Kim Khuyến, Mai Hương, Ngoc Diệp, Mỹ Diệu (ở Cần Thơ). Những khuôn mặt lâu lắm không gặp lại nhưng nới ra thì nhận được ngay: Mỹ Ngọc, Kim Chi, Nhường, Mười, Trãi và Kết,

-Em này là ai, thầy không biết !

-Thầy không nhớ em sao? Em đã có lần cùng Tô Kim Lang đến thăm thầy khi thầy mới từ Huế vào Cần Thơ?

-Lần đến thăm thầy năm đó chỉ có Tô Kim Lang và Bành thị Kim Khanh, đâu có em?

-Thì em là Bành Thị Kim Khanh đây mà !

Trước mắt tôi là Bành Thị Kim Khanh sao? Hồi đi học Khanh là người thấp và nhỏ con nhất lớp, nhưng bây giờ khác hẳn, Khanh cao to hơn lúc trước rất nhiều

Như vậy, trong học sinh khóa I đã có 11 em cùng đi. Tôi không hiểu sao mà các em "lôi" được đến 10 người để cùng đi miền Tây (trừ Diệu đang ở Cần Thơ) trong lúc có nhiều em đã là "bà nội, bà ngoại". Kết thì ở Bình Dương, Trãi thì ở Lộc Giang, Trảng Bàng và các em khác thì ở Tây Ninh nhưng cách xa nhau ...

Thầy, trò bước vào hẽm 9 đường Cách mạng tháng 8. Trước nhất là đến nhà 9/2, nhà thầy Nguyễn Trọng Hiền. Thầy Nguyễn Trọng Hiền trước đây là giáo viên Công đồng Long Hoa và Nông Lâm Súc Tây Ninh. Thầy về sau tôi 3 năm (1968) và mê chụp ảnh. THầy nay đã 68 tuổi và các con đều thành đạt.

Thầy Hiền và cô Khứng, vợ thầy ra đón các em vào nhà. Tiếng cười, tiếng nói vang lên. Thầy nhắc lại những kỷ niệm xưa và cho hay những tấm ảnh ngày xưa vẫn còn.

Sau khi thăm thầy Hiền xong, các em đến nhà tôi . Nhà tôi là 9/2 cách nhà thầy Hiền đúng 15 mét. Bà xã đã chuẩn bị nước và trái cây. Thầy trò vừa ăn vừa tâm sự nhắc lại chuyện của 45 năm về trước, ai còn, ai mất. Kim Huyên, Kim Dung định cư nước ngoài. Danh,Triển đã trở về cõi vĩnh hằng. Nhiều em ít liên hệ với bạn bè như Nguyên, Săng. Thắt thì đang bị bệnh...Tất cả như sống lại với tuổi thơ của mình với những luống bắp đang trồng bên cạnh trường, với những buổi chiều mặc áo dài trắng tưới cây, những buổi đi thực tập ở vướn tầm tang Bến Kéo nhưng khi nhìn lại nhau thì ai nấy cũng trên dưới U 60. Chưa có lúc nào lại co đến 11 người học cùng lớp có mặt tại Cần Thơ. Thật là một buổi họp mặt hiếm có. Chưa đến trung thu nhưng các em cũng đã tặng quà cho tôi với những chiếc bánh ngọt ngào tình thầy trò.

-Chúng em muốn đến thăm thầy Hiện, nhờ thầy chỉ giúp nhà thầy Hiện.

Trong chuyến đi hôm nay ngoài thăm Mỹ Diệu, các em thăm thầy Hiền, tôi và thầy Nguyễn Văn Hiện. Tôi gọi ngay cho thầy Hiện. Chuông đỗ liên hồi nhưng không có người bắt máy. Thầy Hiện trong mấy năm gần đây trở về quê vợ tại Cần Thơ nhưng lại sống ở vùng ven thành phố. Khi có bạn bè hoặc học sinh về thăm thì gọi thầy lên chứ đường về nhà thầy rất khó đi. Tôi cũng chưa bao giờ về nhà thầy và nhiều lần cũng chỉ gặp thầy tại "quán".

Sau nhiều lần không bắt máy, cuối cùng thì tôi cũng gọi được thầy Hiện và cho các em nói chuyện với thầy. Thầy Hiện hẹn gặp các em lúc 07g30 tại Nhà hàng Ninh Kiều.

Các em tạm chia tay tôi và hẹn sáng mai gặp lại.

Mới hơn 07 giờ sáng mà các em đã gọi tôi:

-Thầy ơi! Chúng em đã có mặt tại bến Ninh Kiều.

Tôi và bà xã lại lên xe trực chỉ bến Ninh Kiều

Ninh Kiều là bến sông nổi tiếng mà Trần Thiện Thanh đã nhắc tên trong bài hát " Chiếc áo bà ba"  - Chiếc áo bà ba trên dòng sông thăm thẳm....Về bến Ninh Kiều thấy nàng đợi người yêu ... Các em đi sớm hơn là để dạo bến Ninh Kiều để  nhìn cảnh trên bến dưới thuyền mua bán tấp nập chứ không phải để tim người yêu vì ai cũng đã già. Tôi cũng rảo bước qua công viên Ninh Kiều để đón thầy Nguyễn Văn Hiện vì từ nhà thầy qua đây phải qua một bến phà.

Đúng 7g30 thầy Hiện đã có mặt như lời hứa. Chúng tôi vào nhà hàng Ninh Kiều. Đây là một nhà hàng nằm cạnh bờ sông Hậu chuyên phục vụ ăn sáng và đám cưới. Ngồi ở đây có thể thầy bao quát dòng sông Hậu xuồng ghe qua lại tấp nập, xa xa là chiếc cầu Cần Thơ với 2 cột tháp sừng sửng vươn cao lên bầu trời. Thầy trò quây quần bên nhau với những món ăn bốc khói và những ly cà phê dắng nhưng ngọt ngào tình thầy trò. Ai cũng rất cảm động khi thầy Hiện kể về hoàn cảnh của thây. Thầy đang sống với con trai và con dâu với bà xã đang bị bệnh. Con và con dâu thì lao động kiếm sống qua ngày. Thầy thì làm vườn cho đỡ buồn nhưng trồng cây ở đây mà hái trái tận thành phố Hồ Chí Minh, ý nới đời sống chủ yếu nhờ con gái ở thành phố.

Cuộc gặp gỡ nào rồi cũng chia tay. Sau khi chụp ảnh lưu niệm và tăng quà thầy Hiện thầy trò chúng tôi lại chia tay nhau và hẹn gặp lại trong ngày họp mặt năm 2011 tại Tây Ninh. Các em còn trở lại nhà Mỹ Diệu, còn tôi ra trường mà lòng tràn ngập niềm vui vì không ngờ sau gần nửa thế kỹ mình lại gặp lại những khuôn mặt đáng yêu của những học sinh khóa I Nông Lâm Súc Tây Ninh, một lớp học mà tôi không bao giờ quên vì đây là lớp học đầu tiên và cũng là lướp ấn tượng nhất trong cuộc đời dạy học của minh.

Phan Minh Đẩu

Tin mới

Các tin khác

Lượt xem: 2834