Huyền thoại trên dòng kênh

Chuyên mục: Truyện ngắn - Bút kí - Tùy bút Được đăng: Thứ bảy, 27 Tháng 4 2013 Viết bởi Ngữ Yên

HUYỀN THOẠI TRÊN DÒNG KÊNH

Trên cánh đồng Bố Mè từ lâu có một con rạch nhỏ chạy ngoằn ngoèo, hai bên cây cối hoang dại mọc um tùm, nước thường xuyên khô cạn nên thuở nhỏ chúng tôi thường hay ra đó để bắt cá bắt cua. Một hôm người ta thấy có lố nhố đám

người đứng ngồi hai bên con rạch chỉ trỏ bàn tán, không biết chuyện gì xảy ra, dân làng chạy ra xem. Thì ra, trên dinh quận trưởng có cử một ông thầu về nới rộng con rạch thành con kênh dài chạy thẳng ra quốc lộ 22 bao quanh chùa Gò Kén giáp vào sông Vàm Cỏ Đông.

Không biết con kênh mới nầy là công trình thủy lợi để giúp nông dân tưới tiêu hay là vòng đai an ninh gì đó vì con kênh chỉ nằm phía dưới chi khu Phú Khương độ một cây số, ban đêm còn thấy đèn pha từ các lô cốt sáng rực cả cánh đồng. Dùng vào mục đích gì thì cũng không ai màng tới, nhưng từ khi có con kênh mới quả thật dân trong làng rất phấn khởi, khoái nhất là bọn tôi, vì từ trường Lò Heo chỉ cần vượt qua mấy rặng tầm vông là đến con kênh tha hồ bay nhảy bơi lội. Nơi đây giống như hồ bơi công cộng: Người đi đường nóng bức ghé lại, các nông phu xong việc đồng áng, nhảy ùm xuống một cái rất đã, chiều chiều bọn con trai trong làng rủ nhau ra tắm la hét om sòm…. Còn các cô các bà rảnh việc thì ra đó hóng mát nói chuyện trong nhà ngoài phố… Ở đó ai muốn biết sự tình của xóm Bố Mè nầy, chỉ cần ra đầu kinh ngồi một lát thì rõ chuyện, nên ông giáo làng thường gọi thầy Ba Cao đặt nơi đây là thông tấn xã Bố Mè.

Con kênh khá dài nhưng không có tên. Mọi người tự nghĩ, có con kênh là tốt rồi đặt tên tuổi làm chi cho rườm rà. Năm tôi lên mười, có một cặp tình nhân không biết buồn phiền chuyện gì, nửa đêm dẫn nhau ra bờ kênh tự sát. Nghe tiếng nổ long trời lở đất giữa đêm thanh vắng, dân làng hoảng hốt tưởng đâu là hai bên đụng trận nhau rồi, nên không ai dám mò ra khỏi cửa. Đến tờ mờ sáng, nghe lũ trẻ chăn trâu la ầm lên, mới biết có người chết ,thịt da tan tành bay tứ tung, tôi sợ quá đứng lóng ngóng ở ngoài ngó vào, thỉnh thoảng có người la toáng lên vì một miếng thịt dính tòng teng trên ngọn cây hay bụi dứa hoang nào đó… Nghe nói người con gái nầy có thai, người ta còn thấy cả cục máu đỏ hỏn trong bụng nữa…. Chuyện đôi tình nhân tự sát ấy làm xóm tôi bàn tán xôn xao một thời gian dài, rồi từ từ cũng phai nhạt dần….

Sau nầy, vào những đêm trăng sáng, người đi ruộng về kể lại, còn nghe văng vẳng tiếng khóc… Có người thấy cả bóng người con gái chạy dọc ra bờ kênh trắng xoá… Lại thêm mấy vụ bọn trẻ chăn trâu tắm kênh chết hụt, người ta đồn đãi do oan hồn người đàn bà nhập vào. Từ đó, bờ kênh trở nên vắng vẻ. Thông tấn xã Bố Mè cũng bị khai tử từ dạo ấy. Nhờ vậy, mà xóm làng trở nên yên tĩnh hơn. Một hôm, không biết ai đó cảm thương bèn lập ra miếu, thờ cúng đôi tình nhân. Miếu nầy nghe nói linh lắm, ai vái gì được nấy nên người ta ồ ạt đi cúng vái. Bờ kênh trở nên sầm uất trở lại, tiếng cười nói râm ran…

Rồi không hiểu do đâu mà cả xóm tôi tự dưng gọi là Kinh Đôi (ý chỉ đến đôi tình nhân). Gọi mãi thành quen miệng, không ai thắc mắc về nguồn gốc của nó. Từ đây, dòng kênh có tên tuổi đàng hoàng, qua đi cái thời vô danh tiểu tốt. Kinh Đôi! Cái tên nghe cũng lắm ý vị…!?

Năm tháng qua đi, chuyện cái miếu tình ái ấy cũng phai dần trong kí ức mọi người...

Tôi rời vùng quê nghèo khổ lên thị xã dạy học, rất lâu thi thoảng mới ghé qua cái miếu để nhớ lại kỉ niệm thời thơ ấu, nhưng khung cảnh vắng vẻ quá! Sau nầy, tôi trở về quê lập gia đình, để chiều lòng cha mẹ tuổi đã già. Ruộng tôi, cách bờ kênh không xa mấy, mỗi lần đi thăm ruộng hay ghé vào miếu nghỉ trưa, tán gẫu cùng ông lão chăn vịt. Ông hay giúp tôi việc đồng áng như dọn cỏ, vác lúa, rải phân…. Tôi cũng không biết ông già chăn vịt từ đâu đến quanh năm chỉ lẩn quẩn trên cánh đồng với bầy vịt, có đứa bé gái theo phụ ông. Đứa bé tên Thơm. Những đêm ông ngủ trong chòi giữ vịt heo hút ngoài đồng, tôi thấy tội nghiệp bé Thơm quá nên vợ chồng tôi hay rước bé Thơm về nhà nghỉ và dạy chữ cho nó. Đáp lại, con nhỏ sáng dạ, lanh lợi và cứ quấn quýt bên vợ chồng tôi mãi.

Đôi lần, tôi thấy ông già chăn vịt đứng hằng giờ trước cái miếu, đôi mắt thẫn thờ suy tư… Nghe dân làng nói ông là người thường đốt nhang trên miếu… Có mấy lần uống rượu cùng ông tôi định hỏi, nhưng nghĩ lại thôi: Sự đời ai cũng có một nỗi niềm riêng ta tò mò đến làm gì?...

Hồi ấy trên đầu dòng kênh, gần chỗ cái cống lớn ngang đường có một cây sung cành lá xum xuê rợp mát, ai đi đường cũng ghé vào nghỉ chân. Lão Chín Cụt trên đầu xóm, bỗng loé ra sáng kiến mở một quán nhậu ngay dưới gốc sung xem rất hữu tình, sẵn tiện người ta gọi lụôn là quán Cây Sung. Chiều chiều, khách khứa ra vào rất rôm rả. Phần lớn là các chiến hữu của lão Chín.

Nhờ có cái quán mà phá tan đi phần nào sự u tịch rờn rợn của bờ kênh, ban đêm người đi đường đỡ sợ ma hơn. Tối tối, lão chăn vịt cũng hay mò lên đây lai rai cùng chủ quán, mỗi khi vắng khách, coi bộ hai người tương đắc lắm. Mọi người cứ nghĩ chắc dân mối mang gì của lão chín???

Một thời gian sau, theo đà phát triển nông thôn người ta dự định làm con lộ mới trên bờ kênh để giúp nông dân vận chuyển nông sản trong vùng cho dễ dàng. Cái miếu xem như chướng ngại vật cần giải toả nhưng không ai dám phá nó. Một lần có chiếc Kôbe chạy tới định ủi thì tắt máy, nằm ì tại chỗ, khiến dân làng tin thêm sự linh thiêng của miếu. Con đường đã gần xong, mà cái miếu còn nằm trơ vơ giữa lộ…

Một buổi trưa, tôi đi khai nước ruộng, ông ngồi trong miếu kêu lại nhậu lai rai chơi, nhìn con đường bỗng dưng ông nói một mình: - Trước sau gì cũng phải phá thôi! Giữa trưa nóng bức nầy mà uống rượu đế quả là bị trời hành, tôi muốn về nghỉ ngơi nhưng thoáng nhìn gương mặt lão trầm ngâm tư lự, tôi đâm ngại. Tôi linh cảm cuộc nhậu hôm nay có gì khác thường… Ông nhìn tôi hồi lâu rồi nói:- Tôi ở đây cô đơn chỉ có mình cậu là bạn, nay muốn nhờ cậu một chuyện? Tôi nghe hồi hộp trong lòng, nhưng cố bình tĩnh:- Anh nhờ chuyện gì?

- Nghề nuôi vịt của tôi rày đây mai đó, đứa con gái đi theo thì bất tiện quá, nhưng bỏ nó tôi không biết gửi cho ai? Tôi thấy nó cũng mến vợ chồng cậu, kì nầy chắc phải đi xa rồi, tôi biết cậu là thầy giáo, nên muốn gửi gắm con lại cho cậu dạy dỗ, tôi sẽ gửi tiền về chu cấp nó?

Chuyện quá bất ngờ, tôi chưa biết định liệu ra sao. Chuyện đại sự nầy lẽ ra ông phải nhờ đến chiến hữu lão Chín Cụt chứ, nhưng niềm tin lại rơi vào tôi, trong lòng nghe cũng xúc động. Thật ra, vợ chồng tôi chưa có con, nhà cửa lại rộng rãi, nuôi thêm một đứa bé cũng không có gì lớn lắm. Thơm là một bé gái ngoan hiền đáng thương đi theo lão mãi thế nầy thì không biết số phận tới đâu? Tôi chưa trả lời thì ông nói tiếp: - Khuya nay tôi đi, tôi muốn cậu phụ giúp tôi chuyện nầy? Lại một phen hồi hộp nữa, nhưng tôi giả bộ thản nhiên: - Chuyện gì vậy?

- Cái miếu nầỳ thờ một người thân của tôi, tôi đến đây chăn vịt cũng vì vậy. Nay người ta mở đường mở lối, tôi muốn tự tay phá nó đi, còn hơn để người ta đem xe đến ủi, tôi đau lòng lắm, cậu giúp tôi một tay được không?Phải im lặng đừng để dân làng biết nguy lắm?

Tôi run bần bật, từ trước đến giờ làm nghề thầy giáo đâu dám rớ vô chuyện động trời nầy được. Tôi giãy nảy: - Không được đâu anh ơi, tôi không quen chuyện nầy, con anh thì tôi nuôi giúp được,chớ chuyện nầy tôi xin thua. Ông im lặng, câu chuyện chỉ có thế mà chiều xuống hồi nào không hay. Tôi vác cuốc sửa soạn đi về, ông chụp vai tôi lại, nghe đau nhói, đôi mắt long lanh ươn ướt: - Tôi gửi cậu cái nầy. Ông đưa tôi cái gói gì đó không biết.

Sáng ra, cái miếu bị phá tan tành. Dân chúng một phen bàn tán xôn xao, không biết tay nào cả gan dám làm như thế ? Dù họ hiểu rằng trước sau gì nó cũng không tồn tại được.

Từ đó, người ta không còn thấy lão chăn vịt trên cánh đồng nầy nữa. Cái miếu bị xoá sổ, như mất đi một di tích trong làng, nhưng huyền thoại về nó vẫn còn đọng lại trong lòng người theo năm tháng. Tôi cũng vậy, đôi khi tiếc nuối thương nhớ một cái gì đã qua đi mơ hồ lẫn lộn: Nhớ một nơi có nhiều kỉ niệm đẹp đẽ thời thơ ấu ngày nào, trên dòng kênh xanh, hay là tiếc thương cho một mối tình thuỷ chung son sắc của đôi tình nhân bạc mệnh ngày xưa…?

Tôi nhận đứa trẻ về nuôi như một lời hứa. Tôi kể lại sự tình cho vợ nghe và đưa ra cái gói của ông: - Em xem cái gì trong đó? Mở ra cả một lố vòng nhẫn sáng loáng, vợ tôi hết hồn: - Anh nhận làm chi mang tội, ổng nghèo lắm, cả xóm ai không biết.

Tôi đâu có nhận, ổng đưa đại rồi bỏ đi! thôi em cứ giữ đó .. từ từ tính , giờ phải lo cho cháu bé cái đã….

Vợ chồng tôi lo cho cháu Thơm chu tất, nhưng những tin tức về ông ngày càng lụi dần…

Thời gian trôi qua….., có một lần tôi đi công chuyện trên chợ huyện về, ngang qua quán Cây Sung, bất chợt lão Chín Cụt kêu vào uống lai rai cho đỡ buồn. Ông cũng là người hay cho quà bé Thơm mỗi khi tôi dẫn nó xuống ruộng hay ghé quán ông nghỉ chân.

Rượu vào lời ra, một hồi sau câu chuyện tự dưng nhắc đến cái chết đôi tình nhân năm xưa. Tôi khen lão chăn vịt có tấm lòng nhân hậu quá, chuyện người dưng mà thành tâm thờ cúng. Lão Chín liền cười lớn nói: - Trời ơi! Người dưng sao được, đấy là người yêu của lão đó, cậu ơi!

Tôi giật mình thảng thốt hỏi lại: - Thật sao ông Chín? Thế còn bé Thơm là con ai? Có phải là con của lão ta không?Ông Chín Cụt thật thà: "Cậu nhận nuôi mà cũng không biết nữa? Thôi cũng là tấm lòng của mình.Thi ân bất cầu báo mà! Đó là con của bà ta, tội nghiệp, lúc mẹ nó chết nó mới vừa tròn thôi nôi, lúc đó, tôi là người bồng nó từ cô nhi viện đem về, theo yêu cầu của lão…".

Rượu vào một lát, lão ngật ngừ giọng lè nhè nói tiếp: "Tôi không rành lắm nhưng nghe nói chồng bà biết được bà còn dan díu với người tình cũ bèn lôi ra bờ kênh hỏi tội. Ông chồng là lính biệt động quân thời chưa giải phóng, mới ở chiến trường về, giắt lựu đạn lòng thòng trên lưng quần, xô xát chẳng may rớt xuống nổ chết cả hai…. Do bà ta chết oan, nên hồn ma cứ hiện về khóc ấm ức hoài, hồi đó cậu không nghe người ta nói sao? …hề…hề…".

Tôi ngẩn người ra, đầu óc lan man, còn Lão Chín càng say càng nói huyên thuyên, không biết đâu mà lường. Tôi tự hỏi: -Người ta khi xưa đã thêu dệt câu chuyện như lão nói hoặc lão có vẽ vời thêm chăng? Điều đó cũng không ai rõ? Nhưng nói như lão vẫn có cái lí của nó: - Cứ giữ mãi đi những gì đẹp đẽ trong lòng. Đó là tình sử đẹp, tấm lòng đẹp, thế thôi!

Ngữ Yên

 

 
Lượt xem: 2697

© NongLamSucTayNinh.com 2011 - 2020. Thiết kế website tại MtStudio.vn

Thành lập ngày 20 tháng 02 năm 2011

Email: nonglamsuctayninh@gmail.com