Lão nghệ sỹ Kha Thùy Châu

Chuyên mục: Truyện ngắn - Bút kí - Tùy bút Được đăng: Chủ nhật, 20 Tháng 10 2013 Viết bởi Ngô Nguyên Nghiễm

                    ( Nguyễn Quốc Nam và họa sỹ Kha Thùy Châu )

LÃO NGHỆ SĨ KHA THÙY CHÂU 
CUỘC RONG CHƠI TÀI HOA TRÊN NGHỆ THUẬT


NGÔ NGUYÊN NGHIỄM

Hình ảnh hàng trăm họa phẩm cổ điển trên bìa nhạc bản trước mặt tôi, bỗng dưng xê dịch cả một khoảng không gian thời gian quá khứ hiện về. Lãng đãng trong một khung trời đầy ấp kỷ niệm của thời thơ mộng tuổi trẻ, chợt bùng lên sinh khí bất biến làm dao động 

cả một phương trời xa cũ nhớ mong. Thời khắc trôi qua nhanh như gió thoảng, tất cả hiện thể như khúc phim lãng bạt trôi nổi phù du trong suốt quãng đường đời nhân thế. Có thể cũng cần phải đọng lại trong tâm hồn thiện nghiệp của nhân gian những ảnh tượng trong suốt, đầy ấp những tinh hoa của nghệ thuật và kỷ niệm. Đời người như gió thoảng, những vói bắt lại hình bóng trôi nổi trong thời gian, họa chăng là một cuộc phiêu lưu không tưởng. Nhưng hình như trong những thế giới liền kề song song chúng ta, cũng nhiều phen hiện lên trong giấc ngủ đầy mộng mơ, của các nhả khoa học và văn nghệ sĩ. Ân điển lưu trú trong tâm thức của khoa học là đem viễn mơ về hiện thực. Nhưng tính thuần tinh khiết của nghệ sĩ lại bắt chụp từ cái thực hóa thân, thành ảnh tượng chiêu hồn. Cái bất biến trong nghệ thuật là vậy, nên nhiều tác phẩm bất chợt dựng lại thành sân khấu hoạt hóa, làm xao xuyến trên cõi đi-về.
Bất cứ thế nhân nào, cũng ít nhiều treo trong tâm thức những kỷ niệm bất biến như thế. Tất cả, như những viên gạch mã não xây dựng từng khu đền đài vàng đá, kiến trúc vĩnh cửu trước thời gian, dù thời gian đã trôi qua, thời gian vừa hiện thể, hoặc thời gian sẽ lồng lộng ở tương lai. Những hình tượng xa xưa đè nén xấp lốp trong tiềm thức, chợt bùng nổ trong sát na, khi bất chợt có những diếu tố (enzym) duyên nghiệp tác động tình cờ vào công thức chuyển hóa.
Ngồi tao ngộ thanh tâm cùng những bằng hữu cao niên, cái gì nhắc nhở đến chuyện xưa cũng bất chợt như gieo từng bát nước trên đóa phong lan hồ điệp, khiến từng cánh hoa lung linh
như hiện về cùng tiềm thức.Vài câu chữ trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư, hầu như đánh động bàng hoàng cả thời thơ ấu bật dậy.Nghe văng vẳng đĩa hát hàng xóm ,một bản nhạc tình khúc xa vắng ngày nào, diệu vợi vào giữa khuya chợt tỉnh giấc khiến hồn cố hương xao xuyến, lãng đãng như những bóng dáng cô hồn trôi nổi quạnh hiu.
Nhà nghệ sĩ lão thành Kha Thùy Châu với cung cách khiêm cung, chân chánh và trực tâm, mà tôi vô tình quen biết chọn mặt gởi vàng qua những tranh bìa kỳ thú,mà Ông trang trải trên những bản nhạc bất biến với thời gian khiến văn kỳ thinh, bất kiến kỳ hình. Phải chăng vì vậy, cũng như một họa phẩm đời thường, không có gì khác biệt với gió bụi thường hằng. Nhưng, bỗng nhiên trong một giây phút cần trực ngộ, thì sự giao tế nầy là dấu ấn cần phải có trong đúng thời điểm, gọi là thuần duyên vậy. Sau nầy giao tiếp nhau từ nhiều cuộc gặp gỡ trong những buổi trà đàm văn nghệ, quen dần hình ảnh chân phương chất đầy tính nhu hòa thanh lịch, những hiểu biết thông thái, nhất là tài hoa trên những bước đường rong chơi nghệ thuật. Hầu như, Ông chất chồng đầy rẫy những tài năng trên nhiều lãnh vực nghệ thuật. Sự khinh khoái tang bồng của người nghệ sĩ Kha Thùy Châu, lại là những nỗi đồng khí tương lân với nhiều bằng hữu văn nghệ trong cuộc giao thoa. Điều Kha Thùy Châu trao đổi với bạn bè văn chương, không bao giờ thể hiện hết bao quát những tài hoa sẵn có, từ thơ văn, điện ảnh, kịch bản, nhiếp ảnh…Nhưng nhiều thế hệ văn nghệ sĩ chung quanh Kha Thùy Châu, thể hiện kỳ diệu về Ông hình như chỉ trân trọng tán thán về cả ngàn tranh vẽ trên những bìa nhạc bản suốt thập kỷ 50 đến năm 1975. Tên tuổi Kha Thùy Châu vì vậy hầu như gắn liền với giai đoạn âm nhạc miền Nam trong thời kỳ hưng thịnh nầy, mà hiện nay các chương trình giới thiệu nhạc thời trước cho là giai đoạn kỳ diệu của một thời âm nhạc vượt thời gian.
Thời tuổi trẻ, ôm nhiều mơ mộng lãng bạt, dĩ nhiên ngoài thi ca, thì điều mà tôi tâm đắc và say mê cũng là hội họa - sân khấu - âm nhạc…Nhưng âm nhạc đến với tôi có vẻ lãng mạn hơn, gần gũi hơn nhiều cái say mê bộ môn khác. Hình như hàng tuần, tiền bạc tuổi học trò đều dồn sạch vào những bản nhạc vừa giới thiệu trên đài phát thanh Sài Gòn. Chính vậy, tôi đến sớm nhất với hàng ngàn bản nhạc tích lũy, mà hình ảnh tranh vẽ của họa sĩ Kha Thùy Châu, như một định mệnh thơ mộng dàn chặc trong tâm hồn.( Sau năm 1975, ca sĩ Trọng Khải thường trình diễn trên ban nhạc Tấn An với nhiều ca sĩ khác như Thanh Thúy, Phương Dung...trước khi định cư ở Mỹ muốn lưu giữ , nên tôi trân trọng ký gởi tất cả cho hiền hữu).
Nỗi nhớ của người văn nghệ, thì Kha Thùy Châu được định danh trên cột văn sử, bằng những bức tranh cổ điển vời vợi nỗi nhớ của một thời bất biến, trên hàng trăm hàng ngàn nhạc bản vượt thời gian như vậy cùa 20 năm xưa. Nhưng Ông vẫn xem đây như nghề bất đắc dĩ, vì chính thức chuyên ngành của Kha Thùy Châu là điện ảnh, nhiếp ảnh và thi ca. Anh Vương Tân, có nói rằng: “Con người Kha Thùy Châu là con người tài tử, con người của gió bụi của phiêu lãng và thơ đã tới với anh một cách thật tự nhiên: Anh đâu vào sa mạc/Mà từng cơn bão cát/Mãi cuồn cuộn trong lòng/Bão xé tan da thịt/Tung mù mịt hư không/Anh tìm em em hỡi/Giữa cõi đời mênh mông”. Kha Thùy Châu làm thơ như bàn chuyện đời, làm thơ như uống trà mỗi sáng với bạn bè thân hữu, bàn chuyện trên trời dưới biển, chuyện Đông Tây kim cổ, chuyện xưa chuyện nay, nhưng không phải vì vậy mà thơ Kha Thùy Châu thiếu súc tích. “Vạn Kiếp, Chi Lăng mãi vẫn còn/Âm ba vang vọng thúc từng cơn/Quên sao trận chiến vang lừng đó/Máu hận nào nguôi ngọn lửa hờn”. Kha Thùy Châu chơi thơ như thiên hạ chơi hoa chơi “kiểng” chăm chút vần điệu chữ nghĩa, như người chơi hoa thủy tiên gọt củ thủy tiên sao cho hoa nở đúng giờ giao thừa, cuộc chơi của Kha Thùy Châu khá công phu và những cố gắng của Kha Thùy Châu đã cho đời những vần thơ đẹp…
Sanh quán lão nghệ sĩ Kha Thùy Châu, làng Thanh Hòa huyện Giồng Riềng – tỉnh Rạch Giá. Tuổi 14 niên thiếu, Ông trôi dạt tới vùng Đốc Vàng (Đồng Tháp Mười) rồi về quê mẹ ở Thốt Nốt (Cần Thơ). Năm 19 tuổi (1951), Kha Thùy Châu lên Long Xuyên học trường trung học Thoại Ngọc Hầu, là học trò cưng của thầy dạy Việt Văn - nhà văn Nguyễn Hiến Lê.
Trước 1975, Kha Thùy Châu tốt nghiệp trường Điện Ành vào loại khá, nhưng nghiệp dĩ lại chuyển hướng đưa Ông bước vào hội họa, vẽ tranh bìa cho hàng trăm bản nhạc nổi tiếng xa xưa. Nhờ những phút giây đột nhiên tự tại như thế, Ông trở thành họa sĩ chính thức của nhà xuất bản Tinh Hoa, An Phú, Việt Nam & Asia…Từ cái danh đó, Kha Thùy Châu cũng được ưu ái trong những lần triển lãm chung với nhiều họa sĩ đương thời từ đầu thập niên 60.
Song song với hàng thập niên trôi nổi trong nghệ thuật, Kha Thùy Châu chỉ nghiêng về vẽ tranh bìa cho âm nhạc và bận bịu nhiều thời gian với máy quay, trong phim tài liệu và phim truyện do Trung tâm Điện Ảnh sản xuất…Ông kề vai sát cánh với nhiều nghệ sĩ tài danh lúc bấy giờ, như Đòan Châu Mậu, Nghiêm Phú Phát, Tài tử Điện Ảnh Ngọc Phu, Nguyễn Long mở nhiều lớp hướng dẫn về điện ảnh , nghệ thuật ứng dụng, và làm phim với những đạo diễn trong và ngoài nước như Lê Hoàng Hoa , Jose Avalena , Mariam Bucher…
Sau 1975, Kha Thùy Châu về phụ trách giảng dạy tại trường Điện Ảnh Thành Phố, và trường Sân Khấu Thành Phố. Song song, trong hãng Phim Giải Phóng, Ông chuyển qua phụ trách làm phim hoạt hình, phim búp bê và chuyên về Mỹ công - Kỹ sảo, làm chuyên viên phòng kỹ thuật điện ảnh…Hầu như, những phim hoạt hình của hãng phim mà Ông phụ trách, từ những khâu kịch bản cho tới hoàn thiện những truyện phim hoạt hình từ đầu cho đến kết cuộc, đều do Kha Thùy Châu viết và thưc hiện cùng với các họa sĩ trẻ.
Ngày tháng bay nhanh trên suốt ngõ ngách trần gian, cái có cái không không còn làm vướng bận người nghệ sĩ bước vào ngưỡng cửa thượng thọ, khinh khoái nghêu ngao lãng bạt trong thế sự. Lão nghệ sĩ Kha Thùy Châu đa tài rực rỡ với một kiến thức thâm sâu trong văn hóa văn nghệ, từ nghệ thuật thứ bảy đến nhiếp ảnh, thi ca …Ông còn sống trong lòng người ngưỡng mộ dĩ vãng, về đóng góp mênh mông trên bìa nhạc của những ca khúc vượt thời gian ,lập dựng được cả một hướng hội họa màu sắc cổ điển, thoang thoáng mang đậm tính quê dân dã, góp phần mang tính diệu vợi cho những hồn nhạc xa xưa. Chính vậy, trong đời sống Kha Thùy Châu cũng chất chồng những âm hưởng giao động trước nỗi thăng trầm của thế sự và nhân tình. Ông chất đầy trong ngõ ngách trái tim những kỷ niệm chân phương của người nghệ sĩ, thoang thoảng giữa hương thời gian trôi dạt tận bến tâm hồn. Cái quá khứ đối với người xưa quả thật thấm nhuần bao quát cả một triết lý tử sinh. Thật vậy, bài thơ Kha Thùy Châu trao nhà thơ Vương Tân, xin kết lại trên bến đỗ giang bờ nầy, như âm vang của hành giả đang quay trở về tìm nguồn cội của chân tâm :

KỶ NIỆM

Gối đầu mơ kỷ niệm
Ôn chuyện cũ năm xưa
Tháng ngày qua mau quá
Nào đâu nghĩ đâu ngờ

Cố quên càng thương nhớ
Tan họp cõi nhân gian
Tình yêu đà phiêu lãng
Tiếc chăng đã muộn màng

Đêm nay nhìn muôn sao
Thèm nghe tiếng ngọt ngào
Bốn bề im phăng phắc
Tựa hồ giấc chiêm bao

Lòng nao nao trống vắng
Dâng cảm xúc bồi hồi
Hồn chìm vào băng giá
Buồn nào hơn chia phôi.

KHA THÙY CHÂU

NGÔ NGUYÊN NGHIỄM
Viết tại Thư trang Quang Hạnh
Thất Sơn, gió Hạ - Quý Tỵ (2013)

Tin mới

Các tin khác

Lượt xem: 4512