Nhớ bạn Trần Văn Gòn

Chuyên mục: Truyện ngắn - Bút kí - Tùy bút Được đăng: Chủ nhật, 06 Tháng 7 2014 Viết bởi Ngân Triều

thaygon1

Nhớ bạn Trần Văn Gòn

Ngân Triều

BBT : tác giả Ngân Triều là bạn đồng môn với thầy Gòn từ những năm thập niên 1950 . Đây là một bài viết rất chân thành tình cảm nhớ về người bạn cũ cũng là giáo sư NLS Tây Ninh trước năm 1975. Trang Nhà xIn giới thiệu cùng bạn đọc

Tôi học chung với Bạn Trần Văn Gòn lớp Đệ Ngũ A (1958 -1959) và Đệ Tứ A năm học (1959 -1960). Bạn có vóc dáng hơi gầy, trung

người, tướng đi rất nhanh nhẹn và nhất là đôi mắt sáng long lanh, thể hiện một tâm hồn nhạy cảm, bao quát, thông minh. Gòn học khá, môn Toán, bạn thường đạt điểm cao. Trong giờ giải bài tập, nhiều lúc tự tin, bạn thường mạnh dạn giơ tay, xung phong lên bảng chứng minh và giải phương trình.
Bạn cũng rất niềm nỡ với bạn bè, ai nói tếu thì cười nhưng không hề chọc ghẹo ai cả. Đó là một nét đẹp mà tôi rất quý.
Năm học 63 - 64, khi đỗ  tú tài 2 ban B ( Lâu quá tôi không nhớ có học chung với Gòn ở lớp Đệ Nhất B không?). Khi vào Trường Sư phạm Sài Gòn khóa 2, tôi học chung với Ẩn, Thấu, Đôi, Ánh, Mum, Mến Trí, Phước Trần...thỉnh thoảng có gặp Gòn, Hữu Lễ, Chị Hòa...vì các bạn nầy học khác lớp...
Trước và sau năm 1975, tôi ít có dịp về Tây Ninh...vì quê tôi ở Hậu Nghĩa, mặc dù Đất Tây Ninh còn mãi trong tâm hồn tôi của một thời mới lớn mộng mơ, những kỷ niệm hồn nhiên của một thời vụng dại dể thương, biết yêu ai rồi mà không cách nào thổ lộ, mở lời. Những tình cảm trong sáng ấy, vẫn quyện chặt trong tâm khảm, không thể nào phai...
 Mãi đến năm 2010, "nợ đưa đò trăng trắng vỗ tay reo" (theo NCT) được 7 năm, con cái ổn định phần nào, chúng tôi mới trở về họp mặt thăm lại cảnh xưa...để thăm Thầy, thăm bạn, thăm trường xưa, nơi đã được học tập nên người,tìm những dấu chân kỷ niệm của mình của một thời mới lớn xa vời...thì mới biết tin bạn Gòn đã ra đi khoảng hơn 13 năm. 50 năm rồi còn gì ! Thời gian sao nhanh quá! Coi như từ ngày hết năm đệ tứ (59 - 60), tôi chưa hề gặp lại bạn lần nào cả. thật rất ngỡ ngàng và rất buồn cho bạn!
Nhân ngày giỗ lần thứ 17 của Bạn, tôi xin đọc 2 câu đầu và xin bình mấy lời, để  gọi là thay lời tưởng niệm bạn Trần Văn Gòn:

Hai câu thơ đầu:

 ngôn từ đơn giản như câu nói bình thướng, không tu từ nhưng hồn thơ là một ý thức và một thái độ mang ý nghĩa triết lý nhân sinh:

Cõi Trần nơi khách tạm dừng chân.

Đến lúc ra đi chẳng ngại ngần

Tác giả tỏ ra đã thấu hiểu lẽ sống ở đời. Đời là cõi tạm, nơi mà con người phải "tạm dừng chân" để khi từ trần là trở về cõi hư vô, cõi cực lac, miền vinh hiển...Cái nghĩa về tử-tận là vĩnh hằng. Nó là một hằng số, là một con đường tất định mà con người, trước sau, ai ai cũng phải đi qua như một tam đoạn luận bất hủ: 
"Con người đều không sống mãi/ Tôi là con người/ nên tôi sẽ không sống mãi"/ (tức là sẽ phải từ trần).

Từ ý thức cõi trần là cõi tạm như trên (sinh ký, tử quy = sống gởi, thác về),nhưng nhà thơ có một thái độ thanh thản, không vướng bận,của một con người ung dung tự tại, hiểu lẽ đời; "Một khi cái chết đến với ta, ta không hề sợ nó, ta không bao giờ tránh né, không bao giờ yếu đuối , ta "chẳng ngại ngần" gì cả,như trong bài "La mort du loup" (Cái chết của con chó sói) của Alfred de VIGNY (1797-1863):

Xin mạn đàm 4 câu thơ cuối:

Gémir, pleurer, prier est également lâche...
Fais énergiquement ta longue et lourde tâche
Dans la voie où le Sort a voulu t'appeler,
Puis après, comme moi, souffre et meurs sans parler. "

(Gào thét, khóc lóc, van xin thảy đều hèn hạ,

Hãy phấn đấu hết sức cho công việc nặng nề dài lâu của ngươi,

Trong con đường mà Số phận đã dành riêng cho ngươi,

Rồi sau đó, như ta, đau đớn và chết trong lặng im).

* Xin tạm dịch:

"Van xin, trào lệ, kêu gào,
Ích gì! Như nước đổ vào lá khoai! 
Nước còn, còn tát, mãi hoài, 
Mặc cho Số phận an bài trêu ngươi.
Nghiến răng, vùng vẫy, không lời, 
Như ta, đau đớn...để rồi tử quy."

Ngân Triều


* Tóm lại, có lẽ trong lúc đó, căn bệnh quái ác  đã dày vò bạn rất nhiều, rất nhiều đau đớn và nghĩ rằng căn bệnh đó như đưa bạn sắp đến cuối đường định mệnh nhưng tác giả vẫn khảng khái, lạc quan và bình tâm đón nhận cái lẽ tử-tận một cách bình dị, " chẳng ngại ngần". 

Chỉ mới có hai câu đề thôi mà nghe như một tiếng lòng cất cao chất ngất , một nét nhân sinh quan tích cực, vững vàng, một phong cách của   một Trần Văn Gòn, như một thời thiếu niên vời vợi, dễ thương ...

Bạn Trần Văn Gòn ơi!

Bạn đi bên ấy, sao mà lạnh?

          Nhớ bạn bên đèn, lạnh mấy mươi!

                                 ( Phỏng theo Hành phương Nam, Nguyễn Bính)


03/06/2014
Ngân Triều

( Blog Ngân Triều )

Tin mới

Các tin khác

Lượt xem: 2760