Lan man chuyện học trò

Chuyên mục: Truyện ngắn - Bút kí - Tùy bút Được đăng: Thứ ba, 29 Tháng 12 2015 Viết bởi Ban điều hành

Tây ninh nắng nung người …” nhạc sĩ Trúc Phương tả như vậy trong bản nhạc “Trên bốn vùng chiến thuật.” Đúng, nắng nung người nhưng tôi cảm thấy mát, mát như thi sĩ Nguyên Sa đã bày tỏ trong hai câu thơ, “Nắng Sài gòn anh đi mà chợt mát / Bởi vì em mặc áo lụa Hà đông …”
Mát, không phải vì quí nàng Tây ninh mặc áo lụa Hà đông mà nhờ những cánh bướm trắng tung tăng đến trường và nhất là lúc tan trường … Ôi, những cánh bướm dễ thương tôi mãi nhớ về một thời “Làm học trò sách chẳng cầm tay / Có tâm sự nói cùng cây cỏ …” như thi sĩ nào đó đã viết …


Sáng đi, trưa học về trên đoạn đường dài khoảng một cây số ngàn, từ cầu Quan đến trường Trung học Công lập. Con đường Trần Hưng Đạo có một đoạn chạy cặp bờ sông với hàng dừa nghiêng nghiêng in bóng trên dòng nước. Con đường có nhiều ngã ba, ngã tư như ngã tư Tam Đa (Bác sĩ Thọ), có tiệm bi da Lý Nghết … Nhớ mỗi khi rảnh rỗi bốn trự chúng tôi đi đánh bi da. Có một lần mấy ông Bô biết được, đi qua lại trước tiệm. Bốn nhô con nhìn thấy, trự nào cũng xanh mặt. Ác thay, tiệm không có cửa hậu, phía sau có một bức tường rào khá cao. Bốn nhô con cõng nhau leo lên bức tường, nhảy xuống. Một nhô con bị trẹo mắt cá chân, dĩ nhiên không chạy được là “cái cẳng.” Hôm ấy về nhà tất cả bị roi vào mông … Sau này, bốn đứa bạn chúng tôi một thằng đền xong nợ nước, hai thằng bị loại khỏi vòng chiến và một thằng đầu chỉ còn vài cọng tóc bạc lưa thưa đang lưu lạc xứ người …
Ở ngã tư xóm chùa Thiền Lâm, góc trái là nhà của một người bạn có một thời quậy phá, một thời học chung với tôi lớp Pháp văn thầy Huệ Chương … Xin đốt một nén hương lòng kính dâng lên thầy. Khi thầy mất con đang ở một chiến trường khốc liệt nào đó, xa xôi, không thể về đưa thầy đến nơi an giấc ngàn thu… Đi về hướng bờ sông Tây ninh, cặp bờ sông là nhà thầy ba Thiệt, ba của bạn Huỳnh Kim Hoa, có chiếc xe trắc-xông màu đen, mang bảng số NBL 290 (Hoa ơi, có đúng không bạn?). Trên bờ sông trước nhà có một chiếc ghe bầu thật to. Đây là khúc sông có rất nhiều chem chép…
Ngã ba đường Tự Đức, có trường dạy đánh máy “Hưng Đạo” của ông sáu Ngọ, ba của hai bạn Mùi và Tánh. Đối diện là chùa Ông Bổn, có hốt thuốc Nam phước thiện. Kế bên là giảng đường Thích Quảng Đức, nơi các bạn thuộc gia đình Phật tử thường nhóm họp sinh hoạt … Đi lên dốc đường Tự Đức sẽ đến nhà thầy Vân Đằng Trần Văn Rạng và cô Anh. Được biết thầy cô vẫn còn khỏe. Em xin kính gởi lời chúc sức khỏe thầy cô …
Đi về hướng trường Trung học Tây ninh, trên đường Trần Hưng Đạo, bên phải là nhà ông ngoại của bạn Phước, rồi đến mấy tiệm sắt, bên trái là dãy phố lợp ngói âm dương. Có mấy chị bạn từ trường Hữu Đức, Gò dầu lên trọ học. Kỳ Hội ngộ Liên trường vừa rồi tôi gặp được một người, còn lại phiêu bạc nơi đâu không rõ …
Đến ngã ba Chợ Cũ có tiệm cà phê người Tàu… Nhớ cái tuổi nhố nhăng, học đòi làm người lớn, chúng tôi cũng cà phê cà pháo như ai … Vào bàn mạnh ai nấy kêu, kêu lung tung, kêu nhiều dĩa bánh tiêu, cháo quẩy … Ăn xong dấu bớt dĩa trong cặp vì người phổ ky đếm dĩa trống để tính tiền… Tôi nghĩ là ông chủ biết chúng tôi ăn gian nhưng ông thấy học trò, với lại một hai dĩa chẳng là bao nên xí xái… Vậy mà khi ra khỏi tiệm, phe ta hí hửng … Đúng là thứ ba học trò!
Đi tiếp sẽ đến khu vườn chuối của bà Cả Giàu. Đối diện là chùa Ông Phước Kiến. Đoạn đường này mát mẻ, hữu tình. Có một lần tôi tình cờ gặp thầy Anh Việt Thu đang sóng đôi với một cô bạn, mái tóc dài buông thả ngang lưng, trên khúc đường ấy. Sợ quá, tôi quẹo ngược lại, trốn mất… Giờ thầy đã ra người thiên cổ, nhớ đến thầy nhất là mỗi khi nghe các tuyệt tác của thầy như Giòng An Giang, Hai Vì Sao Lạc, Tám Điệp Khúc … Rồi đến khu nhà của vài gia đình kỳ cựu Tây ninh mà ngày xưa bọn học trò chúng tôi kháo với nhau là “khu kín cổng cao tường.” Một lần tôi vào nhà thầy Sen với bạn Tuấn, con của thầy. Một lần và chỉ một lần mà thôi vì khi tôi gặp thầy, tôi sợ quá, ngó qua ngó lại dong mất …

Đi đến Cửa Đồn, trường Trung học Tây ninh, dõi mắt theo từng cánh bướm khuất dần ở cổng nữ sinh mới tà tà vào cổng nam sinh … Ôi, thật mát làm sao, những buổi tan trường nắng gay gắt, những tà áo thướt tha đi trước, phía sau là cái đám lộn xộn thong thả đi theo… Chẳng dám nói gì (biết gì mà nói) nhưng mấy nàng vẫn biết, nghiêng nghiêng nón lá làm dáng… và cứ thế … các nàng đi trước các chàng theo sau… Đúng là các “em tan trường về” các “anh theo em về…”
Rồi từng mùa phượng qua đi, tuổi học trò theo năm tháng lớn dần… Các nàng theo chồng bỏ cuộc, các chàng thì “hàng hàng lớp lớp chưa về, hàng hàng nối tiếp…” xếp bút nghiên lao vào gió bụi chiến tranh …. và một số bạn đã đi vào lòng đất mẹ khi tuổi đời vừa quá 20 như Bằng, như Bê ….
Nhớ lại khi xưa, lơ ngơ, láo ngáo, thuở học trò mà lại là những con “ngựa chứng trong sân trường.” Biết bao chuyện dại khờ, biết bao kỷ niệm của một thời cơm cha, áo mẹ, công thầy … Nhớ lại nghe lòng ray rứt, áy náy không yên…
Nhớ năm thầy Lưu Bỉnh Chí làm giám thị. Trong giờ ra chơi, chúng tôi đang đứng trò chuyện ngoài hành lang, thầy Chí từ xa tiến đến, tay cầm tờ bích báo đưa cho cả bọn xem và nói, “Các trò xem đây, có mấy trò nào đó biếm nhẽ thầy!” Ghé mắt nhìn vào chúng tôi thấy có hai câu Kiều được sửa lại như sau:
Cũng liều nhắm mắt đưa chân,
Mà xem con “RẬN” xoay vần đến đâu!
Cả đám ngó nhau, một bạn lên tiếng, “Thưa thầy, đó chỉ là hai câu Kiều bị sửa một chút thôi mà thầy!” Thầy Chí trợn mắt nói, “Thầy tên Chí. Các trò ấy viết hoa, mở và đóng ngoặc chử rận đó!” Phải công nhận đám học sinh nào đó “thâm” thật… Giám thị nghiêm khắc, học trò loi choi, lóc chóc có thương nhau bao giờ. Kính thưa thầy, xin thầy cho chúng con một lời xin lỗi muộn màng. Tuổi thơ thật nhiều nông nổi. Dù thế nào đi nữa chúng con cũng nhớ thầy qua tiếng đàn độc huyền bản “Hòn vọng phu.” Qua bao năm chưa có dịp nghe ai đàn lã lướt như thầy.
Nhớ thầy Lương Hữu Tống nổi tiếng nghiêm trang. Một buổi sáng thầy kêu một đứa, “Trò!” Nghe tiếng dạ, thầy nhìn xuống và phán cho một câu, “Trò là người hay ma mà lúc ẩn lúc hiện vậy ?! Học được, không chịu học thành ma bây giờ!” Thầy ơi, thầy tiên tri hay thật. Nó thành ma sau đó không bao lâu. Kính, nhớ thầy nhiều …
Mớí đó mà đã hơn 45 năm trôi qua. Đúng là thời gian có ngừng bao giờ. Mới ngày nào còn mài đáy quần ở ghế nhà trường, giờ tóc đã tuyết sương. Bạn bè ngày xưa nay còn mấy… Đầu … Đuôi… Trước… Sau …, giờ đã tan tác khắp bốn phương trời. Lắm bạn đã đi vào cõi hư vô, Vị Quốc Vong Thân khi máí tóc hãy còn xanh.
Giờ đây nơi xứ người cách năm có buổi Hội ngộ Liên trường Tây Ninh. Đây là một dịp để gặp lại thầy, cô, bạn bè, “Tha hương ngộ cố tri.” Xin thật lòng cám ơn, nhiều nhiều lắm đến ban Tổ chức đã bỏ công sức, tạo điều kiện, cơ hội để thầy trò, bạn bè tìm gặp lại nhau, tay bắt mặt mừng, ôn chuyện quá khứ, ai còn ai mất … Sau những đêm đen dài, xin bạn bè xít lại, tìm nhau, nhìn cho rõ mặt mày, cùng nhau chia sẻ những ngày còn lại …
Xin mượn mấy câu thơ sau đây để kết thúc bài “Lan man chuyện học trò.” Trí nhớ đã mỏi mòn nên không nhớ tên tác giả, kính xin lượng tình tha thứ.
Bạn bè lớp cũ nay còn mấy
Ngoảnh mặt trông về, mây trắng bay …

Những người muôn năm cũ
hồn ở đâu bây giờ …
chs T871
nguon : web hoidonghuongtayninh,org

 

Lượt xem: 4471

© NongLamSucTayNinh.com 2011 - 2020. Thiết kế website tại MtStudio.vn

Thành lập ngày 20 tháng 02 năm 2011

Email: nonglamsuctayninh@gmail.com