Tạm biệt hàng cây dĩ vãng

Chuyên mục: Truyện ngắn - Bút kí - Tùy bút Được đăng: Thứ ba, 30 Tháng 9 2014 Viết bởi Ngọc Huệ

tphcm

Thành phố Hồ Chí Minh: Tạm biệt hàng cây dĩ vãng

 Ngọc Huệ

 

Không thể không biến dịch, hàng cây nhỏ bé ngày nào đã trở thành đại thụ hiên ngang cao vút, người nhìn đến ngọn phải ngước lên mới chiêm ngưỡng được màu xanh cây lá vươn mạnh mẽ lên nền trời xanh bao la.

Hàng cây dầu cao ngất ngưỡng là chứng nhân của hơn 100 năm qua, là kỷ niệm của không biết bao người đã từng đi ngang công trường Lam sơn, những người đã từng nghỉ chân nơi đây, từng dạo mát quanh đây, từng đưa gia đình đến vui chơi vãng cảnh... 

Công trường Lam sơn gắn liền với hàng cây này, nằm êm đềm trước nhà hát lớn thành phố, trước UBND thành phố Hồ Chí Minh, một vị trí rất đẹp của Sài gòn hoa lệ, hòn ngọc viễn đông. Nó nằm cận kề với bùng binh Cây liễu, loại liễu rũ ẻo lả, thướt tha như cô gái khoác lên mình tà áo dài mềm mại, điểm xuyết những hoa màu đỏ trên tán lá xanh thẳm làm dịu mát những khi nắng trời oi ả. Bùng binh Cây Liễu hay còn được gọi là bùng binh Nguyễn Huệ (giao lộ Nguyễn Huệ và Lê Lợi), là một trong những biểu tượng tồn tại suốt trăm năm qua của Sài Gòn. 

Gần hai chứng tích này là thương xá Tax kiêu sa, đài cát bởi vì muốn là khách hàng nơi đây thì không phải trả với giá mềm, bởi vì nơi đây sở hữu một lượng hàng hóa lớn phục vụ du khách quốc tế. Được xây dựng từ năm 1880, trải qua tên Les Grands Magazins Charner (GMC) rồi mới đến tên Thương Xá Tax, là một địa điểm không thể nào quên của người Sài Gòn khi muốn đi mua sắm. Công trình hơn 130 tuổi sắp này cũng sắp không còn, khiến nhiều người dân thành phố và những người đã từng biết đến, bồi hồi xúc động hoài niệm về những biểu tượng gắn liền với Sài Gòn sắp phải chấm dứt vai trò lịch sử của nó để nhường chỗ cho những công trình hiện đại hơn mới hơn, nhằm để phục vụ cuộc sống ngày càng tiến bộ với vai trò của một thành phố trẻ đầy sức sống văn minh xứng đáng với tầm vóc hiện đại hóa về mọi mặt đã từng có mỹ danh Hòn ngọc viễn đông.

Thêm một sự hoài niệm nữa với tượng đài vị tướng Trần Nguyên Hãn hùng dũng, hiện đặt tại bùng binh trước chợ Bến thành, nằm ngay giữa giao lộ 7 ngõ quan trọng của trung tâm thành phố. Chẳng bao lâu nữa, những biểu tượng không thể nào quên này của Sài Gòn sẽ không còn nữa hay sẽ được di dời để nhường chỗ cho những cái hiện đại hơn, đó là công trình ga tàu điện ngầm đầu tiên của tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên và tòa nhà 40 tầng ngay tại vị trí hiện tại của Thương Xá Tax. Nhiều ý kiến của người dân cho rằng: Mọi vật trên đời không bao giờ tồn tại mãi mãi, sẽ phải biến dịch. Tuy nhiên, ngay thời điểm này nhìn thấy sự quen thuộc bị thay đổi, hàng cây hàng trăm năm chỉ trong 1, 2 ngày là bị san bằng. Dù biết đôi khi phải chấp nhận mất đi những cái cũ, để có thể đón những cái mới, nhưng có lẽ vì những nơi này đã quá nhiều kỷ niệm của nhiều người, nhiều thế hệ, chứa đựng rất nhiều kỷ niệm và tình cảm của người Sài Gòn, ai mà không nuối tiếc và lưu luyến hàng cây cao bóng rợp mát cả vùng trời, hàng cây nằm bên con đường hiền hòa cạnh vòng xoay Cây liễu buông lơi cành lá hát ca rì rào theo cơn gió đi qua...

cho Benthanh

Bởi vì Công trình xây dựng nhà ga trung tâm Bến Thành (Q.1) nằm ở vị trí phía trước chợ Bến Thành (khu vực vòng xoay Quách Thị Trang) và nối dài đến công viên 23-9, được xây dựng ở độ sâu khoảng 40m dưới lòng đất. Nhà ga metro Bến Thành được xây dựng và lắp đặt các thiết bị có công nghệ hiện đại như các nước tiên tiến phục vụ hành khách đi lại. Đồng thời cùng với việc phục vụ hành khách đi metro, nhà ga còn tận dụng không gian ngầm làm trung tâm thương mại nhằm mang tới các dịch vụ tiện nghi cho hành khách đi mua sắm. 
Nhà ga nằm ở khu vực trung tâm thành phố nên các cửa lên, xuống nhà ga sẽ kết nối với các khu thương mại dịch vụ ở các khu vực xung quanh như chợ Bến Thành, khách sạn và các trung tâm mua sắm trên các tuyến đường lân cận. Dự kiến cuối năm nay sẽ làm công tác sơ tuyển nhà thầu, trong năm 2015 triển khai thi công và dự kiến hoàn thành công trình vào cuối năm 2018 hoặc đầu năm 2019.
Thương cho cây sương gió bao năm, là nhà che cho biết bao nhiêu người trước cái nắng gay gắt. Nhưng với dự án lớn như thế này thì cũng có ích cho tất cả mọi người, xin hãy vui và chấp nhận sự thay đổi, yêu thiên nhiên, thương cây tiếc cỏ, hoài niệm tuổi thơ đẹp đẽ nhất thì hãy giữ kín trong tim. Sống còn phải hướng đến tương lai, tiến xa hơn hiện tại nên phải chấp nhận thôi! Ai mà không yêu Sài Gòn, ai mà không tiếc nuối! Chỉ mong rằng dự án thành công để thành phố ngày một phát triển. Tạm biệt hàng cây dĩ vãng vì sự phát triển hạ tầng giao thông của thành phố Hồ Chí Minh. 

NGỌC HUỆ - DIỆP LỤC TỐ

Tin mới

Các tin khác

Lượt xem: 3318