Nhớ trường xưa ở Ban Mê Thuột

Chuyên mục: Giao lưu gia đình NLS Được đăng: Thứ bảy, 28 Tháng 5 2022 Viết bởi Ban điều hành

Nhớ trường xưa ở Ban Mê Thuột

TẢN MẠN MỘT THỜI THƯƠNG NHỚ NÔNG-LÂM-SÚC DARLAC 1970-1975
Thầy Nguyên Hạnh

Đọc hai câu thơ của Thi sĩ Chế Lan Viên:
- Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi đất đã hoá tâm hồn.

Tâm tình người thầy của 43 năm xa cách ngôi trường rất trẻ trung năng động được thành lập thập niên 70 toạ lạc trên Ql 27 cạnh rừng cây Giá tị, Bạch đàn, Giáng hương, Cà te và Thông gần Trung tâm Thực nghiệm cây số 5, chúng ta đọc rõ bảng: TRUNG HỌC NÔNG LÂM SÚC DARLAC. Ngôi trường nằm vị trí xa Trung tâm Thị xã Ban Mê Thuột, đắc địa thích

hợp giáo dục và đào tạo các học sinh canh-nông, tầm nhìn xa của Bộ Giáo dục và Nha Học Vụ Nông Lâm Súc đào tạo chuyên gia và kỹ sư: Trung tâm Canh Mục Sắc Tộc trên Cao Nguyên Darlac.
Bảng Trường, cổng trường đơn sơ mộc mạc, sân trường cột cờ phất phới lá cờ tung bay đan xen đồng phục áo nâu của nam và nữ sinh. Hình ảnh dung dị của nữ sinh không thướt tha áo dài trắng như nữ sinh các trường: Tổng Hợp, Hưng Đức, Bồ Đề, Vinh Sơn nơi phố thị. Thế nhưng áo nâu mầu đất đã mang bầu khí trẻ trung một chút "quậy phá" nghịch ngợm gần gũi thiên nhiên mà các học sinh ở các trường Trung học trong toàn Tỉnh Darlac không có, bởi nét dí dỏm độc đáo: học sinh Nông Lâm Súc.

Khi nhận Giấy Mời dạy Ngoại ngữ Anh văn và Pháp văn lớp Chín qua giới thiệu của Thầy Hiệu trưởng Trần Văn Lâu, một giáo sư rất trẻ vì hoàn cảnh gia đình khó khăn không tiếp tục ngồi giảng đường Đại học Văn khoa để hoàn chỉnh chứng chỉ Văn chương Anh. Ấn tượng đầu tiên hơi khớp khi tiếp cận giờ học ngoại ngữ, dù có quá trình đã dạy Trường Nữ Trung học Phao-lô Pleiku. Biết tinh nghịch của tuổi học trò nên cẩn trọng làm nghiêm. Giờ Reading English For Today Book Three, thầy vẫn nghiêm nghị giảng bài, bàn bên Nữ có tiếng cười khúc khích của ba em Lữ, Điệp, Gái, từ từ bước xuống bục giảng hướng về phía tiếng cười. Trời hỡi! Một tấm hình 4x6 của Ngọc, bạn gái của thầy Hạnh, nạn nhân đỏ mặt không kịp phản ứng! Các em nam sinh không hiểu chuyện gì đến với thầy, chỉ nghe tiếng cười khúc khích mỗi lúc mỗi râm ran. Thấy nét mặt thầy tội nghiệp, mấy em không gây ồn ào nữa. Hú hồn! Kể từ ngày hôm đó thầy cũng "goodbye" mối tình cô nữ sinh lớp Chín Vinh Sơn mà tòng phạm là các nữ sinh lớp Chín NLS. Thầy Hiệu trưởng nhận biết chọc phá của học sinh, nhắc nhở thầy giáo Anh văn cố gắng lên lớp dạy học nghiêm túc hơn.

Nữ sinh lớp Chín có em Nguyễn Thị Cơ gây ấn tượng với thầy dạy ngoại ngữ nhiều vì em mang kính cận thị trên 6 diop cùng bệnh cận với thầy. Cơ tỏ vẻ chững chạc,không cười nói huyên thuyên ồn ào như nhiều nữ sinh khác. Cùng bàn hai chị em Tuyết và Sương giọng Huế sông Hương bến Ngự ngọt ngào. Các học sinh xuất sắc thường để lại nhiều chú ý như Hiền, Thanh Thạch... Nhiều tên các em ở Trung tâm Thực Nghiệm gần Trường: Hoà, Hồng Đào, chị em Thuyên và Phiên đặc biệt ở Hoà Bình em Bùi Thị Nhị, dân tộc Mường. Thầy còn khó khăn không có điều kiện mua xe máy đi dậy học nên Thầy Lâu Hiệu trưởng bố trí cùng đi xe đưa đón học sinh từ Ngã Sáu và Trường. Từ hồn nhiên của các em khi thầy đưa đón cùng chuyến xe mà thầy giáo trẻ cảm tác bài thơ "Mùa Hè":

Dáng em bóng đổ sân trường xưa
Tóc thề em xoã gió đong đưa
Đơn phương mải nhìn không chớp mắt
Tim đập liên hồi mãi không thưa!
Trường em toạ lạc vùng ngoại ô
Xe trường đón đưa đứng đợi chờ
Áo nâu lạc lõng áo dài trắng
Đất Mẹ nâu mầu áo thẫn thờ.
Thời gian chóng chày tựa bóng câu
Mắt huyền thơ ngây mầu áo nâu
Tóc xanh trường xưa Nông Lâm Súc
Nay mắt chân chim tóc bạc mầu!
Trường xưa kí ức mãi xa rồi
In dấu vết chân cảnh ngộ đời
Cõi Đi Về kẻ đi người ở
Chuông gọi hư vô một kiếp người!
Nguyên-Hạnh

Học sinh nam NLS rất hiếu động có thể do luôn sinh hoạt ngoài thiên nhiên nên giờ học tập trên lớp không tránh hoạt náo với đủ trò trong lớp mà các nữ sinh không loại trừ. Nghe tên gọi Hùng "Đầu bò" đinh ninh cậu học trò này tinh quái mới có nickname hoang dã! Quả thực Hùng rất hiếu động lúc nào cũng quay đầu ngang dọc trái phải, miệng rộng ngoác đôi mắt đen to láu liên, cậu bé giống chú hề luôn gây tiếng cười. Vô tình "Đầu bò" như nghiệp dĩ mà cuộc sống khi có gia đình lo toan cơm áo gạo tiền đã nhờ vốn thú y sơ cấp nơi trường NLS mà áp dụng nghề "thụ tinh nhân tạo" cho heo một thời gian dài nuôi sống gia đình.

Sau 30 tháng 4 năm 1975, Trường Trung học Nông Lâm Súc giải thể. Thầy trò tạm xa nhau không lời tiễn biệt: kẻ tha phương, người ở lại Quê Hương! Cuộc sống mới với nhiều thách đố,phải hoà nhập tiệm tiến thời gian dài mới quen dần: thử thách,đấu tranh tư tưởng bản thân từ lao động tập thể nơi công trường, nơi Hợp Tác xã Tập đoàn nông nghiệp hay ngành nghề... Thời gian đưa đẩy vào guồng sinh hoạt trải nghiệm qua nhiều năm tháng dãi dầu,nhìn lại mái đầu xanh nay điểm bạc, mắt chân chim khắc khổ! Tạo Hoá mỉm cười chợt thấy học sinh NLS xưa, nay đã lột xác thay hình đổi dạng. Cám ơn năm tháng trên ghế ngôi trường NLS đã huấn luyện vô hình chung chuẩn bị vào đời sống Xã hội Chủ nghĩa không lận đận ngỡ ngàng!

"Tiếng gọi từ nơi hoang dã"vô hình thôi thúc một số cựu học sinh Nông Lâm Súc sống nơi Thành phố Buôn Ma Thuột ngồi lại bàn thảo tổ chức Họp Mặt. Thế là tinh thần đoàn kết nhất trí thống nhất ngày 30 tháng Tư Họp Mặt hằng năm. Sau nhiều bàn luận lên chương trình bài bản cuộc Họp Mặt đầu tiên 30 tháng Tư năm 2007 đã thành công với tương đối có mặt nhiều Thầy Cô đặc biệt Thầy Hiệu trưởng Trần Văn Lâu đều hiện diện cùng các học sinh NLS suốt bảy kỳ Họp Mặt. Kỷ Yếu Nông Lâm Súc Darlac và logo NLS với ba hình ảnh đặc trưng: Bông Lúa, Cây Thông, Trâu-Cá nói lên ba ngành mũi nhọn Nông nghiệp đã, đang và sẽ góp phần đem nguồn lợi kinh tế cho Đất Nước phát triển. Hình ảnh các Thầy và Cựu học sinh NLS sưu tầm từ những năm đầu thành lập Trung học Nông Lâm Súc đến gần đây đã đem lại nhiều cảm xúc dâng trào!

"Khi ta ở chỉ là nơi đất ở": Trường Trung học Nông Lâm Súc toạ lạc kề cận rừng thông và giá tị cây số 5 trên Quốc lộ 27 Dak-Lak Lâm Đồng đã để lại nhiều kỷ niệm không bao giờ quên. Kí ức ngôi trường xưa nơi các học sinh NLS đã học tập văn hoá và thực nghiệm canh nông đã mang lại nhiều kết quả thực tế hữu dụng cho cuộc sống.

"Khi ta đi đất đã hoá tâm hồn." vâng! Thực tế chứng minh Họp Mặt xuyên suốt bảy kỳ 30 tháng Tư đã gieo vào tâm tư tình cảm hạt giống ươm trồng với tháng năm ngắn ngủi Thập niên 70 Thế kỷ 20 bằng hai tiếng: Biết Ơn! Không biết những kỳ họp mặt định kỳ sau này còn kéo dài bao lâu, bởi vì năm tháng sẽ bào mòn thể lý,qui luật sinh tồn có còn được tiếp nối từ thế hệ con cháu? Một lời nhắn nhủ chân tình thiết tha: Giữ lấy ngày 30 tháng Tư Họp Mặt Yêu Thương. Dấu ấn Trung học Nông Lâm Súc của cha ông đã "hoá tâm hồn" mãi mãi Yêu mầu Nâu của Đất,của Tổ Quốc Việt Nam.

Buôn Ma Thuột ngày 18-2-2014 nhớ về các Họp Mặt NLS 30-4

NGUYÊN HẠNH

(http://datbuontrap.blogspot.com/2020/02/truong-trung-hoc-nong-lam-suc-darlac.html )

 

 

 

Tin mới

Các tin khác

Lượt xem: 789