Nguyễn Quốc Nam đi làm ruộng về làm một bài thơ

Chuyên mục: Giao lưu gia đình NLS Được đăng: Thứ tư, 02 Tháng 1 2013 Viết bởi Trần Hoàng Vy

NGUYỄN QUỐC NAM, NGƯỜI ĐI LÀM RUỘNG VỀ LÀM MỘT BÀI THƠ…

( Đọc tập thơ DÒNG SÔNG VÀ CÂY CẦU, NXB Hội Nhà Văn, tháng 12/ 2012)

 * Trần Hoàng Vy

Bảy mươi lăm bài thơ, một phụ lục ký họa của Nguyễn Nghiêm và các nhạc sĩ phổ nhạc: Hoàng Châu, Ngô Tùng Văn, Nguyễn Tiến

Nghĩa, Trương Quang Lộc…tập thơ đầy đặn, giống như một sự “tích cóp” của người nông dân cần mẫn trên thửa ruộng đời người. Thơ Nguyễn Quốc Nam, một kỹ sư Nông học bỗng nhiên: “ Thơ bình dị, đơn sơ, mộc mạc/ Không se sua làm dáng màu mè…” và anh tự cảm nhận: “ Tôi làm thơ như đi làm ruộng/ Áo bạc màu nếp sống quê hương/ Như lúa trổ có thời kỳ tượng gié/ Như đàn bà đau đẻ là sanh.” ( Đi làm ruộng về làm một bài thơ, trang 81).

     Vóc dáng giống với một thầy giáo làng…thứ thiệt, thêm nếp da ngăm đen. Nên chuyện “làm ruộng” với Nguyễn Quốc Nam chắc cũng chẳng có gì lạ lẫm? Anh vốn là kỹ sư Nông học, do đó chuyện lội ruộng xuống đồng là chuyện nhỏ. Nhưng đi làm ruộng về thì thường người ta hay…nằm dài ra mà lấy sức để…thở, hoặc “ tùng tam tụ ngũ” uống bình trà quạu thư giãn hoặc lai rai xị đế… giải sầu và để giãn gân cốt. Hứng chí gì mà anh lại làm thơ? Nguyễn Quốc Nam kể, anh “say thơ” từ khi còn là học sinh trung học. Từng làm “chủ soái” một Thi văn đoàn, năm 1969 đã có thơ in chung trong tập “Cò trắng” ở miền Nam lúc bấy giờ, nên “ Thơ như chùm nho chín mọng/ Như hoa lá xum xuê/ Đến mùa nẩy lộc…”( trang 80). Tập thơ Dòng sông và cây cầu là tập thứ hai, sau tập Chốn xưa xuất bản năm 2006 và ra mắt tại TP. Hồ Chí Minh.

     Bất chợt tôi nhớ, nhà thơ Phùng Quán, sinh thời từng phát biểu: “ Làm xong một bài thơ như cày… xong hai mẫu ruộng!”, làm thơ là phải cực nhọc như thế. Phải lao tâm khổ tứ mới có bài thơ nên vóc nên hình, và chính Nguyễn Quốc Nam cũng có lúc trăn trở, mệt nhoài vì thơ: “ Đã chết rồi sao hỡi người thi sĩ!/ Giả dối, điêu ngoa, lừa đảo, dã man…/ Văn hóa khoe thân lên ngôi ngự trị/ Đưa hồn thơ về tận nghĩa trang…!” ( Đã chết rồi hỡi hồn thi sĩ!, trang 116). Rồi anh cố tin: “ Ta tin rồi thơ vẫn bay cao/ Và bay xa… tỏa hương muôn hướng…/ Mặc cho đời bão táp phong ba” ( trang 117).

     Thơ Nguyễn Quốc Nam, được thể hiện bằng lối thơ truyền thống, chẳng rối rắm, cầu kỳ câu chữ, mộc mạc và bộc trực như bản tính người phương Nam vốn có: “ Người xưa giờ ở phương xa/ Còn ta với gốc cây đa…Chợt buồn!” ( Trở lại Dinh Ông, trang 24), Hoặc như những câu thơ anh in ở đầu tập thơ và đưa ra cả bìa 4: “ Thời gian là dòng sông/ Còn anh là cây cầu/ Em lặng lẽ đi qua…/ Đâu hay biết/ Bòng dáng mình để lại…/ đáy sông sâu” ( Dòng sông và cây cầu, trang 5). Hãy khoan bình luận về ý nghĩa triết lý của bài thơ, bởi cái “đáy sông sâu” ấy, hay chính nơi sâu của trái tim anh, đã trót lỡ mà khắc sâu bóng hình của ai đó một thuở đang yêu? Cái quá khứ, và hiện tại, chạm vào những nỗi chung riêng mà đồng cảm, sẻ chia?...

     Nghề nghiệp và bằng hữu đã chiếm một phần lớn trong thơ của Nguyễn Quốc Nam, những câu thơ đồng điệu, chân tình: “ Hai giờ đêm bạn lên cao su/ Vậy sao?... Công việc thật lu bù/ Xe chạy đường khuya nhìn không rõ/ Phải mở đèn lên chống sương mù”, và “ Quá đà có lúc say lướt khướt/ Nghe tin cứ đến chẳng cần mời/ Giàu sang còn mấy thằng chơi được?.../ Gặp nhau, thấy mặt, khỏe, mừng, vui” ( Trên đường khuya tâm sự, trang 29). Khuấy động chút xưa ngậm ngùi: ‘ Xưa nơi đây nông trường/ Giờ biển nước mênh mông/ ….Bạn giờ nằm yên nghỉ/ giữa đất trời bao la/ Ta ngồi nghe sóng vỗ/ Gợn nỗi buồn… bay xa…” ( Trở lại cầu Xa Cách, trang 83). Hình ảnh “Trên đồi trà B’lao” lại khắc khoải và đầy tâm trạng: “ Ôi cuộc sống trên lưng/ Và tình yêu trước ngực/ Những lá trà rồi ai thưởng thức/ Có thoáng hương thơm chút núi rừng?!” ( trang 105). Song cũng có lúc hào sảng và sảng khoái: “ Bạn bảo – Tao chừa hai bồn rượu/ Chờ bọn mày về vui suốt đêm/ Nhưng nay gác kiếm đành ngồi ngó/ Thôi tụi mày cứ uống tao xem” ( Lần trở lại thăm bạn, trang 59), hoặc như: “ Cá lóc nướng trui mừng đãi bạn/ Mắm đồng chua, khế, chuối chát đây/ Ly rượu đế chúng ta cùng cạn…/ Và rót thêm ly nữa thật đầy” ( Về quê thăm bạn, trang 16).

     Bài thơ “Qui cố thổ” một quan niệm để rồi “ Đừng tuyệt vọng em ơi…” của Nam, thêm một nốt trầm cho thơ: “ Trăm sông đều đổ ra biển cả/ Đời người qui cố thổ em ơi…!” ( trang 62), Nguyễn Quốc Nam diễn giải: “ Đừng tuyệt vọng em ơi/ Cuối đời người, cuối con đường, cuối dòng sông/ Con đò cắm sào/ Mới biết bến đời nông sâu/ Đục trong, khổ đau hay hạnh phúc” ( trang 63).

     Thêm một chùm thơ bốn câu trong tập, mới “ngộ” cái tâm của người “ làm ruộng làm thơ” và cả sự đốn ngộ của chàng thi sĩ kỹ sư yêu thơ ca: “ Xuôi tay đánh giấc trăm năm/ Ai người sẽ dọn chỗ nằm thiên thu?”, lý lẽ thì “ Muốn nhìn không phải dễ/ Bởi bức màn vô minh” ( Vô minh, trang 42), hoặc như “ Có va vào đâu đó/ Xin ai chớ nặng lời” ( Trôi…, trang 43).

     Nguyễn Quốc Nam là người Tây Ninh, vì thế, có khi anh lại “ Chiều lên núi gặp người xuống núi/ Gió biển hồ thổi lộng trời xa…”, và người “làm ruộng” kia, chút lắng lòng để trở thành “hành giả” : “ Trên sườn núi ngồi bên cổ thạch/ Nhìn đất trời đồng vọng xa xăm/ Dường như có bóng loài chim khách/ Kêu một tiếng dài… bay mất tăm” ( Chiều lên núi, trang 12). Tiếng chim thì bay mất, song tôi nghĩ: Tiếng thơ của Nam vẫn còn đồng vọng trong lòng bạn bè yêu thơ anh. Gã kỹ sư nông học làm thơ!

Vàm Cỏ ngày đầu năm 2013.

Trần Hoàng Vy

(Blogs QTVC)

Tin mới

Các tin khác

Lượt xem: 3570