Mấy nẻo quê hương

Chuyên mục: Truyện ngắn - Bút kí - Tùy bút Được đăng: Chủ nhật, 07 Tháng 6 2020 Viết bởi Ban điều hành

MẤY NẺO QUÊ HƯƠNG

Đào Thái Sơn

Ngày còn nhỏ có lần tôi theo mấy người lớn băng nhiều cánh trảng từ xứ Đồng Pal qua các khu Bàu Bền, Bàu Rã để tìm đến Chàng Riệc bẫy chim hoành hoạch mồng rừng. Len lỏi theo những con đường mòn nhỏ dưới bao lớp rừng già bạt ngàn xanh mát rượi, nghe đủ thứ tiếng chim hót trên cao, cảm giác thật là thích thú làm sao. Tôi mê rừng từ thuở ấy. Nhưng với tôi, ngày đó các chú chim và những hoa hoang cỏ dại là quan trọng hơn so với kiến thức về mảnh đất này. Về sau, tôi có tò mò hỏi vài người tại sao

nơi đây gọi là Chàng Riệc thì không còn ai biết nghĩa của nó là gì nữa…Cứ ngỡ tất cả đã chìm vào quên lãng, ấy vậy mà hơn ba mươi năm sau lòng tôi chợt tỉnh, tôi quyết tìm lại dấu xưa trên mấy nẻo quê hương của mình.

Tôi khởi hành từ trung tâm Thị trấn Tân Châu theo đường 795 đến ngã tư Lộ Ủi rẽ phải theo đường 793 chạy ngót 25km thì đến ngã ba Xe Cháy, một cái tên nghe thôi đã thấy màu khói lửa chiến tranh. Từ ngã ba Xe Cháy tiếp tục rẽ trái chạy khoảng 6km nữa thì đến ngã tư Chàng Riệc. Và cửa khẩu Chàng Riệc cách đó chừng 100m, người giao thương nông sản giữa hai miền biên giới qua lại tấp nập bất kể cái nắng mùa này như đổ lửa. Tôi đứng trên đường vành đai biên giới nhìn sang nước bạn Camphuchia với những cánh đồng mênh mông vắng vẻ, những hàng cây thốt nốt đứng trầm buồn như nhớ về dĩ vãng xa xôi. Cái cảm giác một mình nơi biên cương của Tổ quốc khi hoàng hôn chuẩn bị xuống thật là khó tả... Tôi hình dung trở lại, nơi đây xưa kia hầu như chỉ có rừng và rừng, đâu đó có vài ba nóc nhà thưa thớt. Vậy mà ngày nay thay đổi quá nhiều điện đường trường trạm có đủ. Năm 2010 Khu dân cư Chàng Riệc được xây dựng trên khu đất rộng trên 600 ha với hơn 500 ngôi nhà tại ấp Tân Khai xã Tân Lập. Mỗi hộ dân sinh sống ở đây được cấp 1ha đất ở và một căn nhà xây trị giá 70 triệu đồng. Ngoài ra, chính quyền còn cấp cho mỗi hội dân 01 ha đất sản xuất. Điều kiện như thế thì còn gì bằng. Đời sống ổn định, biên giới vững chắc là ước mơ chung của một dân tộc yêu chuộng hòa bình.

Tôi quay về ngắm rừng Chàng Riệc. Thật ra cái tên Chàng Riệc có nguồn gốc từ tiếng Khmer. Người Khmer xưa ở vùng này gọi là Prey Đơm Chriek, có nghĩa là rừng có nhiều cây lim xanh, sau này được Việt hóa thành Chàng Riệc như ngày nay ta vẫn gọi. Ngắm rừng Chàng Riệc có một cảm giác rất bình. Rừng là một không gian mở yên tĩnh, có tiếng chim, tiếng gió, tiếng suối chảy…tất cả tạo thành một nét trầm hồn hòa trong màu xanh bạt ngàn dễ làm người ta vơi đi những muộn phiền lo toan trong cuộc sống. Ngắm rừng Chàng Riệc hôm nay lòng ta không khỏi bồi hồi với những chứng tích của một thời khói lửa chiến tranh. Căn cứ Chàng Riệc hay còn gọi là Căn cứ Phạm Hùng là khu Căn cứ địa Bắc Tây Ninh. Nơi đây có vai trò hết sức quan trọng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của miền Đông Nam Bộ nói chung và Tây Ninh nói riêng. Khu căn cứ Chàng Riệc là địa bàn của cơ quan đầu não cách mạng miền Nam trong một thời gian dài và trực tiếp chỉ đạo, lãnh đạo cách mạng miền Nam cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Trong nhiều năm qua rừng Chàng Riệc được bảo vệ rất nghiêm ngặt, nhiều nguồn cây quý được giữ gìn và tái tạo. Khu Căn cứ Chàng Riệc đã trở thành điểm du lịch văn hóa lịch sử nổi tiếng của vùng đất Tây Ninh, nơi đây mỗi năm thu hút rất nhiều du khách đến tham quan thưởng lãm.

Rời rừng Chàng Riệc, chạy ngược theo đường 792 về hướng xã Tân Hà, dừng lại bên cầu Vạc Xa. Thật ra tôi đến Tân Hà rất nhiều lần mà lại chưa một lần đến Vạc Xa. Vạc Xa vốn là tên con suối ( Piek Đơm Sla – Suối có nhiều cây cau dại ), người ta lấy tên suối đặt luôn cho tên cầu và cách đó không xa là cửa khẩu cũng có tên là Vạc Xa. Cửa khẩu Vạc Xa cách trung tâm xã Tân Hà khoảng hơn 4 km. Cửa khẩu này thông thương với cửa khẩu Doun Rodth tỉnh Tbong Khmum của vương quốc Campuchia. Tuy đây chỉ là cửa khẩu phụ nhưng hoạt động giao thương, trao đổi hàng hoá giữa người dân hai nước diễn ra khá nhộn nhịp. Khu chợ biên giới Vạc Xa được xây dựng vào năm 2001 với tổng giá trị xây dựng bao gồm khu nhà lồng và một số công trình phụ trên một tỷ đồng. Khu chợ có vai trò rất quan trọng trong việc tạo điểm giao thương giữa cư dân hai bên biên giới cùng phát triển lâu dài. Việc đáng mừng hơn nữa là gần đây tỉnh Tây Ninh đã thông qua đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng 2 cửa khẩu Chàng Riệc và Vạc Xa thành khu đô thị cửa khẩu cấp quốc gia vào năm 2020. Riêng khu đô thị cửa khẩu Vạc Xa có tổng diện tích quy hoạch là 89ha, đến năm 2020 cũng sẽ trở thành đô thị loại V với dân số dự kiến đến năm là 4.000 nhân khẩu. Tổng mức đầu tư dự kiến để xây dựng cho hai khu đô thị cửa khẩu trên là hơn 7.500 tỷ đồng. Nếu dự án này hoàn thành thì đời sống kinh tế của người dân ở đây sẽ nâng lên một tầm cao mới. Một hình ảnh rất đẹp và rất hiện thực ở phía trước.

Rời Vạc Xa đến trung tâm xã Tân Hà, rẽ phải về Nông trường Nước Trong. Đứng nhìn khu trảng rộng còn khá nguyên sơ nơi dòng Suối Nước Trong chảy qua mà lòng bâng khuâng với biết bao kỷ niệm. Hơn ba mươi năm trước nhà tôi rất khó khăn, tìm cái ăn đã vất vả rồi, tìm cái chữ còn vất vả hơn. Cuối niên học là tôi phải chuẩn bị mọi thứ cho công việc đi làm xa trong ba tháng hè để lấy tiền phụ gia đình và để dành đóng học phí cho năm học mới. Tôi và mấy người bạn xin quá giang xe máy cày từ Đồng Pal lên đến chợ Tân Hội rồi đi bộ vào hướng Nhà máy đường Nước Trong. Lúc ấy nhà máy mới thành lập, con đường vào khu này chỉ là con đường đất nhỏ, qua khỏi khu nhà máy là bắt đầu phải lội qua trảng. Mùa mưa năm ấy nước ngập mênh mông, chúng tôi vượt qua từng khu trảng xen lẫn với vô số những cụm rừng da beo trông rất đẹp. Những khu trảng này lúc ấy còn biết bao là hố bom. Hố bom nào cũng có cây che rợp xung quanh, nước trong thấy tận đáy, phía dưới là những lớp đá ong tạo ra những khoảng trống y như hang động tuyệt mỹ không khác gì đang ngắm thủy cung nơi trần thế….Sau ba tháng hè đi làm thuê thì chúng tôi lại quay về nhà, lấy số tiền công trang trải mọi thứ và chuẩn bị tựu trường. Những năm tháng ấy tuy gian khổ nhưng nó cũng dạy và rèn cho con người ta biết bao là nghị lực để làm hành trang mà bước vào đời…Và nơi Nhà máy đường Nước Trong này bạn bè chúng tôi cũng được vinh dự hai lần đi đón người anh hùng của nước Cu Ba – Fidel Castro – đến thăm. Không gì hạnh phúc bằng được nhìn thấy một người bạn lớn của đất nước Việt Nam đến từ nửa vòng trái đất. Một con người của một dân tộc sẵn sàng hi sinh máu của mình để giúp Việt Nam trong lúc nguy nan…

Đi lại một vòng trên mảnh đất quê hương mà như ôn lại của mấy mươi năm kỷ niệm. Nói cho thật lòng có đi mới có thấu hiểu, có thấu hiểu mới có yêu quê hương mình hơn. Những nẻo đường xưa nay đã hoàn toàn đổi khác. Tất cả đã thay da đổi thịt từng ngày, nhưng dù sao cũng xin đừng quên phía dưới những nương mía rẫy mì ấy, tàng ẩn dưới những cánh rừng cao su kia, đằng sau những khu dân cư đẹp đẽ nọ…có biết bao nắm xương trắng đã âm thầm gửi lại để làm bệ đỡ cho chúng ta vững bước tiến vào tương lai.

ĐÀO THÁI SƠN

Rừng Chàng Riệc

Tin mới

Các tin khác

Lượt xem: 1198