Nhà thơ Trương Đạm Thủy, tiếng hát xẩm giữa đêm đã tắt

Chuyên mục: Truyện ngắn - Bút kí - Tùy bút Được đăng: Thứ năm, 02 Tháng 12 2021 Viết bởi Ban điều hành
NHÀ THƠ TRƯƠNG ĐẠM THỦY –TIẾNG HÁT XẨM GIỮA ĐÊM ĐÃ TẮT
 
P.N.THƯỜNG ĐOAN
 
 
Chỉ sau 3 ngày không ăn uống được, nhà thơ Trương Đạm Thủy được gia đình đưa vào bệnh viện Thống Nhất điều trị, ở đây, bác sĩ thông báo anh bị dính CoVid-19. Người ta chuyển anh sang Bệnh viện Dã chiến Quận Tân Bình – TP HCM điều trị, và 5 ngày sau, lúc 18 giờ 20 phút ngày 12-10-2021 anh vĩnh viễn ra đi trong cô lạnh. Đau đớn hơn, vào ngày 17-10-2021 vợ của anh cũng mất theo.
Nói theo tử vi, Trương Đạm Thủy có tài nhưng bị lỗi số. Anh làm báo giỏi, cả hai mảng thơ và văn xuôi anh đều có rất nhiều tác phẩm đã phát hành, cả trước và sau năm 1975.
Tính từ năm 1960 đến năm 2020, gia tài văn chương của Trương Đạm Thủy khá đồ sộ:: Miền đất hồi sinh (tập truyện), Cành cây nước lũ (tiểu thuyết), Chuyện những dòng sông (tập truyện); Không có tình yêu (tiểu thuyết), Bên kia bờ cỏ xanh (tiểu thuyết), Như lá vàng bay (tiểu thuyết), Thơ tình Trương Đạm Thủy, Hát xẩm giữa đêm (thơ), Hợp tuyển thơ Bến Tâm Hồn, Vượt vũ môn (truyện ngắn).
Chạm ngõ 81 năm sinh ra làm người trần gian (1940 -2021), nhà văn Trương Đạm Thủy vẫn sống âm thầm bằng ngòi bút của mình trên nhiều lãnh vực như: báo chí, văn học (thơ, tiểu thuyết, truyện ngắn, tạp văn…). Tuy biết anh viết đều 3 mảng nói trên nhưng bạn bè thân đều quen miệng gọi anh là “nhà thơ”. Thú vui của anh là buổi sáng ngồi vỉa hè ngắm người qua lại chuyện phím thời sự với bạn bè. Chiều và đêm là khoảng thời gian dành cho trang giấy. Làm thơ là thoáng bất chợt, còn viết văn và viết báo là sự trường kỳ, là yêu thích và say mê không có điểm dừng.
Thơ của Trương Đạm Thủy thì buồn man mác, thấm đẫm và da diết. Anh thường chỉ làm thơ khi cảm xúc bùng phát. Thơ viết cho người tình không bao giờ có, thơ viết cho một người bạn tri kỷ vừa ra đi, thơ viết cho những cơn mưa và những nỗi buồn không biết nguyên nhân.
“Mai mốt cũng tiêu điều quán nhỏ/ đâu rồi những bữa chạm ly/ bàn ghế chắc sầu ngàn trùng bụi/ linh hồn nào về thăm những hạt mưa/…”….”con đường dài sao dài/mùa này lá vàng bay như bướm/mai đi xa…/con đường ở lại/bỏ quên những chiếc bướm vàng bay/…
Nếu tin rằng đời này có duyên nghiệp, thỉ tôi nghĩ, cuộc gặp gỡ của tôi với nhà thơ Tương Đạm Thủy không nằm ngoài vòng xoay đen trắng của hai chữ nghiệp duyên.
Nhớ xưa, khi tôi còn là một cô bé trôi trong một quầng sang thơ xanh như ngọc, trôi trong những ngọn gió hiu quạnh lặnh căm của những mùa sông tràn đục nước, nghẹt thở trong mắt nhìn đẩy lãng mạn của hoa ô môi tím soi bóng chiều hè, thì Trương Đạm Thủy đã đi vào nghiệp dĩ văn chương, đã là một người có tên tuổi trong giới báo chí văn chương lúc đó. Điều thú vị là chính tờ báo anh đang làm biên tập đã đăng những bài thơ đầu tiên của tôi.
Một ngày xưa xa lắm, gần 20 năm có lẽ, một buổi sáng ở 81 trần Quốc Thảo, cà phê chảy thật chậm, trời phía ngoài chiếc bàn thật xanh và nắng thật vàng, nhà thơ Nguyễn Hải Thảo chỉ một người đàn ông tóc muối tiêu, ngồi lặng lẽ một mình với điếu thuốc, giới thiệu: -Nhà thơ trương Đạm Thủy!
Con người này ít nói và thường mỉm cười
Có lẽ vì chạm phải những ngang trái và bầm dập của cuộc đời quá sớm, đã quá dày dặn với thế thái nhân tình, nên hình thành một sự trầm tĩnh nơi Trương Đạm Thủy.
Và anh thường ngoảnh lại tìm quá khứ bằng cái ngoái nhìn của một đứa bé trai bốn tuổi chạy giặc lạc mất mẹ giữa tiếng súng rền vang trời đất. Bằng sự mơ hồ về một bến sông xưa, một bờ rào đầy bông bụp đỏ, con đê ngoằn ngoèo một bờ cỏ non có tiếng con dế gáy ti ti bồng bềnh chao đảo.
Anh như cụm mây trắng giữa trời loay hoay không biết bay về đâu
Tôi chạm vào thơ Trương Đạm Thủy với cách đi của người làm thơ thế hệ sau, cảm được những vu vơ buồn, lẽ ra không còn tồn tại nữa trong trái tim đã quá tuổi mơ hồng. Trong anh, trái tim nhiều vết xước, nếu không muốn nói là đã chai lì, sần sùi đi vì thời gian, lại vẫn nồng nàn và quá nồng nàn, độ nóng không để mất, để lửa vẫn về trong từng trang thơ, từng câu thơ. Sự mơ mộng của Trương Đạm Thủy có thể làm ai đó ngạc nhiên, cả những người cũng làm thơ như anh. Nhưng riêng tôi, tôi lại thấy đó là điều bình thường và cần phải có. Mơ mộng và lãng mạn, nó như dòng nhựa nuôi sống cây, làm xanh tươi những mầm, chồi, để rồi ra nụ, đơm hoa, kết trái trang điểm cho thơ.
Mà có lẽ, cũng nhờ cái mơ mộng kia mà Trương Đạm Thủy làm được thơ chăng?
Tập thơ cuối cùng của Trương Đạm Thủy là “Tiếng hát xẩm giữa đêm”. Tập truyện ngắn cuối cùng là “Nước mắt tuyết”.
Với anh, tiếng hát xẩm giữa đêm chỉ là tiếng hát buồn, vậy thôi! Lang thang mặc kệ về đâu.
Nhưng dẫu anh có mặc kệ thơ mình về đâu, như tiếng hát xẩm buồn giữa đêm tàn trăng. Nhưng trăng đã tàn lâu rồi, và anh đã đi rất xa rồi, nhưng sao tiếng hát xẫm vẫn còn ngập ngừng trước ô cửa mãi đóng kín.
Tiếng hát xẩm có ai chờ nghe không, thì tôi không rõ, những thơ Trương Đạm Thủy thì vẫn có ngõ về, dẫu nước mắt tuyết rất lạnh.
Anh thường kể tôi nghe những chuyện bạn bè văn chương của anh, như nhóm Sông Hậu, như nhà văn, nhà thơ: Hoài Điệp Tử, Tâm Đạm, Dương Trữ La, Ngô Tỵ, Phương Triều…
Và giờ đây tôi thây anh đang ngồi bên cái bàn đầy gió biển, ngân nga đọc thơ trong cơn lâng lâng say,trong mùi cát Hòn Rơm ẩm ướt.
mai kia có còn mối tình nào cho tôi vắt vai
cho tôi những đêm trở trăn những ngày nhớ tưởng
mai kia bên cỏ xanh có thì thầm cơn gió thoảng
nỗi buồn xưa treo cao cao
khi biết yêu em chỉ là mộng tưởng
trái tim dại khờ đâu biết đúng sai
tình não nùng tôi vốc đầy tay
tôi vốc cho tôi bụm nước biển mủ khơi
uống mặn ánh trăng khuya giữa đêm huyền hoặc
mà sao mình vẫn cháy trong lòng hiu hắt
chút lửa tàn rơi vãi xuống… hoang vu
chút muộn phiền già cỗi lạnh ngây thơ
nơi còn lại cỏ non cho con dế hát
em cứ lãng du đi em ơi gió cát
có gì đâu giun dế khóc hay cười
mai kia khi hoa lau trổ trắng trời
khi dòng sông lượn quanh voi đất cũ
con thuyền mộng chao mình thổi tung bọt gió
vẫn còn em mở rộng cánh buồm ta
dế ơi, lát cỏ non vẫn xanh
trời vẫn xanh
biển vẫn xanh
xanh lắm
thôi thì hãy vắt vai với mảnh tình có màu xanh
rồi mai mốt ai có kể câu chuyện đới dâu bể
xin nhớ cho ta đã từ xưa hát khúc yêu người
(Hàt xẩm giữa đêm).
Tạm biệt anh, Trương Đạm Thủy.
P.N.T.Đ

Tin mới

Các tin khác

Lượt xem: 823