Đại hội Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Tây Ninh

Chuyên mục: Tin tức & Sự kiện Được đăng: Thứ hai, 30 Tháng 3 2020 Viết bởi Ban điều hành

ĐẠI HỘI CƠ SỞ CHI HỘI NHẠC SĨ VIỆT NAM TỈNH TÂY NINH

Tin: Thanh Nhã

Ảnh: Hoàng Mạnh Toàn



          Ngày 26 tháng 3 năm 2020, tại thành phố Tây Ninh, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã phối hợp với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Tây Ninh, tổ chức Đại hội cơ sở Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Tây Ninh, nhằm đánh giá tổng kết công tác của Chi hội nhiệm kỳ (2015-2020) và phương hướng hoạt động nhiệm kỳ (2020-2025), bầu Đại biểu đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc khóa X Hội Nhạc sĩ Việt Nam.
Tới dự có: Ông Trần Thanh Quý - chuyên viên Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; bà Đặng Thị Phượng - Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật; nhạc sĩ Hoàng Mạnh Toàn – Trưởng Văn phòng Đại diện Hội Nhạc sĩ Việt Nam phía Nam; Đại diện Ban Chấp hành các chi hội Văn học nghệ thuật Trung ương tại Tây Ninh, Ban Chấp hành các chi hội Văn học Nghệ thật thuộc Hội Văn học Nghệ thuật Tây Ninh, phóng viên báo, đài địa phương…


Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Tây Ninh được thành lập ngày 9/8/2009, hiện có 7 hội viên, trong đó có 6 hội viên chuyên ngành sáng tác, 1 hội viên chuyên ngành biểu diễn, đa số hội viên đang tham gia công tác trên các lĩnh vực văn hóa - thông tin, giáo dục và đào tạo, phát thanh - truyền hình và văn học nghệ thuật.
          Trong nhiệm kỳ qua, hoạt động của Chi hội đã phát huy và đạt được thành quả trên nhiều mặt cụ thể như: phối hợp với Chi hội Âm nhạc Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh làm tốt về chính sách đầu tư sáng tạo, Ban Chấp hành Chi hội duy trì tốt sinh hoạt, hoạt động Chi hội, các hội viên tham gia đóng hội phí đầy đủ. Chi hội thường xuyên động viên, tạo điều kiện để các hội viên tăng cường trách nhiệm trong công tác sáng tạo âm nhạc, góp phần xây dựng Chi hội vững mạnh về chính trị, nghề nghiệp. Trong nhiệm kỳ đã phát triển được thêm 2 hội viên.
          Chi hội đã tham dự đầy đủ các chương trình phổ biến ca khúc mới do Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tổ chức, các trại sáng tác, tập huấn, thực tế sáng tác và các buổi họp mặt văn nghệ sĩ do UBND tỉnh và Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tổ chức; tích cực tham mưu đề xuất với Sở Văn Hóa Thể Thao và Du Lịch tỉnh, Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh, Đài Phát thanh truyền hình Tây Ninh, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh, Trung tâm Văn hóa - Thể thao các huyện, thành phố trong công tác sáng tác và quảng bá tác phẩm; hội viên trong Chi hội cũng đã tham dự đầy đủ các lớp học tập quán triệt Nghị Quyết của Đảng do Hội Văn học Nghệ thuật tổ chức; tham gia sáng tác, dàn dựng biểu diễn các chương trình nghệ thuật như: Cuộc vận động sáng tác và quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, phục vụ các lễ hội của các địa phương trong và ngoài tỉnh, tham gia các cuộc liên hoan, hội thi nghệ thuật chuyên nghiệp, nghệ thuật quần chúng đạt được nhiều kết quả tốt; tham gia các chuyến đi sáng tác tuyên truyền về Nông thôn mới; cử các nhạc sĩ tham gia các Trại sáng tác viết ca khúc nghệ thuật do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức ở Nha Trang năm 2018, với 2 tác phẩm viết cho khí nhạc; Trại sáng tác Vũng Tàu năm 2016, với 4 ca khúc nghệ thuật; Trại sáng tác của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức tại Đà Nẵng, Vũng Tàu (năm 2016, 2018) với 8 ca khúc… các tác phẩm đã được Hội đồng thẩm định đánh giá cao, có chất lượng; tham gia Hội thảo “Hội Nhạc sĩ Việt Nam – 60 năm đồng hành cùng dân tộc” nhân kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam (1957-2017) được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh năm 2017 với đề tài: “Tây Ninh tiếp nối những dòng chảy âm nhạc quý báu”; tổ chức hội thảo nhân Ngày âm nhạc Việt Nam 3/9…
Về công tác đầu tư sáng tạo âm nhạc, nhằm mục đích giúp cho các hội viên sáng tác âm nhạc có hiệu quả và đúng mục đích, yêu cầu, tiêu chí của Trung ương và của Tỉnh, Ban Chấp hành Chi hội đã thường xuyên động viên và tạo điều kiện để các hội viên trong chi hội kịp thời nắm bắt các định hướng tuyên truyền của Trung ương, của tỉnh để đầu tư sáng tạo tác phẩm, các nhạc sĩ trong chi hội đã có những sáng tác kịp thời để phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương và nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng trong và ngoài tỉnh. Hội viên trong chi hội vững vàng về quan điểm, lập trường theo con đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng. Chi hội đã tạo điều kiện, vận động hội viên sáng tác nhiều tác phẩm hưởng ứng cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, trong các đợt sơ kết, đánh giá các tác phẩm về đề tài này do Ban tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức, nhiều tác phẩm âm nhạc của các hội viên trong Chi hội đã được đánh giá cao, có sức phổ cập, lan truyền mạnh mẽ.
         Các nhạc sĩ trong Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Tây Ninh cũng là hội viên và là hạt nhân nòng cốt của Chi hội Âm nhạc thuộc Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, do vậy Chi hội đã thường xuyên phối hợp tốt với Chi hội Âm nhạc và các địa phương trong tỉnh, tổ chức đi thực tế sáng tác ca khúc ở các địa phương, các khu công nghiệp, các xã đạt chuẩn nông thôn mới… Kết quả các nhạc sĩ trong Chi hội đã sáng tác nhiều tác phẩm hay, ca ngợi những chiến công, sự hy sinh, thành tích của các thế hệ cha anh đi trước, ca ngợi cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang trong thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ca ngợi giai cấp công nhân, những người đang ngày đêm sản xuất ra nhiều sản phẩm cho xã hội, ca ngợi gương người tốt việc tốt trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Kết quả các nhạc sĩ của Chi hội đã có nhiều bằng khen, giấy khen của Trung ương và địa phương.
          Các nhạc sĩ cũng thường xuyên tham dự các kỳ Liên hoan Âm nhạc khu vực phía Nam do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức, đây là dịp để các nhạc sĩ gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp, giao lưu tác phẩm âm nhạc mới, giới thiệu bản sắc văn hóa, danh thắng của tỉnh nhà, góp phần thúc đẩy hoạt động sáng tác và biểu diễn âm nhạc, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật ngày càng cao của công chúng trong thời kỳ đổi mới.
Trong nhiệm kỳ qua, các nhạc sĩ của Chi hội đã hăng say sáng tác, có nhiều tác phẩm tốt phục vụ xã hội và thường xuyên tham gia Giải thưởng âm nhạc, Liên hoan âm nhạc hàng năm của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, đạt kết quả tốt: nhạc sĩ Nguyễn Quốc Tây với ca khúc “Ngày của cha” đạt giải B năm 2015, ca khúc “Mái ấm nhà em” đạt giải B năm 2016, “Giữ xanh mái nhà chung” đạt giải khuyến khích năm 2018; nhạc sĩ Nguyễn Quốc Đông với ca khúc “Những mùa trăng xưa” đạt Giải Khuyến khích Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2016, Giải C về Công trình Lý luận phê bình của Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2018, Giải B Công trình Lý luận phê bình của Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2019; nhạc sĩ Lê Hữu Trịnh với ca khúc “Ngày mùa trên quê tôi” đạt Giải khuyến khích tại Liên hoan Âm nhạc năm 2019.
          Chi hội đã tham gia nhiều chương trình giao lưu âm nhạc, đi thực tế sáng tác như: Chương trình giao lưu với công nhân khu công nghiệp Trảng Bàng; Chương trình giới thiệu tác phẩm về Quê hương Châu Thành; Chương trình giới thiệu các ca khúc viết về Bến Cầu; đi thực tế sáng tác ở Cần Giờ, Vũng Tàu, thành phố Hồ Chí Minh, Tân Biên, Dương Minh Châu, Châu Thành, Bến Cầu...; tham gia sáng tác cho sự kiện 60 năm thành lập huyện Tân Biên; Chương trình giới thiệu tác phẩm của các nhạc sĩ trong Chi hội do Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh thực hiện; Chương trình giới thiệu tác giả, tác phẩm do Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Dương thực hiện; Chương trình giao lưu với Hội Âm nhạc thành phố Hồ Chí Minh; các nhạc sĩ trong Chi hội cũng đã tham gia thực hiện 2 album ca nhạc thiếu nhi, tham gia tác phẩm trong nhiều đĩa CD ca nhạc của tỉnh; tham gia chương trình Ngày Tây Ninh ở Hà Nội với chủ đề Hương sắc Tây Ninh năm 2019; tham gia các chương trình Giai điệu phương Nam, Biên giới khúc tình ca… giao lưu các tỉnh Miền Đông; tham gia chương trình kỷ niệm 180 năm thành lập tỉnh Tây Ninh (2016)... phối hợp với Hội Văn học Nghệ thuật Tây Ninh tổ chức chương trình văn nghệ Ngày thơ Việt Nam hàng năm nhằm giới thiệu các ca khúc mới của hội viên, thực hiện Album CD Tây Ninh hát tình ca năm 2017 (gồm 12 ca khúc), xuất bản Tuyển tập nhạc “Nồng nàn một dòng sông” năm 2018 của nhạc sĩ Nguyễn Quốc Đông (gồm 41 bài hát), tổ chức các lớp tập huấn chuyên môn về sáng tác do các nhạc sĩ có uy tín giảng dạy…
          Các nhạc sĩ của Chi hội đã đạt được các giải thưởng trong tỉnh như: nhạc sĩ Lê Hữu Trịnh đạt Giải Nhất Giải thưởng Văn học Nghệ Thuật Xuân Hồng tỉnh Tây Ninh lần thứ II năm 2016 với nhóm 4 ca khúc: “Tua Hai ngọn đuốc vĩnh cửu”, “Rừng lịch sử Dương Minh Châu”, “Lên núi Bà Đen”, “Tây Ninh hòa bình và phồn vinh”; nhạc sĩ Nguyễn Đình Hồng đạt giải Nhì Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Xuân Hồng tỉnh Tây Ninh lần II năm 2016 với nhóm 4 ca khúc: “Tây Ninh tình đất tình người”, “Hòa Thành quê tôi”, “Tây Ninh bay vào tương lai”, “Núi Bà ngày xuân”; nhạc sĩ Trần Quang Cường đạt giải Nhì Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Xuân Hồng tỉnh Tây Ninh lần II năm 2016 với nhóm 4 ca khúc: “Quê tôi Tây Ninh”, “Hành khúc sinh viên sư phạm”, “Nhớ con sông quê”, “Tuổi trẻ Tây Ninh”; nhạc sĩ Nguyễn Quốc Đông đạt giải III Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Xuân Hồng tỉnh Tây Ninh lần II năm 2016 với 4 ca khúc: “Thương về Tây Ninh”, “Ai có về Tây Ninh”, “Bên tượng đài chiến thắng Tua Hai”, “Mây bay về Núi”. Đây là một giải Văn học Nghệ thuật lớn của Tỉnh nhà quy tụ nhiều bộ môn được tổ chức 5 năm một lần.
          Các nhạc sĩ của Chi hội còn được UBND Tỉnh trao tặng nhiều Bằng khen, Bằng Chứng nhận về những thành tích xuất sắc trong sáng tác âm nhạc .Tổng cộng trong nhiệm kỳ Chi hội đã đạt được thành tích gồm: 7 Giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam; 4 Giải thưởng Văn hoc Nghệ thuật Xuân Hồng lần thứ II; 14 Bằng khen, Bằng chứng nhận của UBND tỉnh. Ngoài ra các nhạc sĩ còn tham gia nhiều cuộc thi khác trong tỉnh và đạt được nhiều giải cao, nhiều giấy khen… như cuộc thi chủ đề Con người quê hương Tây Ninh 2015; Cuộc thi sáng tác Văn học nghệ thuật tỉnh Tây Ninh năm 2017; Cuộc thi Tây Ninh khát vọng vươn lên năm 2019…
          Đại hội đã thành công và bầu được 2 nhạc sĩ đi dự Đại hội Đại biểu toàn quốc Khóa X (nhiệm kỳ 2020 – 2025) tại Thủ đô Hà Nội vào tháng 6 năm 2020 là nhạc sĩ Nguyễn Quốc Tây và nhạc sĩ Nguyễn Đình Hồng, 1 đại biểu dự bị là nhạc sĩ Lê Hữu Trịnh.
                    
  
          Trước đó, Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Tây Ninh đã tiến hành Đại hội Chi hội lần thứ III, với nội dung báo cáo tổng kết hoạt động nhiệm kỳ II (2015 – 2020), phương hướng hoạt động nhiệm kỳ III (2020 – 2025), bầu Ban Chấp hành mới.



Đại hội đã tín nhiệm bầu ra Ban Chấp hành Chi hội khóa III, nhiệm kỳ (2020 – 2025): Chi hội trưởng là nhạc sĩ Nguyễn Quốc Tây; Chi hội phó là nhạc sĩ Lê Hữu Trịnh; nhạc sĩ Nguyễn Quốc Đông - Ủy viên.



Nhạc sĩ Nguyễn Quốc Tây – Chi hội trưởng phát biểu tổng kết các hoạt động của Chi hội trong thời gian vừa qua
 

         Từ những kết quả đã đạt được và những mặt còn hạn chế trong trong nhiệm kỳ vừa qua, Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Tây Ninh đề ra mục tiêu phương hướng hoạt động cho nhiệm kỳ 2020-2025:
Với trách nhiệm của một tổ chức chính trị- xã hội, nghề nghiệp, Chi Hội nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Tây Ninh không ngừng phấn đấu sáng tạo, tiếp tục góp phần xây dựng và phát triển nền âm nhạc tỉnh nhà trên cơ sở phát huy những thành quả đã đạt được, tiếp tục củng cố xây dựng Chi hội, bằng tất cả tâm huyết và tài năng, trí tuệ và trách nhiệm công dân tiếp tục sáng tạo ra những tác phẩm có chất lượng cao, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương và nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật ngày càng cao của công chúng, đáp ứng nỗ lực yêu cầu của thời kỳ mới.
1. Về tổ chức:
- Củng cố và phát triển Chi hội ngày càng vững mạnh về tổ chức, tốt về chuyên môn và hướng sẽ phát triển thêm 2 hội viên mới có khả năng, có thành tích tốt, nhiệt tình hoạt động và đủ tiêu chuẩn để giới thiệu với Hội Trung ương xét kết nạp.
- Phân công trách nhiệm rõ ràng từng thành viên trong Ban Chấp hành Chi hội để điều hành hoạt động cho hiệu quả.
- Chủ động tham mưu, liên kết với Đài Phát thanh - Truyền hình Tây Ninh, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Tây Ninh, Hội Văn học Nghệ thuật, các Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh bạn và Đài Truyền hình Việt Nam, các tạp chí trung ương và địa phương, tạp chí Âm nhạc, website Hội Nhạc sĩ Việt Nam... để giới thiệu quảng bá tác phẩm của các hội viên đến với công chúng cả nước.
- Tìm cách vận động tốt cho công tác xã hội hóa để tạo điều kiện các nhạc sĩ đi thực tế sáng tác, phối hợp các ban ngành, nhà tài trợ, tìm nguồn kinh phí để làm tốt công tác quảng bá tác phẩm; phát huy tính chủ động, đoàn kết của mỗi nhạc sĩ, cùng Chi hội đóng góp nhiều hơn nữa trong sự nghiệp âm nhạc của tỉnh nhà và cả nước.
2. Về hoạt động chuyên môn:
- Thực hiện đổi mới, tiếp tục sáng tạo, nâng cao sức sáng tạo của hội viên Chi hội trong hoạt động âm nhạc trên các lĩnh vực sáng tác và biểu diễn.
- Tiếp tục nâng cao bản lĩnh chính trị, trách nhiệm nghề nghiệp, bảo vệ những giá trị âm nhạc truyền thống của dân tộc.
- Tạo điều kiện để các nhạc sĩ tiếp tục đi thực tế sáng tác, đi sâu vào cuộc sống để lấy tư liệu và cảm hứng sáng tác, nâng cao tính chuyên nghiệp, chống biểu hiện nghiệp dư hóa và lệch chuẩn trong hoạt động sáng tác và biểu diễn, tham gia các trại sáng tác, các lớp tập huấn của Hội Nhạc sĩ Việt Nam để nâng cao tay nghề, đôn đốc khuyến khích hội viên tham gia các cuộc thi sáng tác ca khúc của địa phương và trung ương.
- Ngoài sáng tác ca khúc sẽ nỗ lực thử nghiệm sáng tác các thể loại âm nhạc bác học, có tính nghệ thuật cao như giao hưởng, hợp xướng, viết cho khí nhạc…
- Các nhạc sĩ trong Chi hội tiếp tục phấn đấu có thành tích tốt tham gia dự thi Giải thưởng Âm nhạc hàng năm do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức.
- Gần nhất là tham gia dự thi giải thưởng Văn học Nghệ thuật Xuân Hồng lần thứ III do UBND tỉnh tổ chức năm 2021.
- Thực hiện các chương trình biểu diễn giới thiệu tác phẩm mới ít nhất 2 lần trong nhiệm kỳ.
- Tổ chức chương trình giao lưu với các Chi hội bạn, Hội Âm nhạc tỉnh bạn... ít nhất 2 lần trong nhiệm kỳ.
- Trong nhiệm kỳ sẽ cố gắng ra mắt một Video ca nhạc và một tuyển tập nhạc (gồm nhiều tác giả).
- Tạo một Trang Âm nhạc của Chi hội trên mạng để kịp thời giới thiệu, quảng bá, nhanh chóng các tác phẩm của hội viên, để đáp ứng và hòa nhập vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) theo chủ trương của Chính phủ.
3. Một số đề xuất và kiến nghị:
- Đề nghị trong các kỳ Liên hoan âm nhạc hàng năm do Hội Nhạc sĩ tổ chức nên tạo điều kiện cho các Chi hội ngoài địa bàn tham gia để giao lưu học hỏi, tạo thêm tình đoàn kết và hiểu biết lẫn nhau.
- Đề nghị Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tạo điều kiện cho các nhạc sĩ Chi hội được đi giao lưu với các Chi hội bạn. Có thể là hỗ trợ phương tiện, hỗ trợ một phần kinh phí.
- Đề nghị cho các nhạc sĩ Chi hội tham gia thường xuyên các trại sáng tác do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức để học hỏi nâng cao tay nghề.

Một số hình ảnh tại Đại hội:



Đoàn Chủ tịch

 

 

 


Bà Đặng Thị Phượng - Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Tây Ninh trao kỷ niệm chương “Vì sự nhiệp phát triển Âm nhạc Việt Nam” cho nhạc sĩ Nguyễn Đình Hồng


Nhạc si Nguyễn Quốc Tây đại diện Ban Chấp hành Chi hội mới tặng quà cho Chi hội trưởng cũ – nhạc sĩ Nguyễn Đình Hồng

 

 


Nhạc sĩ Hoàng Mạnh Toàn – đại diện Hội Nhạc sĩ Việt Nam tặng hoa và phát biểu chúc mừng Đại hội

 


Ông Trần Thanh Quý – đại diện Ban Tuyên Giáo Tỉnh ủy và bà Đặng Thị Phượng - Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Tây Ninh tặng hoa chúc mừng Ban Chấp hành Chi hội mới


Thanh Nhã
Ảnh: Hoàng Mạnh Toàn


 

Tin mới

Các tin khác

Lượt xem: 2102