Bốn em ở Tây Ninh

Chuyên mục: Trang Nông nghiệp & Đời sống Được đăng: Thứ bảy, 05 Tháng 3 2011 Viết bởi Rễ NLS

Người viết không phải là thần dân Nông Lâm Súc Tây Ninh ,nhưng rất gần gủi vì bà xã là cựu học viên khóa I hiện đang sinh sống tại Bình Dương và thường xuyên qua lại với Cựu học sinh.Bài viết có cái nhìn rất sâu sắc về tiềm năng kinh tế Tây Ninh về nông nghiệp.Xin giới thiệu tác giả tạm gọi là Rễ NLS ( vì anh đề nghị không để tên thật chỉ có biệt danh là Rễ NLS thôi)

BỐN EM Ở TÂY NINH
Rễ NLS
 
Mỗi địa phương có thế mạnh cây trồng khác nhau , tùy điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu thích hợp , như Bình Phước là tiêu, điều, cà phê, cao su. Còn nhắc đến Tây Ninh là mọi người đều nhớ bốn loại cây nông nghiệp chủ lực : mì , mía , mủ, mãng, gọi tắt là 4M. Mỗi loại cây có ưu thế riêng, tùy khả năng mà người ta chọn cho mình cây trồng chính , hoặc cũng có người canh tác cả bốn để phòng rủi ro.
Cây khoai mì bây giờ là nguyên liệu chính cho việc sản xuất ra bột ngọt, khắp nơi đâu đâu trong tỉnh cũng có những nhà máy sơ chế tinh bột , rất dễ nhận biết bởi cái mùi thum thủm của nó. Tán cây khoai mì cao sản thấp , thân màu trắng chứ không tím, thời gian thu hoạch ngắn và nhất là năng suất cao. Đừng tưởng chi phí đầu tư thấp, bây giờ trồng theo diện tích lớn thì chi phí cũng cả trăm triệu trở lên chứ không phải ít. Không hiếm đại gia trồng mì đi xe hơi không đó. Thời gian quay vòng vốn lại nhanh, hạn chế bất trắc do bị biến động giá. Đất phù sa cổ như Tây Ninh rất thích hợp cho cây khoai mì, nên dù cho cây này cây nọ lên voi xuống chó theo thời giá thì cây mì vẫn đứng vững , ăn chắc mặc bền. Ở Tân Biên , có những cánh đồng mì bạt ngàn dọc hai bên con đường lên biên giới. Một lần gần khu vực vành đai Tân Biên, tôi bắt gặp đàn khỉ vàng kéo ra ngồi ngoài mặt đường nhựa, khi xe đến gần thì bọn chúng trốn vào trong đám rẫy mì gần đó. Đất đường biên do Biên Phòng quản lý , thường trồng mì từng vạt dài hàng cây số.
Đi viếng và tham quan Núi Bà , dân ở nơi xa tới hay đứng tần ngần nhìn theo con đường chạy thẳng hút tầm mắt về phía Bắc và thắc mắc hỏi “ Đường này đi đâu hén ?”. Cứ nhìn bảng số 52M…,54K… là biết họ không phải dân Tây Ninh rồi. Có người trả lời bâng quơ “ Đi về nhà máy đường Pháp chớ đâu”. “Hả ?”. Hết chuyện. Bởi vì vùng nguyên liệu mía của tỉnh nhà nằm ở phía Bắc , từ Ngã ba Vịnh trở lên, nên nếu chỉ quanh quẩn miệt dưới như Trảng Bàng Gò Dầu thì không sao thấy được hết cái bao la của đồng mía. Vào mùa thu hoạch , tôi thường thấy hàng đoàn xe máy cày kéo rờ moọc chất đầy mía cây núp vệ đường né công an vì chở quá tải quá khổ ; hoặc lớp lớp xe tải chất đầy mía đậu chờ tài trước nhà máy đường ở Bình Minh. Tây Ninh có một món nhậu thuộc hàng “đặc sản” : chim lá rụng rô ti ! Chim nhỏ hơn chim sẽ mà thịt ngọt vô cùng; cứ nghiêng ly làm một hớp là gắp một đủa. Thực ra đó là loài chim có ích , chuyên ăn sâu mía nên có nơi người ta gọi là chim mía.
Diện tích trồng cao su ở Tây Ninh mới phát triển sau này , khi mủ đứng giá cao liên tục hàng chục năm nay. Trừ mấy nông trường như Vên Vên , Bến Củi , Tân Biên…có sẵn từ trước và mở rộng sau này , cao su tiểu điều trong dân cũng liên tục phát triển . Nhưng không phải ai muốn cũng được, vì chi phí đầu tư lớn , kéo dài hàng năm sáu năm nên thường phải lấy ngắn nuôi dài , trồng xen các loại cây ngắn ngày như khoai đậu giữa hai hàng để đỡ làm cỏ. Giống cây mới trồng sau này thường thấp tán nhưng cho mủ nhiều, hàng cách hàng bốn thước , cây cách cây hai thước rưởi, vòng đời khai thác chỉ còn hai mươi năm. Tết Tân Mão 2011 , công nhân các nông trường nhận tiền thưởng mỗi người hàng chục triệu nên ngoài chợ cũng “sung” theo thấy rõ. Ai nói công nhân nông nghiệp không bằng công nhân các KCN ? Nếu ai tinh ý sẽ thấy ở các điểm trút mủ không còn một chiếc xe đạp làm thuốc , tất cà đều 100% xe gắn máy, khuya ra lô cạo thì đèn rọi sáng trời chứ không còn thắp đuốc mủ dây như năm nào.
Trái mãng cầu , người miền Bắc gọi là quả na, cũng là một cây trồng chủ lực của Tây Ninh, nhất là ở vùng quanh núi Bà. Từ Quốc lộ 22 B, đến Trảng Bàng rẽ phải theo đường vô núi là đến vương quốc của mãng cầu. Hai bên đường cơ man nào là mãng cầu, trùng trùng điệp điệp. Mãng cầu dai , trái to tròn , thật đẹp nhưng đa số nhà vườn đóng thùng giao đại lý chớ ít bán lẽ.
Tây Ninh là tỉnh thuần nông thuộc Đông Nam Bộ, có thể GDP chưa bằng các tỉnh bạn nhưng đa số người dân có cuộc sống thuần phác căn cơ , kinh tế ổn định vững vàng ít biến động, nhất là môi trường không bị ô nhiểm, màu xanh cây lá che phủ hầu hết diện tích giúp nâng cao chất lượng cuộc sống.  Ngoài bốn em ( 4M ) trên ra, Tây Ninh còn có các thứ đặc sản khác như muối ớt, xoài tứ quý, bánh tráng …nhưng xin hẹn sẽ viết hầu bạn đọc vào dịp khác

                                                                                                           RỄ NÔNG LÂM SÚC
 
 

 

Lượt xem: 17802

© NongLamSucTayNinh.com 2011 - 2020. Thiết kế website tại MtStudio.vn

Thành lập ngày 20 tháng 02 năm 2011

Email: nonglamsuctayninh@gmail.com