Âm nhạc Trương Quang Lộc

Chuyên mục: Trang âm nhạc ( Nghiên cứu - Giới thiệu CD - MV ) Được đăng: Thứ ba, 26 Tháng 4 2011 Viết bởi Nguyễn Hải Thảo

null

NHẠC SĨ TRƯƠNG QUANG LỘC – “MỖI CA KHÚC CÓ MỘT SỐ PHẬN RIÊNG”
Nhắc đến nhạc sĩ Trương Quang Lộc, người yêu nhạc nhớ đến những ca khúc đã dậy lên tên tuổi anh trong làng nhạc như: Con đường mở về phía biển, Chiếc xe già, Tình mênh mang, Chim sáo xa rồi, Sắc màu con gái, Đừng giận hờn xa

 nhau… Đặc biệt hai ca khúc: Chim sáo xa rồi (phổ thơ Hồ Thi Ca, Quang Linh hát), Đừng giận hờn xa nhau (Minh Thuận hát) đã từng lọt vào Top 10 Làn Sóng Xanh và ca khúc “Tình mênh mang” do ca sĩ Đan Trường hát rất được giới trẻ yêu thích bởi ca từ đẹp, tiết tấu sôi nổi, giai điệu trẻ trung… Còn những ai yêu dòng nhạc quê hương, trữ tình lại thích Quang Lộc ở “Chim sáo xa rồi” – một bài hát thấm đẫm chất tự sự, lãng mạn như chuyện kể về một mối tình thời thơ dại…
Trương Quang Lộc sinh năm 1954 tại Cẩm Giang, Tây Ninh. Anh theo học và tốt nghiệp trường Trung học Nông Lâm Súc Tây Ninh với mơ ước tương lai được trở thành một kỹ sư Nông nghiệp, nhưng ước mơ này đã không thành nên anh ghi danh vào Đại học Văn khoa Sài Gòn, ban Triết Đông với mong ước trở thành một giảng viên môn Triết. Đất nước giải phóng, ban Triết bị bãi bỏ, một lần nữa, ước mơ của anh giữa chừng dang dở! Khai giảng năm học sau, Quang Lộc chuyển sang học ban Ngữ văn… 
Ngay lúc còn là học sinh Trung học Nông Lâm Súc Tây Ninh, Quang Lộc đã mê đàn hát. Anh tự học chơi guitar modern và thích các điệu nhạc sôi động như Twist, A Go Go, Soul… nhưng lúc ấy anh không hề nghĩ mình sẽ trở thành một nhạc sĩ chuyên nghiệp. Lên Đại học, vốn sẵn máu đàn hát trong người, Quang Lộc rất nhiệt tình tham gia đội văn nghệ của trường Đại học Văn khoa cùng với các anh: Từ Huy, Trần Lợi, Nguyễn Tôn Nghiêm, Trần Quang Ánh, Đoàn Đình Thạch… Thời gian này, anh viết ca khúc “Mưa trên đồng lúa xanh” nhưng chưa gây được ấn tượng.
Sau năm 1975, mãi lo chuyên tâm cho việc học nên Quang Lộc không tham gia sinh hoạt trong đội văn nghệ của Đại học Văn khoa. Bẵng đi một thời gian khá lâu, năm 1981, Quang Lộc gặp lại anh em trong đội văn nghệ cũ (bây giờ đã đổi tên thành CLB Sáng tác trẻ Thành Đoàn). “Tay bắt mặt mừng, bạn bè thúc đẩy, động viên tôi tham gia sinh hoạt CLB, tiếp tục sáng tác ca khúc. Nhờ không khí gặp gỡ, trao đổi chuyên môn với anh em trong CLB vào sáng Chủ nhật hàng tuần, tôi mới thực sự hứng thú, đẩy mạnh việc sáng tác ca khúc và trở thành nhạc sĩ như ngày hôm nay”, Quang Lộc nói.
Ca khúc nào của anh được công chúng đón nhận đầu tiên? Cảm xúc của anh lúc ấy? Tôi hỏi Quang Lộc.
- Đó là ca khúc “Con đường mở về phía biển” viết năm 1985, nói về công trình xây dựng tuyến đường Nhà Bè – Duyên Hải, do ca sĩ Thy Nga thể hiện. Ngay từ lúc ra đời, ca khúc này đã được in trên báo Tuổi Trẻ và được phát trên sóng phát thanh-truyền hình, được rất đông khán thính giả yêu cầu. Sau đó, “Con đường mở về phía biển” được nhiều trung tâm băng đĩa thu và phát hành. Ca khúc đầu tay được công chúng chấp nhận và yêu thương như thế làm tôi rất xúc động và tự hứa với lòng sẽ cố gắng viết thêm nhiều tác phẩm chất lượng hơn nữa để không phụ lòng mọi người.
Và anh đã có những: Chiếc xe già, Tình mênh mang, Chim sáo xa rồi, Sắc màu con gái, Đừng giận hờn xa nhau… đi vào lòng người. Tính đến nay anh đã viết khoảng bao nhiêu tác phẩm? Ca khúc nào anh tâm đắc nhất?
- Tính đến nay tôi đã viết trên 50 ca khúc, trong đó tôi tâm đắc nhất là “Tình mênh mang”. Ca khúc này tôi viết năm 2000, đầu tiên định đưa Đan Trường và Cẩm Ly song ca, nhưng Đan Trường thích nên chọn hát đơn. Tôi thấy mỗi ca khúc đều có số phận riêng của nó. Từ khi đưa ca sĩ Đan Trường thu âm đến một tháng rưỡi sau “Tình mênh mang” đã có mặt ở thị trường âm nhạc Việt Nam và nhận được phản hồi tốt, được nhiều người yêu thích, bản thân tác giả cũng rất thích. Ca khúc này có sự may mắn gặp gỡ giữa tác giả và ca sĩ, cộng thêm sự chăm sóc, phát hành tốt của Hoàng Tuấn Production. Với tôi, “Tình mênh mang” như một đứa con tinh thần bụ bẫm và xinh đẹp.  
Anh muốn nói lên điều gì ở nội dung “Tình mênh mang”? Anh có thể hát lại một đoạn trong ca khúc này chứ?
- Tôi viết ca khúc này để kỷ niệm mối tình thời trai trẻ - một tình yêu đẹp và bỡ ngỡ trên bước đường yêu đương. Qua đó, tôi cũng muốn tặng các bạn trẻ tuổi mới lớn… “Dòng sông đi đâu, đâu biết sông trôi về đâu… Dòng thời gian qua mau đâu biết ai người yêu mình/ Dòng đời trôi mênh mang đâu biết ai người mình yêu/ Em mong có một ngày anh đến/ Trong tình em muôn ngàn thương mến/ Biết yêu em, anh hỡi/ Trao cho em tình nồng say đắm”…
Nhưng nhiều người lớn tuổi như tôi lại thích “Chim sáo xa rồi” do anh phổ thơ Hồ Thi Ca hơn, anh nghĩ sao? Trường hợp ra đời của bài này? Anh phổ thơ nhiều không?
- Tôi có thể viết ca khúc cho nhiều đối tượng. Khoảng năm 2001, tình cờ tôi đọc được bài “Thơ ấu” của Hồ Thi Ca trong tập “Thơ dưới vòm lá”, tôi “cảm” bài thơ này và phổ thành ca khúc “Chim sáo xa rồi”, đưa ca sĩ Quang Linh thu âm. Không ngờ, ca khúc thành công, được nhiều người yêu thích. Tôi phổ thơ khoảng trên dưới chục bài, của các nhà thơ: Nguyễn Quốc Nam, Lê Thị Kim, Nguyễn Thái Dương, Bùi Chí Vinh, Đoàn Vị Thượng, Nguyễn Văn Điệp… Tôi rất quý mến các nhà thơ nên thích phổ thơ. Nhiều người nhận xét tôi phổ thơ hơi… bị “mát tay”! (cười)
Mỗi lần nghe anh ôm guitar hát “Chiếc xe già”, bạn bè rất thích vì có nhiều bạn “cùng cảnh ngộ”, cũng sở hữu những chiếc xe cà tàng như trong bài hát. Nhưng sao ca khúc này chưa nổi lên rần rộ nhỉ?
- Bài này tôi viết năm 1986, đầu tiên do ca sĩ Hồng Hạnh hát trên Đài Tiếng Nói Nhân Dân TP.HCM, nhưng.. chìm lỉm! Sau đó, được nhạc sĩ Lê Quốc Thắng đưa ca sĩ Ngọc Anh cùng Tam ca 3A thu CD, nhưng cũng chưa gây ấn tượng. Thế mà có lần tôi xem chương trình nhạc chủ đề “Hoàng hôn tím” trên VTV, thật bất ngờ và thú vị khi thấy ca sĩ Phương Thu hát “Chiếc xe già” rất hay! Còn ca khúc này chưa “nổi rần rộ”, biết nói sao bây giờ, vì như tôi đã nói, mỗi ca khúc có một số phận riêng của nó, “Chiếc xe già” cũng thế!
Và mấy năm nay, “chiếc xe già” của anh đã được thay thế bằng chiếc xe hơi 5 chỗ, để anh có điều kiện đưa bạn bè rong chơi nhiều nơi?
- Nhờ làm kinh tế mà sau này tôi mua được một chiếc xe hơi đời cũ thôi, chủ yếu thi thoảng chở vợ con đi đây đó hoặc về thăm quê. Còn hứng hơn nữa thì chở vài ba người bạn thân đi dã ngoại, đi du lịch trong nước. Tính tôi thích nhàn du đó đây. Vừa rồi, tôi có rủ các nhà thơ Thành phố về thăm Tây Ninh quê tôi. Chuyến đi làm chúng tôi có dịp gần gũi và hiểu nhau hơn.
Gần đây, chắc hẳn anh có viết nhiều ca khúc mới? 
- Nhiều, có thể kể: Tình hay mong manh con thuyền giấy, Đẹp những phút giây bên người, Anh đã có em trong đời, Một lần yêu, Tôi ở Sài Gòn…
Viết nhạc tương đối nhiều như anh, sao anh không đầu tư cho mình một album CD riêng?
- Chắc tôi cũng sẽ thực hiện trong nay mai thôi, có thể vào năm 2011.
Xin cảm ơn và chúc anh sớm “trình làng” album CD riêng và có thêm những ca khúc đi vào lòng người.

Nguyễn Hải Thảo


 

 

Lượt xem: 3853

© NongLamSucTayNinh.com 2011 - 2020. Thiết kế website tại MtStudio.vn

Thành lập ngày 20 tháng 02 năm 2011

Email: nonglamsuctayninh@gmail.com