Chuyến đi Blao Ấm tình NLS

Chuyên mục: Truyện ngắn - Bút kí - Tùy bút Được đăng: Thứ năm, 10 Tháng 2 2011 Viết bởi NGỌC HUỆ - NGỌC MINH K3

Chiều ngày 17/10/2010, Cựu học sinh Thủy lâm NLS Blao họp mặt lần thứ ba tại Sài gòn và cùng nhân dịp anh Chung mừng Tân gia, dưới sự chủ trì của thầy Bùi văn Tho. Trước đó, ban tổ chức mời Cựu học sinh NLS Tây Ninh cư ngụ tại Sài Gòn, cùng đến giao lưu, chia sẻ ngọt bùi của "Tình Nông lâm súc".

Nông lâm súc toàn quốc có tình thân rộng mở, có lẽ xuất phát từ một chương trình học thống nhất, giúp cho tuổi trẻ hồn nhiên trong sáng sớm nhận thức được sự lớn lên của sinh vật do chính tay mình nuôi trồng. Có lẽ xuất phát từ tình yêu "đất" và "nước" ấp ủ cho hạt mầm vươn lên. Cây, Con được nuôi lớn bởi những cô bé, cậu bé tuổi đời không lớn, nhưng mộng thì không nhỏ!. Đa số có mơ ước trở thành "Kỹ Sư" Nông nghiệp trong tương lai (Thời đó có tấm bằng kỹ sư là rất quí và rất có giá trị không chỉ về kiến thức chuyên môn, mà còn cả về mặt đạo đức của con người). Vì nước Việt Nam là một nước nông nghiệp. Hiện nay, có rất nhiều người giữ cương vị lãnh đạo trong ngành nông nghiệp xuất thân từ các  trường Nông Lâm Súc.

Đến với nhau trong buổi gặp mặt, nhóm chủ nhà (NLS Bảo lộc) và nhóm khách (NLS Tây ninh) các thành viên hai nhóm dù chưa biết nhau, nhưng gặp nhau tay bắt mặt mừng như gặp lại người thân ... Thầy Tho đã giới thiệu đầy đủ, nhưng là lần đầu gặp đầu tiên nên người viết bài này không nhớ hết, thôi thì cứ gọi nhau là các bạn cho thân nhé. Tất cả đều vui vẻ, sự rạng rỡ hiện diện trên khuôn mặt của mỗi người. Ai cũng gác lại những nhọc nhằn, lo lắng, toan tính đời thường để còn lại đây sự tràn đầy trọn vẹn cho ký ức ngày xưa sống dậy. Chuyện trò râm ran, hầu như câu chuyện nào cũng có từ "hồi đó", kế đến là "bây giờ" và "thế nào, ra sao..?"...

Những chàng trai phong độ ngày xưa, bây giờ không bị biến dạng kiểu này, cũng biến dạng kiểu khác. Dấu thời gian tàn phôi pha những đôi má phinh phính non tơ, bún văng cả sữa ... "bây giờ" thay vào đó da dẽ  nắng gió đã đốt sạm da người, làm nhạt phai màu tóc, nhưng có lẽ trong lòng ai ai cũng cảm thấy mình đang xuân!. Anh Triều, gặp Quốc Nam họp gu khơi mạch thơ nên anh đọc thơ của anh liên hồi. Đọc thơ mình rồi đến đọc thơ người, anh Nguyễn Quốc Nam cũng đáp lại rất hấp dẫn và rất vui làm không khí buổi gặp mặt thêm sôi nổi sinh động.

Góp mặt, có hai cô bạn gái là Ngọc Minh và Ngọc Huệ (hai chị em ruột, cùng học chung và cùng có mặt trên từng cây số), có thể gọi là điểm nhấn. Không nhấn sao được vì trong bàn tiệc do anh Chung chiêu đãi chỉ có hai nàng là con gái, là "dzũng xĩ dziệt mồi", cũng là người có ý tưởng táo bạo đề nghị đưa thầy Tho về Blao bằng chiếc bốn bánh thân yêu của anh Trương Quang Lộc.

Quyết định một chuyến đi du lịch trong vòng 5 phút..


Buổi họp mặt bắt đầu từ 15g, xong phần nghi thức tuyên bố lý do, đến phần giao lưu trò chuyện anh Nguyễn Quốc Nam đại diện anh em Nông Lâm Súc Tây Ninh phát biểu chào mừng cuộc họp mặt lần 3 và trang web Thủy Lâm 72-75, bầu không khí sôi động hơn khi anh Nam tặng thầy Tho một quyển tập san, trong đó có bài thơ "Trên đồi trà Blao" do anh sang tác từ tháng 12/1976 đến tháng 8/2010 mới đăng trên báo Văn Nghệ Thành Phố và tặng vài tập thơ cho các bạn làm kỷ niệm. Tiếp theo Anh Quang Lộc  tặng các bạn Blao đĩa DVD nhạc do anh sáng tác và xuất bản, an hem hoan hỉ trong tình thân ái. Đến 16g, có một nhóm NLS.B'LAO phải chia tay về . Còn lại hơn 10 người, anh Chung mời đi nhà hàng "Dê" cách nhà anh khoảng 1km. Rượu chén vơi, chén đầy, những câu chuyện kể hầu như bất tận. Bàn tiệc thiếu Nhạc sĩ Quang Lộc, vì chiếc xe anh bị cán đinh xì lốp phải tìm chổ vá, nhưng vì địa bàn quận 7 lạ với anh nên tìm rất lâu mới có chổ vá. Anh trở lại thì tiệc cũng gần tàn. Cuộc chia tay sắp đến, người ở xa cũng như gần đều có phương cách trở về tổ ấm an toàn và nhanh chóng, chỉ còn lại hai nhân vật khó lòng giải quyết: Anh Khánh cần về ngay trong đêm để sáng hôm sau làm việc, khác với thầy Tho, thầy muốn về nhà con thầy ở quận 9, chơi với cháu nội, sau đó đón xe về Blao, thầy chỉ cần anh Quang Lộc đưa đến quận 9 là xong. Nhiều ý kiến làm xôn xao hẳn lên vì thế thì cực cho thầy quá. Cuối cùng, giải quyết cách nhanh chóng khi có ý kiến nêu lên: "Vậy thôi mình đưa thầy Tho về luôn Blao đi" - Ối trời, đoạn đường dài 186km, mà làm như 1km86 không bằng. Thế là, quyết đinh cuối cùng Quốc Nam, Quang Lộc, Ngọc Minh và Ngọc Huệ đưa thầy Tho về nhà thầy, trên đường về ghé cho thầy nựng cháu nội tí chút. Trong khi chờ đợi thầy vào nhà thăm cháu cả nhóm uống cà phê đêm cho tỉnh táo để trên đường đi .


21 tiếng đồng hồ cho đoạn đường dài 186km.

Đi tất phải đến, một chuyến du ngoạn không định trước, có sự thú vị đáng nhớ. Hình như cũng giống giống như thời đi học cúp cua đi chơi, nổi hứng "Rủ là đi"...còn bây giờ! Cũng "hô là đi", tuy không phải đi vô tư như thời xưa, mà còn có thêm những mục đích để sang tác... Vâng- U 60, U 70 rồi chứ có phải U 20 đâu..!, đúng vậy - thế nên dù đi chơi nhưng cũng là chuyến đi thực tế sáng tác để đưa vào thi ca, tác phẩm âm nhạc, viết phóng sự..v..v . Thế mới thú vị, đáng sống và đáp ứng được những yêu cầu về đời sống tinh thần.

Xe khởi hành lúc 20g đêm chúa nhật, không định giờ phải đến, nên tà tà trên đường thiên lý, chuyện trò râm ran, bên ngoài trời tối thui, lúc này xe đang đi đến Dầu Giây. Bổng dưng ... réc réc ...réc... A ha! Bị giao thông rồi huýt còi rồi.

- Ngọc Huệ hỏi anh Lộc: Bị gì thế anh?

- Có lẽ chạy quá tốc độ, để xem sao...

Anh Lộc đem giấy đi trình, N.Huệ cũng chạy theo. Đúng rồi, chạy quá tốc độ. Mọi việc cũng xong xuôi,được nhắc nhỡ không phải bị phạt bởi vì  anh em CSGT thông cảm cho các bạn trên xe toàn là anh em văn nghệ . Thật ra xe chạy chỉ có 51km thôi mà.

Tìm chổ ăn tối thôi, đói bụng rồi. 23giờ đêm đi ngang quán cơm cũng sạch đẹp, ghé vào cho thư thái. No rồi, tiếp tục đi, thế gian thường nói "bụng to ra thì con mắt díp lại". Anh Lộc hỏi đi luôn trong đêm hay là tìm chỗ ngủ?. có người trả lời: Phải tìm chỗ nào đó trên đường để nghỉ vì qua 00giờ rồi an toàn là trên hết, đi không có giờ đến thì không phải vội. Trên đường đi Ngọc Minh chỉ, kìa kìa có nhà nghỉ..; Ngọc Huệ cải không được vắng lắm,để xe dễ bị mất đồ đạc. Chạy thêm một đoạn đường nữa là thuộc địa phận Định Quán, tìm được chỗ khá đẹp có nhà để xe an toàn, thế là tạm ổn chỗ nghỉ ngơi cho mọi người.

. Sáng sớm thức dậy, không khí trong lành, hít thở thoải mái, buông bỏ được không khí ồn ào đầy tiếng động của thành phố, những trói buộc lo toan của đời thường, những xô bồ trong cuộc sống...Cảnh trí thiên nhiên, núi rừng, hoa dại bên đường như đẹp thêm, thật là thú vị...

Cuộc hành trình tiếp tục.., Xe lăn bánh Ngọc Huệ hỏi thầy Tho "Thầy có số điện thoại của Đỗ Tấn Thêm phải không thầy, thầy gọi dùm cho em ", thầy Tho gọi và đưa máy cho Ngọc Huệ nói chuyện với Thêm. Phài nói Thêm có bộ nhớ tuyệt vời, nhiều năm rồi không gặp, bổng dưng nói chuyện qua điện thoại và số lạ mà hắn cũng nhận ra giọng nói của Ngọc Huệ mới hay chứ. Thế là cuộc hẹn gặp mặt bạn học cũ tại Suối Tiên- Mađaguôi xem như đã xong.

Suối tiên - Mađaguôi_một phần của rừng Nam Cát Tiên dần dần hiện ra trước mắt. Xuống xe, vừa vào đã được Đỗ Tấn Thêm đang làm Giám đốc Khối cảnh quan - Nông lâm đón đoàn thật thân tình và đầm ấm,  Thêm chào thầy Tho bằng sự lễ độ, anh Quốc Nam, Lộc, Ngọc Minh rất vui khi gặp lại Thêm. Phải nói cảnh quan thiên nhiên ở khu du lịch Suối Tiên-Mađaguôi đã đẹp công thêm những bố trí, thiết kế, trưng bày cây , hoa, sinh vật cảnh hài hòa làm tôn tạo thêm vẽ đẹp vừa tự nhiên, rộng lớn, hoành tráng vừa trang trọng và đáp ứng được sự thưởng ngoạn thoải maí, thích thú, tạo được cảm hứng cho mọi giới, trong đó có phần đóng góp đầy tâm huyết và sáng tạo của Thêm một cựu học sinh Nông Lâm Súc Tây Ninh của chúng ta. 


Gặp nhau rồi đến lúc phải chia tay, cả đoàn tiếp tục cuộc hành trình để lại phía sau dãy đồi núi nhấp nhô, rừng cây xanh biếc, vườn hoa muôn sắc, những công trình nghệ thuật còn trong dự án mà Đỗ Tấn thêm sắp sửa thực hiện. Với lời hứa hẹn sẽ trở lại ở một đêm trong rừng nghe chim kêu, vượn hú, nằm trên võng cho mấy con khỉ đưa ... để thả hồn phiêu bồng trong hang động Ma-đa-guôi mà sáng tác.

Đến 16g30 ngày thứ hai 18/10  mới về đến nhà thầy Tho để thầy thăm nhà sau khi vào Trường trung học Nông Lâm Súc Bảo Lộc cũ xem lại cảnh quan hôm nay sau bao năm tháng vật đổi sao dời.Vào căn phòng nơi ngày xưa thầy Bùi Văn Tho thường ngồi làm việc, nhìn cái bàn, chiếc ghế, những bằng khen treo trên tường, nhớ lại những người bạn và đồng nghiệp năm xưa, bổng dưng lòng bùi ngùi xúc động...

Đang còn để hồn bay lên mây thì Ngọc Minh "đòi" đi xem cho được thác ĐamB'ri. Ừ! Đi thì đi, chưa đi chưa biết ĐamB'ri, đi rồi mới thấy công trình của thiên nhiên hùng vĩ và kỳ bí: Thác cao khoảng 50.60m, nước đỗ từ đầu nguồn xuống dồn dã, vùi dập những bọt nước tại chân thác, sau đó nước theo dòng suối nhỏ chảy hiền hòa, len lõi trong khe đá và cây cối hai bên bờ... Đến thăm đầu nguồn của cái thác đổ nước đẹp chết người kia là một dòng suối rộng độ hơn 7- 8m, nước chảy êm đềm, không có gì báo trước sự hung hãn. Mà nước chỉ gào thét khi đến ngã ba... bổng dưng gặp một hố sâu, nước chảy vào nơi thấp, đổ xuống, ào ạt, dồn dập, xối sả.. nước thét gào liên tục... thác đổ tạo ra âm thanh vẽ đẹp hoang dã và huyền bí vô cùng...

Gặp thầy Nguyễn Văn Vũ

Độ 20 giờ, buổi tiệc tối của nhóm CHS NLSBL tiếp nhóm CHS NLSTN trong tình thân qua cầu nối của thầy Bùi Tho, cũng nhờ thế mà gặp lại thầy Vũ sau gần 40 năm, thầy vẫn khỏe mạnh, trong nụ cười rạng rỡ thầy hứa lần họp mặt thứ XII của CHS NLSTN thầy sẽ tham dự.

Hơn 22giờ, thấm mệt, dạo phố đêm và chợ Bảo Lộc cho thư thả . Đèn đường vẫn thức sáng, phố rất yên tĩnh, khí trời lành lạnh, mở cửa kính xe để hưởng không khí trong lành, thở no lồng ngực. Người đồng bằng lên xứ cao nguyên nhìn cảnh vật mà khâm phục tạo hóa đã dày công tạo dựng. Giọng nói thầy Tho xa xăm kéo mọi người về thực tại: "Blao bây giờ không còn lạnh như mấy mươi năm về trước do con người tàn phá đủ thứ". Chúng tôi không hiểu đủ thứ là những gì, chỉ biết rằng chuyến đi này thật là vui,để mềm hóa tâm hồn khỏi bị khói bụi đô thành bám bẩn, để thấy được những giá trị tình cảm tốt đẹp của thời học sinh vẫn còn tồn tại đến hôm nay và bất diệt với thời gian...

Anh Lộc muốn quay về trong đêm, có lẽ anh muốn khám phá trời đất, núi rừng về đêm thế nào để đưa những xúc cảm mạnh mẽ, nên thơ vào âm nhạc chăng?. Thầy Tho khuyên: Nếu về  chắc cũng phải tìm chổ ngủ ở đâu đó trên đường để nghỉ như lúc đi, thôi thì ở lại nhà thầy cho vui. Thế là tất cả đều ở lại. Tối đến, anh Quốc Nam trổ tài nấu cháo. Ôi! Nồi cháo nóng thơm ngon quá, Thầy trò vừa ăn vừa trò chuyện thật vui vẻ...

Trở lại chuỗi ngày thường đáng yêu với gia đình và công việc

Sáng ngày thứ ba, ăn sáng và chia tay với thầy Tho, đường về cũng thư thái. Đi đến đâu thích thì nghỉ ngơi, uống cà phê, nằm võng. Chẳng mấy khi có thời gian để nói chuyện vui, kể chuyện đời xưa, chuyện người, chuyện mình. 48 tiếng đồng hồ, với hai đêm vắng nhà, với bao nhiêu chuyện từ trước đến giờ chưa bao giờ nói, với những trận cười ngặt nghẻo, tự nhiên trong tình anh em, thân thiện như ngày xưa còn đi học. Cái lịch sự, cái khách sáo trong giao tế, nghi thức xã giao của xã hội chúng tôi khoanh lại để đó, không cho nó xuất đầu lộ diện nơi đây.

Nhiều khi tự hỏi, phải chăng chỉ có thời học trò  trung học là đẹp nhất, vì tuổi đó vừa ngây thơ vừa chướm nở đủ thứ, tình yêu, mộng mơ, ước vọng tương lai... ngây thơ mà cũng vừa làm người lớn nhưng chưa đủ khôn hẳn!!! Thần dân Nông Lâm Súc còn nhiều cái để nhớ đời nữa là những tấm lưng ướt đẫm mồ hôi trong giờ thực hành nông trại, giúp nhau cuốc đất tưới cây.làm cỏ, đốn tre, tầm vong làm chuồng trại chăn nuôi v..v.. Còn nữa, còn việc tinh nghịch đi thu hoạch non hoa màu của bạn khác, và người khác lại thu hoạch lén hoa màu của mình...48 tiếng đồng hồ, thực hiện chuyến du lịch không định trước đã khép lại, nhưng dư âm còn đầy trọn, và nhật ký trang nhà có thêm một câu chuyện để bạn bè nhắc nhở nhau .. Không ngờ! chuyến đi vô cùng ích lợi, hoàn hảo cả đường đi lẫn đường về, không phải đi lông bông không mục đích mà nhạc sỹ Trương Quang Lộc có cảm hướng đã sáng tác những ca khúc mới, trẻ trung, yêu đời. Quốc Nam có những bài thơ thấm đẫm tình người để bạn bè cùng đọc cùng hát trong những lần gặp gỡ và cũng giúp Ngọc Huệ hoàn thành được bài phóng sự của mình. Thật là một chuyến đi đậm tình Nông Lâm Súc của chúng ta.

 

Ngọc Huệ - Ngọc Minh K3
Lượt xem: 3172

© NongLamSucTayNinh.com 2011 - 2020. Thiết kế website tại MtStudio.vn

Thành lập ngày 20 tháng 02 năm 2011

Email: nonglamsuctayninh@gmail.com