Nhạc sĩ Trần Long Ẩn, những bài hát cho đời

Chuyên mục: Trang âm nhạc ( Nghiên cứu - Giới thiệu CD - MV ) Được đăng: Thứ năm, 17 Tháng 9 2020 Viết bởi Ban điều hành

NHẠC SĨ TRẦN LONG ẨN  NHỮNG BÀI HÁT CHO ĐỜI

Nguyễn Duyên

 

Nhạc sĩ Trần Long Ẩn sinh năm 1944, quê quán ở Bình Định, một nơi có truyền thống hát bội, hát bài chòi và là đất võ Tây Sơn. Thời trung học, ông học trường La San ở Quy Nhơn, được các cha trong trường đã dạy âm nhạc bước đầu cho ông. Khi đậu tú tài, mẹ ông thưởng chiếc radio 4 băng, qua đó nhạc sĩ thường nghe nhạc cách mạng và tập tành sáng tác ca khúc từ đó, cho nên nhiều bài hát truyền thống cách mạng đã ảnh hưởng quá trình sáng tác của ông sau nầy. Năm 1966, ông vào Sài Gòn học Trường Đại học Văn khoa, trong thời gian đó ông đã tham gia phong trào xuống đường, đấu tranh của SV HS Sài Gòn. Ông nói: Hồi đó tôi còn trẻ, hay xung phong hát chứ chưa biết sáng tác. Mấy anh chị lãnh đạo phong trào nói ông hát hay quá, bữa nào sáng tác thử xem.Tôi nghiền ngẫm viết Hát trên đường tranh đấu. Kế đến tôi viết Người mẹ Bàn Cờ (phổ thơ Nguyễn Kim Ngân, là người bạn học từ phong trào tranh đấu của tôi).Về bài hát nầy, ra đời trong một sự kiện

có thật thời đó, ông kể năm 1970, trong một lần ghé nhà “Bà má phong trào”- má Hai ăn đám giỗ (thực chất là ăn giỗ Bác Hồ). Chồng mất sớm, má Hai chỉ có một người con gái tên là Hiền, một đoàn viên cơ sở Đoàn ở nội ô Sài Gòn, đã hy sinh lúc 17 tuổi. Cống hiến cả cuộc đời cho cách mạng, nguyện vọng duy nhất của má Hai là nhìn thấy Đất nước thống nhất, nhưng ước mơ chưa  thành hiện thực thì má Hai đã đi xa. Xúc cảm trước hình ảnh của má Hai, tác giả đã phổ nhạc bài thơ “Người mẹ Bàn Cờ” của Nguyễn Kim Ngân thành bài nhạc cùng tên và bài hát nầy cũng đã vang lên trong những ngày đấu tranh của SV HS thời ấy.

Năm 1972, Trần Long Ẩn cùng Nguyễn Văn Sanh rời Sài Gòn ra vùng giải phóng. Ở chiến khu hai năm, đầu tháng 4-1974, ông được ra miền Bắc học tập. Cùng đi trong đoàn còn có các ông Lê Duy Hạnh, Trương Quốc Khánh, Nguyễn Văn Sanh, Trần Văn Ánh…Ở Hà Nội, theo đúng nguyện vọng, ông được vào Trường Âm nhạc Việt Nam và được dành mọi phương tiện thuận lợi nhất để học tập. Các thầy dạy cho ông là nhạc sĩ Chu Minh, Ca Lê Thuần, Nguyễn Thị Nhung, Đinh Quang Hợp, Tào Hữu Huệ…

Sau Giải phóng 1975, ông về làm Sở văn hóa thông tin TP HCM và hoạt động văn nghệ tiếp tục. Ông có gần 100 tác phẩm được yêu mến như: Hoa lục bình, Hát trên đường tranh đấu, Tình đất đỏ miền Đông, Đi qua vùng cỏ non, Đêm thành phố đầy sao, Mừng tuổi mẹ, Trên mảnh đất tình người... Ông từng nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007, được trao Huân chương Lao động hạng nhì. Ca khúc Tình đất đỏ miền Đông của ông từng đoạt giải nhất cuộc vận động sáng tác ca khúc về đề tài thống nhất đất nước. Bài Cây hai ngàn lá (thơ Pờ Sào Mìn) của ông được giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 1994. Ông từng xuất bản,phát hành một số tập ca khúc, album như: Vẫn hát ru em, Một đời người một rừng cây, Xin làm người hát rong…

Trong bài Một đời người một rừng cây, Trần Long Ẩn muốn gửi gắm một kỷ niệm trong đời, đồng thời nêu lên một triết lý, một quan niệm sống vì mọi người. Ông sáng tác bài này năm 1984,ông tưởng tượng những cành cây cổ thụ nâng đỡ những cụm lan rừng như những thế hệ cha anh dũng cảm hy sinh để con cháu sinh sôi tươi tốt:

Cây đã mọc từ thuở nào

trên đồi núi thật cằn khô

cây có hiểu vì sao

chim thường kéo về làm tổ

và em như cụm lan mọc

từ những cành cổ thụ già kia

Bài hát này bao nhiêu tuổi tức gắn với rừng đước Cần Giờ (TP.HCM) bấy nhiêu tuổi. Ông tâm sự “ Ý tưởng của tôi xuất phát từ câu của một người lãnh đạo nổi tiếng khi chỉ vào rừng đước và nói, các chú phải trồng gần thì cây đước mới lên thẳng, mới hữu dụng, trồng xa quá thân thấp, um tùm vô dụng. Ý bài hát tôi muốn nói lớp trẻ - bộ đội ta ở nơi gian khổ họ trưởng thành và đã là thanh niên thì chung sức giúp đỡ nhau.Tôi mượn rừng cây để nói về cái đẹp con người, về lực lượng bộ đội ở biên giới Tây Nam những năm tháng đó ”. Anh lại nhớ đến rừng đước, cây mọc san sát, thân vươn thẳng lên trời, như những con người sát cánh bên nhau vượt gian khổ, gìn giữ bảo vệ quê hương :

Và tôi vẫn nhớ hoài một loài cây

sống gần nhau thân mới thẳng

có một cây là có rừng

và rừng sẽ lên xanh rừng giữ đất quê hương

và câu hát nầy ai cũng nhớ và thường nhắc nhau như một triết lý cho đời sống :

Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng

gian khổ sẽ dành phần ai

ai cũng một thời trẻ trai

cũng từng nghĩ về đời mình

phải đâu may nhờ rủi chịu

phải đâu trong đục cũng đành

phải không em, phải không anh

Trong những lần về họp hay ghé chơi ở 81 Trần Quốc Thảo ( Trụ sở Hội Âm nhạc TP HCM) trong lúc trà dư tửu hậu chúng tôi hay đùa tên bài hát của anh thường dài nhất trong cả nước, không có tựa nào hai, ba từ đâu? ( Như Trên mảnh đất tình người, Đi qua vùng cỏ non, Một đời người một rừng cây, Đàn sáo Hậu Giang, Đêm thành phố đầy sao, Xin làm người hát rong, Tiếng hát từ ánh lửa mặt trời...) mà có bài đọc ngược đọc xuôi vẫn được? như Đêm thành phố đầy sao ( Sao đầy phố thành đêm) anh cười vui vẻ và anh có tài vặt nữa là hát nhạc chế rất vui, rất hay làm không khí buổi tiệc thêm phần vui vẻ. Ca khúc “Một đời người, một rừng cây” đi vào lòng người đến nỗi người ta làm nhạc chế, và mới đây có một bài chống dịch Covid của ca nhạc sĩ Tú Dưa đã xin phép nhạc sĩ viết lại lời mới rất ý nghĩa với tên gọi “Lời cảm ơn của đời người” để cổ vũ tinh thần chống Covid 19 tại Việt Nam có sự đóng góp rất quan trọng của đội ngũ y bác sĩ, lực lượng vũ trang và các tình nguyện viên đang làm nhiệm vụ ở tuyến đầu:

Khi nghĩ về đại dịch này, tôi nguyện góp phần lời ca.

Khi nghĩ về đồng bào ta, tôi cầu chúc mọi điều lành.

Từ Bắc đến tận xứ Nghệ từ Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn...

Cà Mau ơi! Mong yên bình.

Đất Nước mình còn nghèo mà, nên phải biết đùm bọc nhau.. .

Cho thấy tầm ảnh hưởng, yêu thích bài hát nầy của công chúng rất lớn.

Về công tác tổ chức, về phong trào ông rất quan tâm. Lúc ông làm PCT Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Nhạc sĩ Trần Long Ẩn là người đã trợ giúp rất nhiều các Chi hội nhạc sỹ Miền Đông, nhất là ông có công lớn cùng lãnh đạo Hội đôn đốc hỗ trợ thành lập Chi hội nhạc sỹ Việt Nam tại Tây Ninh. Tuy tuổi lớn nhưng ông rất nhiệt tình hoạt động, đã từng tham gia giảng dạy các lớp tập huấn âm nhạc cho anh em Tây Ninh trong nhiều năm qua, tham gia nhiều cuộc chấm thi như Tiếng hát mãi xanh, chấm giải thưởng âm nhạc Hội nhạc sĩ Việt Nam, làm giám khảo các cuộc thi địa phương...Hiện nay ông là Chủ tịch Liên hiệp Các hội văn học, nghệ thuật TP.HCM. Rất nhiều bài hát của ông được giới yêu nhạc ái mộ và được trình diễn liên hoan nhiều năm qua như: Đàn sáo Hậu Giang, Đêm thành phố đầy sao, Đi qua vùng cỏ non, Một đời người một rừng cây, Người mẹ Bàn cờ (thơ Nguyễn Kim Ngân), Mừng tuổi mẹ, Tình đất đỏ miền Đông…

Nguyễn Duyên

Tin mới

Các tin khác

Lượt xem: 1714