Truyện ngắn, bút ký, hồi ký

Cô Châu

Chuyên mục: Truyện ngắn - Bút kí - Tùy bút
Được đăng: Thứ năm, 13 Tháng 10 2011
Viết bởi Nguyễn Trường Hy

Trong Lưu Bút Ngày Xanh của cựu học sinh Nông Lâm Súc Cần Thơ có bài viết của Thầy Nguyễn Trường Hy như một lời, tự thuật những tình cảm sâu lắng của mình trong thời gian còn đi học và bây giờ đối với một cô giáo ngày xưa. Lời văn chân thànhbày tỏ tình cảm sâu sắc không những chỉ tặng cho Cô mà thương tặng cho các học trò Nông Lâm Súc Cần Thơ, Tây Ninh, Sài Gòn, Westlake Jr. High và Oakland Technical High School California Hoa Kỳ.

   Thầy Nguyễn Trường Hy là giáo sư dạy môn Công Dân và Sử Địa của Trường Trung Học Nông Lâm Súc Tây Ninh niên khóa 1972 – 1973 và là giáo sư hướng dẫn lớp 12 Mục Súc niên khóa 1973 – 1974. Chính Thầy cũng là người biên tập quyển NHỮNG DÒNG LƯU NIỆM cho lớp 12 Mục Súc niên khóa 1973-1974. Nay Trang Nhà Nông Lâm Súc Tây Ninh xin phép đăng bài viết của Thầy để các cựu học viên Nông Lâm Súc Tây Ninh biết tin,  cảm nhận được những tình cảm của Thầy và những niềm ưu ái Thầy dành cho các học sinh trong đó có hoc sinh Nông Lâm Súc Tây Ninh.

   Khi đọc được những dòng chữ nầy rất mong Thầy liên lạc và cộng tác với Trang nhà Nông Lâm Súc Tây Ninh.

  Kính chúc Thầy và gia đình mạnh khỏe…

                                           

                                        TRANG NHÀ NÔNG LÂM SÚC TÂY NINH.

     

                                              

                                                                         CÔ CHÂU

bài viết: Nguyễn Trường Hy

 

Thương tặng các học trò của tôi ở Cần Thơ, Tây Ninh, Sàigòn, Westlake Jr. High và Oakland Technical High School California  Hoa Kỳ.

Hy mến,

Hôm thứ Bảy vừa qua, khi hội chợ tết của Liên Hội Người Việt tổ chức ở San Jose, tao chợt thấy cô Châu trong số những người đang rời khỏi hội chợ. Tao vội vàng tìm chổ đậu xe và cố gắng tìm Cô nhưng chẳng may Cô đã về từ lúc nào rồi. Vài hàng cho mày biết tin, nếu mày có may mắn gặp cô nhớ cho tao biết liền.

Bạn thân của mày.

Tường.

Nhận được thư của Tường, tôi bàng hoàng cả người vì chợt nhớ đến Cô, người đã dạy dỗ, săn sóc tôi mà cả đời tôi không bao giờ quên được.

*****

   Dạo ấy, trong khoảng từ mùa Thu năm 1954 đến mùa xuân 1956, gia đình tôi cư ngụ ở Đà Lạt vì cha tôi phục vụ trong đơn vị Ngự Lâm Quân của Đức Quốc Trưởng Bảo Đại. Vào cuối năm 1955, đơn vị Ngự Lâm Quân bị giải tán nên cha tôi được thuyên chuyển về Sài Gòn để chờ bổ nhiệm đơn vị mới. Mẹ tôi bận buôn bán để nuôi bảy người con nên ít có thì giờ săn sóc chúng tôi.

   Cô Châu đã đến với tôi và Tường như một sự kỳ diệu. Mẹ tôi bận buôn bán còn cha mẹ Tường ở tuốt ngoài Qui Nhơn, Tường phải ở chung người anh cả đã có gia đình, Cô đã như người mẹ thứ hai của chúng tôi; hai đứa trẻ đang cần tình thương và sự chăm sóc trong khi tâm hồn hãy còn non nớt.

   Cô mướn nhà ở gần chúng tôi chỉ cách một vườn rau và con suối nhỏ trên đường Phan Đình Phùng dưới chân chùa Linh Sơn. Mỗi ngày, chúng tôi đứng trước cửa từ sớm, chờ cô đi qua là hai đứa chạy ra đón Cô và cùng cô đi đến trường. Buổi chiều, chúng tôi đến nhà Cô làm bài, nhiều khi Cô nấu cơm cho chúng tôi ăn nữa.

   Cô Châu mới tốt nghiệp trường sư phạm Sài Gòn, được bổ nhiệm lên dạy tại Đà Lạt, không có bà con thân thích nên Cô thương chúng tôi thật tình. Nhờ sự chăm sóc và dạy dỗ của Cô, Tường và tôi trở nên hai đứa học trò giỏi nhất của lớp Nhì A (lớp 4). Chúng tôi trở nên ham học, lúc nào cũng quấn quýt bên Cô và không còn rong chơi tập trận hay vượt đồi lội suối. Có khi rủ   nhau vào rừng bắn chim bằng ná cao su hoặc cùng nhau leo hàng rào vào đồn điền trồng cam bị chó Berger rượt té rách cả áo quần…

   Cuối năm lớp nhì, (hè 1955) trường tôi có tổ chức một buổi cắm trại trong đó có thi đua văn nghệ và các trò chơi sinh hoạt… ở gần thác Cam Ly. Hôm ấy lớp chúng tôi đã đoạt giải nhất vì Tường và tôi đã diễn xuất sắc trong vở kịch do cô soạn. Chúng tôi còn tham dự trong màn múa Mọi và hát nữa. Đó là do kết quả của Cô đã luyện tập cho chúng tôi từ nhiều tuần lễ trước, nhớ lại lần đầu tiên tập múa, tôi mắc cỡ hết sức nhưng nhờ sự khuyến khích của Cô, tôi trở nên dạn dĩ và chú tâm luyện tập thật hăng hái.

   Những ngày tháng êm đềm qua nhanh, đến năm sau lên lớp nhất (lớp 5). Chúng tôi lại may mắn được học lớp của Cô, Cô bắt chúng tôi phải học bài và làm bài nhiều hơn vì cuối năm đó phải thi lấy bằng Tiểu Học và còn phải thi tuyển vào lớp đệ thất (lớp 6) Trường công lập. Nào ngờ đến giữa năm lớp nhất, gia đình tôi phải dọn về Sài Gòn vì mẹ tôi quyết định dọn về gần ba tôi sau khi thấy việc buôn bán ở Đà Lạt không còn phồn thịnh như trước nữa.    ( thầy Hy 1973)

   Hôm xa Đà Lạt, tôi đã khóc sưng cả mắt vì xa Cô. Cô an ủi khuyên dỗ một hồi tôi mới chịu nín để lên xe về Sài Gòn. Sau đó vào trường học mới dần dà nguôi dần theo thời gian. Tuổi thơ chóng quên, hằng ngày hăng say học tập với các bạn đồng lớp. Vài tháng sau, tôi nhận được thư của Tường ở Đà Lạt cho biết rằng Cô đã lập gia đình nên phải thuyên chuyển ra Huế, thế là khoảng cách giữa Cô và tôi còn xa hơn nữa.

   Sau này tôi tiếp tục may mắn được học với các Thầy, Cô đáng kính mến, có nhiều Thầy Cô thương tôi như là con, dạy dỗ và giúp đỡ mọi bề. Tôi xin mượn cơ hội này để bày tỏ lòng tri ân với các vị Ân Sư của tôi: Cô Tăng Thị Minh Châu dạy Pháp Văn, Thầy Trần Văn Điền dạy Anh Văn đang ở Hoa Kỳ, cố giáo sư Nguyễn Ngọc Huy dạy môn Chính Trị Học, Giáo Sư Lê Văn dạy Anh Văn, Giáo Sư Phạm Cao Dương dạy môn Sử Học ở trường Đại Học Sư Phạm Sài Gòn và các quý vị Giáo Sư khác nữa. Tuy nhiên, người mà tôi thương mến nhất đời vẫn là Cô Châu, Cô đã cho tôi một tuổi ấu thơ thật đẹp, đã gieo vào tâm hồn non nớt của tôi những nét hay đẹp của nghề dạy học, đã cho tôi những tình thương tuyệt vời mà tôi khó kiếm được trong suốt cuộc đời  của tôi. Tôi đã tâm nguyện khi lớn lên sẽ theo nghề dạy học để tiếp nối sự nghiệp vàđền đáp công ơn dạy dỗ của Cô.                                                                             

Mùa Thu 1963, ngày tôi nhận tin trúng tuyển vào trường Đại Học Sư Phạm Sài Gòn ban Sử Địa cũng là ngày tôi nhận giấy trình diện nhập học trường Quốc Gia Hành Chánh. Tôi có hỏi ý kiến của ba tôi thì người khuyên tôi nên theo nghề dạy học vì nghề này tuy nghèo nhưng cao quý, đức tính và tâm hồn thanh cao.Con đừng nên theo nghề hành chánh sẽ vấp phải những bước thăng trầm có khi lại nguy hiểm nữa.Nghe lời ba, tôi lặng lẽ xé bỏ tờ giấy trình diện nhập học trường Quốc Gia Hành Chánh.

Hôm nay, sau hơn 40 năm dạy học, tôi đã trải qua biết bao nhiêu kỷ niệm buồn vui với học trò của miền đất Cần Thơ lúc nào cũng sẳn sàng mời thầy một ly cà phê thơm ngát; học trò Tây Ninh, đất nghèo hằn lên sỏi đá, nhưng chân thành mời Thầy được ly nước lạnh, khoai mì… Tôi rất lấy làm mãn nguyện vì mình đã chọn đúng nghề, đã đóng góp một phần nhỏ bé trong việc đào tạo các mầm non của đất nước và nhất là giữ được điều tâm nguyện với Cô Châu.Tôi đã hăng say làm việc không mệt mỏi để hướng dẫn và dạy dỗ các em học sinh.

*****

Thưa Cô,

Con hy vọng những dòng chữ này một ngày nào đó Cô đọc đến thì con sẽ sung sướng vô cùng. Con cầu chúc ơn trên ban cho Cô đầy đủ sức khỏe để có ngày nào con sẽ được gặp lại Cô để nói lên những lời biết ơn Cô, tất cả những thành công của con ngày nay là do công ơn của Cô dạy dỗ và hướng dẫn.

Một lần nữa, con biết ơn Cô!

Nguyễn Trường Hy, NLSCT 67-72, Hoa Kỳ ngày 1-1-2009

 

Kỉ niệm những lần gặp lại cô Hoàng

Chuyên mục: Truyện ngắn - Bút kí - Tùy bút
Được đăng: Thứ sáu, 07 Tháng 10 2011
Viết bởi Nguyễn Quốc Nam

KỶ NIỆM NHỮNG LẦN GẶP LẠI CÔ TRẦN THỊ HOÀNG

   

Cô Hoàng năm 1970 (ảnh thầy Tho cung cấp)

Sau khi hoàn thành chương trình trung học tôi vào đại học và ra đi  ít khi có dịp trở lại mái trường xưa. Sau năm bảy mươi lăm người tôi còn liên lạc thường xuyên ở Sài Gòn đó là Lộc, tức nhạc sỹ Trương Quang Lộc bây giờ. Thời điểm đó rất khó khăn anh em gặp nhau uống ly cà phê đen giá năm mươi xu là quá lắm rồi, cuộc sống thật khó khăn nhưng hại thằng vẫn nhâm nhi cà phê nói chuyện văn nghệ văn gừng cho vui và tôi chợt nhớ mấy câu thơ của ai đó đọc cho Lộc

nghe.

        Nên mới yêu nhau mà cư xử rất vợ chồng.

        Rất thật tình khi lựa quán bình dân…

        Và nói thẳng – Anh uống cà phê đen

        Bởi thiếu tiền uống cà phê đá.

   Thời điểm đó nghèo đều nhau chứ không riêng gì mình, nhà nhà ăn độn khoai mì, xe cộ đi lại khó khăn, lên được chuyến xe ca hay xe bus là cả một vấn đề,. Có người sắp hàng từ 2 giờ đêm đến 8 giờ sáng chưa mua được một vé xe ca đi đường dài về các tỉnh. Tôi và Lộc cũng gặp nhau trong chốc lát rồi mỗi người quay lại công việc của mình nhưng thỉnh thoảng cũng hẹn hò uống cà phê tâm sự thăm hỏi tin tức thầy cô và bạn bè cũ đỡ buồn.

    Khoảng năm 1977 trên làng đại học Thủ Đức tôi đứng đón xe buýt Dĩ An xuống để về Sài Gòn, sau khi chờ đợi hơn một tiếng đồng hồ giữa nắng trời gai gắt thì mới lên được xe, không còn chỗ ngồi đành phải đứng nhưng có yên đâu người sau lên xe thì những người lên trước phải dồn chật cứng chỉ còn thấy lưng nhau. Xe chạy đến đâu anh lơ xe hô to có ai xuống không thì mới biết đang ở vị trí nào. Mồ hôi mồ kê tươm ra ướt cả áo. Khi đến bến chợ Bến Thành bước xuống xe thì bất ngờ tôi nhận ra Cô Trần Thị Hoàng cũng cùng đi chung chuyến xe đó.

    Trước năm 1975 Cô dạy trường Trung học Nông Lâm Súc Tây Ninh. Tôi chào cô - Cô cho biết hiện nay đang dạy ở trường Nông nghiệp Thành phố ở Cát Lái –Thủ Đức. Từ xa lộ đi vào khoảng 3-4 km. Do vội vả lên cho kịp chuyến xe về Bà Hom nên cô chia tay tôi mà chưa kịp nói được gì nhiều...  Tôi tiễn  cô và trong khi cô đang bước lên xe tôi vội nói- Em sẽ đến thăm cô tại trường vào một ngày gần đây và tôi đã thực hiện trong tháng sau.

     Một buổi sáng khoảng 10 giờ tôi mượn một chiếc xe đạp cà tàng , đi từng làng đại học qua Cát Lái giữa cái nắng oi bức, những lúc lên dốc mệt tôi dừng lại nghĩ. Đến ngã ba Cát Lái men theo con đường đá đỏ vào khoảng 3-4 cây số thì đến ngôi trường cô đang dạy. Khu vực nầy là khu giản dân thuộc Thủ Đức. Tôi dừng xe ngoài đường nhìn ngôi trường trên một gò đất đỏ cao không một bóng cây, có lẽ trường mới xây dựng nên chỉ có hai dãy trệt quay ra mặt đường với khoảng sân rất rộng. Toàn bộ khu đất đỏ với đá phún lam nham trên mặt  Tôi đẩy xe đến bậc thềm thì tình cờ cô cũng vừa từ văn phòng bước ra, cô vẫy tay gọi , chỉ cho tôi chỗ để xe và hướng dẫn tôi lên văn phòng có lẽ là phòng khách của ban giám hiệu.Cô rót nước mời và hỏi thăm nơi ở và công việc của tôi như thế nào. Cô mặc bộ đồ tây đẹp, gọn gàng và lịch thiệp chứ không như ở những nơi khác mà tôi thường thấy. Sau giải phóng không còn ai mặc áo dài đi dạy nữa có lẽ vì như thế bị đánh giá là phi lao động ,biểu hiện của tính tiểu tư sản trí thức? hay là vì sao không biết nhưng toàn quốc kể cả các trường đại học, tất cả mọi người đều ăn mặc giản dị , thậm chí ở tỉnh lẻ mặc cả đồ bà ba đến lớp là chuyện bình thường. Tôi ngồi tâm sự thăm hỏi cô khoảng hơn một tiếng đồng hồ thì đã 12 giờ 30 phút . Chung quanh ngôi trường không thấy một tiệm quán ăn nào cả nên muốn mời cô cũng chẳng được, tôi đành xin chào cô ra về vì nhà ăn tập thể mọi người đang ăn sắp xong, để cô còn cơm nước và chuẩn bị lên lớp  buổi chiều. Cô đứng trên bậc thềm chào và chúc tôi thành đạt trong cuộc sống..

     Tôi đạp chiếc xe cà tàng đôi khi sút dây sên giữa trưa nắng gắt vừa đói nhưng cảm thấy vui vì mình đã thực hiện được một điều nho nhỏ là thăm cô và thấy cô vẫn khỏe mạnh, tiếp tục với nghề dạy học. Niềm vui và hạnh phúc thật giản dị , tôi vừa đạp xe bụng đói và khát nhưng nhận ra được bài học: Hạnh phúc thật đơn sơ ,dù giàu hay nghèo , dù no hay đói , ai cũng có một tấm lòng, một tình cảm tốt đẹp, một niềm tin trong tâm hồn để sống.

Hai mươi mấy năm sau lần thăm cô ở Cát Lái Thủ Đức, tôi nhận được tin cô bị bệnh qua một người bạn ở Sài Gòn và hẹn nhau để đi thăm. Địa chỉ nhà ngày xưa bây giờ đã thay đổi nhưng người bạn tin chắc rằng cứ đến Bà Hom đi thẳng tỉnh lộ 10 rồi dò hỏi sẽ tìm được vì còn nhơ nhớ vài khung cảnh ở đây. Tôi liên lạc với Quang Lộc và đúng hẹn chúng tôi cùng vài người bạn lên đường đi tìm nhà cô. Dù tìm được hay không  chúng tôi cũng ghé chợ mua một vài hộp bánh và vài loại trái cây để làm quà thăm viếng.

   Thật may mắn đến nơi hỏi thăm thì có người biết và chỉ dẫn tận tình thì ra người ấy là cháu của Cô.- Các anh đi qua một dãy cửa hàng sẽ thấy một cái cổng nhỏ, đi vào trong một đoạn quẹo sang phải sẽ thấy nhà cô. Chúng tôi đị theo sự hướng dẫn, đường vào nhà cô rất tối vì đất rộng mà không có đèn . Thế rồi chúng tôi cũng đứng trước cửa một ngôi nhà cổ mái ngói âm dương, các song cửa bằng gỗ có thể nhìn vào bên trong. Ngôi nhà thắp một bóng đèn đỏ như đèn ngủ nên trông có vẽ âm u. Chúng tôi quyết định gõ cửa và gọi chủ nhà. Chờ một lúc lâu thì đèn néon rực sáng. Qua song cửa chúng tôi nhận ra cô mập mạp, chậm rãi bước những bước chân nặng nề ra mỡ cửa.

    Thật diễm phúc người đầu tiên cô nhận ra là tôi. Sau khi vào nhà tôi giới thiệu tên từng bạn cho cô nhớ lại. Cô phân trần nhà không có ai, người cháu giúp việc chỉ làm ban ngày , ban đêm chỉ có mình Cô,  việc di chuyển đi lại của Cô cũng là khón khăn vì chân bị đau nhức..

     Cô ở ngôi nhà cổ lợp ngói âm dương cũng là nhà hương quả, cột gỗ to tròn có gắng những câu liễng, bên trên bàn thờ có những chữ Nho to và dát vàng, hai bên có nhũng bức hoành phi trông nghiêm trang cổ kính và rất đẹp…

     Cô mừng rỡ mời các em dùng nước và kể những kỷ niệm, những câu chuyện thời cô còn đi học ở Bảo Lộc. Cô vui vẻ kể lại những cảm giác và rung động đầu đời của mình một cách tự nhiên khiến chúng tôi cười thỏa thích. Cô nói về tình yêu, quan niệm tình yêu của riêng mình một cách nghiêm túc và chúng tôi cũng biết Cô rất nghiêm túc trong cuộc sống. Cô nói về những kỷ niệm thời dạy học ở Tây Ninh… Cô kể có những lúc xem phim truyền hình cô thấy một cậu đóng vai thầy giáo sống với đồng lương ít ỏi của mình ở ngoại thành và phải chăn nuôi heo thêm để cải thiện trong khi cô vợ đang se sua bươi chải trên thương trường. Cô nhận ra người đóng vai ấy là học trò mình nhưng không nhớ tên gì…Tôi và Quang Lộc nhắc cho cô nhớ đó Văn Thênh hiện nay là một đạo diễn. Cô à thật to và cười thật hạnh phúc khi nhận ra tên người học trò năm xưa của mình.

     Sau những giây phút vui tươi cô lại trầm giọng khi nói về bản thân mình. Cô bị đau  và sưng khớp tay chân kể cả giãn các tĩnh mạch chủ. Cô đã điều trị hầu hết các bệnh viện nổi tiếng ở Sài Gòn kể cả các người bạn là bác sỹ từ Hoa Kỳ về khám chữa trị cho cô nhưng đều không có kết quả. Đôi lúc Cô cảm thấy đồng tiền vô nghĩa… Cô có gần mười cửa hàng cho thuê , thu nhập hằng tháng khoảng trên 20 triệu đồng vào thời điểm mà cán bộ công nhân viên nhà nước lương bình quân mỗi tháng khoảng 300.000 đồng.. Cô bảo tiền rất cần thiết cho cuộc sống nhưng không là tất cả, như cô có đất đại ở thành phố nầy nhiều, tiền hằng tháng thừa chi xài nhưng bệnh tật làm cô đau đớn, lực bất tòng tâm và đôi khi cảm thấy cô đơn trong cuộc sống. Cô ít đi đâu cứ quẫn quanh trong nhà dù biết tin các em có tổ chức họp mặt hằng năm. Hiện Cô chỉ biết đến bệnh viện khám bệnh rồi về nhà….

    Những câu chuyện, những kỷ niệm xưa và nay cứ đang xen tiếp nối khi nhìn chiếc đồng hồ cổ treo trên tường thì đã hơn 22 giờ đêm. Chúng tôi xin phép ra về để Cô còn nghỉ ngơi. Cô quyến luyến chúc các em vui khỏe trong cuộc sống và gởi lời thăm các em học trò ngày xưa…Cô hy vọng năm sau nếu khỏe mạnh đi lại tốt cô sẽ đến Tây Ninh tham dự họp mặt và gặp gỡ các em.

        Một buổi trưa khoảng 13 giờ 30 tôi nhận được điện thoại của một người chị đang nuôi mẹ bị tai biến mạch máu não nằm ở bệnh viện 115 : - Alô phải em không? – Dạ chào chị, em nghe đây.- Em có biết cô Trần Thị Hoàng trước dạy học ở Trường Trung Học Nông Lâm Súc Tây Ninh không? – Dạ, là Cô dạy học của em.. – Vậy em đến bệnh viện 115 phòng cấp cứu dãy sau ở trên lầu 2 thăm cô Hoàng đi, Cô yếu lắm và đang nằm cạnh giường của mẹ chị. Tôi vội mặc quần áo, lấy xe đi ngay và thầm nghĩ thật là cơ duyên xui khiến cho mình biết tin Cô.. ...

        Từ thang máy bước ra tôi vội vào phòng cô đang nằm thì gặp Vinh và Thu (vợ chồng em trai của Cô) đang bên cạnh gường Cô. Tôi chào hỏi người chị thân mến và bà mẹ đang nằm cạnh gường cô Hoàng xong và quay sang nắm bàn tay Cô. Tôi nói lớn : - Cô nhớ em không? Cô từ từ quay mặt về phía tôi, đôi mắt lờ đờ… Cô nhìn tôi một lúc lâu rồi chớp mắt như hàm ý nhận ra tôi. Tôi nắm bàn tay cô và cô cử động nhè nhẹ trong lòng bàn tay tôi và tôi cảm nhận được Cô đã nhận biết mình. Tôi nhìn thấy Cô ốm rất nhiều so với lần tôi gặp trước đây. Thu ( em dâu của Cô cũng là cựu học viên Nông Lâm Súc Tây Ninh ) vừa sọan đồ đạt bỏ vào giỏ vừa nói với tôi là chuẩn bị xuất viện về nhà, anh Vinh đã gọi và đang chờ xe đến để đưa cô về, chỉ chờ cô y tá đến chích một mũi thuốc nữa là đưa ra xe. Đúng lúc đó cô y tá đến, cô rút nước thuốc vào ống tiêm, nắm bàn tay no tròn của cô cẩn thận lụi vào nhưng không đúng tỉnh mạch, cô lại rút ra và đâm kim một lần nữa lại không kết quả. Cô y tá nói mạch chìm khó chích quá thôi bỏ mũi thuốc nầy nhé. Tôi lên tiếng : Nhứt quá tam một lần nữa không xong thì đành chịu... Tôi nắm bàn tay cô co gập lại một tay nắm chặt trên bắp tay, còn một tay từ từ kéo tay cô ra cho nổi tỉnh mạch , vừa làm tôi thầm cầu nguyện mọi sự tốt lành đến với Cô. Cô y tá đâm kim lần cuối và cô thốt to mừng rỡ – Được rồi ! Cô bơm thuốc từ từ nhưng chỉ được nửa ống thì  không thể bơm được nữa và đành phải rút ra bỏ phần còn lại…

      Cô y tá và vài người giúp tôi và Vinh rinh cô lên xe đẩy, chúng tôi đẩy Cô ra thang máy. Vinh vào trong để kéo xe, tôi bên ngoài sửa và đẩy cho xe lọt vào thang máy ngay ngắn. Trước khi cửa thang đóng lại tôi nắm nhẹ bàn tay và nhìn thẳng vào đôi mắt Cô . Những ngón tay cô cử động nhẹ nhàng trong tay tôi, đôi mắt Cô lờ đờ vẫn mở và nhìn tôi trong ánh nhìn yếu ớt , lòng tôi bổng dưng rung động và thương cảm lạ thường vì tôi biết đây là lần cuối tôi gặp Cô và lúc đó cửa thang máy từ từ đóng lại ……

     

      Hơn hai tuần lễ sau tôi nhận được tin Cô đã qua đời. Chúng tôi những cựu học sinh Nông Lâm Súc Tây Ninh hiện cư ngụ tại Thành Phố hẹn nhau vào chiều tối đến dự tang lễ của Cô. Tại tang lễ chúng tôi gặp các thầy cô năm xưa như: Thầy Phạm Văn Nê, Cô Thân Thị Đời, Cô Nguyễn Thi Xuyến ….Chúng tôi vào cúng bái Cô một mâm tế và một tấm liễng với dòng chữ: Thầy, Cô và cựu học viên Trường Trung học Nông Lâm Súc Tây Ninh đồng kính điếu.

    

     Những nén nhang hương thơm  thoang thoảng trước bàn vong, bài vị và ảnh chân dung của cô. Chúng tôi cầu nguyện cho hương hồn cô được siêu thăng tịnh độ trong cõi vĩnh hằng – Vĩnh biệt Cô.

                                                                      NGUYỄN QUỐC NAM

                                                                  ( Ngày 9 tháng 11 năm 2009 )

        

 

Tự sự với chính mình

Chuyên mục: Truyện ngắn - Bút kí - Tùy bút
Được đăng: Thứ năm, 06 Tháng 10 2011
Viết bởi Super User

Bạn Lê Quốc Sơn khóa 3,dù đi muôn phương trong lòng vẫn canh cánh nỗi niềm nhớ Trường xưa bạn cũ.Anh sắp sang đảo quốc New Zeanland mà vẫn tranh thủ viết một bài kí về cho TrangNha.Xin giới thiệu cùng Quý vị ( và theo yêu cầu anh em chúng tôi đăng kèm hình để các bạn chiêm ngưỡng lại dung nhan...của người bạn xưa nhé...)

 

LÊ QUỐC SƠN


TỰ SỰ VỚI CHÍNH MÌNH


Tôi đang ở quán cafe Passion nằm cạnh trường học Mac Quarie tren đại lộ George trung tâm thành phố Sydney nước Úc!
Ngồi chờ một người bạn Úc gốc Việt ở khu Cabramanta  sắp đến theo cái hẹn! trong lúc rảnh,ngồi mở máy xem tin tức thời sự khắp năm châu và khi lướt vào trang nhà Nông Lâm Súc Tây Ninh thì lòng bổng dưng xôn xao chi lạ..
Đọc thấy có tin vui về Lễ thành hôn của ...con trai người bạn cùng khóa những năm 67...lòng thấy vui cho bạn mình  sắp

Xem thêm: Tự sự với chính mình

Những kỉ niệm không quên với thầy Nguyễn Thanh Vân

Chuyên mục: Truyện ngắn - Bút kí - Tùy bút
Được đăng: Thứ năm, 29 Tháng 9 2011
Viết bởi Nguyễn Văn Điệp

thầy Nguyễn Thanh Vân ( bìa phải)

Sau khi về Tây-Ninh thành lập ngôi trường NLS Tây-Ninh ,dù tất bật trong công tác quản lý và giảng dạy nhưng với bản tính bình dị ,gần gủi với đồng nghiệp và học trò , thầy Vân đă được mọi người hết lòng cảm mến .

Xem thêm: Những kỉ niệm không quên với thầy Nguyễn Thanh Vân

Đêm Lộc Ninh

Chuyên mục: Truyện ngắn - Bút kí - Tùy bút
Được đăng: Thứ bảy, 20 Tháng 8 2011
Viết bởi Nguyễn Quốc Nam

Từ Sài Gòn chúng tôi gọi điện cho Đỗ Văn Nhứt khóa 3 hiện ngụ tại Lộc Ninh:

-          A lô em đây – Hiện em đang ở đâu vậy? – Em đang ở Lộc Ninh – Anh và nhạc sỹ Quang Lộc đang đi Lộc Ninh- Anh đến đâu rồi? Đang ở Quận 1 TP.HCM – Bây giờ là 15 giờ rồi khi nào anh đến và có phải đi đâu nữa không? – Khoảng 19 giờ sẽ đến và chủ đích là thăm em chứ không đi đâu nữa- Vây khi nào đến ngã ba An Thái anh gọi điện để em ra đón.

-              Thế là chúng tôi đã có một cuộc hẹn hội ngộ tại Lộc Ninh với Đỗ Văn Nhứt khóa 3 Nông Lâm Súc Tây Ninh. Từ năm 1972 đến nay Quang Lộc chưa gặp Đỗ Văn Nhứt một lần nào, riêng tôi thì gặp Nhứt trong tiệc đám cưới con của Bạn Huỳnh Hữu Vi nên có lưu giữ số điện thoại cách đây vài tháng và Nhứt chân thành nói các anh đến Lộc Ninh phải liên lạc với em.

-               Chúng tôi lái xe đi thẳng không ghé Bình Dương dù có một vài cuộc gọi bảo nên dừng lại vui vẻ chốc lát rồi hãy đi. Xe chạy trên quốc lộ 13 qua những khu đô thị mới, nhũng cánh rừng cao su và những khu công nghiệp vừa mới hình thành và xây dựng còn dang dỡ. Đến Bình Long đã đói và vừa đúng cử ăn chiều nên tôi và Quang Lộc dừng lại quán mì hoành thánh Chí Ký đối diện công viên để nạp năng lượng và đồng thời gọi điện báo cho Nhứt biết khoảng một tiếng đồng hồ nữa các anh sẽ đến điểm hẹn….

-               19 giờ chúng tôi đến ngã ba chợ An Thái gọi điện một lần nữa và Đỗ Văn Nhứt lù lù đằng sau xe trờ tới cười phấn khởi bảo:- Nghe nói dân Nông Lâm Súc đến dù bận việc gì cũng phải gặp, vào nhà em cho biết rồi muốn gì thì tính sau. Nhứt chạy xe gắn mày dẫn đường và xe chúng tôi chay theo sau vào con đường tráng nhựa nhỏ ngoằn ngoèo khoảng chừng 2-3 km rồi quẹo bên trái lên một dốc đến thẳng nhà của Nhứt.

-                Nhà Nhứt rộng có một khoảng sân ở trước, có cổng ra vào, nhà cửa khang trang, có nhà để xe con và xe máy cày. Nhứt hồ hởi gọi vợ ra giới thiệu nhà rộng chỉ còn có hai vợ chồng, con cái đã lập gia đình ra riêng nên nhà đơn chiếc lắm , các anh cứ ở đây thoải mái muốn ăn nhậu gì thì mình mua về làm lai rai cho vui đêm nay.

-               Thì ra đến đây tôi mới biết bà xã của Nhứt là con của Thầy Nguyễn Thành Danh trước năm 1975 dạy học ở Trường Trung Học Lê Văn Trung và Đạo Đức Học Đường và Nhứt là bạn cột chèo với bạn tôi hiện nay đang còn ở Tây Ninh.

-                Sau một hồi hàn huyên tâm sự Quang Lộc đề nghị - Thôi mình cùng ra lấy phòng ở nhà nghỉ nào đó tắm rữa rồi đình đám gì cũng được và  nói chuyện cả đêm thoải mái. Do nhà cửa đơn chiếc Nhứt đồng ý cùng anh em ra nhà nghỉ nhưng chơi đến khuya khuya thì về. Nhất trí như thế và chúng tôi ra xe để vào Thị Trấn Lộc Ninh.

-                 Do quen biết nên Nhứt đã gọi điện đặt phòng trước khi xe  của chúng tôi và   Nhứt đến thì chủ nhà nghỉ đã vui vẻ chào đón mời vào uống trà trước khi nhận phòng. Nhứt đề nghị các anh nhận phòng tắm rữa xong bỏ xe các anh ở đây đi chung cùng xe với em trở về Bình Long nhậu chơi.

-                Lộc Ninh là vùng đất nổi tiếng trong thời kỳ chiến tranh trước năm 1975, là vùng oanh kích tự do, là căn cứ có văn phòng của chính phủ Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam nay còn lưu giữ làm nhà khách để mọi người tham quan. Nơi đây cũng là địa điểm trao trả tù binh. Trước năm 1975 vùng đất nầy hoang sơ vắng vẻ, dân cư di tản đến những vùng thị trấn và đô thị để được an toàn . Bạn cho biết nếu tính tổng diện tích đất ở Lộc Ninh và chia đều ra thì cứ mỗi tấc vuông có dấu một viên đạn, thật là kinh khủng !!!...

-                Chúng tôi lên xe và Nhứt lái về hướng Bình Long, trên đường đi tôi và Quang Lộc đề nghị nên đi gần thôi, không cần thiết phải đến Bình Long do đó Nhứt cho xe chay rẽ phải vào một khu rất yên tịnh sau nhà máy xi măng ở đây có những quán bình dân yên tĩnh trong những khu vườn thoáng mát, rộng rãi và thanh lịch.

-             Ngồi vào bàn gọi vài món ăn đặc biệt của quán giới thiệu và nhăm nhi Nhứt tâm sự cuộc đời thăng trầm trôi nổi của mình ở vùng đất nầy có khi tưởng mất mạng bởi chướng khí, tuyệt vọng bởi công việc bị tráo trỡ thất bại trắng tay và phải làm lại từ đầu. Nhưng cũng may nhờ ơn trên, anh em bằng hữu giúp đỡ động viên, vợ con làm điểm tựa lần lần hồi phục và mất mấy chục năm gầy dựng lại được như hôm nay. Nhứt cho biết bây giờ tạm ổn trồng được 12 hecta cao su đã 3 năm tuổi, tậu  một chiếc xe con và con cái có nhà cửa ra riêng ổn định, có công ăn việc làm. Tôi và Quang Lộc nghe và cảm động trước mối chân tình của bạn nhất là những kỷ niệm vui buồn thời còn đi học- Ôi biết bao nhiêu những kỷ niệm đẹp nhắc lại và Nhứt vẫn còn bùi ngùi luyến tiếc….Đêm đã khuya tự lúc nào mà chúng tôi cũng chẳng biết, nhìn quanh khách còn lại chỉ một bàn của chúng tôi…!      

-               Rời quán, chúng tôi trở về nhà nghỉ, trên đường khuya vắng vẽ nhưng câu chuyện của những người trên xe vẫn còn say sưa và thích thú vô cùng…Thật là một đêm Lộc Ninh thắm đẫm tình bằng hữu.

 

-                                               Chiếc xe con Đỗ Văn Nhứt mới sắm chở anh em đi chơi

-               Hôm sau Nhứt hướng dẫn chúng tôi đi một vòng quanh huyện Lộc Ninh, đến Tà Thiết tham quan một số vườn cao su để thấy sự phát triển nhanh chóng và sự đánh đổi tài nguyên và môi trường của những khu rừng thành những vùng cao su bạt ngàn xanh lá và triển vọng phát triển xây dựng những con đường xuyên Đông Dương.

-               Chúng tôi trở lại Thị trấn Lộc Ninh dùng một bữa cơm thân mật  trước khi chia Nhứt nắm tay chúng tôi và nói : Thật là một đêm Lộc Ninh thắm thiết tình bằng hữu… 

                                                                                        NGUYỄN QUỐC NAM

                                                                                             (  30 – 07 – 2011 )      

                

 

Dầu Tiếng - Trị Tâm

Chuyên mục: Truyện ngắn - Bút kí - Tùy bút
Được đăng: Thứ năm, 18 Tháng 8 2011
Viết bởi RỂ NLS

RỂ NLS

Hồ Dầu Tiếng

1.Những nẻo đường quê hương :

Theo nhiều tài liệu cũ , vùng đất Dầu Tiếng ngày nay đã nhiều lần thay đổi tên gọi và địa giới hành chánh. Tên gọi Trị Tâm chỉ có kể từ những năm đầu thập niên 50 thế kỷ trước. Nghe giống như …bình định. Thời kỳ 55-63 là thời kỳ huy hoàng, sung túc nhất của Dầu Tiếng. Lúc bấy giờ , diện tích trồng cao su của Michelin vươn ra đến Minh Hòa, Minh Thạnh ( Bình Long ); so với Bến Cát, Chơn Thành, Trảng Bàng… thì Trị Tâm sung hơn nhiều. Mà ở đâu có chợ thì ở đó có người Tàu. Họ hùn nhau mở trường dạy tiếng Hoa cho con em, gần Đình Dầu Tiếng và bến đò qua Bến Củi. Có ba trục đường  giao thông chính nối Trị Tâm với bên ngoài : con đường thứ nhất đi lên hướng Bắc xuyên qua rừng cao su ,hàng cây hai  bên  khép tán che rợp mát nhưng ban đêm hơi rờn rợn, qua làng 2, làng10, làng 18, Long Hoà , qua cầu Thị Tính (đoạn này gọi là suối chứ không phải sông vì là đầu nguồn) rẽ trái ra quốc lộ 13 đi Tây Nguyên. Con đường này đi qua những địa danh ngộ nghĩnh như Căm xe, Cà toong, Ván Hương. Tạm giải thích như sau : Căm xe là một loại cây cứng chắc, dùng làm …căm xe bò hoặc làm trụ nọc tiêu. Cà toong là con cà toong, tức là con nai. Ván Hương- hoặc Giáng Hương- một loại danh mộc có mùi thơm, thớ gỗ có những đường vân rất đẹp dùng làm đồ mộc gia dụng. Có khi nhà giàu dùng làm …hòm ( nam Huỳnh Đường , nữ Ván Hương ).

Hiện nay xe khách liên tỉnh Chơn Thành-Đồng Xoài-Tây Ninh xử dụng con đường này. Con đường thứ hai chạy theo hướng Tây qua Cầu Tàu bắc qua sông Sài Gòn đi quận Khiêm Hanh ( bây giờ là huyện Dương Minh Châu), tỉnh Tây Ninh. Vùng này có đồn điền cao su khá rộng nhưng không phải của hãng Michelin mà là hãng SIPH. Những năm chiến tranh ác liệt, con đường liên tỉnh này trở thành độc đạo nối Dầu Tiếng ( Trị Tâm) với bên ngoài. Những trận đánh kinh hồn giành quyền kiểm soát con đường gắn liền với địa danh như Truông Mít, Bàu Đồn, Suối Ông Hùng, Ngã Ba Đất Sét…Đào đường, đắp mô, đắp chà, gài trái nổ, phục kích…diễn ra như cơm bữa, người ta chỉ thống kê số người chết của hai bên chứ có ai biết rõ số mất mát, thống khổ của người dân thường vô tội đâu. Hầu như ở Dầu Tiếng mỗi nhà đều có tổn thất cả. Năm 1975, mình lẫn trong đám dân tản cư lánh nạn, chạy bộ suốt con đường từ Bến Củi đến Ngã Ba Đất Sét, khoảng mười cây số. Giữa đường gặp đám ruộng dưa hấu ! Cả đoàn người xông vô vặt trụi. Có em còn nói thầy vô giữa đám trái lớn hơn ngoài đây. Thật xấu hổ, đúng là bần cùng sinh đạo tặc. Và cuối cùng , con đường huyết mạch phía Nam cặp theo sông Sài Gòn xuôi về Thủ Dầu Một, qua Bến Tranh, Bến Súc, Rạch Kiến , Rạch Bắp, Tân An. Năm 1965 sau trận Đường Long thì con đường này đứt hẳn, Bến Súc trở thành đậu luôn chớ không phải xôi đậu nữa. Dầu Tiếng, Bến Cát, Phú Hoà Đông trở thành 3 đỉnh của vùng tam giác sắt .  Đi lại phải mượn đường qua Tây Ninh. Cũng vì vậy mà cuộc sống người dân Dầu Tiếng chịu ảnh hưởng của Tây Ninh nhiều hơn Bình Dương : nhập đạo Cao Đài,  chuyện học hành của con em, chuyện khám chữa bệnh, giao thông, buôn bán, cưới xin…giống như Tân Uyên sau này, dù nằm trong địa phận Bình Dương nhưng gắn bó với Đồng Nai hơn.

2. Rừng, núi, sông, hồ :

Dầu Tiếng là địa phương duy nhất trong tỉnh Bình Dương có rừng, có núi, có sông, và đồng ruộng. Chưa kể sau này còn có hồ nữa. Không hiểu sao người ta gọi là sông Sài Gòn mà không gọi là sông Dầu Tiếng.Theo một tài liệu nghiên cứu*, sông Sài Gòn bắt nguồn từ Lộc Ninh chảy qua Bình Long, Dầu Tiếng, Bến Súc, Thị xã TDM, Lái Thiêu, Sài Gòn…rồi nhập với sông Đồng Nai tại Nhà Bè mà xuôi ra biển.Tổng cộng dài gần hai trăm cây số. Năm 1973 mình có dịp đi chơi Phú Quốc bằng đường thủy. Đến Nhà Bè quả nhiên sông rộng lớn quá sức, nhìn bờ xa xa chỉ là một đường viền nhỏ. Gió sông lồng lộng, ai nấy tha hồ hóng mát (nhưng chỉ một lát , khi ra đến cửa biển thì tất cả im phăng phắc vì say sóng). So với Sài Gòn thì dân Dầu Tiếng là dân …thượng lưu chứ còn gì nữa. Nếu ta tắm sông thì ba ngày sau, dòng sông chảy về tới Sài Gòn đó. Nghe sướng chưa. Một lần mình đi Dầu Tiếng bằng tàu khách từ bến chợ Thủ . Ngồi rêm hết mình mẩy, đến ba giờ chiều mới đến nơi. Sau này ít khách quá nên tuyến đường thủy này cũng dẹp luôn.

Rừng Dầu Tiếng giống như các rừng miền Đông nói chung có nhiều cổ thụ như sao, sến, gõ, dầu, bời lời, xà cừ, bằng lăng, căm xe, ván hương, bình linh, vên vên…Riêng Dầu Tiếng chắc chắn là có nhiều cây …dầu chứ sao. Bây giờ ở Đình Dầu Tiếng và khu vực cổng Hãng cũng còn một số. Khi người Pháp đến đây lập đồn điền,một phần lớn đất rừng bị mất đi, nhường chổ cho trồng cao su.Chỉ còn lại cánh rừng nguyên sinh phía bắc gồm cả dãy núi Cậu và vùng giáp Bình Long.Chiến tranh giữ cho rừng gần như nguyên vẹn nhưng hết chiến tranh thì rừng bị tàn sát không thương tiếc. Đến cuối thập niên 70 thế kỷ trước thì cơ bản hoàn thành việc phá rừng. Kể cả những cây to mọc chênh vênh lưng chừng núi không biết làm sao đem xuống được. Cuối cùng là việc dọn vệ sinh lòng hồ thủy lợi Dầu Tiếng, chuẩn bị tích nước. Nói chung là khai thác trắng. Nên trái gùi, dây mây, trái cơm nguội, hột lừ ươi chỉ còn là kỷ niệm.

Núi Cậu thực ra là một dãy núi gồm bảy ngọn, cao thấp lô xô chạy dài từ bắc xuống nam. Hồ thủy lợi Dầu Tiếng dựa vào chân núi phía Bình Dương nên cảnh đẹp hơn phía Tây Ninh. Cùng với núi Bà Rá ( Phước Long) và núi Bà Đen ( Tây Ninh), đây là điểm tận cùng của dãy Trường Sơn. Đứng trên đỉnh núi Cậu, những ngày trời trong bạn sẽ thấy rõ núi Bà Rá bên phải và núi Bà Đen bên trái . Nằm trong lòng chảo lưng chừng núi, hồ Than Thở đẹp hơn hồ trùng tên ở Đà Lạt vì còn nguyên dáng nguyên sơ chưa có bàn tay con người. Thật ra ba hồ liên hoàn đều chung một dòng suối chảy từ trên cao xuống. Nước trong chảy vòng vo quanh mấy khóm le mát rượi, gió núi thổi vi vu, đá lạo xạo dưới chân.Thật yên tĩnh . Xa xa hồ Dầu Tiếng mênh mông là nước, kéo dài lên tới Tân Châu ( Tây Ninh) và Bình Long ( Bình Phước). Rừng ở đây là rừng tái sinh,cũng là rừng phòng hộ nên cấm lửa nghiêm ngặt lắm. Theo lời dân địa phương, vài năm gần đây chim thú bắt đầu trở về sinh sống thành bầy đàn. Vòng ra phía trước núi có chùa Thái Sơn của Thầy Sáu, khách thập phương tấp nập, nhìn bảng số xe có đủ các vùng miền.

Bờ hồ Dầu Tiếng có nhiều quán ăn thiết kế trang nhã, nhiều cây cảnh làm du khách cảm thấy thoải mái, giãm bớt mệt nhọc vì leo núi, chơi suối . Gió từ ngoài mặt hồ thổi vào lồng lộng. Mặt nước gợn sóng lao xao xô vào vách đá. Đặc sản ở đây là cá lòng hồ, tươi rói và thịt ngọt lắm. Lẩu cá lăng nấu ngót ăn với bún. Húp nước lèo nghe tê tái. Và uống rượu chứ đừng uống bia.Tiếc là cũng như vườn cây Lái Thiêu, quán xá thi nhau chặt chém du khách, nên các bạn hãy cẩn thận hỏi giá trước khi ăn. Nếu còn thì giờ thì xuống bãi, ra đảo chơi. Vịt nuôi ở đây mập ú, rẽ rề. Người bán làm lông luôn nếu có yêu cầu. Đi chơi núi chơi hồ, cảnh trời chiều đẹp hơn buổi sáng nhưng đường xa phải về, làm sao ngắm hoàng hôn trên mặt hồ được. Ngoái nhìn sau lưng, dãy núi Cậu chìm trong sương mờ, đẹp lắm.

3. Măng le , cây Nắp bình :

Cây le  thuộc họ tre, bề ngoài giống như trúc nhưng đặc ruột như tầm vông. Ở Dầu Tiếng thì le có khắp nơi, nhưng mọc tập trung nhiều theo triền núi và bờ sông. Sau những cơn mưa đầu mùa chừng hơn tháng là bắt đầu mùa măng. Măng đem về lột võ, nấu sôi cho kỹ, vớt ra để ráo nước, đập dập và kho với thịt ba rọi xắt mõng. Ngọt hơn măng mạnh tông, măng tre tàu. Nên đầu mùa giá hơi cao. Nhưng ghiền lắm. Có thể nói, không biết ăn măng le không phải dân Dầu Tiếng.

Đúng ra phải gọi là dây nắp bình vì nó mọc lan trên mặt đất như chùm bao , hà thủ ô. Hoa nó màu trắng hồng pha tím , hình dạng giống như cái túi nhỏ, đáy sâu và vách trơn, bên trên có miếng nhỏ có thể khép lên miệng túi. Kiến, côn trùng ngửi mùi mật ngọt nơi đáy túi bò vào được nhưng ra không được. Những năm đi dạy trong làng 18 mình thường vô núi Cậu kiếm củi, dây nắp bình có nhiều. Sau này kể lại, chúng bạn thường nghi ngờ, mình ức lắm. Bạn nào ở Dầu Tiếng xác nhận giùm, mình rất cám ơn.

4. Cọp, gấu, chim đa đa :

Theo những bậc lão làng, thời trước chín năm cọp Dầu Tiếng còn “lềnh”. Ấy là vì nai, mễn, chồn , cheo có nhiều. Sau này, súng lớn súng nhỏ càn rừng quyết liệt quá nên thú cạn dần. “Ông” rút về trên Miên, miệt Đônnakiri, Rattanakiri. Lạ một điều là ở Dầu Tiếng có rất nhiều nhà trang trí đầu minh, nai, gấu, bò tót.. ở phòng khách nhưng tuyệt không thấy dấu vết cọp. Hẳn các bạn lớn tuổi còn nhớ rừng Hớn Quản ( Bình Long ),một khu  rừng liên thông với Dầu Tiếng nổi tiếng là lắm cọp, thời thực dân là nơi để dân giàu có thượng lưu, quan chức, Tây chủ đồn điền tổ chức săn bắn. Nhân dịp,xin kể câu chuyện cọp vồ người giữa phố chợ ban ngày: thầy bói gieo quẻ, phán rằng tháng đó, ngày đó…thân chủ sẽ chết dưới nanh vuốt cọp. Dù ở Dầu Tiếng lúc đó cũng không còn con cọp nào nhưng ông ta rút về Sài Gòn cho chắc ăn. Cọp vồ hả , có mà nằm mơ. Đúng ngày đó , tháng đó, ông ngồi salon ngữa cổ cười khà khà,lão thầy bói phen này mất mặt…Bổng “ầm” một cái,nguyên một đầu cọp đang nhe nanh bằng gỗ từ trên trần nhà rơi thẳng xuống đầu ông ta ! Chuyện thứ hai, có thật trăm phần trăm : sau ngày hoà bình, bộ đội Trường Sơn về tiếp quản căn cứ TQLC Sóng Thần. Ngày nọ, có mấy  chú bộ đội nhà ta ra chợ Lái Thiêu dắt theo chú hổ con đến tiệm chụp hình vài pô kỹ niệm.Thế là bọn chó chợ hùa ra … nhưng lạ thay khi đến gần nhận ra “oan gia” thì chúng cúp đuôi riu ríu lủi đi chổ khác. Nên nhớ cả đời ông bà cha mẹ bọn chó chợ cũng  chưa hề biết mùi cọp là gì, làm sao mà chúng biết được đó là “hung thần” ?   

Khoảng đầu thập niên 60 thế kỷ trước, gấu ở Dầu Tiếng cũng còn tuy không nhiều. Gần nhà mình có vị trung uý ( lúc đó trung úy hách lắm, chuyển từ quân đội Pháp qua) đóng quân ở Dầu Tiếng đem về nhà một chú gấu con-gấu chó- và cho bú sữa bình.Nhưng sau đó cũng không sống nổi vì nhớ mẹ. Dĩ nhiên vốn dĩ gấu là hung dữ rồi nhưng dữ nhứt là gấu mẹ. Nghe nói có lần ở Sở Thú một gấu mẹ lọt xuống hầm gấu. Mọi người đều xanh mặt lo cho gấu mẹ, nhưng không ngờ bọn gấu dưới hầm …riu ríu dồn về một góc không dám ho. Nghĩ cũng tội cho chúng quá. Hiện ở Dầu Tiếng có vài trang trại gần núi Cậu nuôi gấu lấy mật. Nhìn thấy cảnh bắn thuốc gây mê và chích kim xuyên qua da thịt, chọc vào mật rút dịch ra, sao thấy tàn nhẫn quá.Thôi, không uống rượu pha mật gấu nữa. Một xê (cl) là hai trăm ngàn đó chứ. Nhất là nghe bọn nó dụ nữa : uống rượu mật gấu về vợ đánh không biết đau !

Cánh đồng Bến Củi rộng mênh mông,dài theo bờ sông hàng mấy cây số. Phía trong giáp mặt lộ đi Đôn Thuận ( Trảng Bàng ) là những khu vườn cây ăn trái xum xuê. Đó là nơi trú ngụ lý tưởng của chim đa đa. Buổi trưa, bọn chúng trốn nắng trong những bụi cây ven bờ nước, hoặc trong đám cỏ mỹ cao ngập đầu. Khi trời mát thì chúng ló ra kêu râm ran : Dắt bà xã tà..tààà..Dắt bà xã tà..tààà. Âm thanh nghe xa nghe gần, giống như chim bìm bịp của miền sông nước. Sau này khi xa Dầu Tiếng thì tiếng kêu của chim đa đa là một kỹ niệm khó quên với tôi.

Cao su Dầu Tiếng

5. Cây cao su :

Dầu Tiếng có hai đợt di dân lớn từ miền Bắc ; năm 1945 gọi là dân “công tra”, chạy đói năm Ất Dậu 1945 và năm 1954 gọi là dân “di cư”. Lạ nước lạ cái, rừng thiêng nước độc, nhỏ lớn chưa từng thấy cây cao su nói gì đến cầm đục cạo mủ. Dân địa phương đa số theo nghề ruộng rẫy hoặc buôn bán, có ai chịu làm cái nghề đi giật lùi cực khổ này đâu ( khi cạo mũ phải đi giật lùi xoay tròn theo miệng cạo. Nhẹ tay thì không ra mủ, nặng tay thì phạm vô thân làm hư cây. Về sau vết thương để lại cục u, nhìn là biết cạo phạm liền. Dân công tra sợ cặp rằng hơn sợ cọp. Mỗi lần thầy chú đi lô mà thấy cạo phạm là vụt roi liền. Cũng có người nói nghề cạo mũ là nghề của cõi âm vì đi làm ban đêm ).  Sự phồn vinh của Dầu Tiếng sau này có phần đóng góp âm thầm của hai lớp người kể trên. Đặc điểm lớp trước là tham gia chống Pháp triệt để, còn lớp sau thì có nhiều người theo Công giáo.

Đó là chuyện hồi xưa, bây giờ đã khác rồi. Hơn mười năm nay, mủ cao su đứng giá cao liên tục trên thị trường  nên đời sống công nhân cũng dễ thở. So với công nhân công nghiệp như may mặc, gốm sứ, da giày…thì công nhân cạo mủ lương cao hơn gấp đôi nhưng cũng cực hơn. Hai ba giờ sáng là phải đội đèn ra lô rồi. Giống cây cũng cải thiện dần, cho mủ nhiều và thấp tán hơn. Bây giờ người ta không trồng ca-rô như hồi Pháp nữa mà trồng khít hơn, cây cách cây hai mét rưởi, hàng cách hàng bốn mét. Ngược lại vòng đời của cây ngắn lại, chỉ còn phân nữa ( khoảng hơn hai mươi năm so với trước bốn năm chục năm). Theo ý kiến của các chuyên gia nông nghiệp thì trồng khít hay thưa là tùy vào chất đất nơi đó , lý tưởng nhất là cây cách cây ba mét , hàng cách hàng sáu mét. Một ha cở năm trăm cây là vừa. Hôm rồi về Dầu Tiếng gặp lúc công nhân đang trút mủ, tôi thấy ở bãi xe đa số là gắn máy, chỉ lác đác một vài chiếc xe đạp. Cũng mừng. Bà chị vợ tôi có mấy mẫu cao su ở ấp Tha La ( núi Cậu ), chị cho biết một mẫu cao su trừ đi chi phí như thuê nhân công, phân bón…thì một tháng cũng còn được mười mấy  triệu. Ở Đông Nam Bộ có bốn loại cây trồng chính : tiêu, điều, cà phê, cao su. Thay nhau mà lên voi xuống chó. Bây giờ là thời hoàng kim của cao su và cà phê. Thê thảm nhứt là cây điều. Người ta thi nhau chặt hạ hàng loạt một loại cây mà mới đây thôi nhà nước còn kêu gọi phủ xanh đất trống đồi trọc ( nghe nói mấy cơ sở chế biến xuất khẩu hạt điều nhân  nay phải nhập cảng hạt điều từ …Ấn Độ). Qua chơi Tây Ninh thì nghe có khác , ở đây có 4 M – ( cao su ), khoai ,mãng cầu, mía- là bốn cây trồng chủ lực. Nhưng không trồng cây nào khá bằng trồng cao su. Cực thì có cực nhưng người trồng tự làm chủ lấy bản thân.

6. Người Dầu Tiếng giải nghĩa địa danh Lái Thiêu :

Hơn ba mươi năm trước ,một lần ghé chơi nhà cô giáo C. dạy trường Định Thành. Thân phụ cô là ông từ giữ đình Dầu Tiếng. Khi biết bọn tôi là dân Lái Thiêu, ông mới vui chuyện cắt nghĩa tên gọi  độc nhất vô nhị đó như sau : ông lái tên là Theo, mở bến lập chợ tại nơi bây giờ là Cảng Hàng Dừa. Sau này đường bộ phát triển nên ghe thương hồ phải vô sâu ngọn rạch cho tiện bốc dỡ hàng hóa lên xe, chợ dời về vị trí hiện nay. Dấu tích còn lại là mấy dãy phố cũ kỹ của người Hoa, góc ngã ba Thanh Yến- QL13 cũ, đường ra bến cảng. Sau giải phóng dãy phố này hãy còn. Ông còn kể thêm chuyện tấm vải điều bay từ nơi chợ cũ qua chợ mới, định vị trên ngọn cây dầu trước nhà làng Tân Thới là điềm thần linh dời chợ, lòng người hợp với ý trời. Không biết chuyện kể có đúng sự thực không, cũng xin góp thêm chút tư liệu dân gian cho kho tàng địa phương chí.

7. Đua nhau về thượng nguồn :

Về nguyên tắc khi thành lập các khu công nghiệp thì phải có nhà máy xử lý nước thải tập trung , nước sau xử lý đạt tiêu chuẩn A Việt Nam mới được được đưa ra môi trường. Nhưng chi phí xử lý để nước đạt chuẩn là không rẻ. Xút ( NaOH) ,hoá chất lắng lọc, khử rắn, khử mùi, chi phí nhân công,  điện vận hành…nên lâu lâu báo chí lại lên tiếng nơi này nơi kia lén đổ chất thải ô nhiễm ra sông suối kênh rạch. Vụ nhà máy bột ngọt Vedan giết sông Thị Vãi ( Bà Rịa) mới vừa êm êm thì  người em của Thị Vãi là … Thị Tính ( Bến Cát ) lãnh đủ. Hàng trăm ngàn mét khối nước ô nhiểm chưa qua xử lý của một nhà máy ở Bến Ván làm ô nhiểm cả một đoạn sông Sài Gòn. Ngặt nỗi ở đó lại có hai họng lấy nước sinh hoạt cho dân Thị xã Thủ dầu Một và Sài Gòn. Thế là hồ Dầu Tiếng phải cấp tốc cho mở bốn cửa đập, xả nước tống tháo đám ô nhiểm xuống hạ lưu ra biển Đông. Nghe đâu sắp tới sẽ còn vài ba Khu công nghiệp (KCN) đấu nối hệ thống nước thải ra sông Thị Tính nữa. Dầu Tiếng có cụm công nghiệp Thanh An. Phía bắc có KCN Chơn Thành.Càng lên thượng nguồn giá đất càng rẻ và xổ nước thải càng “êm”. Nếu kể tất cả các khu và cụm công nghiệp tập trung hai bờ tả và hữu ngạn, thuộc địa bàn Bình Dương và thành phố HCM thì sông Sài Gòn đang gánh gần một trăm KCN, mỗi KCN khoảng vài chục đến một trăm nhà máy. Để đối phó với tình trạng ô nhiểm nước sinh hoạt , người ta dự tính lập một đường ống dẫn nước từ hồ Dầu Tiếng về Sài Gòn. Giống như đường ống dẫn khí đốt Nga-EU. Cái giá của công nghiệp hóa không rẻ chút nào. 

8. Xin nhận nơi này làm quê hương, dẫu cho …khó thương :

Hồi đó, tốt nghiệp Sư phạm Sài Gòn, gọi là giáo học cấp bổ túc. Lương tháng hai mươi mốt ngàn ba trăm đồng ( thiếu uý hình như là hai mươi ba ngàn). Nếu hai vợ chồng cùng là giáo chức thì có thể dành dụm nguyên lương một người, còn nếu độc thân thì lại không đủ xài. Mấy ngày trước khi làm lễ mãn khoá và nhậm nhiệm sở, trường có tổ chức đêm văn nghệ toàn trường ( có Tâm lý chiến sư đoàn 5 góp mặt với mấy màn boléro bốc khói nữa). Khuôn viên trường có nhiều ghế đá, cây cao bóng cả lắm, nhưng mỗi gốc cây đều có từng cặp xí chỗ, ai đến sau thì xin mời leo tường qua Đại học khoa học láng giềng. Ngày chia tay đến gần, người ta không cần che giấu tình cảm nữa, và nhà trường cũng cho xả láng. Tổ chức đêm văn nghệ cũng là tạo điều kiện cho các anh chị “cộng chỉ số”; thí dụ anh hạng một trăm, chị hạng bốn mươi thì hai người sẽ chọn nhiệm sở ở vị trí hạng bảy mươi.Với điều kiện phải ra Toà Đô Chánh lấy cái giấy hôn thú đem về nộp cho trường. Sở dĩ thứ hạng tốt nghiệp quan trọng vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến chuyện chọn nhiệm sở sau này. Và cái nhiệm sở ấy nó quyết định đến cuộc sống của một người trong thời buổi loạn ly máu lửa, kể cả học hành vì hầu hết đều có ghi danh hàm thụ Đại học. Khi ấy quyền sinh sát không phải nằm trong tay phòng tổ chức như bây giờ. Dù có là con ông cháu cha  cũng khó mà binh lắm. Thứ hạng công khai, và tổ chức buổi lễ chọn nhiệm sở cũng công khai tại hội trường. Ở đó có cái bảng phấn rất to, ghi rõ nhu cầu từng tỉnh, từ Long Khánh, Bình Tuy dài dài đến Ba Xuyên, Côn Đảo.

Tổng số giáo sinh tốt nghiệp năm đó gần bảy trăm. Còn nhớ, đầu bảng là Gia Định cần hai mươi giáo viên thì chỉ loáng cái, đến người hạng hai mươi hai là đủ chỗ. Có hai người chọn về quê nhà nên người thứ hai mốt và hai hai kể như gặp hên. Càng về sau thì càng xa Sài Gòn. Cá biệt có bạn chọn Phước Long thì được cấp vé máy bay đi Ban Mê Thuột , theo đường Quảng Đức  mà về nhiệm sở. Còn bạn chọn Côn Đảo thì nhận một tràng pháo tay nhiệt liệt. Khi mình đến lượt lên sân khấu thì Bình Dương gần đủ, một trăm mười bốn trên một trăm hai mươi, nghĩa là chỉ còn thiếu có sáu chổ. Hú hồn. Mỗi giáo sinh đứng trước micro đều phải nói rõ ràng : “tôi tên …xin chọn nhiệm sở là…”, sau đó xuống bàn giáo vụ để nhận công lịnh. Chưa hết , đó mới chỉ là chọn tỉnh. Khi về trình diện Sở Học Chánh ( Ty Giáo Dục), lại tiếp tục màn hai : chọn trường.

Hội trường Toà Tỉnh Bình Dương , nhiều người quen gọi là Toà Bố, nằm trên một ngọn đồi có nhiều cổ thụ, nhìn oai nghiêm lắm. Nhu cầu năm đó, toàn Tỉnh cần bổ sung một trăm hai mươi giáo chức Tiểu học. Mình hạng một trăm mười bốn , nghĩa là phải chờ một trăm mười ba bạn chọn xong rồi mới tới phiên. Tội cho bà chị họ của mình, chị làm việc ở Toà Hành Chánh Tỉnh nên nhờ ai đó viết ra giấy một danh sách thật dài , những trường “ an ninh” tốt để cho mình chọn. Than ôi ! Cậu em quý hoá của chị học giỏi quá, nên khi tới phiên chọn thì chỉ còn tiểu học Định Thành ( Trị Tâm)  và Bàu Ao ( Phú Giáo). Đành chọn cái trường trước vậy. Chị có hứa hè tới (1975) sẽ “lo” cho về Lái Thiêu. Không ngờ dính mũ cao su luôn tới nay. Riêng  bạn chọn Bàu Ao  nghe nói sau đó “bị” mời vô vùng giải phóng , ai cũng tội nghiệp. Ngày 30 tháng 4, lại nghe bạn đeo xề xệ súng ngắn, làm “quân quản”. Đúng là Tái ông thất mã.

Lần chọn nhiệm sở ở Toà Tỉnh, có một kỷ niệm khó quên. Một bạn quê ở Dầu Tiếng , học hành chăm chỉ nên đạt thứ hạng cao. Bạn chọn trường Vĩnh Phú ( Lái Thiêu), sát ranh Sài Gòn. Sau đó đổi chổ với một bạn con nhà giàu học dỡ… Hồi đó, quy chế cho phép hai người được công khai đổi nhiệm sở tại hội trường. Giá thoả thuận “bù lỗ” là chín mươi bảy ngàn, tương đương một chiếc 67.Nhưng sau đó thì anh nhà giàu …bẻ lời hứa, chỉ chung năm mươi ngàn.Thế là có một màn thượng cẳng tay, hạ cẳng chân ngay trước mặt bá quan văn võ. Báo hại cả đám khoa bảng phải xúm vô can ngăn, thật là mất thể diện hết sức.Còn mình thì cấp tốc về mua bản đồ  dò xem Trị Tâm là cái xứ mô? Nhưng đó là chuyện về sau này-lâm ly lắm- còn phần 1 đến đây là hết rồi .

Rể NLS

 

© NongLamSucTayNinh.com 2011 - 2020. Thiết kế website tại MtStudio.vn

Thành lập ngày 20 tháng 02 năm 2011

Email: nonglamsuctayninh@gmail.com