Nước và các bến đò

Chuyên mục: Giao lưu gia đình NLS Được đăng: Thứ ba, 14 Tháng 4 2020 Viết bởi Ban điều hành

NƯỚC VÀ CÁC BẾN ĐÒ

GS THÁI CÔNG TỤNG

 

1. Dẫn nhập 

Nước Việt nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa nên mưa rất nhiều. Chỉ trừ vài vùng khô hạn như Phan Rang, Phan Rí còn ra thì mưa to nhưng mưa có mùa:

– có vùng mưa về mùa hè như Hà Nội, Sài Gòn đúng như bài thơ:

Tháng sáu trời mưa, trời mưa không dứt/ Trời không mưa tôi vẫn lạy trời mưa (Nguyên Sa)

hoặc :

Em đứng lên gọi mưa vào hạ/ Từng cơn mưa, từng cơn mưa (Trịnh Công Sơn)

- có vùng mưa về mùa thu như Trị Thiên, đúng như tục ngữ địa phương: Ông tha mà bà chẳng tha/ Sinh ra cái lụt hăm ba tháng mười .

Cũng vì vũ lượng cao nên nước Việt sông ngòi rất nhiều, chưa kể đầm, ao, trủng, bưng với kinh, rạch, suối. Người Việt nào cũng có kỷ niệm với dòng sông. Sông nưóc là nguồn cảm hứng dào dạt cho bao nhiêu nhạc sĩ, thi sĩ và để lại cho tâm thức những hoài niệm trong đó thơ và nhạc luôn luôn nối kết lòng người và muôn đời nói lên tình yêu và thân phận. Nhà thơ Huy Cận thời tiền chiến viết về sông và bến đò:

Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
Con thuyền xuôi mái nước song song,
Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả;
Củi một cành khô lạc mấy giòng.

Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu,
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều.
Nắng xuống, trời lên sâu chót vót;
Sông dài, trời rộng
bến cô liêu.

Bèo dạt về đâu, hàng nối hàng;
Mênh mông không một chuyến 
đò ngang.
Không cầu gợi chút niềm thân mật.
Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng.

Nhà thơ Lý Bạch đời Đường bên Trung Hoa cũng nhắc đến bến đò với bài Tỳ Bà Hành:

Bến Tầm Dương canh khuya đưa khách

Quạnh hơi thu, lau lách đìu hiu

Người xuống ngựa, khách dừng chèo

Chén quỳnh mong cạn, nhớ chiều trúc ti

Lau lách đã làm nền cho cuộc chia li trong cái lạnh buốt của canh khuya bến vắng, cũng là nơi neo đậu cho tiếng đàn bạc mệnh của người tài nữ đánh đàn trên bến Tầm Dương, là chứng nhân cho một cuộc trùng phùng đầy bẽ bàng của những cố nhân một thời tao loạn.

Sông ngòi luôn luôn là nguồn cảm hứng vô tận cho thơ, văn, nhạc. Nhà nhạc sĩ có ghi lại nét nhạc để đánh dấu kỷ niệm với các bến đò qua các bài hát như Bến Mơ, Bến nước, Bến Hàn Giang, Bến cũ, Bến Xuân, Con thuyền không bến v.v.

Trong nhận thức của người Việt, sự hiện hữu của sông nước khẳng định sự tồn tại của sự sống, hay nói khác hơn, giá trị của nước chính là đem lại cuộc sống cho con người.  Mỗi con người sinh ra đều gắn liền với một dòng sông, mà tất cả mỗi dòng sông đều có không dưới một bến đò. Mỗi đời người như một dòng sông chảy đi, chảy đi, rồi cũng có lúc trở về bến cũ với những kỷ niệm; hay ít nhất cũng giữ lại trong lòng bao ký ức không phai những bến nước, dòng sông với cô lái đò.

2. Con đò và bến đò trong thi ca Việt 

Nói đến các dòng sông, ta liên tưởng ngay đến các bến đò. Thi sĩ Trần Thế Xương đã hồi tưởng dòng sông quá khứ:

Sông kia rày đã lên đồng

Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai

Đêm nghe tiếng ếch bên tai

Giật mình mình tưởng tiếng ai gọi đò

Thơ Hoàng Cầm cũng nhắc đến bến đò :

Nếu anh còn trẻ như năm ấy

Quyết đón em về sống với anh

Những khoảng chiều buồn phơ phất lại

Anh đàn em hát níu xuân xanh

Nhưng thuyền em buộc sai duyên phận

Anh lụy đời quên bến khói sương

Năm tháng… năm cung mờ cách biệt

Bao giờ em hết nợ Tầm Dương?

Bài nhạc Cô lái đò của Đỗ Nhuận :

Xuân đã đem mong nhớ trở về , lòng cô lại ở BẾN sông kia

Cô hồi tưởng lại bao xuân trước  trên BẾN cùng ai đã hẹn thề

Nhưng rồi người khách tình xuân ấy đi mãi không về với BẾN sông ..

Bỏ thuyền bỏ BẾN bỏ dòng sông , cô lái đò kia đi lấy chồng

Con đường cái quan xuyên qua miền Trung không phải con sông nào cũng có cầu mà nhiều dòng sông phải có đò ngang, đò dọc . Bài ca dao sau đây cũng nhắc đến các bến đò:

Cây đa bến cộ con đò năm xưa

Cây đa bên cộ còn lưa

Cô đò đã thác năm xưa tê rồi

Tình yêu chân thật, tình yêu không son phấn là những đề tài trong các câu hò dân gian:

Cây đa cũ, bến đò xưa,

Người thương có nghĩa, nắng mưa ta vẫn chờ

-Mười hai bến nước là duyên

Em cũng muốn bến hiền thuyền đậu

Nhưng em trách cho hai bên phụ mẫu

Làm cho hai đứa không nên thất nên gia

Xa cách này bởi tại mẹ cha

Làm cho nên nỗi bướm hoa lìa cành

Bến đò cũng là nơi chia li :

Bến ấy ngày xưa người đi vấn vương biệt ly

Gió cuốn muôn phương về đây, thấy bóng người về hay chăng

Xa nhau bến xưa ngày ấy

Anh đi thế thôi từ đây

Sầu chết bên lòng

Hồn nặng nhớ mong

Nhà nhạc sĩ đứng trên bờ sông Thương ở đồng bằng sông Hồng dạt dào cảm xúc nên ghi lại trong bài nhạc sau:

Đêm nay thu sang cùng heo may 

Đêm nay sương lam mờ chân mây 

Thuyền ai lờ lững trôi xuôi dòng 

Như nhớ thương ai chùng tơ lòng

Trong cây hơi thu cùng heo may 

Vi vu qua muôn cành mơ say 

Miền xa lời gió vang thông ngàn 

Ai oán thương ai tàn mơ màng

Lướt theo chiều gió

Một con thuyền, theo trăng trong

Trôi trên sông Thương,

Nước chảy đôi dòng

Biết đâu bờ bến

Thuyền ơi thuyền trôi nơi đâu

Trên con sông Thương,

Nào ai biết nông sâu?

Nhớ khi chiều sương,

Cùng ai trắc ẩn tấm lòng.

Biết bao buồn thương,

Thuyền mơ buồn trôi xuôi dòng

Bến mơ dù thiết tha,

Thuyền ơi đừng chờ mong

Anh trăng mờ chiếu,

Một con thuyền trong đêm thâu

Trên sông bao la,

Thuyền mơ bến nơi đâu

Xa nhau bến xưa ngày ấy 

Anh như bóng mây hồng trôi 

Về chốn xa vời 

Lòng nặng nhớ mong

Cố quên sầu thương đi

Anh nguyện đi theo gió

Chớ buồn khóc chi

Càng khổ người đi

Bến ấy chiều sương

chờ mong vấn vương lòng ta 

Gió cuốn mây trôi về đâu 

Cố nén sầu lòng bao năm

v.v.

Bến ấy ngày xưa người đi vấn vương biệt ly
Gió cuốn muôn phương về đây, thấy bóng người về hay chăng?
Xa nhau bến xưa ngày ấy
Anh đi thế thôi từ đây
Sầu chết bên lòng
Hồn nặng nhớ mong

Biết đi sầu em mong
Nhưng ngàn dân đang ngóng
Dưới trời gió mưa
Làn gió chiều đưa

Xa nhau bến xưa ngày ấy
Anh như bóng mây hồng trôi
Về chốn xa vời
Lòng nặng nhớ mong

Cố quên sầu thương đi
Anh nguyền đi theo gió
Chớ buồn khóc chi
Càng khổ người đi

Bến đò cũng để lại cho anh chàng đi thi những nỗi niềm thương nhớ qua ca dao :

Trăm năm dù lỗi hẹn hò

Cây đa bến cũ con đò năm xưa

Cây đa bến cộ còn lưa

Cô đò đã thác năm xưa tê rồi

Ca dao sau đây cũng nhắc đến bến đò:

Muốn ăn khoai sọ chấm đường
Xuống đây mà ngược đò Lường cùng anh
Đò Lường bến nước trong xanh
Gạo ngon, lúa tốt bến thành ngược xuôi

Nhạc sĩ Duy Khánh cũng nhắc đến bến đò qua bài hát:

Một lần chiến chinh
Quê hương khắp chốn điêu linh
Người đợi người giữa lúc xuân xanh

Nhớ ai trăng về bến cũ chiều nay
Sông nước Hương giang trở giấc lạnh đầy
Dù đời còn nhiều chông gai
Mà lòng người còn thương ai
Nên còn mong đợi từ đây…

Hai nhà nhạc Văn Cao và Phạm Duy cũng nhắc đến bến nước qua bài sau:

Nhà tôi bên chiếc cầu soi nước
Em đến tôi một lần
Bao lũ chim rừng hợp đàn trên khắp bến xuân
từng đôi rung cánh trắng ríu rít ca u ú ù u ú
Cành đào hoen nắng chan hoà!

Với bài Nhớ bến Đà Giang của Văn Phụng:

Tôi thương mái chèo lơi
Bên manh ao tả tơi
Những người lái con đò trên dòng nước
Ai xuoi bến Đà Giang
Nghe trăng gió thở than
Bâng khuâng ngắm dòng sông nước mơ màng

Đà Giang nước biếc
Thuyền theo sóng triền miên
Người ơi, có nhớ ?
Lòng ta vẫn mong chờ

Tôi mơ bến ngày xưa
Bên đôi mái chèo đưa
Nhịp nhàng gió ru hoa duyên tinh nước
Ai xuôi bến Đà Giang
Ai qua chuyến đò ngang
Cho tôi nhắn niềm thương nhớ dâng tràn

Thành phố Huế với chợ Đông Ba, bến đò qua sông Hương là những rung cảm, tiền đề cho bản nhạc Tiếng sông Hương của Phạm Đình Chương:

Phiên Đông Ba buồn qua cửa chợ

Bến Vân Lâu thuyền vó đơm sầu

Lê Trọng Nguyễn với bài Nắng chiều có nhắc đến bến nước :

Qua bến nước xưa lá hoa về chiều
Lạnh lùng mềm đưa trong nắng lưa thưa
Khi đến cuối thôn chân bước không hồn
Nhớ sao là nhớ đến người ngày thơ.

Anh nhớ trước đây dáng em gầy gầy
Dịu dàng nhìn anh đôi mắt long lanh
Anh nhớ bước em khi nắng vương thềm
Má em màu ngà tóc thề nhẹ vương.

Mà nói đến bến đò là hình dung ngay cô lái đò với các đò dọc, đò ngang Nhiều khi đò ngang chở nhiều khách quá dễ xẩy ra tai nạn nên ca dao có khuyên:

Thương em anh mới dặn dò

Sông sâu chớ lội, đò đầy đừng qua!

3. Sông nước trong văn học dân gian

Riêng văn học dân gian cũng có nhiều điệu hò trên sông nước.

Hò bảng lảng dọc triền sông, hò véo von trên những cánh đồng lúa chín mùa thu hoạch, hò xuất hiện trong sinh hoạt hàng ngày ở mỗi miền quê. Văn học dân gian được phong phú thêm với những hò Huế, hò Quảng, hò sông Mã v.v. Hò có nhiều loại tùy động tác như hò rời bến, hò đò xuôi, hò mắc cạn v.v. Nhạc điệu tùy lúc. Hò đò xuôi khi thuận buồm xuôi gió với nhạc điệu dài đều; hò mắc cạn thì khi dứt một câu hò thì trai đò phải đồng lên tiếng ‘vác’ đồng thời đem hết sức vác thuyền và cứ dứt một câu hò, thuyền nhích được một đoạn.

Tại miền châu thổ sông Cửu Long với vùng đất sình lầy quanh năm ngập nước, đường bộ rất ít nhưng kinh rạch thì dọc ngang. Kênh rạch đi vào tận trước cửa mỗi nhà; mùa lũ và những đợt triều cường càng khó khăn cho người dân đi lại nên phương tiện chuyển vận là xuồng ba lá được coi là phương tiện mang tính văn minh sông nước ở một vùng phù sa trẻ, xứ ruộng sình kinh ngập, mùa mưa lũ kéo dài tới 6 tháng mỗi năm. Người dân vùng Đồng Tháp Mười còn nhớ câu hò quen thuộc:

Dẫu xuồng ba lá lênh đênh / Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi / Anh ơi chớ ngại ngần chi / Ngồi xuồng ba lá giữa kỳ nước lên. 

Đò dọc có trong ca dao:

Em buồn thưa với mẹ em 

Cho em theo sông nước em đi em tìm 

Em theo sông nước đi tìm người thương!

Bao năm trường em theo đò dọc 

Mưa nắng hai mùa xuôi ngược Tiền Giang 

Mẹ già một nắng hai sương 

Mẹ thương con gái ngồi buồn mẹ ru:

Ầu…ơ…ơ… ơ…ơ…! Ầu…ơ…ơ…ơ…ơ!

Chớ trồng trầu mà thả lộn dây tiêu 
Con theo đò dọc, mẹ liều con hư!

4. Kết luận

Với dân số càng ngày càng tăng, với k nghệ hoá, nhiều chất phế thải theo dòng nước thải đều chảy về chỗ trủng, nghĩa là các kinh mương rồi đến sông suối. Nhiều kinh rạch đầy lục bình cản trở lưu thông và thoát nước. Nhiều ao hồ có hiện tượng phù dưỡng (eutrophisation) nên đầy rong rêu do chất phot pho của các phân vô cơ trôi xuống. Ô nhiễm nước trở thành một vấn nạn nhức nhối cho người dân vì sức khoẻ tùy thuộc nhiều vào nước uống. Với sự phá rừng, nhiều dòng sông có lưu lượng thấp hẳn, không đủ nước tưới miền đồng bằng, không đủ để đẩy nước mặn vào mùa nắng. Ghe thuyền xúc cát ngày đêm trên sông làm chế độ dòng chảy sông ngòi bị đảo lộn, gây nạn xói lở bờ sông, nhiều gia đình ven sông phải di dời đi chỗ khác. Chợt nhớ về bài hát:

Chúa đã bỏ loài người

Phật đã bỏ loài người

Này em xin cứu một người

Này em hãy đến tìm tôi

Vì những con sông đã cạn nguồn rồi

Vì gió đêm nay hát lời tù tội quanh đời

Về cùng tôi đứng bên âu lo này

Với biến đổi khí hậu, kỹ nghệ hoá, đô thị hoá, các vấn đề của những dòng sông càng ngày càng nhiều vì ô nhiễm, vì nước mặn xâm nhập, vì lượng nước ngầm ít đi. Mọi chất thải đều vứt xuống sông. Nước phế thải từ các nhà máy cũng như nước sinh hoạt đô thị cần được xử lý nghĩa là làm giảm bớt nồng độ các độc tố trước khi cho thoát ra kinh rạch vì nếu không sẽ nguy hiểm cho sự tồn vong nhiều loài cá, tôm.

Thái Công Tụng

( Theo web  nlsbaoloc.net)

Lượt xem: 2736

© NongLamSucTayNinh.com 2011 - 2020. Thiết kế website tại MtStudio.vn

Thành lập ngày 20 tháng 02 năm 2011

Email: nonglamsuctayninh@gmail.com