Trường Đua xưa - nay chỉ còn tên gọi
Cách ngã ba Mít Một, ngược về hướng TP. Hồ Chí Minh khoảng 1km trên quốc lộ 22B có một đoạn dốc, người ta gọi là dốc Trường Đua.Xóm nhà ở hai bên dốc được gọi là xóm Trường Đua, thuộc ấp Hiệp Trường, xã Hiệp Tân, huyện Hoà Thành. Người dân nơi
đây nổi tiếng với nghề truyền thống trồng bông vạn thọ bán vào những ngày rằm, ngày lễ vía của tôn giáo, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán, nếu có ai đến thăm nơi này sẽ choáng ngợp trước màu hoa vàng rực rỡ khắp nơi. Ong Võ Văn Biện, năm nay đã hơn 70 tuổi, là người trồng bông từ lúc còn để chỏm cho biết: "Bà con sống với nghề trồng bông ở đây từ lúc mới lập đạo Cao Đài".
Sách "Tây Ninh xưa và nay" của tác giả Huỳnh Minh có ghi: "Nơi đây có tên Trường Đua là do ngày xưa người bản xứ dùng nơi đây để đua xe trâu, xe bò (xe chà rẹt) để thách đố uống rượu vui cười. Khi người Việt bày ra đua ngựa thì càng hào hứng vui vẻ, có hơn thua, có cá cược. Có người đem ngựa đến đua, khi thua mất ngựa về không, có người đi một con về được một đôi ngựa, hân hoan vui vẻ".
Trường Đua, một địa danh đã in đậm vào trong tâm khảm người dân ở đây, dù ngày nay không còn một dấu tích nào lưu lại. Phải chăng sự tích kể trên chỉ là truyền thuyết? Trong khi đó dân ngụ cư lâu đời ở đây còn lại cũng không bao nhiêu. Khi được hỏi về xuất xứ địa danh "Trường Đua" họ cũng chỉ lắc đầu hoặc nói theo những điều được ghi trong sách của Huỳnh Minh. Đi tìm nguồn cội của địa danh này, lần theo địa chỉ được hướng dẫn cuối cùng tôi cũng gặp người cần tìm. Đó là anh Kiều Văn Đức con của liệt sĩ Kiều Văn Quận, hy sinh trong kháng chiến chống Pháp. Hiện anh Đức đang ngụ ở ngã ba Mít Một. Anh kể: "Khi mẹ tôi còn sống, bà thường kể chuyện xưa cho chúng tôi nghe. Trong đó có câu chuyện về Trường Đua ngày nay, vì nó liên quan đến dòng họ gia đình tôi". Theo anh Đức thì mẹ anh kể, ông cố nội của anh từ ngoài Trung vào đây định cư, cưới vợ làm ăn. Ong rất thích đua ngựa, nên cứ cách vài tháng thì tổ chức đua ngựa một lần. Mỗi lần đua ngựa nơi này thật đông vui. Cho đến khi thực dân Pháp chiếm Tây Ninh không còn ai tập họp lại đua ngựa nữa.
Anh Đức mở tủ lục tìm quyển gia phả của dòng họ ra đưa cho tôi xem, như để minh chứng lời anh kể. Sau khi tra cứu gia phả, tôi xin ghi lại dứơi đây để cùng tham khảo:
"Kiều Văn Thêm sinh ở Quảng Nam năm Nhâm Thân (1812) đến trú ngụ tại Mít Một năm 1838, cưới vợ năm 1840. Trước khi lấy vợ ông rất thích chơi đua ngựa tại Trường Đua. Ong có hai người con trai tên Long và Lân cũng thích đua ngựa. Khi quân Pháp chiếm Tây Ninh, dân tự động dẹp Trường Đua. Năm 1865 hai con ông Thêm theo nghĩa quân chống Pháp, đến năm 1866 cả hai đều bị giặc Pháp bắt và đày đi biệt tích".(*)
Như vậy, theo lời anh Đức kể và kết hợp với tra cứu gia phả của dòng họ nhà anh thì địa danh Trường Đua là có thật. Như thế địa danh Trường Đua đã có từ trước thời kỳ Pháp thuộc ở Tây Ninh. Cho dù vật đổi sao dời, nhưng một địa danh đã in hằn vào ký ức con người thì vẫn tồn tại mãi với thời gian.
Di cảo nhà văn Xuân Sắc (LNT viết lại)
*Hình trên:đường phố Ngã ba Mít Một ngày nay
Chú thích (*) Theo Nhà văn Xuân Sắc lúc sinh thời cho biết: Dòng họ Kiều ở Tây Ninh hiện nay đúng là từ Quảng Nam vào đây sinh cơ lập nghiệp, vì chính Nhà văn cũng họ Kiều (tên thật là Kiều Minh Tiến) và chính Nhà văn đề nghị anh Đức cho mượn gia phả để ghi lại những dòng này.
w.nuidien.datdung.com
Tin mới
Các tin khác
© NongLamSucTayNinh.com 2011 - 2020. Thiết kế website tại MtStudio.vn
Thành lập ngày 20 tháng 02 năm 2011
Email: nonglamsuctayninh@gmail.com