Thắp một nén hương cho thầy Trần Văn Gòn

Chuyên mục: Truyện ngắn - Bút kí - Tùy bút Được đăng: Thứ tư, 02 Tháng 2 2011 Viết bởi Phan Minh Đẩu

Đây là bài viết của thầy Phan Minh Đẩu viết về thầy Gòn dạy Việt văn của trường NLS TN ngày ấy ,thời ban đầu còn ở trường Cộng đồng Long Hoa...Xin một nén hương tưởng niệm thầy Trần Văn Gòn

 

Trong những thầy, cô của Nông Lâm Súc Tây Ninh đã về cõi vĩnh hằng đến nay tôi được biết đó là: thầy Nguyễn Thanh Vân, cô Trần Thị Hoàng và thầy Trần Văn Gòn (chồng cô Xuyến)

Không biết các em khóa I còn nhớ thầy Gòn của các em không?

Trong những thầy cô dạy các môn văn hóa đầu tiên của lớp 6,7 Nông Lâm Súc Tây Ninh có thầy Trần Minh Thấu dạy Toán, thầy Nguyễn Văn Đôi dạy Lý Hóa, cô Trần Thị Hòa dạy Anh Văn và thầy Trần Văn Gòn dạy Việt văn.

Thầy Gòn người gầy, dáng không cao không thấp, nhanh nhẹn, tháo vát và có tài về văn nghệ, báo chí. Trong những năm đầu của Nông Lâm Súc Tây Ninh, thầy Gòn là người đầu tiên tổ chức viết báo từờng với bút hiệu PHONG LAN. Năm 1966 (các em học lớp 7 Nông Lâm Súc) trường có ra một tờ báo tường với tên "TRẺ". Biên tập là thầy Trần Văn Gòn và trang trí, trình bày là thầy Phan Minh Đẩu, bài viết đa số là của học sinh, trong đó có hai thành viên tích cực mà nay lại là những người đầu tiên viết về Nông Lâm Súc Tây Ninh là Quốc Nam (Mạc Hàn Vi Linh) và Điệp A . Ngoài bích báo,  thầy Gòn hay làm thơ, viết văn, chụp ảnh và tổ chức các buổi cắm trại. Thầy dạy hay, thương yêu và rất gần gũi học sinh.

Riêng tôi và thầy Gòn lại còn có rất nhiều kỷ niệm vì tôi chơi thân với thầy Gòn. Khi chưa lập gia đình, thầy hay đưa tôi về nhà thầy nằm trên đường từ cửa Hòa Viện đi Tây Ninh, cạnh một vườn cao su bạt ngàn. Tôi còn nhớ rất rõ, khi đi ngang qua đây, ai cũng ngửi được mùi chua chua của những cơ sở chế biến khoai mì, vì Tây Ninh là xứ "củ mì" (không biết bây giờ Tây Ninh còn củ mì không ?) . Khi lập gia đình với cô Xuyến, thầy về ở gần cửa số 4 (?)

Hôm Mail cho Tô Kim Lang, tôi có ghi: Trước đây thầy Gòn rất thân với gia đình Lang. Năm 1966, tôi và thầy Gòn vào nhà Lang chơi, thầy Gòn khuyên Lang vào học Nông Lâm Súc.Không biết Tô Kim Lang còn nhớ thầy Gòn không?

Thầy Gòn trước chạy chiêc Mobylette , năm 1967 thầy sắm ngay chiêc xe SS 67 (thầy Thấu sắm Honda dame, thầy Đôi có Suzuki đỏ, thầy Tài chạy Ducati (Đa-cô-ta), còn tôi đi xe gì các em biết không ? Mua lại của thầy Thấu chiếc Velo-Solex màu đen, máy đặt phía trước xe.  Vì sao tôi nhớ chuyện này? Năm 1967, khi xe Hon da nhập về Viêt Nam, thầy Gòn là người đầu tiên trong trường mua SS67 và thầy tập cho tôi lái. " Ông bóp ăm-da, vào số 1 nhả ăm-da từ từ chạy một đoạn thì sang số 2, 3". Thầy Gòn bảo thế . Tôi làm y như thế, thay vì thả từ từ tôi thả luôn, thể là xe nhảy vọt lên, suýt gây tai nạn. Khi tôi lập gia đình, thầy Gòn là người chụp ảnh cho tôi. Những tấm hình thầy chụp rất đẹp (và một người chụp ảnh nổi tiếng nửa là thầy Nguyễn Trọng Hiền, hiện nay đang ở sát nhà tôi tại Cần Thơ)....

Sau  này thầy lập gia đình với cô Xuyến, cũng là giáo viên dạy tại trường Cộng đồng Long Hoa . Bao nhiêu năm không còn gặp lại thầy nhưng tôi lại nghe tin thầy đã qua đời, mặc dù thầy còn rất trẻ , cùng tuổi với tôi.

Gòn ơi! Bên kia thế giới mày còn nhớ tao không ?

Cần Thơ, 11-01-2009
Phan Minh Đẩu
Lượt xem: 3104

© NongLamSucTayNinh.com 2011 - 2020. Thiết kế website tại MtStudio.vn

Thành lập ngày 20 tháng 02 năm 2011

Email: nonglamsuctayninh@gmail.com