Cô Châu

Chuyên mục: Truyện ngắn - Bút kí - Tùy bút Được đăng: Thứ năm, 13 Tháng 10 2011 Viết bởi Nguyễn Trường Hy

Trong Lưu Bút Ngày Xanh của cựu học sinh Nông Lâm Súc Cần Thơ có bài viết của Thầy Nguyễn Trường Hy như một lời, tự thuật những tình cảm sâu lắng của mình trong thời gian còn đi học và bây giờ đối với một cô giáo ngày xưa. Lời văn chân thànhbày tỏ tình cảm sâu sắc không những chỉ tặng cho Cô mà thương tặng cho các học trò Nông Lâm Súc Cần Thơ, Tây Ninh, Sài Gòn, Westlake Jr. High và Oakland Technical High School California Hoa Kỳ.

   Thầy Nguyễn Trường Hy là giáo sư dạy môn Công Dân và Sử Địa của Trường Trung Học Nông Lâm Súc Tây Ninh niên khóa 1972 – 1973 và là giáo sư hướng dẫn lớp 12 Mục Súc niên khóa 1973 – 1974. Chính Thầy cũng là người biên tập quyển NHỮNG DÒNG LƯU NIỆM cho lớp 12 Mục Súc niên khóa 1973-1974. Nay Trang Nhà Nông Lâm Súc Tây Ninh xin phép đăng bài viết của Thầy để các cựu học viên Nông Lâm Súc Tây Ninh biết tin,  cảm nhận được những tình cảm của Thầy và những niềm ưu ái Thầy dành cho các học sinh trong đó có hoc sinh Nông Lâm Súc Tây Ninh.

   Khi đọc được những dòng chữ nầy rất mong Thầy liên lạc và cộng tác với Trang nhà Nông Lâm Súc Tây Ninh.

  Kính chúc Thầy và gia đình mạnh khỏe…

                                           

                                        TRANG NHÀ NÔNG LÂM SÚC TÂY NINH.

     

                                              

                                                                         CÔ CHÂU

bài viết: Nguyễn Trường Hy

 

Thương tặng các học trò của tôi ở Cần Thơ, Tây Ninh, Sàigòn, Westlake Jr. High và Oakland Technical High School California  Hoa Kỳ.

Hy mến,

Hôm thứ Bảy vừa qua, khi hội chợ tết của Liên Hội Người Việt tổ chức ở San Jose, tao chợt thấy cô Châu trong số những người đang rời khỏi hội chợ. Tao vội vàng tìm chổ đậu xe và cố gắng tìm Cô nhưng chẳng may Cô đã về từ lúc nào rồi. Vài hàng cho mày biết tin, nếu mày có may mắn gặp cô nhớ cho tao biết liền.

Bạn thân của mày.

Tường.

Nhận được thư của Tường, tôi bàng hoàng cả người vì chợt nhớ đến Cô, người đã dạy dỗ, săn sóc tôi mà cả đời tôi không bao giờ quên được.

*****

   Dạo ấy, trong khoảng từ mùa Thu năm 1954 đến mùa xuân 1956, gia đình tôi cư ngụ ở Đà Lạt vì cha tôi phục vụ trong đơn vị Ngự Lâm Quân của Đức Quốc Trưởng Bảo Đại. Vào cuối năm 1955, đơn vị Ngự Lâm Quân bị giải tán nên cha tôi được thuyên chuyển về Sài Gòn để chờ bổ nhiệm đơn vị mới. Mẹ tôi bận buôn bán để nuôi bảy người con nên ít có thì giờ săn sóc chúng tôi.

   Cô Châu đã đến với tôi và Tường như một sự kỳ diệu. Mẹ tôi bận buôn bán còn cha mẹ Tường ở tuốt ngoài Qui Nhơn, Tường phải ở chung người anh cả đã có gia đình, Cô đã như người mẹ thứ hai của chúng tôi; hai đứa trẻ đang cần tình thương và sự chăm sóc trong khi tâm hồn hãy còn non nớt.

   Cô mướn nhà ở gần chúng tôi chỉ cách một vườn rau và con suối nhỏ trên đường Phan Đình Phùng dưới chân chùa Linh Sơn. Mỗi ngày, chúng tôi đứng trước cửa từ sớm, chờ cô đi qua là hai đứa chạy ra đón Cô và cùng cô đi đến trường. Buổi chiều, chúng tôi đến nhà Cô làm bài, nhiều khi Cô nấu cơm cho chúng tôi ăn nữa.

   Cô Châu mới tốt nghiệp trường sư phạm Sài Gòn, được bổ nhiệm lên dạy tại Đà Lạt, không có bà con thân thích nên Cô thương chúng tôi thật tình. Nhờ sự chăm sóc và dạy dỗ của Cô, Tường và tôi trở nên hai đứa học trò giỏi nhất của lớp Nhì A (lớp 4). Chúng tôi trở nên ham học, lúc nào cũng quấn quýt bên Cô và không còn rong chơi tập trận hay vượt đồi lội suối. Có khi rủ   nhau vào rừng bắn chim bằng ná cao su hoặc cùng nhau leo hàng rào vào đồn điền trồng cam bị chó Berger rượt té rách cả áo quần…

   Cuối năm lớp nhì, (hè 1955) trường tôi có tổ chức một buổi cắm trại trong đó có thi đua văn nghệ và các trò chơi sinh hoạt… ở gần thác Cam Ly. Hôm ấy lớp chúng tôi đã đoạt giải nhất vì Tường và tôi đã diễn xuất sắc trong vở kịch do cô soạn. Chúng tôi còn tham dự trong màn múa Mọi và hát nữa. Đó là do kết quả của Cô đã luyện tập cho chúng tôi từ nhiều tuần lễ trước, nhớ lại lần đầu tiên tập múa, tôi mắc cỡ hết sức nhưng nhờ sự khuyến khích của Cô, tôi trở nên dạn dĩ và chú tâm luyện tập thật hăng hái.

   Những ngày tháng êm đềm qua nhanh, đến năm sau lên lớp nhất (lớp 5). Chúng tôi lại may mắn được học lớp của Cô, Cô bắt chúng tôi phải học bài và làm bài nhiều hơn vì cuối năm đó phải thi lấy bằng Tiểu Học và còn phải thi tuyển vào lớp đệ thất (lớp 6) Trường công lập. Nào ngờ đến giữa năm lớp nhất, gia đình tôi phải dọn về Sài Gòn vì mẹ tôi quyết định dọn về gần ba tôi sau khi thấy việc buôn bán ở Đà Lạt không còn phồn thịnh như trước nữa.    ( thầy Hy 1973)

   Hôm xa Đà Lạt, tôi đã khóc sưng cả mắt vì xa Cô. Cô an ủi khuyên dỗ một hồi tôi mới chịu nín để lên xe về Sài Gòn. Sau đó vào trường học mới dần dà nguôi dần theo thời gian. Tuổi thơ chóng quên, hằng ngày hăng say học tập với các bạn đồng lớp. Vài tháng sau, tôi nhận được thư của Tường ở Đà Lạt cho biết rằng Cô đã lập gia đình nên phải thuyên chuyển ra Huế, thế là khoảng cách giữa Cô và tôi còn xa hơn nữa.

   Sau này tôi tiếp tục may mắn được học với các Thầy, Cô đáng kính mến, có nhiều Thầy Cô thương tôi như là con, dạy dỗ và giúp đỡ mọi bề. Tôi xin mượn cơ hội này để bày tỏ lòng tri ân với các vị Ân Sư của tôi: Cô Tăng Thị Minh Châu dạy Pháp Văn, Thầy Trần Văn Điền dạy Anh Văn đang ở Hoa Kỳ, cố giáo sư Nguyễn Ngọc Huy dạy môn Chính Trị Học, Giáo Sư Lê Văn dạy Anh Văn, Giáo Sư Phạm Cao Dương dạy môn Sử Học ở trường Đại Học Sư Phạm Sài Gòn và các quý vị Giáo Sư khác nữa. Tuy nhiên, người mà tôi thương mến nhất đời vẫn là Cô Châu, Cô đã cho tôi một tuổi ấu thơ thật đẹp, đã gieo vào tâm hồn non nớt của tôi những nét hay đẹp của nghề dạy học, đã cho tôi những tình thương tuyệt vời mà tôi khó kiếm được trong suốt cuộc đời  của tôi. Tôi đã tâm nguyện khi lớn lên sẽ theo nghề dạy học để tiếp nối sự nghiệp vàđền đáp công ơn dạy dỗ của Cô.                                                                             

Mùa Thu 1963, ngày tôi nhận tin trúng tuyển vào trường Đại Học Sư Phạm Sài Gòn ban Sử Địa cũng là ngày tôi nhận giấy trình diện nhập học trường Quốc Gia Hành Chánh. Tôi có hỏi ý kiến của ba tôi thì người khuyên tôi nên theo nghề dạy học vì nghề này tuy nghèo nhưng cao quý, đức tính và tâm hồn thanh cao.Con đừng nên theo nghề hành chánh sẽ vấp phải những bước thăng trầm có khi lại nguy hiểm nữa.Nghe lời ba, tôi lặng lẽ xé bỏ tờ giấy trình diện nhập học trường Quốc Gia Hành Chánh.

Hôm nay, sau hơn 40 năm dạy học, tôi đã trải qua biết bao nhiêu kỷ niệm buồn vui với học trò của miền đất Cần Thơ lúc nào cũng sẳn sàng mời thầy một ly cà phê thơm ngát; học trò Tây Ninh, đất nghèo hằn lên sỏi đá, nhưng chân thành mời Thầy được ly nước lạnh, khoai mì… Tôi rất lấy làm mãn nguyện vì mình đã chọn đúng nghề, đã đóng góp một phần nhỏ bé trong việc đào tạo các mầm non của đất nước và nhất là giữ được điều tâm nguyện với Cô Châu.Tôi đã hăng say làm việc không mệt mỏi để hướng dẫn và dạy dỗ các em học sinh.

*****

Thưa Cô,

Con hy vọng những dòng chữ này một ngày nào đó Cô đọc đến thì con sẽ sung sướng vô cùng. Con cầu chúc ơn trên ban cho Cô đầy đủ sức khỏe để có ngày nào con sẽ được gặp lại Cô để nói lên những lời biết ơn Cô, tất cả những thành công của con ngày nay là do công ơn của Cô dạy dỗ và hướng dẫn.

Một lần nữa, con biết ơn Cô!

Nguyễn Trường Hy, NLSCT 67-72, Hoa Kỳ ngày 1-1-2009

 
Lượt xem: 3641

© NongLamSucTayNinh.com 2011 - 2020. Thiết kế website tại MtStudio.vn

Thành lập ngày 20 tháng 02 năm 2011

Email: nonglamsuctayninh@gmail.com