Những cuộc viếng thăm
Chuyện bây Giờ Mới kể
BÙI THO
Những cuộc viếng thăm
Qua Trang nhà Tây Ninh, Quốc Nam chàng thi sĩ lang bạt này lại một lần nữa dừng chân tại Bảo Lộc, trạm dừng chân lại là một vị trí trùng hợp dễ thương là ngay trường Trung học Nông lâm Súc Bảo Lộc, một địa danh đặc biệt mà anh chị em NLS toàn Việt Nam mong có lần ghé đến. Riêng Quốc Nam thì có thêm một thâm tình là “xứ sở của thầy Bùi Tho” .
Vì vậy tác giả của những tập thơ : Cò Trắng, Chốn Xưa và mới đây Dòng Sông và Cây Cầu ..đã nhiều lần ghé lại nơi đây, cứ mỗi lần như thế thì thầy trò ngồi nhâm nhi ly cà phê nói vài câu chuyện vẫn là đề tài muôn thuở chuyện NLS, Quốc Nam và tôi hầu như thường xuyên liên lạc bằng điện thoại , đó là cầu nối giữa tôi và anh em học viên Nông Lâm Súc Tây Ninh, ở đó là dấu tích thể hiện về cái thâm tình sâu đậm mà các em đã dành cho tôi. Giờ đây không nói ra thì các bạn cũng đã biết cuộc đời tôi đã gắn chặc với vùng đất thánh này rồi, bắt đầu từ cái giây phút chọn nhiệm sở gây ngạc nhiên cho toàn thể giáo sinh tốt nghiệp và hội đồng xét duyệt tại Nha học vụ Nông Lâm Súc Sài gòn, bắt từ ngày lên trình diện nhận nhiệm sở tại Long Hoa vào tháng 11 năm 1968. Cái khoảng thời gian mà bà Thân thị Đời lo âu khi nghe tin có 6 giáo sư vốn xuất thân từ trung học Nông Lâm Súc Bảo Lộc lên nhận công tác dưới quyền của bà, bởi bà đã từng nghe danh dân NLS Bảo lộc dữ dằn lắm. Sáu người đó là Nguyễn Văn Sơn, Nguyễn Ngọc Hạnh, Phạm Văn Nê, Huỳnh Văn Sên, Đặng Lê Hùng và tôi) Cái dữ dằn mới nghe qua nghĩ là sự khó bảo, kiêu kỳ, bất chấp, quậy phá.… chẳng hạn. Thực sự là dân NLS Bảo Lộc học là học hết mình, chơi hết cỡ, làm việc không nề hà. Chính vì thế sau sáu tháng trong một buổi họp giáo sư, bà hiệu trưởng đã bộc bạch “ ngay từ lúc nghe tin nha học Vụ phân công 6 thầy cô xuất thân từ NLS Bảo lộc về, tôi vô cùng lo sợ. Nhưng nay với tư cách hiệu trưởng tôi bày tỏ lòng cảm ơn đến các thầy cô, sự xuất hiện của thầy cô đã làm cho nhà trường có những thay đổi đáng kể, dù chỉ có 2 cấp lớp với gần 200 học sinh” Chắc các bạn còn nhớ các hoạt động văn nghệ, thể thao, báo chí, lều trại…giai đoạn ấy chúng ta đều ngang ngữa với các trường Công Lập Tây Ninh, Lê văn Trung, Đạo Đức Học Đừơng.
Tôi chỉ vỏn vẹn sống tại Tây Ninh đúng 24 tháng. Lúc đến vào tháng 11- 68 và lúc rời cũng tháng 11 năm 1970, tôi trở lại Bảo Lộc với hành trang trĩu nặng tâm tình NLS Tây Ninh và tôi cũng biết rằng nơi ấy cũng rất nhiều thương mến dành cho tôi. Nhớ lại rằng, khi ấy đa số các học sinh ở đây nghe cái tên Bảo Lộc có cảm giác là vùng đất rất lạ rất xa,vùng hoang vu rừng thiêng nước độc. Cho đến khi gặp tôi một số trong họ có ít nhiều mơ ước sẽ có một lần ghé thăm nơi có ngôi trường đầu tiên của ngành Nông lâm Súc Việt Nam, ngôi trường có cơ ngơi uy nghi đồ sộ mà người ta vẫn thường truyền miệng ngôi trường lớn nhất Đông nam Á, niềm tự hào của miền Nam Việt Nam.Và cũng có thể không ít người vì thương mến mong sẽ được gặp lại tôi trên vùng đất núi này.
Xúc cảm trước bài viết của Nguyễn Quốc Nam “ Nông Lâm Súc Bảo Lộc gợi nhớ” làm cho tôi nhớ lại những cuộc ghé thăm của anh chị em Nông lâm Súc Tây ninh. Bây giờ sắp hết năm 2014, có nghĩa là tôi rời Tây Ninh gần 44 năm, lúc ấy tôi mới 27 tuổi giờ này tôi đã qua cái tuổi 70, không biết còn nhớ nổi hay không những ai đã đến Bảo Lộc với tôi , lúc nào, cơ hội nào.
Nhớ hay không nhớ, tôi sẽ kể ra theo đây, nếu có bạn nào thấy thiếu thì cứ nhắc ,báo cho tôi biết, hoặc đăng vào góp ý giúp dùm cái bộ não già này nhé.
Lần đầu tiên đến với tôi là anh em Ngô Hoài Gình ,Ngô Hoài Sáng. Nhân lần ghé lại Long hoa trong đợt nghỉ hè 1971, năm đó Ngô Hoài Gình đậu bằng TH đệ nhất cấp, mẹ của Sáng và Gình là “ cô Bảy đề-pô nước đá đã thưởng cho anh em ra Bảo lộc chơi, trong đó một phần là cô tin tưởng và thương mến tôi mới nhờ tôi dẫn các em ra chơi.. Bấy giờ tôi đang ở tại căn nhà cao cẳng, lúc đó tôi nhờ Bùi văn Trung đưa Sáng đi chơi, trong đó có đến thác Đam Rông. Có một số hình ảnh được chụp tại nhà cao cẳng, nhưng rất tiếc nay không còn.
Lần kế tiếp là Đinh văn Thuận cùng hai bạn nữa tôi không nhớ tên, cuộc ghé thăm khá đường đột, Thuận ra gặp tôi về vụ việc của nhà trường Tây Ninh xin ý kiến của tôi, tôi nhớ là có trả lời là tôi không có ý kiến gì vì không còn công tác ở đó nữa. Khi được hỏi lên đây ở đâu ? Thì Thuận trả lời ra nhà bạn chơi ở Đèo Chuối ? Cuộc hội ngộ lúc ây làm cho tôi có nhiều suy nghĩ, Không rõ Thuận có nhớ không? Lúc bấy giờ vào cuối năm 1971 hay đầu năm 1972 khi gia đình tôi mới chuyển về ở tại cư xá số 11 và chúng tôi mới có cháu Hải Trân.
Rồi đợt thực tập của Giáo sinh Sư phạm trong đó có Phương Loan, Xuân Hoa, Ngọc Thủy, Kim Lang,Thu Vân, Tiến, Trị, Hoa, Lý… ghé thực tập tại trường TH NLS Bảo Lộc,vào năm 1973. Ban đêm các em đã tập trung về nhà tôi ăn chè trò chuyện rất vui. Tôi nhớ lần đó theo yêu cầu đi mua phong lan cho ông GĐ Nha học vụ ở Đà lạt, có Phương Loan xin đi theo cho biết thành phố nổi danh này,
Sau năm 1975 thì có Nguyễn Hoàng Thái, Đỗ Ngọc Ánh cùng một số anh em NLS Tây Ninh vốn là sinh viên trường Đại Học Nông Lâm đi thực tập cây trà tại trường TH KT Nông nghiệp Bảo Lộc ( Nông Lâm Súc) Thầy trò chúng tôi có một cuộc gặp gỡ liu riu vài ly rượu đế , ( Khi viết đến đây tôi gọi điện thoại cho Nguyễn Hoàng Thái để hỏi tên số người còn lại, nhưng Thái bảo lâu quá cũng đã quên, lúc ấy anh em Tây Ninh theo học Đại học cùng với Thái nhiều lắm, vậy ai có mặt trong nhóm đó hãy lên tiếng nhé ).
Khoảng đầu thập niên 1980 thì Huỳnh Văn Lo có đến tìm tôi tại văn phòng làm việc, đó là dịp anh này đi tham quan du lịch Đà Lạt của hội Nông Dân Hòa thành Tây Ninh.
Một ngày trong cuối thập niên 1980, vào buổi trưa thì Văn Thênh đã tìm đến tận nhà tôi là một căn nhà gỗ ở phía sau trường, thầy trò làm một thời cà phê tại quán Thạch Thảo, tại đây nhiều người nhận diện được một khuôn mặt quen quen thường thấy diễn kịch trên đài truyền hình.
Cuộc viếng thăm thật bất ngờ nhất mà xin kể ra đây, Lúc bấy giờ đã hơn 5 giờ chiều. hết giờ làm việc tôi rời phòng sau cùng, khi đứng trước cửa phòng làm việc chuẩn bị lên xe để về thì thấy dáng một cô gái mặc bộ đồ đen đi chậm rãi từ phía giảng đường định theo đường ra cổng, cô ta bỗng thấy tôi nên tiến lại và cất tiếng “ chào bác “. Tôi hỏi :
- Cô ở đâu mà giờ này còn đi dạo ở đây
- Dạ con ở xa đến, từ xưa đã nghe danh trường này nên ghé thăm, vì trường này trước có thầy của con chuyển về dạy học ở đây !
- Thế trước cô học ở đâu ?
- Dạ Nông Lâm Súc Tây Ninh.
- Thầy cô tên gì cô còn nhớ không ?
- Thầy Tho
- À ông Bùi Tho hả ? ông ta đi Mỹ lâu rồi.
Cô ta tỏ vẻ thất vọng, trong lúc tôi lại tự nghĩ chã lẽ mình già đến thế sao? Cái thời buổi lo đủ thứ chuyện đôi lúc mình không chú ý đến mình, vì thế sau một hồi yên lặng, tôi lên tiếng trước :
- Cô tên gì ? học năm nào ? có học chung với Hoàng Thái, Quốc Nam không ? Em nhìn kỹ xem tôi có giống thầy Tho của em không?
Sau câu hỏi đó thì cô nàng la lớn “ Trời ơi, Thầy, Thầy Tho đây mà, em mừng quá đâu ngờ gặp lại thầy ở đây !
Và cô học trò ấy là Phạm thị Ngọc Huệ, đó là giai đoạn cuối thập niên 1990 khi tôi đã ở căn nhà xây trên đường Nguyễn Văn Trỗi.
Rồi cho đến tháng 5-2008, bất ngờ một nhóm các em NLS Tây Ninh cùng với các chú rể đã ghé nhà tôi gồm vợ chồng Võ thị Thu Kiết, Phạm thị Ngọc Minh, Huỳnh thị Diện. Đi một mình có Vũ thị Kim Hoa, Hồ thị Bé và Đặng thị Minh Nguyệt giám đốc nhà hàng Đồng Quê Tây Ninh, là dâu của NLS Bảo lộc. Các em đã chuẩn bị bia và mồi chiêu đãi vợ chồng chúng tôi với ý nghĩa là mừng hội ngộ trên đất Blao này.Lần này các em đã đem cây Phượng vàng về tặng cho tòa thánh Tây Ninh.
Một cuộc viếng thăm vô cùng đường đột nữa, nhân kỳ họp mặt của lớp Thủy Lâm 72-75 năm 2010 tại nhà Trần văn Chung ở Phú Mỹ Hưng phía Tây ninh có Quốc Nam, Quang Lộc, Ngọc Minh và Ngọc Huệ đến dự, sau tiệc liên hoan tôi nhờ các em đưa tôi về nhà con tôi ở Quận 2, trên đoạn đường đi, Quốc Nam lên tiếng sao mình không đưa thầy Tho về Bảo lộc luôn ? mà như ta đã biết hai anh chàng này, luôn tung hứng lẫn nhau cho nên ý kiến Nam đưa ra là Quang Lộc hưởng ứng ngay, để rồi mất gần 30 tiếng đồng hồ từ Sài Gòn lên đường lúc 19 giờ, cuộc đi phải ngủ đêm ở Phú Cường, ăn sáng ở Định Quán, ăn trưa tại nhà hàng Suối Tiên Madaguoil để gặp thần dân NLS Tây Ninh là Đỗ tấn Thêm, ghé đèo Bảo lộc, thăm thác Đam ri, nhậu và hát tại quán ốc Tâm Dê xong mới chịu dừng chân tại nhà số 37 Nguyễn Văn trỗi hơn 10 giờ đêm ăn cháo trắng do Quốc Nam nấu rồi mới chịu ngủ .
Năm 2011, cuộc ghé thăm có báo trước của một lộ trình dài Tây Ninh ,Bảo lộc, Đà Lạt, Nha Trang do nhóm bạn cùng lớp gồm Mỹ Ngọc, Mai Hương,Ngọc Diệp, Mười, Trãi và Đinh văn Thuận . Đoàn chỉ ở lại Bảo lộc một buổi sau khi thăm nhà , đến thác Đam Ri rồi trực chỉ Đà lạt.
Còn phải nhắc đến cuộc viếng thăm chớp nhoáng của Đỗ tấn Thêm, thầy trò chỉ gặp nhau tại một quán Cà phê bên bờ hồ Bảo lộc, không biết chàng kỹ sư Nông Nghiệp tài ba này đang ở đâu.Sau khi làm công tác trồng cây ở khu du lịch Suối tiên Madaguoil, anh ta đã lên Đà lạt trồng chanh dây cho một công ty nào đó.
Và mới đây 2014 cuộc ghé thăm có lẽ đặc biệt nhất là đây: “ Vào một buổi sáng, chuông điện thoại reo, tôi bắt máy – A lô, có phải thầy Tho không? –tôi đây ! – Em là học trò của thầy ở Tây Ninh , thầy có nhà không? Em đang ở Bảo lộc, thầy cho em biết địa chỉ em đến nhà thầy!
Chỉ một chốc sau thì anh ta đến khi tôi chưa kịp mở cổng, anh ta đến với một người con gái , tôi biết cô ấy. Cuộc gặp của chúng tôi rất ngắn vì sau lời chào hỏi thì anh ta xin phép đưa người bạn gái đi chơi. Khi được hỏi làm sao mà em quen được người Bảo lộc này ? anh ta cười và nói “ Tụi em quen nhau ở trên mạng đó thầy !” . Chuyện này chỉ có Nguyễn văn Hoa biết rõ..
Nhớ lại chuyện ngày xưa, đám cưới của tôi có nhiều ý kiến về phía bên nhà vợ như thằng rể Bắc Kỳ , cái xứ núi đèo heo hút gió ai mà ra thăm được…Dù đám cưới ở vùng quê, vùng không an ninh lắm nhưng thầy cô NLS đến dự gần như đầy đủ,và một số các em học sinh nữa. Cũng cần nên nhắc là hình ảnh được ghi lại là do thầy Nguyễn trọng Hiền thực hiện.
Và có điều ít người biết đến là sau tiệc cưới tương đối linh đình đó cô dâu chia tay gia đình và chỉ một mình đi theo chồng, bên nhà gái không một ai đưa tiễn, dù rằng đến Sài gòn thì có ông cậu vợ là Trần văn Thìa có đến chơi . Rồi một chuyện không ngờ xảy ra ngay ngày hôm sau đó là tiệc cưới của tôi được tổ chức vào buổi trưa trong lúc ba mẹ và vợ chồng tôi bị kẹt đường mãi đến 6 giờ tối mới về đến nhà, khi về đến nơi chỉ những người trong gia đình và một vài người quen gần nhà đến ăn cơm gia đình chia vui .Đặc biệt trong bạn bè chỉ có anh Từ văn Trường đang giảng dạy tại NLS Bảo lộc đến dự.
Sau đó vì tình thân gia đình, gia đình bên vợ họ hàng bên vợ đã đến với gia đình anh chàng Bắc kỳ này, đã đến với xứ sở núi đồi này vừa thăm con cháu vừa viếng cảnh đất nước cao nguyên và cũng có đôi điều tâm sự của các ông bà “ không có bây ngoài này chắc chẳng bao giờ bà con tao tới đây, không ngờ xứ sở quá xinh đẹp !
Khi bài này đang viết thì ngoài kia rân rang tiếng trống múa lân của trung thu, tôi nhớ ngày cưới của tôi là 10 tháng 8 Âm Lịch 1970 và đến nay là 44 năm . Cuộc ra đi đơn thân độc mã của người con gái đất Tây Ninh ấy đã kéo theo bao nhiêu cuộc viếng thăm mà tôi đã kể trên trong đó cần phải nói thêm rằng ngoài cái tình cảm gia đình còn có ít nhiều cái chất vị mặn nồng của tình Nông Lâm Súc nữa.
Đa Lạt thành phố ngàn hoa thành phố thắng cảnh có nhiều chùa chiền, thánh thất, Nếu từ Tây Ninh thường là đường bộ theo quốc lộ 20 sẽ ngang qua Bảo Lộc,
Bảo lộc là một xứ mát mẻ có trường Nông Lâm Súc ngày nào có thác nước Đam Ri.. là trạm dừng chân lúc đi cũng như lúc về. Riêng anh chị em Nông Lâm Súc Tây Ninh thì đặc biệt Bảo Lộc có Đệ nhất nhà hàng khách sạn số 37 sẳn sàng đón nhận, ít thì ngủ giường, nhiều thì ngủ đất.Còn cơm nước nếu có gạo mắm đem theo càng tốt, không có thì Bánh cuốn nóng sát nhà, cơm chay thì có quán Thiện Giác chùa Phước Huệ, ăn mặn thì có cơm bụi chỗ nào cũng có.
Hãy đến một lần cho biết với chương trình khuyến mãi nhiều năm.
Bùi Tho
Tin mới
Các tin khác
© NongLamSucTayNinh.com 2011 - 2020. Thiết kế website tại MtStudio.vn
Thành lập ngày 20 tháng 02 năm 2011
Email: nonglamsuctayninh@gmail.com