Những Tháng Ngày với Trường CĐ Nông Lâm Súc Sài Gòn

Chuyên mục: Trang Tư Liệu Nông Lâm Súc Được đăng: Thứ ba, 07 Tháng 6 2011 Viết bởi Trần Văn Đạt

Thời gian đi nhanh quá! Chúng tôi dường như mới... ra trường, bây giờ đã bắt đầu nghỉ hưu trí. Nhìn lại quảng đường đi qua với nhiều kỷ niệm tuổi học trò, thành niên, chợt nhận ra cuộc đời lão hóa đến nhanh sồng sộc. Mới hôm nào chúng tôi phải trải qua cuộc thi tuyển khó khăn

để được chọn vào học với tỉ số 100 trên khoảng hơn 3.000 thí sinh tham dự. Sau 4 năm trên ghế nhà trường, thu nhận một số kiến thức nghề nghiệp căn bản, chúng tôi cảm thấy lòng phơi phới cùng gia đình, bạn bè đến hội trường của công ty Sổ Số Kiến Thiết Quốc Gia trên đại lộ Thống Nhứt, đối diện Trường Cao Đẳng Nông Lâm Súc Sài Gòn (NLS) để dự lễ tốt nghiệp và nhận bằng cấp mãn khóa cùng với 84 bạn đồng môn khác. Lúc đó, trong bộ áo mũ mãn khóa, chúng tôi xây dựng nhiều giấc mơ lớn trong lòng cho những ngày tháng sắp tới... Bây giờ, đã có lắm kẻ gác kiếm an hưởng tuổi điền viên, một số ít còn vài năm làm việc và ít người ra đi không còn nữa. Quay nhìn lại chặng đường đã qua, vài kỷ niệm về mái trường NLS thân yêu của mình lại xuất hiện.
 
Về lịch sử nông nghiệp, nền giáo dục nông lâm chỉ bắt đầu xuất hiện trong thời Pháp thuộc. Bên cạnh các phòng, viện, cục nghiên cứu và sản xuất, người Pháp đã thiết lập các trường nông lâm để đào tạo chuyên viên phục vụ nhà nước cai trị và các ngành khảo cứu để tăng gia sản xuất trong nước (Phạm Cao Dương, 1967):
 
- Trường Thú Y Hà Nội được thành lập năm 1906 và được xem như một ban của Trường Y Khoa Bắc Kỳ. Đến năm 1910 được đổi thành trường riêng biệt và năm 1917 được cải tổ thành Trường Thú Y Đông Dương.
 
- Trường Cao Đẳng Nông Lâm Hà Nội được thành lập năm 1918, với thời gian học 2 năm rưỡi và một khóa thực hành 9 tháng tại các sở nông lâm hay các đồn điền tư nhân.
 
- Trường Canh Nông Thực Hành Tuyên Quang được thành lập năm 1918 nhằm đào tạo các nhà trồng trọt bản xứ hoặc phụ giúp các

.

Từ trái qua: BS Vũ Ngọc Tân (người thứ 3) - Giám đốc Trường QG Nông Lâm Mục BLao (1955-1958), GĐ Trường Cao đẳng Nông Lâm Súc Sài Gòn (1967-1968); GS Bùi Huy Thục (người thứ 4) - GĐ Trung tâm QG Nông nghiệp (1968-1970); GS Đặng Quan Điện (người thứ 5) - GĐ Trường Cao đẳng Nông Lâm Súc Sài Gòn (1962-1964) (Ảnh chụp năm 1962, năm tốt nghiệp khóa 1 QG Nông Lâm Mục BLao (1959-1962):

chuyên viên Châu Âu

  - Trường Nông Lâm Thực Hành Bến Cát được thành lập từ 1917 có mục tiêu như trường Tuyên Quang, nhưng ít người theo học vì khó tìm việc làm. Năm 1926 trường được đổi thành Trại Nông Nghiệp dành đào tạo những giám thị canh tác ở đồn điền.

Sau Hiệp Định Genève 1954, do Nghị Định 112 BCN/NĐ ngày 19-11-1955 Trường Quốc Gia Nông Lâm Mục Blao (Bảo Lộc) được thành lập tại tỉnh Lâm Đồng, trực thuộc Nha Học Vụ Kỹ Thuật và Thực Hành Canh Nông, Bộ Canh Nông, Miền Nam Việt Nam. Trường có hai cấp: (i) cấp Cao Đẳng 3 năm, nhưng kể từ 1963 và Khóa 5 về sau khóa học trở nên 4 năm; nhằm đào tạo cấp bậc Kỹ Sư dành cho học sinh có Tú Tài II (hoàn tất trung học cấp III), và (ii) cấp Trung Đẳng đào tạo Kiểm Sự dành cho học sinh có Trung Học Đệ Nhứt Cấp (Cấp II bây giờ) hoặc tương đương. Cấp Trung Đẳng khởi sự từ năm 1955 và cấp Cao Đẳng từ 1959.
 
Từ ngày vào học Trường Cao Đẳng này, tôi đã nêu một câu hỏi cho chính mình, bạn đồng môn và vài Giáo Sư; nhưng chưa có lời giải đáp thuyết phục. Tại sao Trường Quốc Gia Nông Lâm Mục không được thành lập tại đồng bằng sông Cửu Long, nơi được gọi là nôi nông nghiệp lớn nhứt nước mà đặt tại một vùng cao nguyên - tỉnh Lâm Đồng, nơi không có nhiều ruộng nương, sông rạch, chỉ có đồi núi, thung lũng với các vườn trà, vườn dâu, cam quít, rừng xanh mịt mù và dân cư thưa thớt? Dù lý do gì, Cấp Cao Đẳng Nông Lâm Mục chỉ ở Blao một năm rồi di dời về Sài Gòn vì lý do chiến tranh leo thang. Lúc bấy giờ, đường lộ Sài Gòn - Blao có nhiều khó khăn an ninh cho sự di chuyển của các Giáo Sư, nhứt là G.S. Pháp.
Đến Khóa 5 chúng tôi cũng còn nhiều GS Pháp dạy học, như Ông Pouriquet dạy về Thảo mộc bệnh học, Ông de Polinaire dạy về cây cao su, GS Lamy dạy Cơ thể học (Anatomy), GS Maurand dạy Thủy Lâm, GS Perpezat, GS Roth ... Do đó, từ năm 1961 Cấp Cao Đẳng được di chuyển từ Blao về ở tạm tại Nha Học Vụ Kỹ Thuật và Thực Hành Canh Nông; nhưng các lớp học được dạy ở nhiều địa điểm: Đại Học Khoa Học, Trường Dược Khoa, Viện Pasteur, Thảo Cầm Viên, Viện Khảo Cứu Nông Nghiệp, Viện Vi Trùng và Bệnh Lý Gia Súc, v.v. (Liên lạc với anh Phạm Thanh Khâm và Phạm Xuân Bách, 7-2010).
Trong hơn nửa thế kỷ qua, Trường đã thay đổi tên 7 lần và trải qua những giai đoạn trưởng thành lớn mạnh như sau (Trường Đại Học Nông Lâm Thủ Đức, 2005):
 
-      Nghị Định 112-BCN/NĐ ngày 19-11-1955, Trường Quốc Gia Nông Lâm Mục Blao được thành lập.
 
-      Nghi Định 1184/GD/TC ngày 24-8-1963, cấp Cao Đẳng được đổi tên: Trường
Cao Đẳng Nông Lâm Súc Sài Gòn; cấp Trung Đẳng được cải biến thành Trường Trung Học Nông Lâm Súc Bảo Lộc.
 
-      Sắc Lệnh 158/SL/VHGD/TN ngày 9-11-1968, trường Cao Đẳng Nông Lâm Súc đổi tên Trung Tâm Quốc Gia Nông Nghiệp thuộc Bộ Văn Hóa, Giáo Dục và Thanh Niên, gồm trường Cao Đẳng Nông Nghiệp, Cao Đẳng Thú Y và Cao Đẳng Thủy Lâm.
 
-      Sắc Lệnh 174/SL/GD ngày 29-11-1972, Trung Tâm Quốc Gia Nông Nghiệp đổi tên Học Viện Quốc Gia Nông Nghiệp với 3 ngành nêu trên.
 
-      Sắc lệnh 010/SL/VH/GDTN ngày 11-1-1974, Học Viện Quốc Gia Nông Nghiệp, Học Viện Quốc Gia Kỹ Thuật và Ban Cao Đẳng Sư Phạm Kỹ Thuật được sáp nhập vào Viện Đại Học Bách Khoa Thủ Đức. Học Viện Quốc Gia Nông Nghiệp đổi tên trường Đại Học Nông Nghiệp, gồm 5 ngành: Nông Khoa, Lâm Khoa, Súc Khoa, Ngư Nghiệp và Kỹ Thuật Nông Nghiệp.
 
-      Sau năm 1975, Đại Học Nông Nghiệp đổi tên Đại Học Nông Nghiệp IV, rồi Đại Học Nông Lâm Thành Phố HCM thuộc Bộ Giáo Dục và Đào Tạo. Trường hiện nay có đến 17 Khoa - Bộ Môn và 14 trung tâm, với khoảng 20.000 sinh viên, trong đó có độ 6.000 sinh viên nông nghiệp (2007).
 
Khóa 5 của Trường Cao Đẳng NLS lúc ban đầu gồm có 50 sinh viên ban Nông Khoa, 30 ban Súc Khoa và 20 ban Lâm Khoa (Hình 1); họ đến từ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Miền Đông và Miền Trung Việt Nam. Khóa học khai giảng từ đầu mùa thu 1963 đến giữa hè 1967 tại Sài Gòn, với cơ sở trường lớp chưa được hoàn toàn ổn định. Đến khi mãn khóa, do thời cuộc chiến tranh, một ít sinh viên rời Trường sớm hoặc ở lại lớp nên chỉ có 85 người ra trường. Hiện nay, Khóa 5 có 19 người nghỉ hưu ở trong nước; 57 người sống ở nước ngoài, chủ yếu Hoa kỳ, Canada, Úc Châu và Âu Châu; và 9 người ra đi vĩnh viễn.
 
Năm học đầu tiên đã tạo nhiều ấn tượng trong trí nhớ chúng tôi. Vào ngày khai giảng, chúng tôi đến trường với tinh thần rất phấn khởi để bắt đầu năm học đầu tiên của khóa 5, niên học 1963-1964; nhưng rất ngỡ ngàng khi nhìn thấy mái trường chỉ là một ngôi biệt thự lớn có 2 tầng lầu và một dãy nhà trệt bên cạnh nằm trên đường Mạc Đỉnh Chi, Quận 1. Đó là Nha Học Vụ Kỹ Thuật và Thực Hành Canh Nông mà Bác Sĩ Đặng Quan Điện (mất 2008) làm Giám Đốc Nha kiêm nhiệm Giám Đốc Trường Cao Đẳng.
 
Sau năm học thứ nhứt của Khóa 5, Trường được chuyển đến Thành Cộng Hòa cũ rộng hai hecta, số 45 đại lộ Cường Để (nay là đường Đinh Tiên Hoàng) ở trung tâm Sài gòn, nơi đây có trường ốc 3 tầng lầu khang trang hơn, với văn phòng hành chánh, các lớp học rộng rãi, và có một khoảng không gian sân trường rộng lớn . Trường còn có Cư Xá dành cho sinh viên ở các tỉnh xa, Hợp Tác Xã Sinh Viên, và Quán Cơm Trưa Xã Hội Sinh Viên rộng rãi. Trong khu Thành Cộng Hòa, còn có sự hiện diện của Đại Học Nha Dược Khoa và Đại Học Văn Khoa, nằm đối diện với Trường Cao Đẳng NLS Sài Gòn. Nay Trường NLS xưa không còn nữa, mà phân nửa trở thành Trường Quản lý Cán bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn 2 trong một building 8 tầng, thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, và phân nửa kia thuộc đài Truyền Hình TP (HTV).
 
Khóa 5 chúng tôi có bốn điểm nổi bật là (i) Cấp Cao Đẳng Nông Lâm Mục tách ra khỏi Trường Blao và đổi tên Trường Cao Đẳng NLS Sài Gòn (24-8-1963) (ii) Chương trình học bắt đầu dạy bằng tiếng Việt, mặc dù còn ít môn học bằng tiếng Pháp vì thiếu giáo sư, (ìii) có học trình 4 năm đầu tiên (chỉ số lương 470), thay vì học 3 năm (chỉ số lương 430), và (iv) học nguyên năm đầu tiên tại Đại Học Khoa Học, Ban SPCN (Sciences, physiques, chemiques et naturelles) có lẽ để tránh học nhiều nơi như các khóa trước trong khi chờ đợi cơ sở trường mới.
 
Năm học thứ nhứt, phần lớn thời gian chúng tôi theo học lớp SPCN tại trường Đại Học Khoa Học nay là Đại Học Khoa Học Tự Nhiên (đường Nguyễn Văn Cừ); ngoài ra, còn học thêm lớp Anh ngữ và vài môn học nông nghiệp đại cương tại Nha Học Vụ NLS. Đây là một ưu thế của khóa học 4 năm đầu tiên của Trường Cao Đẳng NLS Sài Gòn, vì lớp học SPCN đã cho sinh viên chúng tôi một số căn bản khoa học vững chắc, hỗ trợ rất nhiều cho các môn học chuyên ngành sau này và sau khi ra trường. Trong thời gian theo học SPCN, tôi được sinh viên đồng môn bầu chọn làm Trưởng lớp niên khóa 1963-64 và anh Dương Văn Đầy làm Phó. Lớp học này có độ 400 sinh viên, gồm có 100 sinh viên NLS, và một số Giáo Sư dạy học nổi tiếng như Phạm Hoàng Hộ (Thảo mộc học - Botany) , Bà Mai Trần Ngọc Tiếng (Sinh lý thực vật), Chung Ngọc Tú (Vật lý), Chu Phạm Ngọc Sơn (Hóa học), Phạm Ngọc Thạch (Địa chất)… Chúng tôi được cấp học bổng toàn phần 1.500 $VN/tháng và bán phần 750$VN/tháng

(trích)
               
Trần Văn Đạt, Ph. D.

 
 
  

Lượt xem: 8430

© NongLamSucTayNinh.com 2011 - 2020. Thiết kế website tại MtStudio.vn

Thành lập ngày 20 tháng 02 năm 2011

Email: nonglamsuctayninh@gmail.com