Trương Quang Lộc - Nhạc sỹ của tình yêu

Chuyên mục: Trang âm nhạc ( Nghiên cứu - Giới thiệu CD - MV ) Được đăng: Thứ năm, 02 Tháng 4 2015 Viết bởi Super User

Qlocns

TRƯƠNG QUANG LỘC - NHẠC SĨ CỦA TÌNH YÊU

Quê hương chính ở Tây Ninh nhưng anh lại chọn Sài Gòn làm nơi học tập và làm ăn sinh sống. Nghiệp chính của anh là kinh doanh, sản xuất nhưng việc làm anh suy nghĩ, thao thức, trăn trở hằng đêm lại là những nốt nhạc, những giai điệu để kết thành những ca khúc một thời làm rung động lòng người.

Hơn ba mươi năm sáng tác anh đã để có trong tay gần cả trăm ca khúc. Trong đó có những ca khúc đi vào Topten Làn Sóng Xanh được các bạn trẻ yêu thích. Anh là Trương Quang Lộc. Một cái tên nghe rất thân thương đối với bạn bè văn nghệ sĩ ở thành phố Hồ Chí Minh và đối với những người trẻ tuổi từng yêu mến nhạc anh…

Trương Quang Lộc sinh ra và lớn lên tại Tây Ninh. Sau khi tốt nghiệp Tú tài anh về Sài Gòn học đại học Văn khoa, ban Triết học Đông phương, được nửa chừng thì đất nước giải phóng. Thời đi học, anh là một học sinh, sinh viên chuyên cần học tập, trong đó có bộ môn âm nhạc mà anh yêu thích. Lộc biết đàn guitar khá sớm, biết hát những ca khúc đấu tranh của Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn, Trương Quốc Khánh…một cách nhuần nhụy nên thường xuyên tham gia các phong trào văn nghệ ở trường.

Sau năm 1975, Trương Quang Lộc sinh hoạt trong Ban văn nghệ của Đại học Văn khoa (tiền thân của Câu lạc bộ Sáng tác Trẻ Thành Đoàn TNCSHCM) cùng với các nhạc sĩ Từ Huy, Nguyễn Tôn Nghiêm, Nguyễn Văn Hiên, Huy Liêm…và bắt đầu mày mò sáng tác. Ca khúc “Mưa trên đồng lúa xanh”được anh sáng tác trong thời gian này nhưng chưa có gì đặc sắc nên chưa gây được tiếng vang.

Khi trường Văn khoa bắt đầu hoạt động trở lại, Trương Quang Lộc tiếp tục theo học, nhưng lần này anh không học ban Triết mà học môn Ngữ văn. Và vì bận việc học hành nên Lộc không tham gia trong Ban văn nghệ của trường nữa. Lúc này Ban văn nghệ trường đại học Văn khoa đã chuyển đổi thành CLB Sáng tác Trẻ Thành Đoàn. Và trong một lần tình cờ gặp gỡ nhạc sĩ Trần Lợi ở Nhà Văn hóa Thanh Niên, Trần Lợi khuyên Lộc nên trở lại tham gia CLB Sáng tác Trẻ Thành Đoàn. Lộc nói : “Khoảng năm 1981-1982, tôi gặp lại nhạc sĩ Trần Lợi (lúc này đã khá nổi tiếng), Trần Lợi nói tôi có năng khiếu sáng tác, nên tham gia CLB Sáng tác để trau dồi kỹ năng, kiến thức sáng tác. Và thế là từ đó tôi có tên trong CLB Sáng tác Trẻ Thành Đoàn.

Ca khúc thứ hai nhưng được Lộc xem như ca khúc đầu tay vì ca khúc này được Đài Phát thanh TP Hồ Chí Minh chọn thu âm và phát sóng. Đó là ca khúc “Con đường mở về phía biển” do ca sĩ Thiên Nga, một ca sĩ nổi tiếng thời bấy giờ thể hiện. Đây là bước ngoặt lớn trong cuộc đời sáng tác của nhạc sĩ Trương Quang Lộc. Từ đó, anh say mê sáng tác, nhưng tất cả đều trong âm thầm, lặng lẽ…Để rồi, năm nào anh cũng đều đặn cho ra đời và đem trình làng những ca khúc mới của mình. Trong đó có những ca khúc trữ tình, lãng mạn được giới trẻ yêu chuộng như : Tình mênh mang (ca sĩ Đan Trường thể hiện), Chim sáo xa rồi ( Quang Linh), Sắc màu con gái (Cẩm Ly), Đưa em về (Thanh Lan, Phương Thanh), Thơ ấu ( Lam Trường)…Những ca khúc này được đưa vào chương trình Làn Sóng Xanh của Đài FM nhiều năm liền.

QLoc

Nhạc của Lộc có giai điệu mượt mà, trữ tình, đằm thắm nhưng sở trường chính của anh lại là những giai điệu trẻ trung, sôi nổi. Nhiều ca khúc anh viết có tiết tấu nhanh, vui nhộn. Ca từ anh dùng lời lẽ trong sáng, dễ nghe, dễ hiểu : “ThácTrị An, Mây mùa thu, Mùa thu đến…”

Dòng nhạc trẻ anh thể hiện, hàm chứa sâu đậm tình cảm, tình yêu con người, tình yêu quê hương đất nước. Ở đó, người nghe dễ dàng cảm nhận được có những dòng sông lặng lẻ, hiền hòa, êm đềm chảy qua đời mình, có những màu xanh mát dịu của trời mây, và màu xanh yêu thương của cỏ cây hoa lá ươm mầm cho tình yêu đôi lứa…Tất cả đều được Trương Quang Lộc thể hiện bằng những nét nhạc dịu dàng, uyển chuyển qua các ca khúc Quê hương và chim sáo, Phố xưa, Mùa hạ, Mẹ, Biển…

Anh đến với âm nhạc khá sớm, duyên nợ nào thế?

Thuở nhỏ tôi không nghĩ lớn lên mình sẽ trở thành nhạc sĩ. Mơ ước của tôi là trở thành kỹ sư nông nghiệp, để rồi lên Cao nguyên lập nghiệp bằng những đồn điền cà phê, trà…hay những nông trường trồng cải bắp, cải bông, khoai tây, cà rốt…Không ngờ sự đời nhiều khi trái khoáy. Bây giờ cũng nông trường, công trường…nhưng tất cả đều nằm trên nốt nhạc mà thôi.

Từ đó đến nay anh sáng tác khá nhiều. Thế những ca khúc anh sáng tác gần đây và mới nhất?

Tôi viết nhiều thể loại, tình ca, âm hưởng dân ca, nhạc trẻ, nhạc thiếu nhi…đã được nhiều ca sĩ nổi tiếng trong nước trình bày.

Những ca khúc tôi viết gần đây nhất gồm: Yêu rất nhiều nhưng vẫn sợ, Tình hay mong manh con thuyền giấy, Đẹp những phút giây bên người, Anh đã có em trong đời, Một lần yêu…

Nội dung những ca khúc ấy nói gì? Ví dụ như "Tình hay mong manh con thuyền giấy" ? Nghe có vẻ khó hiểu.

Tình hay mong manh con thuyền giấy , nói về một cô gái mới lớn cảm nhận tình yêu là một cái gì đó mong manh rất dễ vỡ. Có điều, bài hát này hiện vẫn còn ở trong ngăn kéo chưa công bố. Bài mới nhất của tôi là bài Tôi ở Sài Gòn , viết theo yêu cầu của Hội Âm Nhạc TP. HCM mà tôi là Hội viên .

Tôi ở Sài gòn ?

Bài này có nội dung nói về những kỷ niệm mà tôi từng một thời và hiện nay gắn bó với TP Hồ Chí Minh:  “Sài Gòn đẹp phố muôn màu, sắc hoa vàng thắm mai đào. Sài Gòn chợ xuân vui sao, mến khách em tôi ngọt lời chào. Đường vua Lê Thánh Tôn, hàng me xanh bóng cây. Về nơi đây lũ trẻ chúng tôi hay đuà vui…

Là người gốc gác ở Tây Ninh nên anh muốn…?

Vâng, đây là ca khúc tôi viết về vùng đất không phải là nơi “chôn nhau cắt rốn” của tôi nhưng tôi vô cùng thương mến. Tôi có quá nhiều kỷ niệm với Sài Gòn. Hết hai phần ba số tuổi của tôi hiện nay là sống, học tập và làm việc ở Sài Gòn, làm sao tôi không thương mến vùng đất này được. Vì vậy, tôi đã viết Tôi ở Sài Gòn để dâng tặng cho người Sài Gòn, tặng những con đường, góc phố, hàng cây…ở đây mà thường ngày tôi vần qua lại.

Hoàn thành một ca khúc hay một đoạn nhạc nào đó, anh có cảm tưởng như thế nào?

Thật hạnh phúc, thật vui sướng không có bút mực nào tả xiết khi mình hoàn thành một ca khúc, hát thử cho anh em bạn bè cùng nghe và được mọi người khen ngợi.

Còn những khó khăn trong sáng tác?

Đến với âm nhạc, tôi đã trải qua nhiều thử thách. Chặng đường âm nhạc tôi đi qua khá dài so với các nhạc sĩ khác, hầu như phải đi đường vòng chứ không đi được đường thẳng như người ta. Nhiều khi tôi cảm thấy chán chường, mệt mõi…muốn nghỉ ngơi không cầm viết, thôi nhìn vào nốt nhạc. Nhưng rồi, tình yêu của âm nhạc đối với tôiquá mảnh liệt nên tôi lại ngồi vào bàn viết, cầm cây đàn nghêu ngao, lại ký âm, xướng âm…và khuông nhạc, những dòng kẽ lại bắt đầu hiện lên những nốt do, re, mi, fa sol…

Anh đã gắn bó với âm nhạc trên ba mươi năm. Điều gì đã khiến anh say mê như vậy?

Đã gần bốn mươi năm tôi đến với âm nhạc. Nó như có một sức hút lạ lùng với tôi. Vất vả, mệt mỏi với âm nhạc cũng nhiều, nhưng ngược lại âm nhạc đã cho tôi nhiều điều bổ ích. Từ tình cảm quý mến của bạn bè thân thiết đến những tình cảm ái mộ của khán thính giả và nhất là sự lôi cuốn không biên giới của thế giới âm thanh, của giai điệu, cung bậc…của âm nhạc đã làm cho tôi như đi đến với vùng trời bình yên nhất, say đắm nhất… không làm sao thoát ra được.

Ly cà phê trên bàn đã cạn. Chúng tôi chia tay nhau trong niềm luyến tiếc. Bước chân ra khỏi căn tin Hội Văn Nghệ - 81 Trần QuốcThảo lúc đường phố đã lên đèn. Giai điệu và ca từ ca khúc Tôi ở Sài Gòn của Lộc đậm đà hơi hướm sắc xuân vẫn còn văng vẳng đâu đây : “Sài Gòn đẹp phố muôn màu, sắc hoa vàng thắm mai đào. Sài Gòn chợ xuân vui sao, mến khách em tôi ngọt lời chào…” Ngồi trên yên xe lòng nghe mơ hồ, dường như con đường trước mặt tôi cứ nhảy múa theo điệu nhạc Rock-ballade dồn dập, tươi tắn của chàng nhạc sĩ họ Trương…

Nguồn: songnhac.vn

Lượt xem: 3283

© NongLamSucTayNinh.com 2011 - 2020. Thiết kế website tại MtStudio.vn

Thành lập ngày 20 tháng 02 năm 2011

Email: nonglamsuctayninh@gmail.com