Một bài hát viết về Tây Ninh
Một bài hát viết về Tây Ninh của cố nhạc sĩ Hoàng Hiệp
NGUYỄN QUỐC ĐÔNG
Bài hát nầy ông viết tặng cho nhạc sĩ Xuân Hồng, một người con quê hương Tây Ninh. Từ nhiều năm qua làm công tác âm nhạc tôi cũng không thấy bài hát nầy ở đâu, kể cả trên các tuyển tập nhạc về Tây Ninh hay được trình diễn phát sóng... Trong những lần sinh hoạt văn nghệ cũng không nghe thấy anh em nói đến, có lẽ bài hát chưa được phổ biến rộng rãi.
Tôi đã in lại bài hát và đàn thử thì thấy giai điệu rất nhẹ nhàng, mạch lạc, tình cảm. Đây là bài hát viết trên cung La thứ nhịp 2/4 tiết tấu hơi nhanh, ca từ gồm 3 lời với 44
trường canh chia làm 3 đoạn, đoạn cuối ngắn là một điệp khúc với âm hưởng la trưởng. Về nội dung thì lời lẽ rất chân thành tình cảm: “Ngày anh ra đi em còn cắp sách đến trường… rừng quê hương ta đã nuôi đời anh khôn lớn…” và tác giả đã nhắc lại những địa danh Tây Ninh một thời chiến đấu gian lao anh dũng: “Đêm Xa Mát gió đùa qua Trảng Lớn, nhớ Tua Hai công đầu sáng niềm tin…” hay: “Từ khu Dương Minh Châu em lại sang Tân Biên, đường anh đi năm xưa đã in bàn chân của em…”
Những năm 1980, khi tôi làm ở Ty Thông tin văn hóa Tây Ninh thì đã hân hạnh được biết nhạc sĩ Hoàng Hiệp khi ông lên Tây Ninh giao lưu cùng các nhạc sĩ Xuân Hồng, Lư Nhất Vũ, Xuân Thới…
Nhạc sĩ Hoàng Hiệp tên thật là Lưu Trần Nghiệp, bút danh là Lưu Nguyễn, sinh ngày 1.10.1931 ở xã Mỹ Hiệp, huyện Chợ Mới, An Giang. Ông tham gia cách mạng vào năm 1945, đoàn Tuyên truyền lưu động Long Xuyên, sau chuyển về đoàn văn công và phân hội Văn nghệ Long Châu Hà. Hoàng Hiệp bắt đầu sáng tác từ năm 1948, tuy nhiên phải đến năm 1957 khi bài hát Câu hò bên bờ Hiền Lương ra đời chung với nhạc sĩ Đằng Giao mới để lại dấu ấn cho người nghe và công chúng biết đến tên tuổi ông. Đây là điểm khởi đầu cho sự nghiệp sáng tác chuyên nghiệp của nhạc sĩ Hoàng Hiệp.
Trong vòng 20 năm sống ở Hà Nội cho đến năm 1975, ông đã viết hơn 100 bài hát, nhiều bài trong đó là tiêu biểu cho dòng nhạc cách mạng thời kỳ chống Mỹ cứu nước, như Lá đỏ, Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây, Cô gái vót chông hay Ngọn đèn đứng gác.
Sau 1975 Hoàng Hiệp trở về miền Nam. Ông công tác tại Nhà xuất bản Âm nhạc thành phố Hồ Chí Minh, sau chuyển sang Hội âm nhạc thành phố và một thời gian làm Tổng thư ký Hội. Từ những năm sau nầy, ông trở về với những dòng nhạc trữ tình dạt dào tình cảm và nổi tiếng là một nhạc sĩ phổ thơ hay nhất (được gọi là Ông hoàng phổ thơ) như những bài Con đường có lá me bay, Mùa chim én bay (thơ Diệp Minh Tuyền), Em vẫn đợi anh về (thơ Lê Giang), Đánh mất (thơ Thanh Nguyên), Chút thơ tình lính biển (thơ Trần Đăng Khoa), Hoa hồng (Hoàng Phủ Ngọc Tường)…
Cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Hoàng Hiệp trải dài khắp các miền đất nước; miền Bắc thì có ca khúc “Nhớ về Hà Nội”; về miền Trung có “Câu hò bên bờ Hiền Lương”, “Lá đỏ”; khi xuôi về Nam thì có “Trở về dòng sông tuổi thơ”… và giờ đây có thêm bài Vì ngày mai Tây Ninh của miền Đông Nam bộ.
Những ca khúc của nhạc sĩ Hoàng Hiệp thường mang âm hưởng dân ca, trữ tình, dễ nhớ, lắng đọng lòng người. Năm 2000, ông được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật cho các tác phẩm: Câu hò bên bờ Hiền Lương, Cô gái vót chông, Ngọn đèn đứng gác,Trường Sơn đông - Trường Sơn tây, Viếng Lăng Bác, Nhớ về Hà Nội.
Ông mất ngày 9.1.2013 tại thành phố Hồ Chí Minh.
Trở lại với bài hát Vì ngày mai Tây Ninh, đây là bài hát hay nói về quê hương Tây Ninh của một nhạc sĩ nổi tiếng mà trên 3 thập kỷ qua chúng ta chưa biết đến, nhất là những người yêu nhạc Tây Ninh. Nhân tiện đây tôi xin kèm theo bài hát về Tây Ninh của Cố nhạc sĩ Hoàng Hiệp, rất mong các ban ngành chức năng lưu tâm có dịp sẽ thu âm, xuất bản để giới thiệu đến công chúng trong và ngoài tỉnh.
Nhạc sĩ Nguyễn Quốc Đông
Tin mới
Các tin khác
© NongLamSucTayNinh.com 2011 - 2020. Thiết kế website tại MtStudio.vn
Thành lập ngày 20 tháng 02 năm 2011
Email: nonglamsuctayninh@gmail.com