Viết về ngôi trường NLS Pleiku

Chuyên mục: Giao lưu gia đình NLS Được đăng: Thứ năm, 26 Tháng 7 2018 Viết bởi Ngô Tấn Bình

VIẾT VỀ NGÔI TRƯỜNG NLS PLEIKU

NGÔ TẤN  BÌNH

 Thật tình mà nói, khi tôi hứa với Quang Minh sẽ có một bài viết về đề tài NLS Pleiku thì thật sự tôi cũng chưa hình dung ra sẽ viết gì. 
    Nhưng có phải có rất nhiều điều để  chúng ta  nhìn lại. Dẫu có hơi muộn màng một chút, sẽ có bạn nói với tôi rằng chút muộn màng

đó tính ra sơ sơ từ 1975 đến 2014 cũng đã 39 năm. 

Năm đó 1970, tôi là một cậu thanh niên còn rất trẻ và non nớt tuổi đời, ham vui, biếng học nên bị lũ bạn rũ rê bỏ cũ theo mới. Nhảy qua NLS Pleiku mà không cần quay đầu nhìn lại đám bạn trung học Pleiku ai còn ai mất. Tuổi nhỏ ham vui! Thôi xin chiến hữu thứ lỗi! Thật sự thì cho tới giờ này tôi  vẫn không biết vì lý do gì khiến tôi quay lưng lại như thế! 
Ngôi trường NLS Pleiku của tôi nằm trên một ngọn đồi cao trên con đường Lý Thái Tổ, thuộc ngoại ô thị xã Pleiku và cách trung tâm khoảng 5 km, vậy mà hàng ngày tôi vẫn thường xuyên cuốc bộ từ  nhà đến trường một cách ngon ơ không mệt mỏi. 
Dĩ nhiên có những điều mà bạn chưa hình dung ra hết được, ngôi trường của tôi đơn sơ và hoang sơ một cách kỳ lạ. Đơn sơ vì nó không ra một ngôi trường, con đường dẫn vào trường là một con đường đất đỏ dẫn tới hai lớp học A và B, lớp học đơn sơ vì gốc của nó là trung tâm sắc tộc được trưng dụng đổi thành trường NLS., nó đúng là nơi gió bụi mưa mù! Và nó nằm trên một ngọn đồi cao nhìn qua bên kia một ngọn đồi của một plei (làng) người dân tộc khác, đồi núi chập chùng, hoang sơ tận cùng hoang sơ. Đi dọc theo con đường trước mặt lớp học dẫn xuống chân dốc là khu vườn thực tập của học viên, mà thực chất là một miếng đất chưa trồng trọt gì. Đồng phục của học viên (chứ không gọi là học sinh) là áo nâu, quần sậm màu (đen hoặc xanh đậm) ;nữ thì áo dài cũng nâu luôn .Tay thì vác cái  cuốc (trong giờ thực hành) thành ra trông coi bộ giống nhà nông, bởi vậy tụi tui bị gọi là "Nông lâm heo". Nghe cái tên thì bạn thấy chẳng hay ho gì, có khi còn mặc cảm nữa! Đang là học sinh quần xanh áo trắng lại biến thành nhà nông! 
Vì chỉ có hai lớp, nên lớp A có con gái trong đó có tôi, lớp B là lũ bạn quậy của tôi. Lớp B thì ngầu hơn A và bợm trợn hơn, lớp A học hành chăm chỉ hơn, còn B cúp cua nhiều hơn . Vì thế, khi trong trường nổ ra những cuộc nổi loạn này kia thì thường là do nhóm B cầm đầu, chúng ta  còn nhớ khi học qua năm thứ hai, tức là lớp đệ tứ thì xảy chuyện xuống đường, tuyệt thực để xin xây dựng trường lớp mới thì lũ bạn lớp B cầm đầu vụ này. Sau đó Nha học vụ NLS saigon rót kinh phí để thầy Biên (hiệu trưởng) bắt đầu xây dựng trường mới phía dốc cây số ba theo mô hình copy lại mẫu của NLS B'lao vì nguyên thủy thầy Biên xuất thân từ NLS B'lao). Bạn sẽ thấy mẫu trường lớp mới với mái nhà dốc hẳn xuống giống như mẫu nhà rông nhìn từ xa trông rất đẹp. Tôi đã trở lại địa điểm này để có một tấm hình minh hoạ nhưng cảnh xưa không còn. Nơi đây giờ đã trở thành một khu dân cư mới. 
Trường tôi học thô sơ và đơn sơ, hàng ngày  nắng  và bụi, dưới kia là con đường vòng dành  cho các loại xe dân sự và quân sự  di chuyển, thời cuộc lúc đó nóng bỏng. Vậy mà đám bạn tôi vẫn không ngừng quậy, không biết bạn nào đó đã cắc cớ chơi một tấm bảng Stop và kèm một đầu lâu với hai khúc xương bắt chéo đã làm ắch tắt giao thông một ngày. Thật là nhất quỷ nhì ma...
Hai lớp học đầu tiên của niên khóa đầu (gọi là khóa đàn anh) chưa tới một trăm nhưng đã làm sôi động khung trời NLS Pleiku. Ở đây học được hai năm thì hết lớp, sau đó lũ chúng tôi phải chuyển trường đi về các trường khác ,đó là một giai đoạn đổi mới trong cuộc đời học sinh. Cuộc đời học sinh NLS chúng tôi vui nhất là giờ nông trại, nếu bạn học bên phổ thông chỉ có mài đũng quần trên ghế nhà trường thì trái lại ở đây chúng ta được thoải mái giữa trời đất bao la, nếu bạn trồng khoai thì sau vài tháng bạn sẽ lén nhà trường nhổ trộm nó lên và chúng tôi đã như thế đấy! 
Cuối năm hai thầy Biên tuyên bố sẽ cho ra đời đặc san mang tên  Vở Đất, thế là các bạn có cơ hội gởi bài viết về tất cả đề tài  cho trưởng ban báo chí là tôi. Bìa đặc san được thầy Biên cho in offset rất là đẹp, vui nhất là đêm in ruột, những bài được chọn thì chuẩn bị quay roneo. Và bài tuỳ bút tôi tranh thủ sáng tác cấp tốc, tự đánh máy cho kịp in luôn trong đêm. Đối với tôi đó là một kỷ niệm tuyệt vời trong đời học sinh và không có lần thứ hai. Sau này tôi vẫn giữ kỹ quyển đặc san như một báu vật cho tới khi bị thất lạc vì những lý do ngoài ý muốn. 
   Khi ngôi trường mới xây xong thì cũng là lúc khoá đàn em ngồi vào lớp chứ không phải là ai, bởi lúc đó chúng tôi đã rời trường cũ và ra đi, đứa thì B'lao, Cần Thơ, Darlac v.v. 
Bây giờ thì  những khuôn mặt bạn bè đã rời xa nhau, một số gặp lại nhau ở đất Sài Gòn Pleiku thậm chí ở nước ngoài, có bạn đã ra đi miên viễn, có bạn giàu có, có bạn bần hàn, thanh bạch, nhưng nếu gặp lại vẫn là một lũ bạn thân thiết đúng nghĩa không kim tiền nào làm phai lạt. Các Thầy cô có người đã ra đi và có người còn ở lại. Cuộc đời sau những biến đổi thăng trầm, tang thương dâu bể, nhìn lại một đời người đến rồi đi nhanh như vó câu qua cửa..! 
   Hôm trước tôi có đọc qua một bài viết trên Trang nonglamsuctayninh.com và các bạn hãy hiểu rằng nếu một người nào đó có bài viết về NLS Pleiku thì người đó có lẽ chính là tôi sẽ cung cấp cho các bạn…
                              NGÔ TẤN BÌNH
                             Sg, tháng 3/2014.
(Ghi chú:đặc san mang tên là Vở Đất)

Lượt xem: 4771

© NongLamSucTayNinh.com 2011 - 2020. Thiết kế website tại MtStudio.vn

Thành lập ngày 20 tháng 02 năm 2011

Email: nonglamsuctayninh@gmail.com