Ứng dụng công nghệ sinh học trong chăn nuôi bò sữa

Chuyên mục: Trang Nông nghiệp & Đời sống Được đăng: Thứ năm, 08 Tháng 11 2012 Viết bởi Ngọc Huệ

Thành phố Hồ Chí Minh: Ứng dụng công nghệ sinh học  trong chăn nuôi bò sữa

Ngọc Huệ NLS TN

Trong những năm qua, công nghệ sinh học (CNSH) đã có những tiến bộ nhanh chóng, Chính

phủ đã phê duyệt “Chương trình trọng điểm và phát triển ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2020”.

Công nghệ cao (CNC) đã được áp dụng trong nông nghiệp nước ta và bước đầu có một số thành tựu nhất định, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng của một số sản phẩm nông nghiệp. CNSH có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần bảo đảm an ninh lương thực, chuyển đổi cơ cấu và phát triển bền vững kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Cung cấp những sản phẩm cơ bản và cần thiết để chăm sóc sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường sống và phát triển liên đới nhiều ngành công nghiệp khác.

Thành phố Hồ Chí Minh (Tp.HCM) là thành phố đầu tiên trong cả nước xác định vị trí ưu tiên cho phát triển công nghệ sinh học (CNSH) và đã xây dựng chương trình CNSH có ban chỉ đạo để định hướng chiến lược cho phát triển CNSH của thành phố,với định hướng phát triển 03 con vật nuôi, đó là: cá sấu, tôm sú và bò sữa. Trong đó, bò sữa là đối tượng vật nuôi cần được ưu tiên vì Tp.HCM là nơi cung cấp giống bò sữa cho cả nước.

Chương trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp giai đoạn 2011 – 2015 của Tp.HCM (QĐ số 13/2011/QĐ-UBND) định hướng tiếp tục chương trình phát triển bò sữa, đã đề ra những mục tiêu cụ thể, bao gồm:

- Xây dựng vùng chăn nuôi theo hướng GAHP, duy trì đàn bò sữa đến năm 2015 là 80.000 con, trong đó bò cái vắt sữa đạt 45.000 con, sản lượng sữa tươi đạt 292.500 tấn, tăng trưởng bình quân trong giai đoạn này là 4,2%. Số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trên tổng số hộ chăn nuôi bò sữa đạt tỷ lệ dưới 50%.

– Ứng dụng quản lý giống bò sữa theo các chương trình quản lý giống tiên tiến như đánh giá tiến bộ di truyền theo phương pháp BLUP và chương trình cải thiện đàn bò theo phương pháp DHI. Tăng tỉ lệ tiêm phòng bắt buộc lên 100% tổng đàn thuộc diện tiêm phòng. Tăng cường khả năng kiểm soát dịch bệnh, nhất là những bệnh nguy hiểm. Khống chế được bệnh lở mồm long móng, lao, leptosspirosis, brucellosis và ký sinh trùng đường máu. Tỉ lệ viêm vú trên bò sữa không quá 15%. Cũng đến năm 2015, môi trường trong chăn nuôi phải được kiểm soát bằng hệ thống xử lý chất thải chiếm 65 – 67%, tỉ lệ sử dụng thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh (TMR) tăng 20 – 25%, tỉ lệ cơ giới hóa trong chăn nuôi bò sữa đạt 30 – 35%.

Muốn cải thiện nhanh chất lượng đàn bò sữa ở Tp.HCM, cần phải áp dụng những kỹ thuật, công nghệ mới. TS. Chung Anh Dũng, Phòng Công nghệ sinh học - Viện KHKT miền Nam đã trình bày tại Hội thảo “Ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp”, trong khuôn khổ Hội chợ Nông nghiệp Công nghệ cao và Công nghệ Thực phẩm 2012 (Hi-Tech – 2012) về những công nghệ như: Công nghệ cấy truyền phôi (MOET) để nhân nhanh đàn bò cái cao sản; Công nghệ sản xuất phôi bò in vivo và in vitro, trong đó ưu tiên sử dụng tinh bò đã phân tách (Sorted semen) để sản xuất phôi bò cái cao sản; Công nghệ sản xuất tinh bò đã phân tách (sexed semen) và đông lạnh trong đó sử dụng kỹ thuật MOET để sản xuất bò đực giống nhằm tiết kiệm ngoại tệ nhập bò và rút ngắn thời gian thời gian tiến hành kiểm tra qua đời sau (progeny test)… cung cấp tinh bò đông lạnh chất lượng cao cho công tác gieo tinh nhân tạo toàn quốc; Công nghệ sử dụng Bovine Geadchip kết hợp với các chương trình quản lý giống DHI hay đánh giá giá trị giống BLUP để nâng cao hiệu quả của công tác chọn giống bò; Công nghệ chuồng trại nhằm giảm stress: Tạo điều kiện môi trường phù hợp sinh lý bò sữa, giảm ô nhiễm môi trường (từ phân, nước tiểu, khí thải ra từ bò sữa), sản xuất sữa sạch; Công nghệ sản xuất thức ăn hoàn chỉnh (Total Mixed Ration – TMR) cho bò sữa để khai thác tốt khả năng sản xuất và sinh sản của bò nuôi tại trung tâm và làm tiền đề ứng dụng TMR trong chăn nuôi bò sữa toàn khu vực Tp.HCM…

Tuy nhiên, những kỹ thuật, công nghệ cao không thể áp dụng đại trà ngay vì đòi hỏi phải đầu tư lớn và cũng cần có đội ngũ cán bộ có tay nghề cao để sử dụng được những thiết bị hiện đại. Cho nên, cần thiết phải xây dựng trung tâm sản xuất giống bò sữa cao sản từ việc áp dụng các kỹ thuật, công nghệ cao và khu nông nghiệp công nghệ cao là một trong những địa điểm thích hợp để xây dựng trung tâm này.

Ngọc Huệ - Diệp Lục Tố ghi  chép

 
Lượt xem: 5659

© NongLamSucTayNinh.com 2011 - 2020. Thiết kế website tại MtStudio.vn

Thành lập ngày 20 tháng 02 năm 2011

Email: nonglamsuctayninh@gmail.com