Bài Thơ Khác của Huyền Chi

Chuyên mục: Truyện ngắn - Bút kí - Tùy bút Được đăng: Thứ ba, 26 Tháng 3 2019 Viết bởi Ban điều hành

Bài Thơ Khác của Huyền Chi

 Phạm Công Luận

 

Mấy năm trước, tôi gặp một kỹ sư người Nhật gốc Việt và được anh kể khi còn bé thường được người trong họ là cô Hồ Thị Ngọc Bút, bút danh là Huyền Chi, dắt đi chơi. Nhờ đó, tôi tìm được nhà thơ Huyền Chi, người sáng tác bài thơ Thuyền Viễn Xứ được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc. Câu chuyện cô kể về đời mình, tôi đã viết trong cuốn “Sài Gòn chuyện đời của phố” tập 4.

 Trò chuyện lần đầu, tôi bất ngờ biết cô là em ruột của vị chủ nhân Hồ Gia Trang,   một  khu du lịch mini cách nhà cô vài chục mét trên đất Thủ Thiêm. Cách nay hơn 25  năm, tôi cùng bạn bè thường đến đó chơi vào cuối tuần, bơi dưới hồ và ngồi ăn uống   quanh mấy chiếc bàn trên bờ dưới bóng cây. Thức ăn ở đó nấu ngon, luôn có tiếng   nhạc không lời vẳng ra nhẹ nhàng. Chủ nhà lúc đó đã lớn tuổi, cao gầy và có dáng vẻ  một viên chức về hưu. Ở khu du lịch Hồ Gia Trang, ông cho dán những tấm bảng yêu cầu hai điều với khách: Không gây ồn ào và không... chửi thề. Ai cũng nghĩ ông là một trí thức trước 1975, gặp thời thế khó khăn nên mới mở khu nhà nghỉ dưỡng mang họ của mình để kinh doanh du lịch. Cô cho biết ông anh cô là cựu học sinh Lasan Taberd, trước đây là nhà xuất nhập cảng và là đồng chủ nhân hồ bơi Thiên Nga nổi tiếng ở khu Thảo Điền trước 1975.

 Nhiều người nghĩ là cô sinh ngoài Bắc nên mang ký ức về quê hương xứ Bắc cùng con sông Đà và đưa vào bài thơ “Thuyền viễn xứ”. Nhưng chính xác là cô Huyền Chi sinh ở Tân Định thuộc Sài Gòn, chỉ biết miền Bắc trong những dịp hè ra thăm quê trước 1954 và cho đến nay, cô vẫn chưa từng đến Đà giang. Cô viết bài thơ Thuyền Viễn Xứ bằng nỗi đau khi chứng kiến những cuộc chia ly trong gia đình người Nam kẻ Bắc, qua các biến cố của đất nước. Trí tưởng tượng đủ cho người đọc thơ của cô cảm thấy rung động, dẫn đến hình thành ca

khúc “Thuyền Viễn Xứ” tuyệt hay từ tài phổ nhạc của nhạc sĩ Phạm Duy.

 Bài thơ nói trên của cô là một bài thơ hay, nhưng tập thơ “Cởi Mở” của cô in năm 1952 còn có vài bài khác, theo tôi cũng hay, lại gân guốc và sắc sảo hơn,

thể hiện cá tính mạnh mẽ của một nữ lưu thời ly loạn. Xin trích ở đây vài đoạn trong bài thơ khác cùng tập, được in lại trong cuốn “Huyền Chi và thuyền viễn xứ” vừa xuất bản. Xin cám ơn cô Hồ Thị Ngọc Bút, bút danh Huyền Chi đã gửi tặng vợ chồng tôi cuốn sách này.

 

Trích bài ÁM ẢNH

Lòng tôi đọng lại nghìn sa mạc,

Ám ảnh mùa thu sắc áo rờn!

Một ngàn lẻ một triều hưng thịnh,

Đổ cả tâm tình xuống tóc đơn.

Tóc nõn măng tơ đàn trẻ nhỏ,

Kề nhau rưng rức chuyện hoàng hôn!

Não nùng cô phụ in rèm lạnh,

Nghe vỡ mùa trăng giữa đáy hồn!

Tóc bạc phơ phơ cười tiết tháo:

Sống thì tiết liệt, chết thì chôn!

Bàn tay nứt nẻ vì giông bão,

Run cả trang thơ một nỗi hờn!

Áo trắng lời ai qua nước mắt:

Kinh thành chân lạnh bé con con!

Ngỡ ngàng có kẻ cười ghê rợn:

Hãy gẫy giùm ta một khúc đờn!

Nức nở đêm nao bao mái tóc,

Hướng về cố quận mấy quan sơn…

Nức nở đêm nao bao mái tóc:

-Giờ đây không biết mất hay còn?

(Huyền Chi)

 

Phạm Công Luận

 (Nguồn: FB của chị Tuyết Trần)

Lượt xem: 3441

© NongLamSucTayNinh.com 2011 - 2020. Thiết kế website tại MtStudio.vn

Thành lập ngày 20 tháng 02 năm 2011

Email: nonglamsuctayninh@gmail.com