Chuyện cúng giỗ

Chuyên mục: Truyện ngắn - Bút kí - Tùy bút Được đăng: Thứ ba, 23 Tháng 7 2024 Viết bởi Ban điều hành

CHUYỆN CÚNG GIỖ

 Bùi Tho

 Ngày giỗ bà nội , là một ngày vui đối với anh em chúng tôi. Ngày đó  được ba tôi cho mặc quần áo đẹp, đi xe đò ra An Lạc , nhà của bác hai. Nơi đó có vườn trà rộng, có nhiều cây trái ,có suối nước. Anh em tôi cùng với các anh em trong họ tha hồ vui đùa trong lúc các người lớn ngồi nói chuyện, các bà các chị thì lo ở bếp núc. Khi mâm cỗ được dọn xong, bàn thờ  được lên đèn, bác hai là người đốt nhang khấn vái trước tiên, rồi đến cô ba đến ba tôi. Chúng tôi cũng được gọi tập trung trước bàn thờ theo lệnh người lớn  các con chắp tay lạy bà nội bà ngoại. ngoài ra còn các bác gái các chị sau khi xong nhà bếp cũng lên đốt nhang kính cẩn bái lạy. Sau đó là phần ăn uống, bọn trẻ chúng tiếp tục chơi đùa cho đến chiều tối mới về.

    Sau vì lý do an ninh, giỗ nội được tổ chức tại nhà tôi. Tôi biết rỏ thêm là sau cái tết ba má tôi đã bắt đầu chuẩn bị nếp, bột, nuôi gà, cây trái trong vườn…cho ngày giỗ. Trước một tuần ba tôi đã tiến hành đi mời một số người thân quen, đến ngày giỗ còn sai chúng tôi đi mời một lần nữa. Trước ngày giỗ là tập trung các vật phẩm cho việc chế biến thức ăn, còn bánh tét, bánh ú, bánh ít thì có thể gói trước một hai hôm, các loại bánh này chỉ có  vào ngày tết và ngày giỗ thôi. Vì đây là việc hiếu để của con cái nên người được mời, chỉ ghé thắp cây nhang chứ không phải đem theo vật phẩm nào cả. Sau khi dùng tiệc xong còn được nhận vài cái bánh ú, bánh ít về cho con cháu.

     Trong sách Giáo khoa toàn thư ngày ấy có nói về việc  giỗ  kỵ  chủ yếu là ghi nhớ công ơn cha mẹ, ngày đó bàn thờ cần được trang trọng với  hương hoa , trái cây không cần mâm cao cỗ đầy. Tốt  nhất là làm sao tập trung gia đình nhắc lại công lao của cha ông, theo đó dặn dò con cháu gìn giữ gia phong, thương yêu tộc họ. Cho nên theo đó có câu cách ngôn “ Sống thời con chẳng cho ăn, Chết xuống âm phủ làm văn tế ruồi”

    Bây giờ, xã hội đã tiến hóa, công nghệ thông tin ra đời… lòng người cũng đổi ?

    Giỗ chạp cũng phải đổi thôi. Trào lưu tiến bộ mà. Mấy đưa con gái mấy nàng con dâu chẳng phải xăn tay áo lăn vào bếp nữa mà có dịch vụ nấu ăn rồi,  cánh đàn ông chủ trì khỏi phải đi mời, thưa gửi nữa mà “ A lô, ngày kỉa ngày kia giỗ  ông già , mày tới uống chén rượu,” Còn đến các vị lớn tuổi, thì còn một chút cung cách là có thiệp mời lễ giỗ. Rồi thì mạnh anh anh mời, mạnh em em mời, nhóm thể thao, nhóm học cùng lớp, nhóm nhậu, nhóm chơi chim, chơi cảnh..có cái giỗ đãi  “xêm xêm” với một đám cưới. Chính ngày giỗ thì  người nhà chỉ lo đón khách, khách đến loại già gìa thì túi trái cây , hộp bánh tây, còn tre trẻ thì mỗi anh vác một thùng bia nào là  Heineken, tiger, sài gòn… Sau thời nhang khói “cúc cung”  là bắt đầu dô…dô…Rượu vào thì lời ra, ai cũng dành nói, nói to chuyện trời chuyện biển rồi lý sự, rồi bắt bẻ không ít màn kết thúc là cải lộn, và không hiếm cảnh  thựơng tay hạ chân như chơi…

****

Một ngôi nhà to lớn uy nghi như một dinh thự, cánh cửa chính dược mở rộng, nhưng vô cùng vắng vẻ, chỉ có người quản gia chốc chốc nghe điện thoại rồi lại dõi  mắt ra cánh cổng  chờ đợi…không lâu một chiếc xe chạy đến đậu trước sảnh, mấy người trên xe nhanh chóng bưng những thùng, hộp vào ngay trước bàn thờ, tự tiện chưng bày các phẩm vật, gồm các thứ cao lương mỹ vị, có cả rượu tây, đến hoa, nến cũng được bày biện. một người trong đoàn nhanh chóng mặc áo dài gấm xanh chữ thọ  đội khăn đóng , đốt ba cây nhang sau khi vái lạy tứ hướng tám phương, cung kính trước bàn thờ khấn rằng :

 “” Việt Nam Quốc, Lâm Đồng tỉnh ,Blao huyện – kim nhật :thập tứ nhật. , thập nguyệt, nhị thiên thập thất thập ngũ niên.”( hôm nay ngày 14 tháng 10 năm 2075)

Kính bạch chư vị tiên tổ, con tên là Lê văn Mỗ tiếp tân nhà hàng khách sạn Bông sen, thừà lệnh của quí ông bà Bùi văn, Bùi thị  đã thiết xong lễ vật xin cẩn cáo.””

Thì ngay lúc đó, giàn loa công suất lớn trong nhà vang lên tiếng chính của chủ nhân “

  • Kính thưa cữu huyền, thất tổ , Kính thưa tiên tổ nội ngoại,kính thưa ba má,
  • Hôm nay chúng con gồm Bùi văn Một, Bùi văn Hai, Bùi thị Ba… cùng dâu rể và cháu chắt… nhớ ngày húy kỵ của ba má, tập trung tại đây dâng cúng phẩm vật, ghi ơn công lao trời biển của ba má. Xin ba má thương chúng con phò hộ dộ trì cho chúng sức khỏe, thăng quan tiến chức, làm ăn phát đạt bằng năm bằng mười năm ngoái , phò hộ cho cháu chắc học giỏi thi đậu, có công ăn việc làm.

          Nguyện cầu hương linh ba má được đời đời an nhàn trên lạc cảnh.

 

Sau đó, nhân viên lễ tân nhà hàng, giao toàn bộ lại cho quản gia  và nhắc sau khi tàn nhang, nhớ châm trà đốt vàng bạc, hạ đèn…phẩm vật cúng ở bàn thờ theo lệnh của ông chủ  Bùi văn Một là gia đình quản gia được hưởng, rồi ra về

 

Cùng  lúc này, tại nhà hàng sau khi khấn vái bái lạy trước cái Ti vi xong là phần  mời mọc ăn uống, vợ chồng  anh Một đến chào bàn khách mình, vợ cồng anh chi Hai, anh chị Ba cũng thế. Rồi vang vang  đây đó dô, dô,  có ca nhạc giúp vui.

 Tàn tiệc là khiêu vũ, hát Karaoké.

 

 Buổi lễ  giỗ chỉ diễn ra không đầy mườt phút đồng hồ,  nghe qua khá tươm tất. Xin nói rõ, đây là một kịch bản được diễn khá hoàn chỉnh. Vì khi người lễ tân bày biện phẩm vật cúng thì  hệ thống camera đã chuyển hình ảnh về thể hiện trên màn hình tinh thể lỏng rộng 300 inch đặt ngay đại sảnh của nhà hàng khách sạn Bông sen, dưới sự điều động của MC tất cả gia đình đều quì chắp tay trước màn hình đang chiếu ảnh bàn thờ ở nhà. Lời khấn vái của ông Bùi văn Một,  con trưởng, được trực tiếp truyền thanh về nhà cho tiên tổ và ba má trên bàn thờ nghe .

Đó là một dịch vụ lo việc cúng giỗ có từ năm 2030, rất tiện lợi bởi gia chủ không phải lo sửa sang nhà cửa, chuẩn bị rạp che, lo nấu nướng, làm bánh, lo chỗ ở chỗ ăn cho người về cúng giỗ…trong lúc tại nhà hàng, con gái con dâu không phải lo xuống bếp, chỉ còn lo mặc đẹp và trang diểm cho sang, cháu con thì có trò chơi điện tử, chỗ ngủ thì có phòng khách sạn hạng sang, đón khách thì có tiếp viên, nghi thức thì có lễ tân, khấn bái thì cha mẹ cũng nghe bàn thờ chưng bày thì ai ai cũng thấy vừa to lớn vừa rỏ ràng…Nói chung là một lễ giỗ vô cùng hoành tráng.

***

Có một tiểu tiết, sau lễ cúng giỗ . Những đêm sau đó  các con của ông bà, hoặc là chiêm bao, hoặc do ám thị mà thoang thoảng nghe rằng “ nay ba má đã đi xa, không thiết gì việc ghi ơn tạc dạ của con cháu nữa, không thiết gì mâm cao cỗ đầy của các con cúng kiếng nữa, nên dành phần tiền bạc này cho việc từ thiện cứu giúp kẻ khốn khó…”   ai cũng luôn luôn áy náy trong lòng.

 Để rồi  có cơ hội về trước bàn thờ cũng tỏ ra chăm chút nhang đèn, cùng phát hiện mà không dám nói ra là hai bức ảnh thờ bị phai mờ đột ngột không còn thấy nữa ??

 

***Chuyện rằng “ Sau khi anh lễ tân nhà hàng ra về, dù người quản gia vẫn đứng hầu nước, thì trên bàn thờ  đã tiến hành một cuộc nói chuyện :

  • Bà nó còn đó không ?
  • Còn đấy
  • Bà có thấy gì trong bữa giỗ này không ?
  • Ông hỏi gì kỳ vậy? mắt tui mù từ lâu rồi, mũi tui thoang thoảng món gà rô-ti, hình như có thịt heo quay thì phải. Tai tui vẫn còn nghe là thằng Bùi văn Một khấn giống y như năm ngoái, chắc năm nay chúng nó đông hơn, năm rồi có mấy đứa lấy vợ lấy chồng mà.
  • Đông cái con khỉ? Có thấy mặt thằng nào con nào đâu ?Chỉ nghe tiếng nói, phát ra ở mấy cái loa do nó chuyển vô tuyến từ nhà hàng về.
  • Vậy không có đứa nào ở đây sao?
  • Có, có thằng giữ nhà nó đang đợi tàn nhang đem đồ cúng xuống ăn kìa, có cái thằng lễ tân lễ tiếc gì nó về rồi !
  • Thôi kệ nó đi, chí ít nó cũng nhớ ngày, cũng dâng phẩm vật cho mình ngửi thấy mùi..
  • Thôi đi bà, Theo cái đà này nay mai chắc cũng chẳng có heo quay, gà xối mỡ nữa đâu, thay vào đó nó trải lên bàn một bức tranh 3D, 4D đầy đủ thịt cá, hương hoa. Mình thấy mà chẳng sờ mó được đâu. Rồi chúng nó chẳng cần tập trung, đứa Sài Gòn, đứa Hà nội, đứa Đà lạt, đứa Bảo lộc, có thể có đứa ở Singapore nó chuyển lời khấn bằng điện thoại di động nữa không chừng. Theo ý tui thì…

Hai ông bà đã chụm đầu lại thầm thì…

Cho đến khi tàn nhang , chú quản gia châm tuần trà cuối rồi bưng mâm vàng bạc gạo muối ra sân, khi giấy vàng bạc được đốt xen với mấy cọc 100 USD tiền âm phủ, hồn đang thả theo hương khói thì bên trong nhà “Xoảng” một tiếng, nó vội vả chạy vào thì thấy cái tách trà lúc nãy nó vừa châm vỡ tan trên nền gạch, từ bối rối đó nó lại đâm ra lo sợ vì chỉ thấy những mãnh sứ vỡ, còn nước trà vừa châm sao không thấy giọt nào rơi vãi trên nền gạch? Tự nhiên người lạnh toát nó vội chạy ra ngoài không thiết gì đồ cúng nữa.

 Nếu nó còn ở đó nhìn lên bàn thờ thì chắc nó sẽ chết ngất thôi.

    Vì trước đó một chốc,

Hai ảnh thờ của ông bà mờ dần rồi biến mất

 BT

Lượt xem: 207

© NongLamSucTayNinh.com 2011 - 2020. Thiết kế website tại MtStudio.vn

Thành lập ngày 20 tháng 02 năm 2011

Email: nonglamsuctayninh@gmail.com