Quê Hương...

Chuyên mục: Truyện ngắn - Bút kí - Tùy bút Được đăng: Thứ năm, 05 Tháng 5 2011 Viết bởi Rể NLS

null

             Rể NLS

Quê hương hai tiếng thật gần mà cũng thật xa, thật cụ thể mà cũng thật trừu tượng. Có người nói quê hương là nơi ta sinh ra và lớn lên , có người nói quê hương là những ký ức thời thơ ấu còn đọng lại như chùm khế ngọt, có người nói quê hương là

những tiếng nói bập bẹ đầu đời…Nhưng tất cả đều đồng ý rằng nhiều quê hương như thế của nhiều người  chung một dòng máu, chung một nguồn cội tạo thành hai tiếng thiêng liêng : TỔ QUỐC.
 
Sang đất bạn làm việc hơn sáu tháng, mắt tôi quen dần với công nhân vận trang phục Khmer, nhà sàn mái cong, tiền riel ; tai quen dần với “muôi , pi, pây” ; miệng quen dần với những món ăn nêm đầy gia vị, bia ABC đậm đà hơn hẳn Heineken nhưng nỗi nhớ nhà vẫn không nguôi. Nơi tôi làm là một xưởng chế biến gỗ cao su, liên doanh với Công ty của một Oóc Nha , gần biên giới đến nỗi có thể nghe được tiếng gà gáy bên Chàng Riệc hoặc tiếng xe tải chở hàng qua biên giới. Mỗi sáng , từ trên gác vươn vai tập thể dục, thấy mặt trời nhô lên ở hướng Đông , tôi biết một ngày mới đã bắt đầu trên quê hương. Những ngày dự báo thời tiết VTV báo bão, buổi chiều chúng tôi âu lo nhìn mây xám vần vũ hướng Tây Ninh, Bình Phước. Buổi tối xem TV, cảnh nước lũ hoành hành ở miền Tây làm chúng tôi nao lòng. Đôi khi mua vài tờ vé số cho đỡ nhớ. Những bận bịu với công việc làm tạm quên nhưng một tháng qua mau , càng gần đến ngày về phép thì cảm giác nôn nao lại càng trỗi dậy mạnh mẽ. Đúng là : “ Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt. Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà”.
Không phải là lần đầu nhưng tôi vẫn nôn nao khi gần đến giờ về. Bếp Việt dọn cơm trưa cho bọn tôi ăn sớm trước nữa tiếng, sau đó là gấp gọn mùng mền , tắm rửa cho sạch bụi gỗ bám trên người, cuối cùng là ghi sổ trực , dặn dò lại những việc chưa xong cho người nhận bàn giao, quan trọng nhất là những mẻ gỗ trong lò sấy sắp chín. Khi vừa thay đồ xong thì vừa kịp nhận tín hiệu của lái xe đón báo cho biết đã đến biên giới. Ở cửa khẩu , sóng Viettel rất mạnh nên hầu hết dân làm ăn đều chọn mạng này, có lần đi xem lô ở Memot tôi vẫn liên lạc được. Đi nhờ xe gắn máy ra trạm gác hỗn hợp Campuchia, tôi chỉ cần trình Passport, bồi dưỡng vài nghìn riel cho nhân viên và hai tiếng “ O kun ” thế là xong , đường hoàng bước qua barie để về đất mẹ. Tôi vẫn thích cái cách nhận bồi dưỡng của bạn hơn : tự nhiên, công khai chứ không có cái kiểu thậm thò thậm thụt , làm khó dễ để bắt chẹt nhau.
Thực ra tôi còn phải đi bộ khoảng hai trăm mét nữa mới đến đường ranh giới hai nước, phân định đơn sơ bằng những vạt đất đắp nổi và cái bụi tre xơ xác, thêm hai trăm mét nữa đến chốt tiền tiêu của đồn Biên phòng 823 Chàng Riệc, bấy giờ mới đúng là đang ở trên quê hương. Trước mắt là những ngọn tàu lá dừa phơ phất như vẫy chào, còn những hàng cây thốt nốt đã lùi lại sau lưng. Chỉ một khoảng cách nhỏ vài trăm mét ấy mà sao tôi thấy khác nhau ghê gớm, không biết khung cảnh có thực sự khác hay hay tại tâm trạng quyến luyến của mình. Cũng cái nắng ấy, cái gió ấy nhưng rõ ràng không phải là nắng gió của Campuchia, từng bụi cây ngọn cỏ hình như cũng không giống. Trên đường về , tôi thích thú nhìn hình dáng những ngôi nhà đơn sơ một mái xuôi , panô chữ Việt , từng con người với trang phục Việt, cánh đồng mía, những vạt khoai mì, đến cả những con vật bình thường sao tôi thấy nó cũng khác. Phải , những con người Tây Ninh kia tôi đâu có quen biết gì nhưng dường như có một mối dây vô hình giữa tôi và họ , không phải tại vì giống nhau màu da , mái tóc , ngôn ngữ mà vì cùng  chung một nguồn cội : QUÊ HƯƠNG.
Tôi chợt hiểu , cái cảm giác này không chỉ có ở tôi , mà có ở tất cả những người Việt nào rời xa quê hương đất nước , càng xa lâu chừng nào thì khi trở về lại thì nó sẽ càng trỗi dậy mạnh mẽ hơn chừng đó. Những tiếng khóc nấc khi gặp lại người thân ở sảnh quốc tế phi trường Tân Sơn Nhất, hay những cái bắt tay đồng đội, ôm nhau mừng rỡ khi hội quân ở Mộc Bài năm 1989 thật thiêng liêng biết bao ! Và chúng ta càng biết quý trọng tình cảm cao đẹp này thì càng phải biết trân trọng giữ gìn để truyền lại cho lớp con cháu mai sau.

RỂ NLS
 
 

 

Lượt xem: 3594

© NongLamSucTayNinh.com 2011 - 2020. Thiết kế website tại MtStudio.vn

Thành lập ngày 20 tháng 02 năm 2011

Email: nonglamsuctayninh@gmail.com