Chuyến đi xuyên biên giới - Kỳ 4

Chuyên mục: Truyện ngắn - Bút kí - Tùy bút Được đăng: Thứ bảy, 21 Tháng 5 2011 Viết bởi Nguyễn Quốc Nam

Ở CHAMPASAK – PAKSE.

 

           Ở Paksong hai đêm chúng tôi cùng nhà thơ Triệu Từ Truyền trở lại Champasak- Pakse để có dịp đi dạo một vòng tìm hiểu tỉnh và thành phố nầy. Dòng sông Mnullekong rộng uốn quanh bao bọc ôm lấy thành phố . Chúng tôi đến văn phòng công ty của Thanh niên xung phong thành phố Hồ Chí Minh đang đầu tư trồng cao su ở Lào,

 đến bến xe Pakse và khu chợ trung tâm, đánh một vòng nhìn các dinh thự, công sở khang trang mới xây dựng và những ngôi chùa cổ trang nghiêm trầm mặc giữa trung tâm…

    Champasak là một trong 18 tỉnh có diện tích lớn nhất của nước Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Lào mà thủ phủ là thành phố Pakse. Champasak là trung tâm nông nghiệp, thương mại, thủ công nghiệp và du lịch. Có diện tích là 15.410 km với dân số 598.339 ( thống kê năm 2005) Thời tiết chia làm 2 mùa: mùa khô từ tháng 5 đến tháng 9 và mùa mưa từ tháng 10 đến tháng 4.

   Champasak là một tỉnh phía Tây Nam của đất nước Lào, có dòng sông Mekong chảy ngang qua ,giáp với Vương quốc Thái Lan và Cambodia. Champasak là tên cố đô của Vương Quốc Champasak.

   Từ trước thế kỷ 14 Champasak là trung tâm của đế quốc Khmer. Khi đế chế Khmer suy tàn thì  Fa Ngum nhân cơ hội đó giành đôc lập và xây dựng vương quốc Lan Xang cho các bộ tộc Lào. Vương Quốc Lan Xang bao gồm hầu hết như đất nước Lào ngày nay.Tàn tích của vương quốc Khmer chỉ còn lại ngôi đền Wat  Phu vẫn còn tồn tại ở Champasak đến ngày nay. 

   Năm 1707 Xan Lang suy tàn bị tan rã và phân chia ra làm 3 tiểu vương quốc là : Tiểu vương quốc Luang Phrabang ở phía bắc, Viêng Chăn ở miền trung và Champasak ở phía nam.

   Vào thế kỷ thứ 18 thì 3 tiểu vương quốc nầy thường bị các nước lâng bang xâm chiếm và Champasak đã từng bị người Xiêm chinh phục vào giữa thế kỷ 18.

   Ngày nay cố đô Champasak được lấy đặt tên cho một tỉnh của đất nước Lào và Pakse  (Người bản địa gọi Pak Xế ) là thành phố của tỉnh Champasak.

    Sau khi đi một vòng chúng tôi đến một quán phở tại trung tâm thành phố để ăn trưa không ngờ vừa ngồi vào bàn thì một phụ nữ dáng mảnh mai đứng tuổi nhận ra anh bạn tôi là nhà thơ Triệu Từ Truyền. Chị tự động cầm ly nước bước sang ngồi chung bàn mừng rỡ và nói tiếng Việt. Sau khi chào hỏi và giới thiệu chúng tôi mới biết ấy là chị Lankham một thương gia nổi tiếng ở Pakse. Đặc biệt chị rất yêu thơ nhất là thơ của bà Huyện Thanh Quan. Trong câu chuyện trao đổi qua lại chị thích thú và đọc cho chúng tôi nghe bài thơ thất ngôn bát cú Qua đèo Ngang. Giọng đọc của chị trầm bổng du dương trầm buồn nặng tình với nỗi nhớ quê nhà. Buổi hội ngô bất ngờ nhưng đầy thú vị, mặc dù chúng tôi ăn phở nhưng chị vẫn giới thiệu dùng thử khô bò do ở nhà làm rất ngon cũng như chị mang chuối mời tráng miệng. Thì ra tiệm phở nổi tiếng nầy là của chị nay đã giao lại cho con gái buôn bán và hotel LanKham kề bên là của chị. Chị nói – Rất thích thú được ngồi trò chuyện với các nhà thơ và nhạc sỹ, chị ưu ái mời tôi và Quang Lộc nghỉ lại hotel của chị với giá ưu đãi nhưng chúng tôi rất tiếc vì đã có anh bạn sắp xếp nơi ăn chốn nghỉ xong rồi.

 

    Chia tay chị Lankham chúng tôi đến văn phòng làm việc của anh Kim, qua giới thiệu anh Kim sinh ra ở đất nước Lào, từng sống ở Thái Lan mười mấy năm rồi về Việt Nam sinh sống ở Hà Nội và có ở Sài Gòn. Năm 2005 anh trở về đất nước Lào sinh sống và làm việc đến hôm nay do đó anh rất am tường về đất nước, con người và văn hóa xứ sở Lào. Anh sẵn sàng hướng dẫn chúng tôi đi thăm bất cứ nơi nào ở Pakse.

   Anh Kim có một sở thích là nấu ăn tại nhà cho vừa miệng và thức ăn theo ý thích của mình điều đó cũng trùng hợp với ý của nhà thơ Triệu Từ Truyền và Quang Lộc nên chúng tôi quyết định cùng anh Kim đi chợ Pakse mua thực phẩm để tổ chức một bữa ăn tại nhà vừa tìm hiểu sinh hoạt buôn bán ở chợ của nhân dân Lào.

   Ở đất nước Lào không có nơi nào giáp biển, toàn là núi bao bọc do đó hải sản hơi hiếm và đắt. Quang Lộc lại thích cá lóc sống tự nhiên ở sông mekong và heo cỏ do người dân bản xứ nuôi thả rong. Với sự sành điệu của anh Kim nên mọi thức ăn theo sở nguyện đều có đầy đủ. Qua tài khéo léo chế biến và nấu nướng thức ăn của anh, chúng tôi có một buổi tiệc thịnh soạn dọn lên và bia Lào đã ướp sẵn trong tủ lạnh. Trong buổi ăn

chúng tôi trao đổi và tìm hiểu được rất nhiều về phong tuc, tập quán và văn hóa đất nước Lào.

   Anh Kim thích trồng cây roi ( cây mận ) không hột như cây đang trồng nơi đây nhưng không có hột làm sao ươm giống để trồng được. Đúng vào chuyện nghề nghiệp của mình nên tôi liền chiết cành cho anh hai cây để làm kỷ niệm ngày gặp gỡ. Hy vọng rồi đây hai cây mận đó sẽ lên xanh tốt và cho quả hồng tươi thắm như ngày đầu chúng ta gặp gỡ.

   Buổi tối chúng tôi đi một vòng trung tâm thành phố Pakse với sự hướng dẫn của anh Kim. Dọc theo bờ sông Mekong quán tiệm dày đặc, có những quán nổi trên sông. Một dãy phố chạy dài theo bờ sông, trên bờ dưới nước sáng rực một vùng. Nhiều con đường trung tâm chúng tôi đi qua và được biết ở Pakse không có tên đường. Cuối cùng anh Kim hướng dẫn chúng tôi đến một quán cháo lòng khá ngon ở Pakse để vừa ăn vừa  thưởng thức hương vị những chai bia Lào. Không ngờ quán ấy lại là gia đình một người Việt đã sinh sống ở đây bốn đời. Chị và con gái niềm nỡ dọn cho chúng tôi những tô cháo nóng và dĩa lòng thật ngon với đầy đủ rau sống, nước chấm và gia vị..

   Qua câu chuyện chúng tôi mới biết chị sinh ra tại đất nước Lào và nay đã ở tuổi bảy mươi. Cha mẹ chị đã sang Lào sinh sống từ năm 1917, hiện chị có đủ dâu rễ, cháu nội, cháu ngoại và đứa con gái út đang phụ chị buôn bán cũng đã có gia đình. Điều đáng nói là đã bốn đời ở trên đất nước Lào nhưng chị vẫn còn giữ quốc tịch Việt Nam và phải chịu đóng thuế cao hơn so với người bản địa. Những người Việt ở lâu đời tại xứ Lào rất vui khi gặp người cố quốc và lòng chân thành thật thà của họ hiện lên từ cử chỉ, lời nói đến ánh mắt…

  Trước khi chia tay ra về tôi và Quang Lộc quá bất ngờ khi gia đình không tính tiền buổi ăn uống hôm nay. Tôi nài nỉ trao tiền cho con gái chị nhưng cháu nói là không lấy vì mẹ đã nói như thế.Tôi xin phép chị cho biết tên và xin chụp một bô hình để sau nầy có gặp lại còn nhớ mặt. Chị Trần Thị Câu và cháu Thảo cười tươi như hoa vui vẻ nhận lời.

   Chúng tôi ra về đêm khá khuya … Tôi và Quang Lộc cảm thấy tâm hồn lâng lâng. Xin cảm ơn những tình cảm đến bất ngờ trong cuộc sống. Xin cảm ơn gia đình chị Câu và xin cảm ơn một người quan trọng nữa đã giúp đỡ và hướng dẫn chúng tôi trong những ngày ở Champasak – Pakse đó là anh Kim. Chính nhờ anh mà chúng tôi mới có được những ngày vui và hạnh phúc bất ngờ ….

 

                                                                                      NGUYỄN QUỐC NAM

       

   .         

Lượt xem: 3723

© NongLamSucTayNinh.com 2011 - 2020. Thiết kế website tại MtStudio.vn

Thành lập ngày 20 tháng 02 năm 2011

Email: nonglamsuctayninh@gmail.com