Tản mạn về một dòng sông

Chuyên mục: Truyện ngắn - Bút kí - Tùy bút Được đăng: Thứ tư, 06 Tháng 7 2011 Viết bởi RỂ NLS
Từ xa xưa , hai yếu tố đất và nước luôn gắn bó với sự hình thành và phát triển của những con người sinh sống ở một nơi nào đó, góp phần làm nên tính cách đặc trưng phân biệt với nơi khác. Vùng đất Sài Gòn , nơi có con sông cùng tên chảy qua , so với các nơi khác ở miền Bắc hoặc miền Trung nước ta thì chỉ là một vùng đất mới , tuổi đời chỉ hơn ba trăm năm, cư dân từ tứ xứ tụ về theo kiểu đất lành chim đậu, thực sự không có “ dân gốc” nên nói chung có tính trọng nghĩa khinh tài , hay giúp đỡ lẫn nhau và dễ tiếp thu cái mới hơn nơi khác. Sông Sài Gòn , quê tôi mọi người gọi quen là sông Cái hay sông Thủ , từ ngày trở thành một bộ phận của quê hương đất nước thân yêu, cũng đã từng cùng những thế hệ lưu dân chứng kiến bao thăng trầm của lịch sử. Dòng nước mát đã tưới cho nhiều cánh đồng hai bờ , chuyên chở hàng hóa ngược xuôi miền Đông – Lục Tỉnh, góp phần vào sự phát triển của vùng Gia Định xưa , ngày nay là Tây Ninh , Bình Dương và Sài Gòn.      

Theo lịch sử Việt Nam , năm 1698 Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh vâng lịnh chúa Nguyễn Phúc Chu vào Nam kinh lược, phân định địa giới hành chánh , sắp đặt bộ máy quan lại để xác lập chủ quyền Việt Nam , định ra những quy định về quản lý nhân hộ khẩu cùng những chính sách miễn giảm thuế để khuyến khích lưu dân khai khẩn đất hoang lập ấp lập hộ . Nhắc lại chuyện xưa để thấy quá trình khai hoang mở cõi của ông cha ta đầy gian lao khổ ải, đầy mồ hôi và nước mắt , một ra đi không mong ngày trở lại, lìa quê xa xứ vào nơi rắn rít hùm beo để mưu sinh, ra sức lao động để ngày nay con cháu hưởng được thành quả tổ tiên để lại. Các bạn hãy lắng nghe trong âm hưởng những bài ca Vọng cổ đầy cảm thương , còn vương vấn nỗi niềm cô quạnh hoài hương không dứt của những con người Ngũ Quảng xa xứ năm nào ! Ngày ấy dân cư hãy còn thưa thớt, sông Sài Gòn trở thành ranh giới hành chính của Phiên Trấn ( bờ hữu ) và Trấn Biên ( bờ tả ), Tây Ninh thuộc Phiên Trấn ( Gia Định ) còn Bình Dương thuộc Trấn Biên ( Biên Hòa ).

Theo nhiều tài liệu nghiên cứu thì sông Sài Gòn phát nguyên từ Lộc Ninh ( cao nguyên Hớn Quản), đoạn thượng lưu và trung lưu chảy theo hướng đông bắc – tây nam ( đây là ranh giới tự nhiên giữa Tây Ninh với tỉnh Bình Phước và tỉnh Bình Dương) , đoạn hạ lưu chảy theo hướng tây bắc – đông nam, đến Tân Thuận ( quận 7 ) hợp với sông Đồng Nai chảy ra biển , chiều dài 256 km, diện tích lưu vực hơn 5000 km2. Đoạn ở thượng nguồn do nước của nhiều con suối vùng biên giới Lộc Ninh – Kratie hợp lại, về đến Suối Đá, Bến Dốc ( Dương Minh Châu ) thì lòng sông vẫn còn khúc khuỷu, hẹp và sâu, nước chảy xiết như sông Bé, đến cánh đồng Bến Củi gần thị trấn Dầu Tiếng mới bắt đầu mở rộng ra giúp cho giao thông được thuận lợi. Ngày nay thì khó thể đi thuyền ngược lên thượng nguồn để khám phá cội nguồn sông Sài Gòn vì tại chân núi Cậu dòng sông đã bị chắn ngang bởi công trình thủy lợi hồ Dầu Tiếng , một công trình quốc kế dân sinh , ngăn lũ mùa mưa và chống hạn mùa khô, giúp đưa nước về Tây Ninh và Củ Chi cho các cánh đồng lúa, hoa màu thâm canh tăng vụ ( các cây họ đậu trồng vào mùa khô, nếu đủ nước tưới thì tốt hơn cả mùa mưa vì hưởng được nhiều ánh nắng và ít sâu bệnh), cung cấp nước sinh hoạt cho hơn 10 triệu dân Sài Gòn và Bình Dương , thêm chức năng đẩy mặn xâm nhập vào mùa khô. Nhiều người ngộ nhận Hồ Dầu Tiếng là một cái hồ rộng lớn hình…tròn nhưng thực ra nó không tròn mà giống như một bàn tay xòe , mùa khô thì co lại mùa mưa thì xòe rộng ra hết cở. Bờ hồ phía núi Cậu có cảnh quan đẹp nhất vì có đủ núi- đá- sông- hồ- rừng- cỏ- cây- hoa- lá- di tích lịch sử và …chùa. Một lần , chúng tôi có dịp lên thăm trang trại của anh Hai Thắng ( chủ quán Cây Sanh ở phường 1 Thị xã ) ở Châu Thành, nhậu rượu đế mồi cá lăng hồ Dầu Tiếng ngon ơi là ngon, thêm tép om cuốn bánh tráng sau sống và xoài tứ quý xắt mỏng chấm nước mắm tiêu .Trời chiều , mặt nước gợn sóng lăn tăn theo từng cơn gió nhẹ, ngồi xếp bằng trên sạp nổi của hồ cá mà chén tạc chén thù ; cuộc nhậu hội đủ cả ba yếu tố : vui bạn , hợp cảnh và mồi ngon. Đêm đó bọn tôi không về Bình Dương theo kế hoạch được mà phải ngủ lại KS Ánh Diệp ở thị xã. 

 

Khi xuôi về đến Phú Hòa Đông Củ Chi ( bên kia là Phú An thuộc Bến Cát ) nhận được nước của sông Thị Tính thì sông Sài Gòn đã thực sự là một con sông lớn và bắt đầu có chế độ thủy triều ( nước lớn nước ròng ). Lòng sông sâu hơn và rộng hơn , tàu thuyền đi lại tấp nập hơn và chức năng giao thông thủy được phát huy tối đa. Những chiếc ghe chài mang số hiệu Long An , Tiền Giang mang tôm cá, lúa gạo, trái cây, lá dừa nước , cừ tràm , đước, thơm…ngược lên, bận về mang lu hủ khạp, gốm sứ, hàng mộc gia dụng, than củi xuôi xuống… Xin nói thêm , Phú An là quê hương chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết , còn Củ Chi là quê hương của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải , cả hai nơi đều nằm ven sông Sài Gòn, đối diện qua hai bờ. Nếu bên này là Củ Chi đất thép thành đồng , cùng những mật khu nổi tiếng như An Nhơn Tây , Hố Bò , Bời Lời thì bên kia sông cũng không kém với vùng đất lửa Tam giác Sắt , Bến Súc, Bến Tranh đã đi vào sách sử.

 Đoạn hạ lưu bắt đầu từ cầu Kinh Thanh Đa có những đoạn gấp khúc uốn cong ( bán đảo Thanh Đa ) và một hệ thống kênh rạch chằng chịt : Thầy Cai , Láng The , Bàu Nông, rạch Tra , Bến Cát , An Hạ , Tham Lương , Cầu Bông, Nhiêu Lộc- Thị Nghè , Bến Nghé, Lò Gốm , Kênh Tẻ , Tàu Hủ , Kênh Đôi… Đoạn chảy qua quận 1 với lòng sông sâu 20 mét đã hình thành nên cảng Sài Gòn với cảnh trên bến dưới thuyền , tấp nập tàu biển viễn dương các nước ra vào khiến thành phố Sài Gòn – Gia Định trở thành hòn ngọc Viễn Đông một thời.Nơi hợp lưu giữa hai con sông lớn nhất miền Đông Nam bộ là ngã ba Nhà Bè, dân thương hồ vẫn nhớ câu hò nổi tiếng thời xa xưa nay đã đi vào ca dao Nam bộ :

Nhà Bè nước chảy chia hai

Ai về Gia Định Đồng Nai thì về

Từ đây tên gọi sông Đồng Nai hay sông Sài Gòn không còn nữa , dòng hợp lưu của hai con sông được gọi là sông Nhà Bè, đến Cần Giờ lại nhận nước của sông Vàm Cỏ và chia ra nhiều nhánh đổ ra biển Đông trong đó hai thủy lộ quan trọng nhất là sông Soài Rạp và sông Lòng Tàu, đón nhận tàu biển các nước ra vào cảng Sài Gòn , một cụm cảng biển trên sông lớn nhất nước, góp phần làm nên phồn vinh cho thành phố mang tên Bác. Như vậy cả ba con sông lớn ở miền Đông đều góp nước vào sông Đồng Nai  lần lượt là sông Bé ở Vĩnh Cửu , sông Sài Gòn ở Nhà Bè và sông Vàm Cỏ ở Cần Giờ.

Nói tới sông thì phải nhắc sơ qua về …cầu. Từ thượng nguồn , không kể đường bờ đập nối liền Phước Minh và Định Thành, lần lượt có các cầu bắc qua sông Sài Gòn như sau : cầu Tàu Dầu Tiếng nối Bến Củi và thị trấn Dầu Tiếng, cầu Bến Súc nối Phú Mỹ Hưng và Thanh Tuyền , cầu Phú Cường nối Bình Mỹ và Thị xã Thủ Dầu Một, cầu sắt Phú Long và cầu Phú Long mới sắp hoàn thành nối thị trấn Lái Thiêu và Thạnh Lộc, cầu Bình Phước nối Hiệp Bình Phước và An Phú Đông, cầu Bình Triệu 1 và Bình Triệu 2 nối Hiệp Bình Chánh và Bình Thạnh, cầu Sài Gòn nối Thủ Đức và quận Bình Thạnh, cầu Thủ Thiêm nối quận Bình Thạnh và quận 2 , cầu Phú Mỹ nối quận 2 và quận 7…

Ngẫm lại sông Sài Gòn quê tôi : Tôm cá không nhiều bằng sông Vàm Cỏ, phù sa không nhiều bằng sông Đồng Nai, chiến tích không vang dội như sông Bé, giao thông chỉ thuận lợi ở hạ nguồn nhưng vùng lưu vực sông Sài Gòn mà đại diện là Sài Gòn ( Thành phố Hồ Chí Minh ) bấy nay vẫn hãnh diện là cái nôi kinh tế văn hóa của cả miền Đông kể cả Nam kỳ lục tỉnh. Làm sao kể hết những làng mạc thị trấn hình thành ven hai bờ con sông, kể từ thượng nguồn xuôi về đồng bằng như Bến Củi – Định Thành , Đôn Thuận – Thanh An, Phú Mỹ Hưng – Bến Súc , Phú Hòa Đông – An Tây , Bình Mỹ - Thủ Dầu Một, Nhị Bình – An Sơn , Thạnh Lộc – Lái Thiêu , An Phú Đông – Hiệp Bình Phước…Những chuyến phà, những nhịp cầu đã giúp người dân qua lại trao đổi hàng hóa , mua bán họp chợ , học hành , chữa bịnh, thăm viếng , cưới hỏi … và xóa nhòa đi cái ranh giới hành chánh xã, huyện, tỉnh. Riêng tôi cả hai quê nội ngoại đều ở ven sông , cuộc đời tôi từ nhỏ đến giờ cũng không xa rời khỏi dòng sông từ chuyện học hành, đi làm đến sinh sống sau này. Tôi có nhiều , rất nhiều những kỷ niệm với dòng sông trong đời không thể kể hết , vui có buồn có, nhưng đáng kể nhất là lần tắm sông chết hụt tại cầu Ngang ( rất gần nơi tàu Dìn Ký chìm ) hay những chuyến picnic cùng các bạn học dạo vườn cây trái Lái Thiêu thời trung học, hoặc thời giáo sinh Sư Phạm ngày hai lượt qua cầu Bình Triệu, nhất là chuyến chạy lánh nạn qua cầu Tàu ngày giải phóng Dầu Tiếng 11.3.1975.

Nói về sông Sài Gòn gần đây, có hai chuyện một buồn một vui , chuyện buồn là vụ lật tàu du lịch Dìn Ký trên sông ở Lái Thiêu làm thiệt mạng một lúc mười sáu người , chuyện vui là hầm chui Thủ Thiêm từ quận 1 qua quận 2 sắp hoàn thành, một công trình sẽ đánh thức một vùng đất sình lầy trổi dậy , một vùng đất chỉ cách trung tâm thành phố một tầm nhìn mà ánh sáng kinh kỳ bao năm không thấu tới. Còn một chuyện không vui nữa là tình trạng ô nhiểm nước sông đoạn trung hạ lưu do nhận nước xả thải của gần …100 khu và cụm công nghiệp , mà trong số đó chỉ không đầy phân nữa là có lắp đặt hệ thống nhà máy xử lý nước thải ( XLNT), và trong số những nhà máy XLNT đó chỉ phân nữa là có vận hành thường xuyên còn lại là chỉ vận hành đối phó khi có các đợt thanh kiểm tra một năm vài ba lần chiếu lệ. Thật cảm thương cho sông Sài Gòn và may mắn thay cho sông Vàm Cỏ Đông của chúng ta.

6-2011     

Lượt xem: 4129

© NongLamSucTayNinh.com 2011 - 2020. Thiết kế website tại MtStudio.vn

Thành lập ngày 20 tháng 02 năm 2011

Email: nonglamsuctayninh@gmail.com