Hệ thống giáo dục ngày xưa

Chuyên mục: Trang Tư Liệu Nông Lâm Súc Được đăng: Thứ năm, 19 Tháng 7 2012 Viết bởi Trần Văn Chi

Những năm đầu sau khi Pháp rút về nước, giáo dục Việt Nam tiếp tục cái gì có trước. Cho đến Ðại Hội Giáo Dục Toàn quốc năm 1958, Sài Gòn mới xây dựng nền giáo dục độc lập dựa trên 3 nguyên tắc: Nhân Bản-Dân Tộc và Khai Phóng

 

- Nhân Bản: Giáo dục coi con người là cứu cánh, tôn trọng giá trị thiêng liêng của con người.

- Dân Tộc: Giáo dục tôn trọng giá trị của gia đình, quốc gia, phù hợp với truyền thống văn hóa, phong tục, đạo đức Việt Nam.

- Khai Phóng: Giáo dục theo phương pháp khoa học, nội dung khoa học, theo đà tiến bộ của nhân loại và tôn trọng giá trị các quốc gia khác.

Giáo dục thời đó có ba cấp như các nước trên thế giới là: tiểu học, trung học và đại học.

Bậc tiểu học học trình 5 năm

Từ lớp 1 đến lớp 5. Trẻ em từ 6 tuổi được cha mẹ ghi tên vào lớp 1, học miễn phí. Tuy  không có chủ trương cưỡng bách giáo dục, nhưng do phụ huynh có ý thức cao cho nên tất cả trẻ em hầu như đều học qua bậc tiểu học.

Chương trình học gồm các môn Việt Văn, Toán, Khoa học Thường thức và Ðức Dục hay Công Dân Giáo Dục.

Giáo dục tiểu học đã phát triển nhanh chóng và vượt trội so với thời Tây đặc biệt vế số lượng học sinh.

Thời Tây 1930, toàn Ðông Dương có 406,669 học trò gồm sơ và tiểu học trong đó có 20% là học trò Lào và Miên.

Thời Ðệ I Cộng Hòa, năm học 1960 miền Nam có 1 triệu 214,621 học sinh tiểu học, 112, 129 học sinh trung học. Tăng 200% so với niên học 54-55, lúc mới thâu hồi độc lập từ tay Pháp.

Bậc trung học chia ra 2 cấp

1. Trung Học Ðệ I Cấp/Trung học Cấp I: học trình 4 năm, có 4 cấp lớp 6, 7, 8, 9:

Học sinh vào trường công phải thi tuyển, không đậu có thể học trường tư. Chương trình gồm Việt Văn, Lý Hóa, Vạn Vật, Toán, Sử Ðịa, Công Dân và Sinh Ngữ. Môn Nhiệm Ý là Nhạc, Hội họa, Thể thao, Nữ công dành cho nữ sinh.

Cuối năm thứ Tư/lớp Ðệ Tứ, học sinh thi lấy bằng Trung Học Ðệ I Cấp.Ðậu bằng Trung Học Ðệ Nhứt Cấp học sinh có thể ra đi làm, có thể thi vào trường Sư Phạm Cấp Tốc để trở thành giáo viên tiểu học; hoặc tiếp tục học tiếp lên.

2. Trung Học Cấp II Cấp/Trung học cấp II: học trình 3 năm, có 3 cấp lớp 10, 11, 12:

Muốn vào học lớp 10, phải có bằng Trung Học Ðệ I Cấp. Học sinh học các môn như Trung Học Ðệ I Cấp nhưng sâu hơn và có thêm môn Triết Học cho học sinh lớp 12.

Từ lớp 10, có phân 4 ban: Ban A Khoa Học Thực Nghiệm), Ban B (Toán), Ban C (Sinh Ngữ), Ban D (Cổ Ngữ). Học sinh tự do chọn ban theo sở thích cá nhân.

Xong lớp Ðệ Nhị tức lớp 11, học sinh thi lấy bằng Tú Tài I. Học tiếp lớp 12/Ðệ Nhứt, thi lấy bằng Tú Tài II.

Trường Trung Học Nguyễn Ðình Chiểu Mỹ Tho là một trường trung học có lâu đời ở miền Nam.

Trường Nguyễn Ðình Chiểu Mỹ Tho khởi đầu từ một trường Tiểu Học (École Primaire) gọi là trường tỉnh, dạy tới lớp Nhứt. Lúc đó trường tiểu học Mỹ Tho bằng lá, cất ở gần khu Nhà Việc làng Ðiều Hòa, nay là khu Trung Tâm Thương Mại Mỹ Tho.Năm sau trường tiểu học Mỹ Tho dời đến nơi mà trước kia là nhà của vị quan triều Vua Tự Ðức tên là Ngô Phước Hội, gần tòa bố.

Ngày 14 Tháng Sáu 1880, Le Myre de Vilers thống đốc Nam Kỳ ban hành nghị định 17 Tháng Ba 1879, cho phép tỉnh Mỹ Tho thành lập một trường trung học lấy tên là trường là “Collège de My Tho”, trường trung học đầu tiên ở xứ Nam Kỳ.

Collège de My Tho (lúc đầu còn bao gồm cấp tiểu học) thành lập trên khu đất rộng 25,000 mét vuông, 4 hướng bao bọc bởi 4 con đường.

 Hướng Ðông có cổng chánh quay ra đường số 9, sau đổi tên là Rue D'Aries, đến 7 Tháng Tư 1954 Thủ Hiến Nam Phần đổi tên là đường Lê Lợi tới nay.Hướng Tây quay ra đường Filippini nay là Hùng Vương.Hướng Bắc quay ra là đường số 3, sau đổi tên là Colombert, rồi Maréchal Pétain, Albert Buissiere, đến ngày 7 Tháng Tư 1954 Thủ Hiến Nam Phần đổi tên là đường Ngô Quyền tới nay.Hướng Nam quay ra đường số 20, rồi sau đổi tên Rue de Landes, ngày 7 Tháng Tư 1954 Thủ Hiến Nam Phần đổi tên là đại lộ Lê Ðại Hành tới nay.

Collège de My Tho hoạt động được 10 năm, đến ngày 11 Tháng Mười Hai 1889 Thống đốc Nam Kỳ ra lịnh đóng cửa hệ trung học (tiểu học vẫn tiếp tục) vì không có ngân sách, cho nên học trò một số có tiền lên Sài Gòn học ở trường Collège D'Adran.

Ðến năm 1894 Collège D'Adran ngưng hoạt động nên Thống Ðốc Nam Kỳ phải mở lại trường Collège de My Tho để thâu nhận học trò Lục Tỉnh.

Năm 1941, Nhựt chiếm Mỹ Tho lấy Collège de My Tho làm nơi đóng quân, một số lớp dời đến học tại đình Ðiều Hòa cho tới năm 1942 Nhựt mới chuyển đi nơi khác.

Ngày 2 Tháng Mười Hai 1942 trường đổi tên là Collège Le Myre de Vilers. Năm 1953 tổng trưởng giáo dục Việt Nam là Nguyễn Thành Giung ký Nghị định 179-NÐ ngày 22 Tháng Ba 1953 đổi tên trường Collège Le Myre de Vilers thành trường trung học Nguyễn Ðình Chiểu tới nay.

Giáo viên tiểu học trước năm 1975 có chỉ số 250, giáo học bổ túc là 320, giáo sư Ðệ I cấp chỉ số 400, Ðệ II cấp lên 470. Lương giáo viên, giáo sư như thế so với ngạch công chức và quân đội, tương đối cao, nên đời sống bảo đảm, thư thả; đặc biệt vị trí người thầy luôn được xã hội tôn trọng, cha mẹ học sinh kính nể.

“Muốn sang thì bắc cầu kiều,

Muốn cho hay chữ phải yêu mến thầy”.

(Ca dao)

Bậc đại học đào tạo cử nhân, cao học và tiến sĩ.

Sau Thế Chiến Thứ II, Pháp trở lại Việt Nam, Ðại Học Ðông Dương ở Hà Nội được đổi tên là Ðại Học Hà Nội, viện trưởng vẫn là người Pháp. Sau đó có một số khoa được mở ở Sài Gòn như Luật, Y khoa và Khoa Học, do phó viện trưởng là người Việt điều hành.

Sau năm 1954, chi nhánh đại học Hà Nội tại Sài Gòn cải tên là Viện Ðại Học Quốc Gia Việt Nam, đến năm 1957 đổi tên là Viện Ðại Học Sài Gòn, tên nầy giữ cho tới năm 1975.

 năm 1972 thành lập Hệ Thống Ðại Học Cộng Ðồng, năm sau 1973 Viện Ðại Học Bách Khoa Thủ Ðức thành lập.

Hệ thống đại học ở  Sài Gòn không thuộc Bộ Giáo Dục, và cũng không có cơ quan chủ quản ( trừ trường Y Dược thuộc Bộ Y Tế chủ quản). Ðại học Việt Nam tự trị về học vụ chuyên môn. Ngân sách của đại học là bộ phận trong ngân sách Bộ Giáo Dục do Quốc Hội chuẩn duyệt hàng năm; nhân viên và giáo sư đại học thuộc Tổng Ủy Công Vụ.

Ðại học bấy giờ có hai hệ thống: Ðại Học Quốc Gia và Ðại Học Cộng Ðồng Ðịa Phương.

Ðại Học cấp Quốc Gia: gồm có

1. Viện Ðại Học Sài Gòn:

Sau năm 1954, Viện Ðại học Hà Nội chuyển vào Nam nhập vào Viện Ðại Học Sài Gòn. Viện có 8 phân khoa là Y, Dược, Nha, Sư Phạm, Khoa Học, Văn Khoa, Luật và Kiến Trúc. Có đại học xá Minh Mạng dành cho nam, Trần Quý Cáp dành cho nữ, có trung tâm Y tế chăm sóc sức khỏe cho sinh viên.

2. Viện Ðại Học Huế:

Thành lập theo sắc lịnh VNCH -1 do Tổng Thống Ngô Ðình Diệm ký vào Tháng Ba năm 1957 gồm có 4 khoa như Sư Phạm, Y khoa, Văn khoa và Luật.

3. Viện Ðại Học Cần Thơ:

Ðược thành lập ngày 31 Tháng Ba 1966 do nghị định của chủ tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương ký. Có 4 khoa là: Khoa Học, Văn Khoa, Sư Phạm, Luật & Khoa Học Xã Hội.

4. Học Viện Quốc Gia Hành Chánh thuộc Phủ Thủ Tướng:

Học viện được thành lập từ 29 Tháng Năm 1950 theo Quyết Ðịnh của Chánh Phủ Quốc Gia Việt Nam (tên gọi lúc đó), lúc đầu đặt ở Ðà Lạt, năm 1958 dời về đường Trần Quốc Toản, Sài Gòn.

5. Trường Võ Bị Quốc Gia Ðà Lạt, thuộc Bộ Quốc Phòng:

Sinh viên học 4 năm, môn chánh là võ khoa; môn phụ là Toán, Khoa học tự nhiên, Khoa học Xã Hội. Tốt nghiệp bằng Cử Nhơn Võ Khoa, một ngành mới mẻ đối với Việt Nam.

6. Viện Ðại Học Bách Khoa Thủ Ðức:

Thành lập do sắc lệnh của tổng thống VNCH, và hoạt động chánh thức năm 1974.

Viện bao gồm một số trường có trước như Trung Tâm Phú Thọ, Ðại Học Nông Nghiệp, Ðại Học Kỹ Thuật. Viện có lập một số trường mới như là Ðại Học Kinh Thương, Ðại Hoc Khoa Học Căn Bản, Ðại Học Thiệt Kế Ðô Thị và Nông Thôn...

Ðại học Cộng Ðồng Ðịa Phương

Trường Ðại Học Cộng Ðồng Ðịa Phương chỉ huấn luyện về chuyên môn và thực dụng, học trình 2 năm.

Cho tới năm 1975, có 5 trường:

- Ðại Học Cộng Ðồng Quãng Ðà

- Ðại Học Cộng Ðồng Nha Trang

- Ðại Học Cộng Ðồng Tiền Giang Mỹ Tho

- Ðại Học Cộng Ðồng Long Hồ Vĩnh Long

- Ðại Học Cộng Ðồng Ban Mê Thuột, mới có quyết định.

 Giáo Dục Việt Nam trước 1975 ngoài hệ thống công lập còn có hệ thống trường tư.

 Ðại học tư trước năm 1975 có:

- Viện Ðại Học Ðà Lạt

- Viện Ðại Hoc Minh Ðức

- Viện Ðại Học Vạn Hạnh

- Viện Ðại Học Cao Ðài/Tây Ninh

- Viện Ðại Học Hòa Hảo/An Giang

Nền giáo dục Việt Nam mình từ thời dạy và học bằng chữ Hán, chữ Tây đến chữ Việt lúc nào cũng lấy phương châm “Tiên học Lễ, Hậu học Văn” làm gốc.

Từ năm 1954 nền giáo dục Việt Nam phát triển nhanh, chú trọng chuyên môn khoa học nhưng không buông lơi giáo dục đạo đức-luân lý cho học sinh, nhứt là bậc tiểu học.

Học sinh tiểu học trước năm 1975 được dạy Ðức Dục, Công Dân Giáo Dục từ 2 giờ đến 2 giờ 30 phút mỗi tuần. Học sinh trung học, môn Công Dân Giáo Dục 2 giờ mỗi tuần.

Trần Văn Chi

 

Lượt xem: 5900

© NongLamSucTayNinh.com 2011 - 2020. Thiết kế website tại MtStudio.vn

Thành lập ngày 20 tháng 02 năm 2011

Email: nonglamsuctayninh@gmail.com