Một chút tâm tình
Một chút Tâm Tình
Bùi Tho
Tôi muốn nói đến Đông ở Tây Ninh và Khánh ở Lâm Đồng là hai chàng " ăn cơm nhà đi vác con voi Website của trường của lớp " này, đều có chung chữ Quốc : Quốc Đông - Quốc Khánh.
Hai chàng bèn chưng ra những dấu tích cũ của cái thời còn đi học ngày nảo ngày nào, ngẫm lại cũng giống mình quá xá. Bởi lẽ các bạn biết không tôi còn giữ được bản sao chứng chỉ tiểu học, chứng chỉ trung học đệ nhất cấp, tú tài 1,tú tài 2 NLS...còn cả bản sao Căn cước, thẻ quân sự học đường, thẻ hoản dịch... Thỉnh thoảng lục giấy tờ thấy lại chúng như thấy lại khoảng đời ngày nào của mình.
Ở bài này tôi sẽ nói về chuyện liên quan đến bài viết của trang nhà Tây Ninh về nét chữ của thầy cô ngày xưa.
Với một trang học bạ, liệt kê những môn học những số điểm, những lời phê, những chữ ký và tên thầy cô chừng ấy thứ đã nói lên khá nhiều điều, trong phạm vi này tôi chú ý đến những ý kiến đóng góp theo bài đã dược đăng " môn công dân có người cho là thầy Bành Văn Sinh dạy, có người cho là của thầy Lê Văn Hiện " Các bạn biết rồi đó thầy Sinh dạy chính ban Mục Súc, thầy Hiện dạy ban Canh Nông còn cáng đáng thêm môn Công Dân. Rồi kế đến cô Cao thị Xuân Liễu môn Vạn Vật, thầy Dương Thanh Tra dạy toán...rỏ ràng các thầy cô NLS thường phải dạy thêm một môn kiến thức phổ thông khác.
-Tại sao như thế ?
*Theo suy đoán của tôi, được biết trước năm 1954 thời pháp thuộc ngành nông nghiệp nghe tin có trường Nông Lâm Đông Dương ở Hà Nội, trường Canh nông ở Bến Cát Bình Dương ,hình như có trường sơ cấp ở Cần Thơ nữa. Những vị học trường đó làm việc từ thời Pháp và tiếp tục làm việc các cơ quan của nền đệ nhất cộng hòa, nhưng nhân sự quá thiếu cho nên trường QG Nông Lâm Mục đã ra đời vừa đào tạo cấp Kiểm sự và Cao đẳng cho đến năm 1963 thì tạm ổn định về nhân sự cho guồng máy chính quyền lúc đó
Việt Nam vốn là quốc gia nông nghiệp cho nên cần đưa mô hình kiến thức nông nghiệp vào chương trình học phổ thông , nên hình thành ngành Giáo Dục Nông Lâm Súc Việt Nam. Từ đó hệ thống trường TH Nông Lâm Súc ra đời thu nhận học viên từ lớp đệ ngũ trở lên, song song đó mở tiếp bước chuẩn bị dùng ngay cơ sở các trường tiểu học nhận học sinh lớp đệ thất dạy thêm kiến thức NLS gọi là trường Tiểu Học Cộng Đồng, sau khi xong lớp đệ lục thì được chính thức trở thành học viên các trường NLS. Hình như trong các trường đầu tiên đó chỉ có NLS Bảo lộc, Cần thơ là có cơ sở riêng ,một số phải mượn cơ sở học tạm như Tây Ninh, Định tường...một số mới bắt đầu xây dựng.
Vào giai đoạn chiến tranh điều kiện mở mang trường sở khó khăn, nhu cầu giáo dục thì cấp bách, chính quyền đương thời đã dành ưu tiên cho ngành NLS học viên được hoãn dịch để theo học, trong lúc ngành sư phạm phổ thông không đào tạo kịp phục vụ thêm cho hệ thống giáo dục NLS còn đang bắt đầu phát triển . Theo qui định của Bộ Giáo Dục là văn bằng Tú tài 2 NLS tương đương với bằng tú tài 2 ban A . Ngoài các trường lớn như Bảo Lộc, Huế, Cần thơ có tương đối thầy cô giảng dạy các môn phổ thông , còn các trường khác thì các thâỳ cô NLS thường phải dạy thêm các môn khác.
Nhắc lại rằng chúng ta phải qua một kỳ thi tuyển nếu đậu mới trở thành học viên NLS, rồi trong quá trình học tập phải nói khá gian nan, vừa học vừa làm, sáng giảng đường chiều nông trại, học ngày học đêm còn thêm cả dự án sản xuất
nông trại tại gia...Như lớp của tôi,xong tú tài 2 thì có người được học bổng du hoc nước ngoài, có người vào đại học, có người vào cao đẳng, rồi kiểm sự . Điều đó chứng tỏ rằng các thành viên NLS sau khi tốt nghiệp khá vững vàng về chuyên môn và kiến thức phổ thông. Đặc biệt nhất là nghề giáo làm công tác phát triển ngành, chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ không kịp cho nhu cầu vì vậy các kỹ sư các kiểm sự làm việc ở các ty các hạt được mời đến giảng dạy các trường NLS, chỉ là biện pháp chống đỡ vì nguyên tắc chính nếu đứng lớp phải qua sư phạm , cho nên ta thấy một số kỹ sư, kiểm sự phải học cao đẳng sư phạm như thầy Bành văn Sinh ở Tây Ninh.
Riêng tôi, lúc ở Tây Ninh ngoài môn chính là Thủy Lâm còn dạy thêm vật lý đệ nhất cấp và sử ở Đệ nhị cấp..nhờ vậy khi về Bảo Lộc là một trường lớn tôi vẫn tiếp tục dạy vật lý ở NLS và các trường tư thục quanh vùng...
Việc các giáo sư NLS thường cáng đáng thêm các môn phổ thông,vừa giải quyết được tiến trình học tập đáp ứng được yêu cầu của Bộ Giáo Dục về chương trình học dành cho ngành NLS quá mới mẻ, vừa giúp cho thầy cô NLS có thêm thu nhập , vừa ôn luyện lại một số kiến thức phổ thông làm giàu cho cuộc sống.
Vừa dạy Chuyên môn, vừa dạy thêm phổ thông thì thời gian gặp gỡ sẽ nhiều hơn. Cái nhiều hơn này sẽ hiểu nhau hơn, un đúc cái gắn bó thương yêu nhau của thầy trò Nông lâm súc nhiều hơn, mà tôi gọi là tình Nông Lâm Súc.Cái chất tính đó thành hình cũng để cho chúng ta hiểu được , tự trả lời môt phần nào trong câu hỏi " Tại sao thầy trò, anh em Nông Lâm Súc chúng ta luôn thương yêu gắn bó nhau ?"
Nó đã thể hiện bao nhiếu năm nay từ nhóm, từ lớp, ban, khóa , liên khóa, trường , liên trường, trong khuôn khổ địa phương, quốc gia và ngay cả toàn cầu
Bùi Tho
Tin mới
Các tin khác
© NongLamSucTayNinh.com 2011 - 2020. Thiết kế website tại MtStudio.vn
Thành lập ngày 20 tháng 02 năm 2011
Email: nonglamsuctayninh@gmail.com