Những nhạc sĩ anh em ruột trong nền âm nhạc Việt Nam

Chuyên mục: Trang âm nhạc ( Nghiên cứu - Giới thiệu CD - MV ) Được đăng: Thứ năm, 30 Tháng 3 2023 Viết bởi Ban điều hành

NHỮNG NHẠC SĨ ANH EM RUỘT TRONG NỀN ÂM NHẠC VIỆT NAM

Nguyễn Duyên

 

Trong nền âm nhạc Việt Nam trải dài gần một thế kỷ qua từ thời tiền chiến cho đến hiện nay, rất nhiều các nhạc sĩ nổi tiếng trong đó có một số ít các nhạc sĩ là anh em ruột rất nổi danh, sau đây bài viết xin điểm qua một số nhân vật. Đầu tiên là phải kể đến hai anh em nhạc sĩ lão làng là một trong những cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam đó là nhạc sĩ Hoàng Quý và nhạc sĩ Tô Vũ

Nhạc sĩ Hoàng Quý là một nhạc sĩ Việt Nam thuộc đầu thời kì nhạc tiền chiến. Ông được xem là một trong những nhạc sĩ tiên phong của phong trào Tân nhạc. Ông còn là trưởng nhóm nhạc Đồng Vọng, một trong những nhóm nhạc có tầm ảnh hướng lớn tới nền âm nhạc Cách mạng của Việt Nam.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Cũng như một số nhạc sĩ đương thời ở Việt Nam, Hoàng Quý chịu ảnh hưởng từ trào lưu âm nhạc lãng mạn thời bấy giờ. Tuy vậy, thể loại chủ yếu trong sáng tác của ông vẫn là thể loại yêu nước và cách mạng. Ông được biết tới là một nhạc sĩ tiên phong sáng tác thể loại nhạc hùng, hát cộng đồng. Hoàng Quý còn là nhạc sĩ đầu tiên đã Việt hóa nhịp Valse của âm nhạc cao cấp phương Tây thành nhịp làng quê của Việt Nam.

 

Hoàng Quý sinh ngày 31 tháng 10 năm 1920 tại Hải Phòng nhưng ông có nguyên quán từ phủ Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây (nay là Hà Nội). Tên khai sinh của ông là Hoàng Kim Hải, về sau đổi thành Hoàng Kim Quý. Cha ông là một thầy thuốc tên Hoàng Văn Khang xuống Hải Phòng để làm công việc y tế, nhưng lại có niềm đam mê với đàn bầu. Từ tiếng đàn bầu cũng là cơ duyên giúp ông được truyền cảm hứng âm nhạc những ngày còn bé.

 

Mẹ Hoàng Quý mất sớm khiến ông phải tự gánh vác mọi việc trong cuộc sống và chăm lo cho các em, trong đó có Hoàng Phú (về sau là nhạc sĩ Tô Vũ). Ông chủ yếu sống và làm việc tại Hải Phòng. Ngay từ khi còn nhỏ, Hoàng Quý có niềm đam mê hội họa và âm nhạc.

 

Trong thời gian học ở lớp Cao đẳng tiểu học tại trường tư thục Lê Lợi, Hoàng Quý chịu nhiều ảnh hưởng từ nhạc sĩ Lê Thương. Lê Thương lúc đó đang là giáo viên môn văn học Pháp của trường. Ông cùng em trai là Hoàng Phú đã tự học nhạc cụ cổ truyền Việt Nam, về sau ông học đàn nguyệt với một nghệ nhân. Chỉ sau một thời gian ngắn, Hoàng Quý đã chơi được các bản nhạc cổ truyền dân tộc như "Bình bán", "Lưu thủy", "Kim tiền". Tuy ban đầu là một người yêu thích việc học và chơi đàn dân tộc cũng nhưng cũng giống như nhiều thanh niên xung quanh thời bấy giờ, Hoàng Quý bị tò mò và thu hút bởi âm nhạc phương Tây đang được truyền bá rộng rãi ở các thành phố lớn khắp Việt Nam. Hoàng Quý qua đời vì bệnh phổi bộc phát vào ngày 26 tháng 6 năm 1946. Trong cuộc đời và sự nghiệp hoạt động nghệ thuật ngắn ngủi của mình, Hoàng Quý để lại nhiều ca khúc ở các trào lưu âm nhạc khác nhau với trên 70 tác phẩm được lưu truyền rộng rãi như Bóng cờ lau, Chiều quê, Cô lái Cảm tử quân, Đêm trong rừng...nhưng nổi tiếng hơn hết là bài Cô láng giềng được sử dụng trên nửa thế kỷ qua trong nước lẫn ngoài nước.

 

Nhạc sĩ Tô Vũ, tên khai sinh là Hoàng Phú, sinh ngày 9-4-1923, tại Phủ Lạng Thương, Bắc Giang. Nhạc sĩ Tô Vũ tham gia hoạt động âm nhạc từ năm 1938 trong nhóm “Đồng vọng” cùng anh trai là nhạc sĩ Hoàng Quý, một trong những người đóng góp cho nền tân nhạc đầu tiên. Ông là người sáng tác những ca khúc nổi tiếng như Tạ từ, Em đến thăm anh một chiều mưa...Đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, Tô Vũ là Thư ký Đoàn Nhạc sĩ Liên khu III, là đại biểu giới Văn nghệ Khu III (1948 và 1950).

Sau đó, ông ở lại Việt Bắc cùng nhạc sĩ Văn Cao và Nguyễn Hữu Hiếu xây dựng Ban Âm nhạc (Vụ Nghệ thuật của Bộ Giáo dục) và sưu tầm nghiên cứu nhạc chèo.

Năm 1952, ông cùng các nhạc sĩ, nghệ sĩ Nguyễn Xuân Khoát, Lê Yên và Thế Lữ xây dựng Đoàn Văn công nhân dân Trung ương. Hòa bình lập lại, năm 1954, ông lại cùng nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, Đặng Đình Hưng, Văn Chung, Nguyễn Đình Phúc và Lê Yên về Ban Nhạc Vũ - tiền thân của Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

Ông cũng là một trong những người đầu tiên xây dựng Trường Âm nhạc Việt Nam, nay là Học viện Âm nhạc quốc gia, cùng với các nhạc sĩ, nghệ sĩ Tạ Phước, Phạm Văn Chừng, Dzoãn Mẫn, Lê Yên và Thái Thị Liên, tham gia giảng dạy kiêm Chủ nhiệm bộ môn Lý luận - Sáng tác từ năm 1959 đến 1967. Ông là người xây dựng hệ thống giảng dạy môn âm nhạc cho trường phổ thông của Trường Sư phạm Thể dục và Âm nhạc Trung ương (sau này là Trường Sư phạm Nhạc Họa), trở thành Phó Hiệu trưởng của Trường. Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, ông chuyển vào công tác tại TP Hồ Chí Minh, làm Viện phó Viện Nghiên cứu Âm nhạc, phụ trách bộ phận phía Nam.

Tiếp nối hai nhạc sĩ lão làng trên cũng là hai nhạc sĩ nổi danh lừng lẫy Việt Nam, tầm hoạt động rất phong phú thể loại, có tiếng vang rộng lớn trong và ngoài nước đó là hai anh em nhạc sĩ Trần Văn Khê và Trần Văn Trạch. Nhạc sĩ Trần Văn Khê sinh ngày 24 tháng 7 năm 1921 tại làng Đông Hòa, tổng Thuận Bình, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là xã Vĩnh Kim, Châu Thành (Tiền Giang)) trong một gia đình có 4 đời làm nhạc sĩ, nên từ nhỏ ông đã làm quen với nhạc cổ truyền. Năm lên 6 tuổi ông đã được cô (Ba Viện) và cậu (Năm Khương) dạy đàn kìm, đàn cò, đàn tranh, biết đàn những bản dễ như "Lưu Thủy", "Bình Bán vắn", "Kim Tiền", "Long Hổ Hội". Ông nội ông là Trần Quang Diệm (Năm Diệm), cha ông là Trần Quang Chiêu (Bảy Triều), cô là Trần Ngọc Viện (tức Ba Viện, người đã sáng lập gánh cải lương Đồng Nữ ban), đều là những nghệ nhân âm nhạc cổ truyền nổi tiếng. Cụ cố ngoại ông là tướng quân Nguyễn Tri Phương. Ông ngoại ông là Nguyễn Tri Túc, cũng say mê âm nhạc, có ba người con đều theo nghiệp đờn ca. Một trong số đó Nguyễn Tri Khương, thầy dạy nhạc và nhà soạn tuồng cải lương nổi tiếng. Riêng mẹ ông là Nguyễn Thị Dành (Tám Dành), sớm tham gia cách mạng, gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 1930 và bị thương rồi mất trong năm đó.Cha ông vì thương nhớ vợ nên qua đời năm 1931. Ông có một người anh họ ngoại (con ông Nguyễn Tri Lạc) là nhạc sĩ Nguyễn Mỹ Ca

Năm 10 tuổi, Trần Văn Khê đậu tiểu học, sang Tam Bình, Vĩnh Long nhờ người cô thứ năm nuôi. Đến đây Trần Văn Khê được học chữ Hán với nhà thơ Thượng Tân Thị. Trong kỳ sơ học năm 1934 tại Vĩnh Long được đậu sơ học có phần Hán Văn. Cả tỉnh chỉ có Trần Văn Khê và Nguyễn Trọng Danh được đậu bằng chữ Hán.

Năm 1934, ông vào trường Trung học Trương Vĩnh Ký, được cấp học bổng. Học rất giỏi, năm 1938 ông được phần thưởng là một chuyến du lịch từ Sài Gòn đến Hà Nội, ghé qua Phan Thiết, Đà Nẵng, Nha Trang, Huế. Nhờ đậu tú tài phần nhất năm 1940, thủ khoa phần nhì năm 1941, ông được đô đốc Jean Decoux thưởng cho đi viếng cả nước Campuchia xem Chùa Vàng, Chùa Bạc tại Nam Vang, viếng Đế Thiên Đế Thích. Khi về Việt Nam, nhờ thầy Phạm Thiều giới thiệu, ông được Đông Hồ tiếp đãi, dẫn đi chơi trong một tuần.

Năm 1942, Trần Văn Khê ra Hà Nội học y khoa. Tại đây, cùng với Huỳnh Văn Tiểng, Lưu Hữu Phước, Mai Văn Bộ, Phan Huỳnh Tấng (nay đổi thành Phạm Hữu Tùng), Nguyễn Thành Nguyên, hoạt động trong khuôn khổ của Tổng hội Sinh viên. Do thể hiện một trình độ cảm nhạc xuất sắc, ông được cử làm nhạc trưởng của giàn nhạc trường, nhân giới thiệu những bài hát của Lưu Hữu Phước.

Năm 1943, ông cưới bà Nguyễn Thị Sương, và sau đó có nhiều sự kiện làm Trần Văn Khê phải xin thôi học để trở về Nam Kỳ. Con trai đầu lòng của ông là Trần Quang Hải, sinh năm 1944, sau này cũng là một nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc Việt Nam danh tiếng. Ông sang Pháp du học từ năm 1949 nên chưa biết mặt cô con gái út Trần Thị Thủy Ngọc còn nằm trong bụng mẹ. Hè năm 1951, ông thi đậu vào trường Chính trị Khoa giao dịch quốc tế. Cho đến năm 1958, ông theo học khoa nhạc học và chuẩn bị luận án tiến sĩ dưới sự chỉ đạo của các Giáo sư Jacques Chailley, Emile Gaspardone và André Schaeffner. Tháng 6 năm 1958, ông đậu Tiến sĩ Văn khoa (môn Nhạc học) của Đại học Sorbonne. Luận văn của ông có tên: “La Musique vietnamienne traditionnelle” (Âm nhạc truyền thống Việt Nam).

Từ năm 1963, ông dạy trong Trung tâm Nghiên cứu nhạc Đông phương, dưới sự bảo trợ của Viện Nhạc học Paris (Institut de Musicologie de Paris). Ông là thành viên của Viện Khoa học Pháp, Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm châu Âu về Khoa học, Văn chương và Nghệ thuật cũng như nhiều hội nghiên cứu âm nhạc quốc tế khác; là Chủ tịch Hội đồng Khoa học của Viện quốc tế nghiên cứu âm nhạc bằng phương pháp đối chiếu của Đức (International Institute for Comparative Music Studies).

Ông đã đi 67 nước trên khắp thế giới để nói chuyện, giảng dạy về âm nhạc dân tộc Việt Nam. Ông mất năm 2015 tại Sài Gòn

Nhạc sĩ Trần Văn Trạch bào đệ của nhạc sĩ Trần Văn Khê (tên thật: Trần Quang Trạch, 1924 - 1994) là một nhạc sĩ và ca sĩ nổi danh từ trước năm 1975 tại Sài Gòn. Với mái tóc dài cùng giọng ca trầm ấm cùng phong thái biểu diễn mới lạ, vui nhộn, độc đáo, ông được khán giả, báo chí trước 1975 phong tặng danh hiệu "Quái kiệt".

Ông sinh tại làng Đông Hòa, tổng Thuận Bình, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho, ngày nay thuộc tỉnh Tiền Giang, trong gia đình có truyền thống cổ nhạc và sân khấu tuồng. Ông là con trai thứ trong ba người con của ông Trần Quang Chiêu.

Ngay từ lúc nhỏ ông đã có năng khiếu về âm nhạc. Do vậy, ông sử dụng khá thành thạo đàn kìm và đàn tỳ bà. Tuy biết nhiều về cổ nhạc và có giọng hát ấm, nhưng ông lại thích tân nhạc hơn. Vì vậy, ông học đàn mandoline với anh là Trần Văn Khê và học đàn violon với người anh cô cậu là Nguyễn Mỹ Ca, biết chơi thành thạo những bài nhạc Pháp thịnh hành thuở đó.

Đến năm 1949, nhận thấy tân nhạc bắt đầu thịnh hành, Trần Văn Trạch nảy ra ý nghĩ mở đại nhạc hội, là một chương trình văn nghệ bao gồm ca, vũ, nhạc, kịch, xiếc, ảo thuật,... Với cách làm này, Trần Văn Trạch chinh phục được nhiều khán giả trên khắp mọi miền. Kể từ đó danh từ "đại nhạc hội" bỗng trở nên phổ biến.

Năm 1951, bắt đầu từ rạp Nam Việt, ông Trạch đưa ca nhạc vào các rạp chiếu bóng để diễn trước giờ chiếu phim chính. Cách làm này cũng được nhiều người xem hoan nghênh và khai sinh từ ngữ "chương trình văn nghệ phụ diễn" từ đó. Cũng năm này, vì nhu cầu trình diễn, ông Trạch đã tự sáng tác ra những bản nhạc hài hước để tự mình trình diễn lấy. Bản nhạc "Anh phu xích lô" là sáng tác đầu tiên của ông:

Có ai mà muốn đi tới Chợ Lớn

Có ai mà muốn đi tới Chợ Mới

Có ai mà muốn đi chóng cho mau tới

Ê tôi xin mời lại đây.

Kể từ đó cho tới ngày ký Hiệp định Genève (1954) ông viết tiếp "Cái têlêphôn", "Cái đồng hồ tay", "Cây bút máy", "Anh chàng thất nghiệp", "Sở vòi rồng", "Đừng có lo", "Tôi đóng xinê", "Chiếc ôtô cũ", "Chiến xa Việt Nam",... Bài nhạc nào của ông cũng làm người nghe bật cười thích thú. Từ đó, ông có biệt danh là "Quái kiệt" Trần Văn Trạch.

Cũng trong năm này 1952  ông đã sáng tác và hát bài "Xổ số kiến thiết quốc gia", Nhờ bài hát này, tên tuổi ông càng được nhiều người biết đến:

Kiến thiết quốc gia

Giúp đồng bào ta

Xây đắp muôn người

Được nên cửa nhà

Tô điểm giang san

Qua bao lầm than

Ta thề kiến thiết

Trong giấc mộng vàng

Triệu phú đến nơi

Chỉ mười đồng thôi

Mua lấy xe nhà

Giàu sang mấy hồi

Năm 1960, Trần Văn Trạch sang Paris (Pháp) và thường xuyên hát tại nhà hàng La Table du Mandarin, Quận 1, Paris. Thời gian ở Pháp ông thâu âm thâu hình bản "Chiều mưa biên giới" của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông cho hai đài là Europe No.1 và Đài Truyền hình Pháp. Ông đã thâu âm bài "Chiều mưa biên giới" theo kiểu sound track (phần nhạc do ban nhạc của Pháp thu sẵn trên băng nhựa). Lưu diễn khoảng sáu tháng, năm 1961, ông trở về Sài Gòn với một tiết mục mới là trò múa rối học được ở Pháp. Ông tiếp tục là nam ca sĩ đầu tiên thâu bản "Mấy dặm sơn khê" cũng của Nguyễn Văn Đông. Tháng 2 năm 1994, ông trở về Paris và nằm chữa bệnh ung thư gan tại bệnh viên Tenon. Trần Văn Trạch mất ngày 12 tháng 4 năm 1994, hưởng thọ 70 tuổi. Ông được an táng tại nghĩa trang Cimetière Intercommunal ở Valenton, ngoại ô Paris.

Ngoài hai cặp nhạc sĩ anh em ruột nổi danh từ thời tiền chiến kể trên, sau nầy cũng có hai anh em nhạc sĩ tiếng tăm và hoạt động sôi nổi ở thập niên 60,70 tại Hà Nội như Nhạc sĩ Hoàng Long và nhạc sĩ Hoàng Lân là anh em sinh đôi, sinh ngày 18/6/1942 tại thị xã Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc), người anh - Hoàng Long cất tiếng chào đời trước Hoàng Lân 15 phút. Sinh tại Vĩnh Yên nhưng từ nhỏ đến lớn, họ sống ở thị xã Sơn Tây (Hà Nội) trong hoàn cảnh gia đình khá đặc biệt: bố mất sớm từ khi Hoàng Long - Hoàng Lân mới 10 tháng tuổi; mẹ dạy học, rồi đi bước nữa, 2 anh em ở với bà nội cho đến khi khôn lớn.

Từ những ca khúc thành công đầu tiên khi họ mới 17 tuổi, đang ngồi trên ghế nhà trường phổ thông, đến những sáng tác gần đây nhất, đã nói lên một chặng đường lao động nghệ thuật liên tục, bền bỉ của hai anh em, một ý chí và nghị lực vươn lên trong điều kiện khó khăn riêng tư hiếm có của họ.

Có những bài Hoàng Long viết, Hoàng Lân tham gia thêm và ngược lại. Cũng có những bài, một trong hai người hình thành chủ đề âm nhạc đầu tiên, rồi người kia tiếp tục phát triển cho hoàn chỉnh cả bài Sau này, có một số bài do một người viết song vẫn liên danh ký tên chung.

Từ năm 1959, trên làn sóng Đài phát thanh TNVN đã đều đặn giới thiệu những ca khúc của Hoàng Long - Hoàng Lân. Một trong những sáng tác đầu tiên khá thành công là bài "Em đi thăm miền Nam" (1959). Bài hát gây được tiếng vang lớn và phổ biến rộng rãi trong nhiều thế hệ thiếu nhi Việt Nam.

Từ khi còn là học sinh phổ thông, Hoàng Long - Hoàng Lân đã tìm đến âm nhạc với niềm say mê và tinh thần cần cù tự học. Những năm đầu tiên, các nhạc sĩ đã sáng tác một số ca khúc dành cho thanh niên như: Ngọn lửa nhiệt tình lao động, Nếu bạn muốn tìm tôi, Cô giáo vùng cao... Sau này, càng ngày hai nhạc sĩ càng bộc lộ rõ thiên hướng sáng tác cho tuổi thơ.

Một số sáng tác tiêu biểu của 2 ông: - Nếu bạn muốn tìm tôi - Cô gái vùng cao - Em đi thăm miền Nam (1959) - Đi học về (1961) - Lái xe hơi (1961) - Bác Hồ - người cho em tất cả (1975) - Từ rừng xanh cháu về thăm lăng Bác (1978) - Mèo con đi học (1982) - Thật là hay (1982) - Mùa hè ước mong (1982) - Bác đưa thư vui tính - Cùng múa hát dưới trăng - Đàn cá dưới chân nhà sàn(1983) - Hát ở trại hè quốc tế (1983) ....

Suốt cuộc đời 50 năm qua, 2 nhạc sĩ Hoàng Lân – Hoàng Long chủ yếu làm công tác nghiên cứu sáng tác âm nhạc góp phần đào tạo nhiều thế hệ học sinh, sinh viên, đóng góp đào tạo và phổ cập âm nhạc trên toàn quốc.

Về nhạc sĩ Thế Song tác giả bài hát Nơi đảo xa, nhạc sĩ Lương Nguyên từng có nhiều năm gần gũi và làm việc chung với nhạc sĩ Thế Song tại Đài Tiếng nói Việt Nam cho biết, nhạc sĩ Thế Song chính là anh ruột của nhạc sĩ Văn Dung. Ngày xưa, cả hai anh em nhạc sĩ đều là những hợp xướng viên của Đài Tiếng nói Việt Nam, tức là ca sĩ hát tốp ca trong dàn nhạc.  Nhạc sĩ Thế Song (tên thật Nguyễn Thế Song) sinh ngày 01 tháng 12 năm 1933 là tác giả của các ca khúc Nơi đảo xa, Bài ca trên đỉnh Pò Hèn, Tình yêu bên suối...

 “Anh Thế Song hoạt động một thời gian ở dàn nhạc, khi hết tuổi hát, anh chuyển lên làm công việc biên tập âm nhạc. Anh ấy làm biên tập chính của chương trình âm nhạc “Sau đây là” phát thường xuyên trên Đài vào 7h30 sáng hàng ngày. Anh Thế Song là một người hiền lành, chân chất, thân thiện, vui vẻ, trẻ trung... Anh ấy còn là một “cây bóng bàn” có tiếng của Đài thời bấy giờ.  

Nhạc sĩ Thế Song sáng tác rất nhiều ca khúc thuộc nhiều đề tài khác nhau nhưng được biết đến nhiều hơn cả là bài “Nơi đảo xa”. Bài này nhạc sĩ sáng tác vào năm 1979 khi thực tế sáng tác tại các đồn biên phòng ở Quảng Ninh.

“Thực ra, chuyến đi đó có nhiều nhạc sĩ cùng đi và mục đích chính là viết về đồn biên phòng chứ không chủ trương viết về hải đảo. Tuy nhiên, trên đường về lại Hà Nội, anh ấy nghỉ tại trạm sửa chữa tàu biển của bộ đội hải quân ở Hạ Long. Khi nghe em hải quân ở trạm kể cho nghe nhiều câu chuyện cảm động về cuộc sống thiếu thốn (tình cảm lẫn vật chất) nơi đảo xa…anh Thế Song đã cảm hứng viết ngay ca khúc này.

Năm 2017, ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học Nghệ thuật cho các tác phẩm: “Nơi đảo xa”, “Bài ca trên đỉnh Pò Hèn”, “Tình yêu bên suối”.

Ông trút hơi thở cuối cùng vào ngày 20/5/2018 tại Hà Nội. 

Nhạc sĩ Văn Dung người em sinh ngày 15 tháng 1 năm 1936, tại làng Bích Câu, khu Hàng Bột, Hà Nội. Thuở nhỏ, Văn Dung học tại trường tiểu học Lý Thường Kiệt, nên ông biết tiếng Pháp rất sớm. Từ năm 1954 đến 1957, ông học trung học tại trường Chu Văn An. Ông học giỏi nên được bầu vào làm Ủy viên Ban Chấp hành hiệu đoàn học sinh Chu Văn An. Năm ông 26 tuổi, mẹ ông cũng qua đời.

Trong 2 năm 1958 và 1959, ông vừa làm công việc trang trí trong Đoàn kịch nói Trung ương, vừa tham gia tổ chức Bình dân học vụ và Bổ túc văn hóa với tư cách là tổ trưởng giáo viên. Năm 1960, ông theo học lớp báo chí Trung ương do Ban Tuyên giáo tổ chức, thuộc Phân hiệu II của Trường Nguyễn Ái Quốc.

Sau khi tốt nghiệp Trường báo chí Trung Ương, ông về công tác tại Ban Công nghiệp Đài Tiếng nói Việt Nam làm biên tập viên âm nhạc, ông bắt đầu học nhạc để phục vụ công việc.

Năm 1965, trong chuyến đi thực tế ở Vĩnh Linh, đến những vùng giáp ranh vĩ tuyến 17, Văn Dung sáng tác bài “Giải phóng quân ta ra đi". Tại mặt trận Khe Sanh năm 1968, ông sáng tác “Đường Trường Sơn xe anh qua”. Năm 1971, khi mặt trận đường 9 mở ra, Văn Dung lại viết “Bài ca đường 9 chiến thắng”. Cũng trong năm này, Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam đã phát động phong trào sáng tác ca khúc cho thanh niên, nhân dịp chuẩn bị kỷ niệm 40 năm thành lập Đoàn. Ông đã sáng tác ra bài “Hành khúc thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh”. Nhưng người ta biết nhiều đến ông qua bài Những bông hoa trong vườn Bác. Ca ngợi Bác nhưng Văn Dung viết về những bông hoa quanh Lăng Người, một cách ngợi ca gián tiếp nhưng thật sâu sắc và hàm chứa nhiều ý nghĩa: “Ngắm muôn hoa trong vườn Bác/ Còn thấy đây dáng hình bao thân thương của Người/ Những loài hoa từ miền quê xa/ Đã về đây ngạt ngào hương bay/ Càng nhớ về công ơn của Người...”.

Năm 1993, ông được bổ nhiệm là Chủ nhiệm chương trình ca nhạc mới Ban Âm nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam, cho đến khi nghỉ hưu vào năm 1998. Ông từng là Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội năm 2016 và 2017. Ông mất ngày 8 tháng 3 năm 2022 tại Hà Nội.

Trên mảnh đất miền thùy dương xinh đẹp Nha Trang, không ai là không biết hai anh em nhạc sĩ Hình Phước Long, Hình Phước Liên. Nhạc sĩ Hình Phước Long sinh năm 1950 tại Ninh Hòa, Khánh Hòa. Ông là hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Với bài hát “Gần lắm Trường Sa” đã đưa tên tuổi ông đến với công chúng yêu nhạc cả nước

Với giai điệu thân thương, gần gũi trên 40 năm qua bài hát “Gần lắm Trường Sa” của nhạc sĩ Hình Phước Long thực sự đi vào lòng người bởi nó đã nói hộ tâm sự của mỗi người con đất Việt với Tổ quốc. Người nghe nhạc cả nước đều thân quen với ca khúc: “Gần lắm Trường Sa” của ông: “Không đâu Trường Sa ơi / Vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh / Vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em”.

Khi sáng tác ca khúc này, nhạc sĩ chưa có dịp đặt chân lên quần đảo Trường Sa thân yêu. Nhạc sĩ bồi hồi nhớ và kể lại những kỷ niệm về Trường Sa. Có lần khi tới thăm phòng truyền thống của Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân, nhạc sĩ được xem một số ảnh trắng đen chụp cảnh sinh hoạt trên đảo, được xem bộ phim tài liệu “Tổ quốc trên một vùng đảo nhỏ” với những chi tiết: Sóng nước mênh mang, chim hải âu bay rợp trời, hình ảnh kiên cường của đảo và giây phút bâng khuâng khi những người lính trẻ nhớ về đất liền... Bao tình cảm dạt dào chỉ biết tỏ bày qua những cánh thư... Ông cảm thấy một cái gì đó rất lạ dấy lên trong suy nghĩ và quả quyết ghi vào lưu bút của Lữ đoàn: “Sẽ có một bài hát về Trường Sa”. Xúc động trước quần đảo hùng vĩ, trước những gian khổ, hy sinh của người lính Trường Sa, ông nảy ra ý định viết về quần đảo này. Lần dự trại sáng tác được tổ chức tại thành phố biển Nha Trang năm 1982 một chiều, ông đạp xe dạo dọc con đường Trần Phú. Trong gió biển mơn man, người nhạc sĩ trẻ ấy bắt gặp một cô gái mặc áo dài đang đứng ngắm biển. Ông tự nghĩ, có khi nào người yêu cô ấy ở Trường Sa? Nếu như cô gửi lời yêu thương vào gió, thì ở nơi đảo xa, người yêu của cô có nghe được lời yêu thương trong gió đó không? Chợt nhớ về câu ca dao mà mẹ ông vẫn thường đọc: “Khi xa sát vách cũng xa / Khi gần muôn dặm đường xa cũng gần”. Bỗng một giai điệu chợt lóe lên trong đầu ông “Không xa đâu Trường Sa ơi! Vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh / Vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em...”. Ông viết vội vào tờ giấy và về trại, rồi trở về ngôi nhà nhỏ ở thị trấn Ninh Hòa, nơi có người mẹ từng đọc cho ông nghe câu ca dao xưa. Dưới hoàng hôn chạng vạng, ông kéo ghế ra trước sân để viết. Trong không gian ấy, cảm xúc tuôn trào, ông hoàn thành bài hát “Gần lắm Trường Sa”. Khi trại sáng tác bế mạc, tác phẩm trở thành bài hát tiêu biểu.

Bây giờ, ông đã bước qua tuổi thất thập cổ lai hy nhưng bài hát “Gần lắm Trường Sa” vẫn là một dấu son trong sự nghiệp âm nhạc của ông cùng với “Tiếng hát đảo Sơn Ca”, “Gặp anh trên đảo Sinh Tồn”, “Đêm trên đảo Thuyền Chài”...

Nhạc sĩ Hình Phước Liên là người em ông cũng hoạt động rất lâu trong âm nhạc, một tên tuổi được nhiều người yêu quý. Đó không chỉ bởi tài năng đã được khẳng định qua rất nhiều tác phẩm âm nhạc đi cùng năm tháng, mà ở ông còn có sự điềm đạm, thân thiện và chân thành với bạn bè, đồng nghiệp.

Nhắc tới nhạc sĩ Hình Phước Liên, chúng ta dễ cảm nhận đến một phong cách âm nhạc đa dạng, đa sắc. Từ ca khúc Ơi con sông Dinh mang âm hưởng dân gian đến Cây đàn ghi-ta của Lorca đậm màu âm nhạc hiện đại. Từ bài hát Ngôi sao niềm tin - Ngôi sao Hồ Chí Minh với ngôn ngữ âm nhạc trong sáng trẻ trung, đến những ca khúc viết về người lính đảo Trường Sa giàu chất trữ tình, tự sự…Đặc biệt, trong gia tài âm nhạc của ông có rất nhiều ca khúc đã ghi dấu ấn trong lòng các thế hệ thiếu nhi Việt Nam.

Ca khúc thiếu nhi là mảng sáng tác quan trọng trong sự nghiệp của nhạc sĩ Hình Phước Liên. Ông luôn xem đó là duyên may của bản thân khi đã viết nên được những giai điệu, ca từ phù hợp với tâm hồn, suy nghĩ của trẻ thơ. “Tôi luôn nghĩ rằng, nếu quả thực âm nhạc là thứ tốt đẹp nhất, có khả năng bồi dưỡng tâm hồn của con người thì chúng ta nên dành điều ưu ái này cho con cháu mình từ khi chúng còn là con trẻ”, nhạc sĩ tâm sự. những tác phẩm âm nhạc thiếu nhi của nhạc sĩ Hình Phước Liên đã tạo được tiếng vang nhất định trong lòng các em nhỏ. Những sáng tác như: Chú bò nhỏ và bác tàu lửa; Năm 2000 của chúng em; Nắng vàng trên tháp cổ; Ngày mai lên Sao Kim; Cô giáo em là hoa Êban; Với biển mùa hè; Em bé Hiroshima… đã nhận được đánh giá cao của giới nhạc sĩ trong nước. Điều đó được thể hiện qua những giải thưởng âm nhạc uy tín; có tác phẩm được bình chọn là 1 trong số 50 bài hát thiếu nhi hay nhất thế kỷ XX; có tác phẩm được đưa vào sách giáo khoa để dạy cho học sinh. Đặc biệt, có những tác phẩm đã sống cùng nhiều thế hệ thiếu nhi Việt Nam như: Cô giáo em là hoa Êban, Năm 2000 của chúng em.  Đặc biệt cả hai anh em đều được giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật.

Chúng ta biết có hai anh em ruột quê ở Thái Bình đều là nhạc sĩ và cùng trong ngành giáo dục là Bùi Anh Tú và Bùi Anh Tôn. Hai anh em đã từng ra chung tuyển tập các ca khúc. Hai anh em vừa viết hai ca khúc mới trong những ngày chống đại dịch

Nếu như người em Bùi Anh Tôn qua một giai điệu "gần gũi, thân thiết" để tâm tình với mọi người với bài "Đừng đi đó đây, hãy ở yên nhà" thì người anh Bùi Anh Tú mạnh mẽ hơn, "khoẻ, tự tin" để ra đời bài hát "Cùng nhau chung sức chống giặc Corona". Nhưng cả hai anh em đều tin rằng: "khó khăn rồi sẽ qua","đại dịch sẽ phải lùi xa".
Nhạc sĩ Bùi Anh Tú tâm sự: "Từ mấy tháng nay cả nước nói riêng và cả thế giới nói chung đang oằn mình chống lại cơn đại dịch Covid - 19.

Là nhạc sĩ sáng tác, một người công tác trong ngành giáo dục, tôi luôn muốn lắng nghe, muốn viết và muốn tất cả chúng ta hãy bằng mọi hình thức và mọi hành động để cùng chung tay chống lại cơn đại dịch Covid-19 này.

Nhạc sĩ Bùi Anh Tôn sinh ngày 1 tháng 5 năm 1962, quê Thái Bình, là chuyên viên Sở Giáo dục - Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh. Tốt nghiệp Đại học Sáng tác tại Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh. Ông tốt nghiệp Khoa Sư phạm Âm nhạc tại Trường Cao đẳng Sư phạm Nhạc Họa Trung ương Hà Nội (1980-1983). Nhập ngũ (1984-1985) làm công tác văn hóa, văn nghệ thuộc Cục Chính trị Binh đoàn Tây Nguyên. Năm 1987, dạy âm nhạc và tham gia viết giáo trình, tài liệu giảng dậy âm nhạc cho ngành giáo dục. Đã xuất bản 2 tập ca khúc và một album ca khúc thiếu nhi: Quà tặng tuổi thơ (Nxb.Âm nhạc, 1995); Những ca khúc thiếu nhi (Nxb. Âm nhạc, 1996); Cả nhà đều yêu (Album Trung tâm Băng nhạc Trẻ Thành phố Hồ Chí Minh). Một số sáng tác đạt giải thưởng của các tổ chức Trung ương và Thành phố như: Hãy cần biết ,Nụ cười hoa, Câu hát dân ca và người lính đảo, Lời của phố, Mùa xuân và cô mẫu giáo...

Đi lùi về phía Phan Rang miền nắng gió ta có hai anh em nhạc sĩ Nhạc sĩ Bá Lân và Bá Khôi của quê hương vùng đất lúa Hộ Diêm, xã Hộ Hải (Ninh Hải). Với kiến thức âm nhạc căn bản tích lũy trong những năm tháng học phổ thông giúp Bá Lân làm hành trang trên bước đường sáng tác trở thành nhạc sĩ chuyên nghiệp. Từ sáng tác đầu tay viết năm 1978 là ca khúc Trên cánh đồng hợp tác được cán bộ và nhân dân xã Hộ Hải yêu thích: “Trên cánh đồng quê ta hôm nay. Đất nuôi cây bao mồ hôi anh đổ. Lúa em trồng nuôi những ước mơ. Làng quê ơi, ta hát vang kết đoàn…”.

Đến nay, anh sáng tác trên 80 ca khúc ngợi ca đất nước, con người Ninh Thuận yêu thương được công chúng đón nhận như Chiều mưa Phan Rang, Hát về Ninh Thuận, Nắng quê nhà, Chuyện dòng sông quê tôi... Anh có nhiều ca khúc đoạt Huy chương vàng, bạc trong các kỳ hội diễn và được Hội nhạc sĩ Việt Nam trao tặng giải thưởng như: Chapi tiếng đàn tôi, Đội mưa, Hồn đá, Ước mơ đảo xa, Đêm biển…Gần đây phải nói thành công lớn của anh là ca khúc Đất Nung được Hội Nhạc sĩ Việt Nam tặng giải A tại Liên hoan Âm nhạc các tỉnh phía Nam năm 2018 đã động viên anh tiếp tục nỗ lực sáng tác.

Em trai anh là nhạc sĩ Bá Khôi cũng gặt hái được khá nhiều thành công trên con đường nghệ thuật. Nhạc sĩ Bá Khôi sáng tác ca khúc “Katê tháp cổ” tham dự Liên hoan Âm nhạc toàn quốc đợt 1 năm 2022, diễn ra tại Tp. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) từ ngày 18 đến 20-5. Ca khúc của anh vinh dự được Hội Nhạc sĩ Việt Nam trao tặng giải A, giải thưởng xuất sắc nhất Liên hoan. Qua đó khẳng định sự thành công của một nghệ sĩ đã dành tâm huyết cho hoạt động sáng tác, phục vụ nâng cao đời sống văn hóa cho Nhân dân tỉnh nhà. Đến nay, anh sáng tác trên 100 ca khúc ngợi ca đất nước, con người Ninh Thuận yêu thương, được công chúng đón nhận như “Nỗi nhớ Raglai”, “Người Chăm ơn Đảng”, “Phan Rang phố biển”, “Ninh Thuận lung linh sắc màu”, “Huyền thoại Chapơ”, “Đêm rừng Palay Yarot”... Anh có nhiều ca khúc đoạt huy chương vàng, bạc trong các kỳ hội diễn và được Hội nhạc sĩ Việt Nam trao giải thưởng tiêu biểu như: “Nỗi nhớ Raglai”, “Nhà ngoại em”, “Có anh canh Trường Sa”, “Em bé Raglai”.

Xuống miền biên giới Tây Nam Tổ quốc, giới văn nghệ Tây Ninh đều biết đến anh em nhạc sĩ Nguyễn Quốc Đông và Nguyễn Quốc Tây bởi những thành tích mà các anh gặt hái được trong sáng tác âm nhạc. Nguyễn Quốc Đông sinh năm 1956 tại Tây Ninh. Từ nhỏ, ba mẹ đã mua sách âm nhạc và đàn để anh tự học. Sẵn có năng khiếu nghệ thuật và lòng đam mê, Quốc Đông lại được tiếp xúc và quen biết với nhiều nhạc sĩ...Từ đó, anh bắt đầu tập tành viết ca khúc phổ thơ của các thi sĩ như Xuân Diệu, Nguyễn Bính...

Thời đi học, Nguyễn Quốc Đông đã mê văn thơ, âm nhạc, tập sáng tác ca khúc và tham gia ban nhạc của trường. Trước năm 1975, anh học Văn khoa Sài Gòn. Sau đó, anh trở về học khoa Văn Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Ninh. Tốt  nghiệp ra trường, anh được phân công về dạy tại vùng biên giới Châu Thành vào những năm chiến tranh biên giới Tây Nam. Là giáo viên rất yêu nghề, nhạc sĩ Nguyễn Quốc Đông thường chọn đề tài học đường sáng tác. Nhiều ca khúc về học đường của anh đã được phổ biến rộng rãi như: Khi bầy chim trở lại (phổ thơ Đỗ Trung Quân), Ngôi trường em yêu, Em có nghe mùa hạ về, Nối tiếp bước truyền thống Hoàng Lê Kha, Phượng xưa, Những mùa hạ qua đi...Năm 2007, anh vinh dự được kết nạp vào Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

Những năm gần đây, nhạc sĩ Quốc Đông được nhiều giải thưởng của Hội nhạc sĩ Việt Nam như Những mùa trăng xưa (2016) Bên tượng đài chiến thắng Tua Hai (2012) và một số giải về lý luận phê bình âm nhạc.

Nhạc sĩ Nguyễn Quốc Tây là gương mặt quen thuộc của giới văn nghệ sĩ Tây Ninh, có nhiều đóng góp tích cực trong phong trào sáng tác âm nhạc tại địa phương, là em nhạc sĩ Nguyễn Quốc Đông, cũng là hội viên Hội nhạc sĩ Việt Nam. Nhạc sĩ cũng từng nhận được nhiều giải thưởng từ các cuộc thi sáng tác của Hội nhạc sĩ Việt Nam như ca khúc Mái ấm nhà em, ca khúc “Giữ xanh mái nhà chung”, ca khúc “Ngày của cha...ông sinh năm 1959. quê ở Hòa Thành – Tây Ninh, từng học guitar cổ điển tại trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn và theo học lớp sáng tác của nhạc sĩ Xuân Hồng. Năm 2007 học lớp hòa âm, sáng tác ca khúc nghệ thuật lớp của PGS – TS Nhạc sĩ Thế Bảo do Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Tây Ninh tổ chức. Trong quá trình hoạt động âm nhạc, nhạc sĩ đã tham gia nhiều chương trình như độc tấu guitar trên truyền hình, viết nhạc phong trào cho địa phương. Những sáng tác tiêu biểu: “Bên cầu xa cách”, “Tên em là dòng suối”, “Một đời bên em”, “Hạnh ngộ”…Các Album đã phát hành như: “Tên em là dòng suối” năm 2005; "Một đời bên em" năm 2006; “Cho tình yêu của anh” năm 2007.

Gần đây trong giới Showbiz người ta cũng nhắc nhiều về hai anh em nhạc sĩ trẻ tuổi Khắc Việt, Khắc Hưng. Khắc Hưng được đánh giá là một trong những nhạc sĩ có nhiều bản hit của làng nhạc Việt, "nổi như cồn" trong vài năm gần đây với loạt ca khúc đạt lượt nghe "khủng", giúp các ca sĩ "thăng hạng". Anh còn được biết tới là em trai của ca sĩ, nhạc sĩ Khắc Việt. Gần đây, Khắc Hưng góp mặt trong show truyền hình thực tế The Heroes, ngồi "ghế nóng" với đàn anh Nguyễn Hải Phong.

Đến nay, Khắc Hưng - Khắc Việt được xem là cặp anh em nghệ sĩ thành công, giữ được sức hút nhất định trong làng giải trí Việt, đều có những sáng tác nổi tiếng. Hiện tại, Khắc Việt đã có gia đình và dành nhiều thời gian chăm lo cho tổ ấm, trong khi em trai Khắc Hưng vẫn đang được đà tạo tiếng vang trong Showbiz.

Khắc Việt cũng rất tự hào về em trai của mình. Anh nói: "Hưng rất nổi tiếng ở trường ngay từ bé, được mệnh danh như một 'thần đồng'. Từ bé, Hưng đã bộc lộ thiên bẩm khác biệt so với bạn bè đồng trang lứa. Bạn bè lúc đó làm được ab thì Hưng đã làm được cd rồi. Hưng được các thầy cô, bạn bè ngưỡng mộ".

Ngược lên xứ sở hoa anh đào Tây Nguyên mọi người biết đến anh em nhạc sĩ Dương Toàn Thắng, Dương Toàn Thiên. Nhạc sĩ Dương Toàn Thắng (bút danh: Toàn Thắng) sinh ngày 10 tháng 9 năm 1947 tại thị xã Cao Bằng là anh của nhạc sĩ Dương Toàn Thiên ở Lâm Đồng Đà Lạt, ông công tác nhiều năm tại Đài Phát thanh – Truyền hình Lâm Đồng, Năm 1968 – 1972, được quân đội cử đi học Trung cấp tại chức tại Nhạc viện Hà Nội, ngành sáng tác.

Ông viết nhiều tác phẩm đậm đà chất liệu dân gian và đã có những thành công đáng kể như: ca khúc Tiếng chim queng qui (1984), Giải A ca khúc thiếu nhi Đài Tiếng nói Việt Nam với bài Cao Bằng mùa hoa phượng (1982), Gửi tặng một mùa hoa và Chèo thuyền trên hồ Ba Bể (1984); Giải A ca khúc Tiếng chim queng qui (1984); nhạc kịch Lao Tồng (1976)…

Ông đã được trao tặng: 2 Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhì và hạng Ba; Huân chương Kháng chiến hạng Nhì; Huy chương Vì sự nghiệp Văn học – Nghệ thuật (2003). Ông mất năm 2017 tại Sơn Tây

Nhạc sĩ Dương Toàn Thiên sinh ngày 15 tháng 2 năm 1953. Quê tại Cao Bằng. Nguyên là Trưởng Phòng Văn nghệ Đài Phát thanh - Truyền hình Lâm Đồng, đã tốt nghiệp Đại học Sáng tác Nhạc viện Hà Nội.

Tự học âm nhạc từ nhỏ. Năm 1971, nhập ngũ, công tác ở Phòng Chính trị Đoàn Pháo binh 675. Dương Toàn Thiên đã sáng tác ca khúc Pháo tầm xa Tây Nguyên, Trận địa dưới bóng cây k'nia… để phục vụ bộ đội chiến trường B3 Tây Nguyên. Xuất ngũ về quê hương (1977), ông là một trong số ít người sáng tác âm nhạc của Hội Văn nghệ Cao Bằng. Những ca khúc Hát bên bàn đá Bác Hồ, Đường Pắc Bó, Giọt nắng quê hương, Qua đèo Liêu, v.v... của ông đã được sử dụng trên làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam hoặc in trên các báo của địa phương. Năm 1993, ông chuyển vào công tác tại Đài Phát thanh - Truyền hình Lâm Đồng, biên tập, đạo diễn các chương trình văn nghệ truyền hình. Thời kỳ này, ông tiếp tục có các ca khúc như: Chiều Đà Lạt, Lặng lẽ, Cánh ô đợi chờ, Khát vọng Đan-Kia, Chiều nhớ, Chào Lang-bian mùa xuân, Gặp gỡ mùa cúc quỳ, v.v…

Ông được trao tặng nhiều giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Hội Văn học – Nghệ thuật các dân tộc thiểu số, v.v…Ngoài ra ông còn viết nhiều kịch bản và đạo diễn nhiều phim ca nhạc và chương trình văn nghệ truyền hình. Phim ca nhạc Từ lời ru Núi Mẹ (viết kịch bản và đạo diễn) đạt Huy chương Vàng Liên hoan Truyền hình toàn quốc năm 1997. Phim ca nhạc Màu xanh em yêu (viết kịch bản và đạo diễn) đạt Huy chương Bạc Liên hoan Truyền hình toàn quốc năm 1998.

Nguyễn Duyên

Lượt xem: 446

© NongLamSucTayNinh.com 2011 - 2020. Thiết kế website tại MtStudio.vn

Thành lập ngày 20 tháng 02 năm 2011

Email: nonglamsuctayninh@gmail.com