Bàn về một số vấn đề âm nhạc hiện nay

Chuyên mục: Trang âm nhạc ( Nghiên cứu - Giới thiệu CD - MV ) Được đăng: Thứ bảy, 01 Tháng 6 2024 Viết bởi Ban điều hành

Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật (LLPBVHNT) Trung ương

Hội thảo khoa học toàn quốc năm 2023 “Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất, đổi mới, phát triển: Thực trạng và định hướng cho những năm tiếp theo”

BÀN VỀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ ÂM NHẠC HIỆN NAY

Nhạc sĩ Nguyễn Quốc Đông

Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam

Kính thưa quý vị

Trong thời lượng hạn hẹp của chương trình, tôi xin trao đổi một số vấn đề về âm nhạc hiện nay gồm 3 chủ đề: Tính dân tộc trong âm nhạc, Về dòng nhạc Bolero và Âm nhạc thịnh hành được hiểu như thế nào?

*TÍNH DÂN  TỘC TRONG ÂM NHẠC

Hiện nay toàn cầu hóa - tính dân tộc-tính hiện đại trong âm nhạc được Đảng và nhà nước rất quan tâm.Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa là một tất yếu của lịch sử phát triển xã hội cũng là một vấn đề lớn và phức tạp. Trong thời gian qua Nhà nước đã có nhiều chính sách văn hóa nói chung chính sách về nghệ thuật nói riêng nhằm khẳng định vị trí của văn hóa truyền thống Việt Nam trong xu thế hội nhập với toàn thế giới đặc biệt là Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 BCHTƯ Đảng (khóa VIII) về việc xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc và gần đây là nghị quyết số 23 -NQ/BCT của Bộ Chính trị ban hành về nội dung văn học nghệ thuật trong tình

hình mới

Mỗi đất nước đều mang tính dân tộc trong âm nhạc và nền âm nhạc đó được phổ biến trên các phương tiện truyền thông đại chúng mà các quốc gia khác đều cảm nhận được thì đó là mang tính toàn cầu vì giai điệu  là dấu hiệu đặc trưng nhất của âm nhạc là thứ duy nhất vượt mọi không gian thời gian khoảng cách ngôn ngữ vị trí địa lý và tầng sâu văn hóa...dù người các nước khác không hiểu được ngôn ngữ diễn đạt trong lời ca nhưng họ vẫn cảm nhận được tiết tấu giai điệu đặc trưng của từng bài nhạc của mỗi dân tộc.

Thế nhưng trong ca khúc mang tính dân tộc - tính hiện đại không phải lúc nào chúng ta cũng bê nguyên xi các làn điệu dân ca thành bài nhạc mới thì không thể gọi là một bài hát mang âm hưởng dân ca được và ca khúc mang tính hiện đại cũng dựa trên cơ sở sử dụng thang âm điệu thức dân ca  chứ không thể lạm dụng các kĩ xảo điện tử các nhạc cụ điện tử..rồi cho đó là hiện đại. Một dòng nhạc hiện đại du nhập từ nước ngoài chúng ta cũng phải cần có sự sáng tạo cho phù hợp đặc trưng dân tộc ví dụ như  nhạc Pop du nhập vào các nước mỗi vẻ khác nhau  như J pop (nhạc pop Nhật Bản)  hay V pop (nhạc pop Việt Nam).Âm nhạc dân tộc chúng ta đã mang tính hiện đại từ lâu chỉ có điều chúng ta khai thác sử dụng và phát triển nó như thế nào cho phù hợp với xu thế toàn cầu mà không mất đi bản sắc dân tộc.

Chúng ta đang sống trong thời đại của công nghệ thông tin thời đại mà toàn cầu hóa được nhìn nhận như một tất yếu của sự phát triển xã hội loài người. Những khái niệm Trái đất ngôi nhà chung của chúng ta Làng thế giới ngày một trở nên quen thuộc với các công dân của hành tinh trái đất. Mỗi sự kiện xảy ra trên thế giới chỉ sau giây lát đã xuất hiện trên mạng thông tin toàn cầu nhiều vấn đề không chỉ là của một quốc gia mà có ý nghĩa toàn thế giới.

Gần đây có những chương trình như Bài hát Việt, bài hát hay trong năm Sing my Song là những chương trình tuyển lựa ca khúc trên VTV để chọn ra những ca khúc hay. Theo các nhà tổ chức, qua đó muốn tìm  những bài hát của nền âm nhạc đương đại Việt Nam? Các nhạc sỹ đa tài? Vậy thì từ những thập kỉ qua chúng ta sáng tác nhạc gì ? Nhạc Tây, Tàu, Nhật Bản…chăng? Và có lẽ chưa có những bài hát Việt nào xứng tầm, mà nay ta phải đi tìm bài hát Việt?

Hiện nay xem ra chúng ta hay lạm dụng từ Việt, cái gì cũng Việt, tỏ ra ta yêu nước có tình dân tộc lắm! nào là ca sỹ làm chuyến lưu diễn Xuyên Việt? (từ nầy ngày xưa để chỉ  tuyến xe lửa xuyên Việt) hay chương trình Bếp Việt, Phim Việt, Hương Việt, Đất Việt. Mắm Việt…nhưng chất lượng ý nghĩa, các hoạt động thì còn phải bàn lại?

Chúng ta tìm thử  điểm qua một số ca khúc trong chương trình Bài Hát Việt  những năm gần đây xem nó có thể có đại diện cho nền âm nhạc Việt Nam đương đại không? Ta nghe một L.B.Q. với âm điệu cù nhây lời ca lơ lớ như Tây nói tiếng Việt không biết kĩ thuật thanh nhạc hiện đại chổ nào? - Bài Những ô màu khối lập phương với tiếng hát hiện nay là SAO của Sao Mai- Điểm hẹn T.D quanh đi quẩn lại uốn éo các từ: Xoay-Xoay-Xoay...không biết ý muốn nói gì? hay bài Bão hòa không biết nói gì cứ nhại đi nhại lại: Bão hòa, bão hòa, bão hòa....!?  khó hiểu? (trong chương trình Sing My Song bài hát hay nhất 2018 do Lương Sa Huýnh – Tùng Dương hát) Hay như bài Nổi tiếng dễ không mang tính thời sự của nhóm Lộn Xộn band trình bài vừa ca vừa đọc rap có câu: “ ...Chửi bới nhiệt tình cô vẫn chụp hình, chê bai đi anh em like đi...” Tôi không hiểu tác giả muốn gì, thể hiện nghệ thuật chỗ nào? Sáng tạo chổ nào? Mà quảng cáo rằng: Lộn xộn band với ca khúc "Nổi tiếng dễ không" nói về việc sống ảo của giới trẻ hiện nay. Tuy nhiên, bài hát cũng là góc nhìn đa chiều, ai cũng có thể dễ dàng nhìn thấy mình trong đó và có cho mình một thông điệp riêng và cho rằng Sing My Song - Bài Hát Hay Nhất là chương trình truyền hình thực tế nhằm tìm kiếm những nghệ sĩ đa năng có thể sáng tác và hát hay. Chương trình được tổ chức với mục đích nhằm tìm kiếm, bồi dưỡng và phát triển các thế hệ nhạc sĩ, ca sĩ (nghệ sĩ) đa tài?

.Dân ca mà cố tạo cho nó hiện đại không khéo  trở thành lố bịch như cô  thôn nữ  mà tóc vàng tóc đỏ, mang guốc cao gót nhảy nhót HipHop. Nghệ sỹ nhân dân Trần Hiếu từng nói: “Tôi cho rằng dân ca là dân ca chứ không có dân ca đương đại? Tiêu chí nào để gọi là dân ca đương đại?”

Một vài tác giả Bài Hát Việt còn tính lớn chuyện nữa là đem nhạc Rap vào pha trộn trong chèo! (TTCN số 171/2006 ngày 9/7/2006). Không biết cái đẹp trong âm nhạc hiện thân là cái gì? Dân ca dân nhạc là những nét nhạc tinh tuý ngọt ngào của dân tộc, thể hiện tư tưởng, hồn thiêng của dân tộc, không thể cứ  tuỳ tiện pha tạp hỗn độn tiết tấu rồi cho  đó là đổi mới!

Nhà báo Etcetera phỏng vấn nhạc sỹ Phạm Duy trên tờ MIMI NEWS đã nói : “…Tôi về  Việt Nam trong một thời gian ngắn ngủi, các bạn có óc tổ chức quản lí tốt, nhưng nhìn thoáng qua thì thấy có những bài bắt chước nhạc Đại Hàn và nhạc Đài Loan. Xu hướng quay về nhạc dân tộc thì lại theo chiều hướng giữ nguyên như cũ và cũng thiếu sáng tạo”. (phỏng vấn tại nhà riêng ở Midway City –USA – 2002).

Sự cách điệu sáng tạo nằm ở tư duy tốt của người sáng tác – Đó mới là nghệ thuật đích đáng. Đơn cử như bài hát chính thức Word Cup 2006 tại Đức, bài The time of our live (do nhóm nhạc lừng danh Il Divo hát). Dù là sáng tác cho một sân chơi thể thao lớn, một đấu trường đầy sôi động của thế giới nhưng lại  nhạc điệu lại nhẹ nhàng lôi cuốn, gợi cảm, không tương phản với không khí thể thao mà rất phù hợp, thậm chí đầy chất lãng mạn.

Một bài hát hay đơn giản là có ca từ hay và giai điệu hay, hai thứ ấy hòa quyện vào nhau như máu với thịt. Thử hỏi Bài Hát Việt khi tách ra khỏi ca từ thì giai điệu tiết tấu nầy ai hiểu họ muốn nói lên điều gì ?.Ta có thể ví dụ ngược lại khi lấy một bài hát nổi tiếng của Phạm Duy –- Văn Cao - Đỗ Nhuận hay Trịnh Công Sơn…bỏ ca từ ra mà soạn hòa âm thì thật là mượt mà sang trọng người nghe cảm nhận được ngay ý tác giả. Âm nhạc là thế đấy- âm thanh thay ta nói lên tiếng lòng của mình - một bức họa sắc màu về thanh âm.

*VỀ DÒNG NHẠC BOLERO

Hiện nay có nhiều Đài truyền hình đã có các gameshow âm nhạc mang chủ đề Bolero, nhiều cuộc thi tìm kiếm tài năng hát dòng nhạc này thu hút rất đông thí sinh tham dự. Tiêu biểu như Gameshow Tình Bolero của Đài Truyền hình Vĩnh Long đã bước sang mùa thứ 3 với chủ đề Hoan ca 2017. Đáng ngạc nhiên là miền Bắc, nơi người nghe nhạc được đánh giá là khó tính cũng sôi nổi đón nhận Bolero. Bây giờ chúng ta có thể dễ dàng nghe thấy Bolero ở bất kỳ quán café, quán nhậu thậm chí cả đi đường, đi chợ khi các ca sỹ nghiệp dư vừa hát vừa bán kẹo cao su …Nhiều quán bia, nhà hàng có ca nhạc nhanh nhạy nắm bắt thị hiếu khách hàng cũng đã bắt đầu biểu diễn Bolero vào ngày cố định, mời thực khách lên cùng biểu diễn. Bolero dễ nghe, dễ hát, ai cũng hát được nhưng tất nhiên hát hay hay không lại là một câu chuyện khác.

Tuy nhiên mới đây, ca sỹ Tùng Dương trong một bài phỏng vấn đã đưa ra quan điểm của mình về Bolero. Theo anh Bolero “chỉ có giá trị về mặt hoài niệm và nếu người già, trẻ, lớn, bé đều đắm đuối với dòng nhạc này thì đó thực sự là sự thụt lùi trong âm nhạc”? Thực tế Tùng Dương không phải là nghệ sĩ đầu tiên thẳng thắn phê bình về hiện tượng bolero. Trước đó, nhạc sĩ Quốc Trung hay Lê Minh Sơn cũng gây ra không ít tranh cãi khi đưa ra nhận định thanh niên đắm đuối với những ca khúc ủy mị, sướt mướt là không được bình thường. Một số ít người tỏ ra đồng tình với quan điểm của ca sỹ Tùng Dương. Họ cũng cho rằng sự lên ngôi của bolero hiện nay tại thị trường âm nhạc chỉ là trào lưu, là sự nhất thời của thị hiếu âm nhạc.

Còn theo quan điểm của NSND Trung Kiên, việc phát triển mạnh Bolero trong thời đại này là không nên vì nó không mang đến những quan điểm, suy nghĩ và cảm xúc tích cực cho khán giả. NSND Trung Kiên không hiểu tại sao lại gọi đó là Bolero mà cho rằng đây là một biến tướng của nhạc vàng. Dòng nhạc này có thời kỳ nước ta phải hạn chế vì nó mang lại những tình cảm ủy mị, không phải cái ủy mị trong sáng, mà là một thứ ủy mị vàng vọt. “Là người giảng dạy và tổ chức nhiều chương trình, tôi không nói như Tùng Dương rằng nó làm đẩy lùi nền âm nhạc. Nhưng tôi thấy nó có cản trở quan điểm của khán giả, làm lệch quan điểm của một số thanh niên. Tôi không ủng hộ và thực ra tôi nghĩ cũng không nên phát triển mạnh nó”, nghệ sỹ thẳng thắn đưa ra quan điểm của mình. Có lẽ, đúng hay sai trong các quan điểm trên hãy để người nghe đánh giá, nếu cứ tạm tính mốc những năm 1950 là năm Bolero du nhập vào Việt Nam thì nó cũng đã quan hơn hơn nửa thế kỷ tồn tại. Sự “lên ngôi” của dòng nhạc Bolero tại Việt Nam thời điểm hiện nay đã minh chứng một điều, âm nhạc, bất kì thể loại nào, đều có sức sống trường tồn, mãnh liệt nếu đi vào lòng người. Bolero bị mặc định là một dòng nhạc quá ủy mị, lời ca với những câu chuyện tình buồn thảm thê lương, là những bi kịch của tình yêu. Sự chia ly, tủi phận, không môn đăng hộ đối, sự phụ tình, phận nghèo thiệt thua… Những nội dung được xem không tích cực ấy lại được khoác lên mình một tính chất âm nhạc dàn trải, kể lể. Trong khi mỗi ca sĩ hát lại cố thể hiện sự mùi mẫn, rên xiết với mong muốn cho bài hát chạm được tới đáy của sự khổ đau qua giọng hát của mình. Cộng hưởng những điều này càng làm cho Bolero buồn hơn.

Nhưng nếu phân tích một cách kỹ càng, đồng thời nhìn Bolero theo cái nhìn thiện cảm và bớt định kiến, thực chất đây là một dòng nhạc vô cùng sâu sắc, ý nghĩa, đáng quý và đáng trân trọng. hông phải ngẫu nhiên mà nhạc Bolero có sức sống lâu bền như vậy trong lòng công chúng. Chúng ta đều có thể thấy được các bài Bolero đều có ca từ cũng như nhạc điệu dễ tạo nên cảm xúc khi nghe. Mỗi tác phẩm đều là một câu chuyện được kể một cách giản dị, thể hiện tình cảm, tâm tư của các nhân vật. Đây chính là lý do mà nhạc Bolero gặp được sự cộng hưởng của rất nhiều tâm hồn đồng điệu. Những bản tình ca Bolero lại có thể chạm đến được những góc sâu kín nhất của tâm hồn nhiều người.

Ngày xưa đa số nhạc Bolero là dòng nhạc bình dân mà giới lao động rất thích vì loại nhạc thường có lời lẽ rất bình thường dễ hiểu, dễ hát, dễ nhớ, dễ bày tỏ nỗi lòng và người ta hay gọi đó là Nhạc Sến mà hiện vẫn còn sử dụng mạnh trong quần chúng. Riết rồi từ nầy ăn sâu vào quần chúng ai nói cũng được, hễ thấy cái gì tầm thường lố lăng thì chê: Thằng nầy sến quá! - Bài nầy dở quá, nghe sến quá! Theo một ý kiến của nhiều người trong giới ca nhạc thì từ "Sến" do chữ sen (trong từ con sen: người giúp việc nhà) đọc trại mà ra. Trước 1954, chỉ có ở miền Bắc mới gọi "ô sin" là con sen, trong Nam gọi là "ở đợ". "Sến" thường là những cô gái quê con nhà nghèo, ít học phải ra tỉnh ở đợ, vì vậy trình độ hiểu biết cũng không cao

. Do thường giúp việc cho chủ Tây hoặc trong các gia đình theo Tây học nên các cô được các nhà văn, nhà báo có óc hài hước thêm cho cái tên "Marie" phía trước để trở thành Mari-Sến. Dạo đó, nước máy chưa được đưa tới từng nhà, chiều chiều các Mari- Sến lại tụ tập quanh cái máy nước công cộng (hay gọi nước phông ten) để hứng nước gánh về nhà, từ đó lại đẻ thêm cái tên "Mari-Phông ten". Trong khi đứng chờ đầy gánh nước, các cô thường vui miệng hát với nhau những câu đại loại như: "Anh ơi nếu mộng không thành thì sao? Non cao, biển rộng biết đâu mà tìm…" (Duyên kiếp - Lam Phương) hoặc: " ..Con đường xưa em đi vàng lên mái tóc thề ngõ hồn dâng tái tê. Anh làm thơ vu quy Khách qua đường lắng nghe Chuyện tình ta đã ghi " (Con đường xưa em đi của Châu Kỳ & Hồ Đình Phương)

Về nhạc Sến cũng có nhiều ý kiến khác nhau, có người cho rằng một loại nhạc tâm tình giới bình dân, ïnghĩ sao nói vậy xét cho cùng cũng là sự chân thành từ đáy lòng mình tại sao lại xem là Sến, có ý dè bỉu, khinh rẽ? Cũng có người cho rằng Sến hay không là do thị hiếu, do  quan niệm của người thưởng ngoạn, chứ trong thuật ngữ âm nhạc không có từ nầy. Như vậy nhạc sến là loại nhạc phi nghệ thuật, tầm thường hoá? Đây là loại nhạc xấu hay tốt? Chúng cần có cái nhìn đúng đắn về vấn đề nầy. Ví như một đôi tình nhân than van: “Tôi nghèo em cũng chẳng cao sang, hai đứa cùng nhau tha thiết dệt mộng vàng…” thì đó là hoàn cảnh, tâm tư của người ta, người nhạc sỹ đã viết lên dùm nỗi lòng của hai con người thương nhau nhưng vì nghèo quá  mà vẫn hướng về nhau, thể hiện sự chung thuỷ thì ta nghĩ có hạ cấp lắm không ? Thời đó ông hoàng nhạc sến phải kể đến Vinh Sử với nhiều bài ăn khách giới bình dân rất thích như: Nhẫn cỏ cho em, Đêm lang thang, Người phu kéo mo cau, Chuyến xe lam chiều, Gõ cửa trái tim, Qua ngõ nhà em…Do nhạc Sến có ca từ bình dân nên đa số  giới học thức ít ái mộ? Họ thường thích những bản nhạc mang tính nghệ thuật cao như của Cung Tiến, Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Phạm Đình Chương, Vũ Thành An…Thường thì ta thấy nhạc Sến có giá trị nghệ thuật thấp hơn nhạc sang, nhạc bác học .Nhưng thật ra những bài hát người ta cho rằng Sến thì lời lẽ cũng không phải là quá tầm thường, tềnh toành.. mà rất chân thành, mộc mạc, có chất thơ…nói lên tình cảm con người, gia đình, quê hương… được nhiều người ưa thích (…Con biết bây giờ mẹ chờ tin con… - Tôi tiễn anh lên đường trời hôm nay mưa nhiều lắm , mưa thắm ướt vai gầy… Mưa rừng ơi mưa rừng giọt mưa nhớ ai mưa triền miên….)

Theo tôi không nên đánh giá nhạc bình dân là Nhạc Sến mà Sến hay không là ở ca từ, giai điệu…ví như lời hát dung tục uốn éo mất thẩm mĩ, giai điệu khô cứng lủng củng thì ai nghe đươc? tự thân nó sẽ bị đào thải. Thời nào cũng có những dòng nhạc mà  người ta yêu thích, có người thích nhạc Tiền chiến, người thích nhạc Truyền thống, người thích Nhạc Trẻ, có người thích Nhạc Thính phòng, người thích Nhạc Sến…cái nào cũng là âm nhạc, là nghệ thuật. Nhạc của Trịnh Công Sơn, Cung Tiến, Lê Uyên Phương…không phải ai nghe cũng hiểu, cũng thích mặc dù đây là những tình khúc rất hay. Chính những em học sinh, sinh viên còn than với tôi là Em không hiểu nổi nhạc Trịnh Công Sơn ? (nghe thì hay nhưng không hiểu ca từ.). Chúng ta cần  thấy rằng Nhạc Sến và nguồn gốc của nó đến nay cũng chưa ngã ngũ được, chưa có một phân định rõ rệt? nhưng dù dở dù hay nó vẫn để lại trong lòng người qua bao thập kỉ, một món ăn tinh thần quý giá của người lao động ngày ấy. Đó là vấn đề  đáng cho chúng ta suy ngẫm?

*NÊN HIỂU THẾ NÀO LÀ ÂM NHẠC THỊNH HÀNH

Kể từ sau Đại hội VIII của Hội Nhạc sỹ Việt Nam năm 2010 thì giới âm nhạc nghe được 4 từ Âm nhạc thịnh hành, cụm từ nầy đưa ra để bước đầu đánh giá xếp loại những bài hát được phổ biến rộng rãi, giới thưởng thức yêu thích, nhưng thế nào là một bài hát thịnh hành? thì còn trong vòng bàn luận nhiều của giới âm nhạc. Theo tôi, trước nhất ta thấy từ thịnh hành xưa nay cũng không có gì xa lạ hay khó hiểu,ta từng nói mode nầy, mode kia rất thịnh hành hiện nay (có nghĩa là cái áo nầy người ta thích ,chiếc xe kia người ta khoái..) Vậy thịnh hành có nghĩa là được mọi người chấp nhận được lưu truyền lan tỏa ưa chuộng trong xã hội, được ăn khách…thế thôi .Nếu nghĩ vậy thì  đề ra tiêu chí  4 không (không phải là nhạc thị trường, nhạc thể nghiệm, nhạc quần chúng, nhạc hiện đại) đâm ra lại khó hiểu lại không thống nhất nữa, vì có người sẽ hỏi thế nào là nhạc quần chúng? thế nào là nhạc hiện đại? lại càng rối rắm thêm, đơn cử như bài Chiếc khăn gió ấm của Nguyễn Văn Chung được dân mạng down nhiều, tiền tác quyền lên đến hàng tỉ đồng thì đây là nhạc thị trường hay thịnh hành? Theo tôi nhạc thịnh hành nên nghĩ theo hướng bài hát được phổ biến nhiều mang hơi hướm thời đại, mang tâm tình thời đại, trong một thời điểm nhất định được quần chúng chấp nhận.Ví dụ hiện nay các  bài như Tiếng hát chim đa đa, Chim sáo xa rồi, Mẹ yêu, Còn thương rau đắng mọc sau hè, Hà Nội mùa vắng cơn mưa, Hà Nội phố và rất nhiều bài khác nữa…người ta cứ ca hoài, hát hoài, cứ thường xuyên trình diễn thì đó là nhạc thịnh hành vậy thôi!… (có thể thịnh hành từng vùng miền cũng không sao – vì đó là thị hiếu của quần chúng) và chúng ta không nên đưa các loại nhạc xưa nổi tiếng vào thịnh hành như các bài tiền chiến của Đặng Thế Phong, Văn Cao, Dương Thiệu Tước…chẳng hạn, vì đó là những bài hát bất tử sống mãi với thời gian hoặc các bài hát truyền thống, được lưu truyền lâu đời trong dân gian như Người Hà Nội, Việt Nam quê hương tôi, Năm anh em trên một chiếc xe tăng, Tiếng chày trên sóc Bom Bo…những bài hát nầy khỏi phải bàn, ta nên để riêng theo dòng nhạc của nó. (nhạc tiền chiến, nhạc truyền thống, nhạc bác học…thì hay hơn). Trước năm 1975 tại Sài Gòn có nhạc thời trang là loại nhạc được quần chúng ái mộ, được trình diễn nhiều, hợp thời trang. Đài phát thanh Sài Gòn có hẳn một Chương trình Thời trang Nhạc tuyển, tất nhiên giá trị nghệ thuật của nó ở mức tương đối nhưng điều quan trọng là nó làm sinh động trẻ trung nền âm nhạc và thỏa mãn tâm tình quần chúng.

Còn thuật ngữ nhạc thịnh hành hiện nay đừng nghĩ là gì cao siêu nghệ thuật chỉ trong mức độ nghe được, cảm nhận được và mức sống vài ba năm, ca nhiều là có sinh lợi, ăn thua chúng ta làm tốt về khâu bản quyền tác giả mà thôi. Nghệ thuật cũng cần có chút trình độ để cảm nhận miễn sao nghe được, cảm thụ được có sức lan tỏa trong quần chúng là có thể chấp nhận,thế thôi. Ta cũng không thể đưa ban nầy, bộ phận kia xếp loại được vì máy móc, vì chủ quan (mang tính chất tham khảo thì được) Ví như Chương trình Làn sóng xanh chỉ là Top bài hát được xếp loại trong tháng mà thôi, còn Bài hát Việt là Bài Hát Việt, có bài nghe được, bài không thì không thể đại diện tiêu biểu cho dòng nhạc nào, nếu hay nếu nghe được thì sức lan tỏa mạnh thôi. Hữu xạ tự nhiên hương.

Có những bài hát chiếm giải cao nhưng không được phổ biến, tuổi thọ không cao, không ai biết thì thịnh hành sao được? Nếu vậy thì chúng ta tạm nhìn ra vấn đề, ví dụ như hiện nay Uyên Linh là ca sỹ trẻ trung tươi tắn, ca hay, được giới trẻ yêu thích vậy có thể gọi ca sỹ thịnh hành được rồi, Hồng Nhung, Mỹ Tâm, Quang Dũng…là thịnh hành (tất nhiên còn rất nhiều ca sỹ khác nữa). Và ngược lại cũng có thể những ca sỹ tài danh cũng không phải là ca sỹ thịnh hành vì họ ít hát, ít trình diễn nhưng họ vẫn là một ca sỹ lừng danh một thời, nếu hiểu như thế chúng ta mới phân rõ ranh giới hạn định của nhạc thịnh hành  là như thế nào được.

Trên đây là một số vấn đề trao đổi về âm nhạc. Xin cảm ơn Quý vị đã lắng nghe

NS NGUYỄN QUỐC ĐÔNG

Lượt xem: 160

© NongLamSucTayNinh.com 2011 - 2020. Thiết kế website tại MtStudio.vn

Thành lập ngày 20 tháng 02 năm 2011

Email: nonglamsuctayninh@gmail.com