Tây Ninh: nông dân trẻ làm giàu từ vườn cao su

Chuyên mục: Giao lưu gia đình NLS Được đăng: Thứ ba, 19 Tháng 4 2011 Viết bởi Ngọc Huệ

Tác giả và nông dân Nguyễn Văn Vui

Bài viết này sau khi đi Bình Phước dự diễn đàn Khuyến nông@Nông nghiệp do TTKNQG tổ chức. Có một người ở Bộ Nông nghiếp hỏi sao đi Bình Phước lại viết về Tây Ninh?. Người xa quê bao giờ cũng lưu luyến quê hương mình phải không?.

Ngọc Huệ Khóa 3 NLS TN ( hiện là Pv Báo Tuổi Trẻ Thủ Đô )

Nguyễn Văn Vui, sinh năm 1983 là một nông dân của tỉnh Tây Ninh được mời tham dự Diễn đàn Khuyến Nông@Nông nghiệp chuyên đề “Phát triển cao su bền vững” vào ngày 25/03/2011 vừa qua tại Bình Phước. Sinh ra và lớn lên ở xã Tân Hưng, Tân Châu, Tây Ninh, anh Vui đã sớm có những nhận định đúng cho tương lai, biết làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.
Những năm 1999, giá cả nông sản rất thấp, không ít gia đình có đất nhưng phải bỏ hoang vì sau khi luân canh nhiều loại cây trồng không hiệu quả. Gia đình anh Vui lúc đó có 7 hecta cao su 4 năm tuổi nhưng giá mủ rất thấp. Nhiều người trồng cao su lân cận đã chặt bỏ nhưng với sự suy luận của một thanh niên có ít nhiều kiến thức thực tế, anh quyết định giữ lại. Khi cao su bắt đầu khai thác được thì giá mủ cũng dần dần tăng, đem lại nguồn thu nhập của gia đình anh.


Là lao động chính trong gia đình, thay thế bố mẹ quản lý vườn cây cao su, đến năm 2003 vừa làm, vừa tích lũy, anh đã mở rộng diện tích trồng cao su thêm được 5 ha nữa. 23 tuổi đời với 16 năm gắn bó với cây cao su đã cho anh nhiều kinh nghiệm. Tuy thế anh cũng không ngừng học hỏi kinh nghiệm từ những người khác, đọc thêm sách kỹ thuật chăm sóc cây cao su, áp dụng phương pháp mới của khuyến nông trong những buổi tập huấn. Do vậy năm 2010, trước tình hình cao su bị dịch bệnh vàng lá nghiêm trọng nhưng vườn cao su của anh nhanh chóng khống chế được dịch bệnh.


Trong lúc dịch bệnh phá hoại thì giá mủ tăng rất cao, nhưng không ham lợi ích trước mắt, vườn cây của anh có được chế độ chăm sóc theo đúng như sự chỉ dẫn của Khuyến nông là: Tạm ngưng khai thác, tập trung điều trị đúng với quy trình kỹ thuật, vệ sinh vườn bằng cách gom lá cây đốt, rải vôi trên tầng lá để tiêu diệt bào tử nấm sau đó dùng nấm đối kháng Trichoderma để ức chế nấm bệnh phát triển, bón tăng lượng Kali, hạn chế Ureé, không dùng phân chuồng tươi vì đây là một trong những nguyên nhân giúp bào tử nấm bệnh phát triển… Chỉ trong vòng một tháng vườn cây đã khỏi bệnh, tuy nhiên anh vẫn duy trì phun thuốc định kỳ theo khuyến cáo của trạm BVTV và tiến hành thu hoạch mủ theo chế độ cạo d3, nhằm mục đích bảo vệ vườn cây, tránh sự tấn công của dịch bệnh.


Với nhận định đúng đắn, không theo xu hướng được giá, được mùa thì trồng, ngược lại thì chặt bỏ, cùng với đánh giá của chuyên gia về giá mủ cao su năm 2011 sẽ khả quan, anh Vui hy vọng năm nay sẽ là một mùa bội thu của gia đình. Tại diễn đàn, anh Nguyễn Văn Vui cũng chia sẻ: tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp, rất mong các ngành chức năng nhanh chóng đưa ra những giải pháp giúp nông dân khắc phục được dịch bịnh kịp thời, đồng thời cần chủ động tuyên truyền rộng rãi các kỹ thuật khai thác, các loại giống kháng bệnh… để nông dân học hỏi làm theo và an tâm sản xuất.

 

Ngọc Huệ

 

Lượt xem: 4432

© NongLamSucTayNinh.com 2011 - 2020. Thiết kế website tại MtStudio.vn

Thành lập ngày 20 tháng 02 năm 2011

Email: nonglamsuctayninh@gmail.com