Một chút lãng du

Chuyên mục: Truyện ngắn - Bút kí - Tùy bút Được đăng: Thứ hai, 10 Tháng 6 2013 Viết bởi Tiểu Miêu

MỘT CHÚT LÃNG DUTiểu Miêu Saigon

Mấy hôm trước, tôi tình cờ nhận được mail của anh Nguyễn Tấn Phúc, khóa 2 Nông Lâm Mục, gởi cho xem một tấm ảnh với dòng chữ: ‘Mộ của cố Tổng

Thống Viêt Nam Cộng Hòa’. Trong ảnh là 3 người bạn cùng khóa 2, đứng sát ngay bên một bia mộ với dòng chữ: “Huynh, mất ngày 2 tháng 11 năm 1963”. 

Tôi hết sức ngạc nhiên gọi điện hỏi, thì được anh Phúc xác nhận đúng là hình chụp tại ngôi mộ của cố Tổng Thống họ Ngô vào một ngày trong tháng 4 vừa qua.

Tôi nhớ trước năm 75, khi còn đang làm việc tại Viện Quốc Gia Vi Trùng Học và Bệnh Lý Gia Súc ở đường Phan Đình Phùng, gần nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi, còn gọi là Đất Thánh Tây. Có lần tôi đã cùng mấy người bạn hiếu kỳ, tìm vào nghĩa trang viếng mộ Ngô Tổng Thống. Dù thời gian đã quá lâu, nhưng tôi vẫn nhớ hình ảnh ngôi mộ của một vị, từng là nguyên thủ quốc gia, khi chế độ xụp đổ, bị giết hại trong cuộc đảo chánh vào ngày 1 tháng 11 năm 1963 và được chôn cất như những người dân thường, trong một nghĩa trang giữa lòng thành phố Saigon, ít có người hay biết.

Sau đó, nghe nói hài cốt được di dời đi nơi khác, trước khi nghĩa trang bị giải tỏa biến thành công viên Lê Văn Tám. Tôi cũng quên lãng đi, thời gian gần đây, nghe dân cư trên mạng tung tin là, ngôi mộ hiện đang được an vị trong một nghĩa trang không có tên ở Dĩ An, Bình Dương. Bởi lòng hiếu kỳ, nên đôi lúc tôi cũng muốn đi viếng một lần cho biết, hiểu được ý thích của tôi, chị Chín nói anh Phúc biết chỗ, để hôm nào tiện, chị sẽ yêu cầu anh Phúc đưa đi xem.

Hôm nay, được tin chị Ngô Anh Thuấn đã có giấy nhập cảnh sắp đi định cư ở Hoa Kỳ. Thay vì mời nhau một bữa tiệc chia tay, thì anh Phúc có nhã ý đãi chúng tôi ngao du một chuyến loanh quanh gần thành phố. Thật là dịp may hiếm có, hơn bắt được vàng, thế là chị Chín bèn đề nghị đi Bình Dương, thấy chị Thuấn hưởng ứng nồng nhiệt và tôi cũng bầy tỏ lòng hết sức toại nguyện nên anh Phúc chiều theo ý của chúng tôi.

Sáng sớm, anh Phúc đưa xe đến đón chúng tôi tại nhà chị Chín, rồi trực chỉ Lái Thiêu ghé ăn bánh bèo bì Mỹ Liên. Tôi nhớ nhà Thầy Đặng Quan Điện ở gần đâu đây. Hỏi thăm người bán hàng thì được biết cô chủ quán Bánh Bèo Mỹ Liên chính là em họ của Thầy. Nhà Thầy hiện đang có 2 người em gái và đứa con trai cả của Thầy đang sinh sống. Chúng tôi tìm đến thăm vì anh Phúc và chị Chín biết rất rõ con trai của Thầy. 

Từ quán ăn đi bộ chừng vài chục mét, ngôi nhà của Thầy nép mình sau hàng rào hoa Giấy mọc um tùm, che kín cả lối vào. Chúng tôi lớn tiếng gọi cổng, nhưng không có ai trả lời, thấy cổng không khóa, chúng tôi dè dặt mở ra rồi bước vào.

Một khoảng sân rộng lớn trồng hàng chục chậu hoa Sứ Thái Lan, nhưng có vẻ như lâu lắm rồi không có bàn tay nào chăm sóc, nên chả thấy bông hoa, mà chỉ toàn cành lá mọc ngoằn ngoèo, rối rít cuốn vào nhau. Ngay sát bên hiên nhà, giàn hoa Giấy nở rộ, nặng chĩu những chùm hoa màu tím, lung lay theo từng cơn gió nhẹ thoảng qua.

Đứng trước ngôi nhà gạch cũ kỹ, then cài kín cửa, mấy tấm sáo trúc bạc thếch màu, phủ xuống che kín hàng hiên, chúng tôi thật ngạc nhiên khi chẳng thấy một bóng người. Nghe nói Thầy Đặng Quan Điện sinh ra và lớn lên tại đây, và hồi đó, Thầy đã nhiều lần lội bộ từ chỗ này xuống tận Saigon để đi học.

Bộ bàn ghế cẩn men đầy bụi bám trước hàng ba, chắc cũng đã mòn đi ít nhiều, vì Thầy đã từng ngồi ở đây uống trà mỗi sáng và chiều vào những ngày xa xưa đó. Cảnh vật thật hoang vắng, không gian như lắng đọng mơ hồ, khiến lòng chúng tôi chợt cảm thấy xao xuyến buồn vương. Tất cả chúng tôi cùng đứng lặng yên một phút, để tưởng nhớ tới người Thầy kính yêu, mà giờ đây đã chia ly cùng đời sống này, rồi lặng lẽ ra về. 

Sau  khi đóng cổng rào cẩn thận và hỏi thăm hàng xóm, thì được biết người trong nhà đã đi hái Măng Cụt trong vườn trái cây từ sáng sớm, chúng tôi không thể chờ vì còn nhiều nơi để đến. 

Từ Lái Thiêu lên Bình Dương rất gần, anh Phúc muốn giới thiệu những ngôi nhà cổ nổi tiếng của dòng họ Trần tại đây. Tọa lạc tại số 2 đường Bạch Đằng, Thị Xã Thủ Dầu Một, là ngôi nhà được xây từ năm 1892 của ông Trần Văn Hổ, là cháu của ông Đốc Phủ Xứ tên Lân. Nghe kể rằng ở Bình Dương ngày xưa, mỗi khi lễ tết thì đều có tục lệ múa Lân, nhưng phải đổi lại và gọi là múa Cù, để tránh phạm húy ông Đốc Phủ Xứ này.

Sau năm 1975, ngôi nhà bị tịch thu, vì những người con trai trong gia đình bỏ đi nước ngoài, những người con gái ở lại chống đối bị bắt bỏ đói đến chết. Hiện ngôi nhà treo bảng Di Tích Văn Hóa Tỉnh Bình Dương.

Chúng tôi may mắn được ông bảo vệ già, vui vẻ mở cửa cho vào viếng, mặc dù đã quá trưa hết giờ làm việc. Bên trong cũng không có gì đặc sắc, ngoài một bộ ván gỗ thật lớn, thật dài, có lẽ vì không đem đi được nên còn để lại, với những tủ thờ, hoành phi, câu đối cẩn xà cừ, ghi dấu một thời vàng son của một gia đình nổi tiếng danh gia vọng tộc.

Ngôi nhà cổ 2 gian 3 chái, lợp mái ngói với những cây cột gỗ mun đen bóng, cùng khoảng sân rộng với hòn non bộ, xây cất rất hợp phong thủy. Không biết chủ nhân đích thực hiện giờ đang ở nơi đâu?

Nghe nói còn 2 ngôi nhà cổ nữa, được xây cùng thời, cũng là của những người anh em họ Trần, chúng tôi tìm đến nhà ông Trần Văn Vàng ở phía sau chợ Bình Dương. Ngôi nhà nầy tuy cũng đã được xếp vào di tích văn hóa tỉnh, nhưng hiện con cháu vẫn còn được sở hữu, vì nghe nói sau năm 1975, ông Vàng vẫn còn công tác giảng dạy tại Đại Học Y Khoa Saigòn một thời gian, nên còn giữ được chủ quyền cho con cháu.

Còn một ngôi nhà cổ nữa, nhưng ở trong sâu, không tiện đường vào, vì lâu ngày người dân chung quanh lấn chiếm xây cất choáng hết lối đi. Hơn nữa, cũng quá mệt vì nắng nóng và khát, chúng tôi quyết định tìm đến quán Café Nước Và Gió, một địa điểm nổi tiếng để nghỉ ngơi.

Quán trưa vắng người, chọn một góc khuất, ngồi dưới tàn cây râm mát, bên cạnh những khóm trúc xạc xào, nghe gió vi vu hòa lẫn tiếng ve kêu rộn rã, dưới chân là mặt nước hồ lóng lánh như gương, những mái đầu bạc thong dong thư thả ngồi kể chuyện cho nhau nghe. Không còn bao lâu nữa lại phải chia tay một người bạn thân. Buồn vui lẫn lộn. Ly café cạn dần, bầu trời cũng dìu dịu như sắp chuyển mưa, tôi nhắc mọi người ra về vì còn dành thời giờ để đến một nơi, mà đó mới là mục đích chính của chuyến lãng du nầy. 

Cách thị xã không xa, đến ngã tư Cầu Ông Bố, quẹo vào con đường tráng nhựa thẳng tắp, chạy thêm vài cây số nữa, nơi nầy đang được qui hoạch, trước đây chỉ là con đường làng vắng vẻ, bây giờ thành xa lộ liên tỉnh rộng lớn. Nghĩa trang nằm kề bên đường không có cổng rào, được chôn cất lẫn lộn người Hoa và người Việt.

Anh Phúc đã đến hơn 1 lần, nhưng vẫn không nhớ chính xác địa điểm, còn đang loay hoay tìm kiếm thì có một người dân địa phương đi qua, họ hỏi chúng tôi muốn tìm mộ người thân tên gì họ tìm giúp. Tôi còn đang ấp úng thì họ hỏi phải muốn tìm mộ ông Tổng Thống không? Có lẽ nào nhìn thấy bó hoa trang trọng trên tay chị Thuấn, mà họ đoán được chúng tôi tìm mộ của ai. Chúng tôi gật đầu xác nhận, thế là họ sốt sắn chỉ về phía cuối nghĩa trang, nơi ấy có 3 ngôi mộ xây xi măng giống nhau, màu trắng, rất dễ nhận biết giữa những ngôi mộ chung quanh.

Nghe nói mộ ở giữa là cụ Bà Thân Mẫu, nhũ danh Phạm Thị Thân, mất vào năm 1965, được qui tập về đây. Mộ bên trái, bia đề ngắn gọn chữ ‘Đệ’, mất ngày 2 tháng 11 năm 1963, mộ bên phải bia cũng đề ngắn gọn chữ ‘Huynh’, mất ngày 2 tháng 11 năm 1963. Bên trên mỗi ngôi mộ khắc một cây thánh giá. Đơn giản thế thôi. Không tên không tuổi. Đó là mộ của Ông Cố Vấn và Ngài Tổng Thống của nền Đệ Nhất Cộng Hòa Việt Nam.

Giữa buổi trưa hè nắng đang chói chang  chợt như có cơn gió thoảng kéo đám mây về che mát một góc trời. Chúng tôi kính cẩn đặt nhẹ bó hoa xuống, ai đó vừa thắp mấy nén nhang còn nghi ngút khói. Đứng trước cảnh nầy, tôi chợt muốn cất lên tiếng hát: “Ai bao năm vì sông núi quên thân mình…”

Hồi đó tôi còn rất nhỏ, tôi chưa một lần được nhìn thấy tận mặt Ngô Tổng Thống, nhưng vẫn nhớ rõ hình ảnh một người mặc áo dài gấm, đội khăn đống, được treo khắp các nơi trang trọng nhất. Và mỗi buổi sáng chào cờ ở trường, tôi đều hát rất to: “Toàn dân Việt Nam nhớ ơn…”

Thương thay, một vài giọt mưa bắt đầu rơi xuống, chúng tôi vội vã trở ra đường lên xe về lại Saigon. Chị Chín không quên gởi biếu tiền cho người địa phương chỉ đường, nãy giờ vẫn đứng chờ sau lưng chúng tôi. Họ nói họ vẫn thường quét dọn chăm sóc những ngôi mộ nầy.

Chúng tôi nhìn lại một lần nữa, nghĩa trang liệu còn tồn tại được bao lâu, hàng rào đã bị phá bỏ, đường xa lộ đã được mở ngang qua, xa xa khu dân cư mới đang hình thành. Rồi những ngôi mộ ấy sẽ ra sao? Ôi, cuộc đời của tôi còn chưa biết ngày mai sẽ ra sao, vậy còn thắc mắc làm chi đến số phận của những ngôi mộ vô danh, mà thân xác trong đó đã trở về với cát bụi.

Thôi thì cứ tiếp tục rong chơi theo từng bước lãng du, để một mai này, chúng ta, kẻ trước người sau, cũng sẽ từ giã cuộc vui, bỏ lại sau lưng những con phố dài, những con đường với những hàng me lá đổ, để trở về với cát bụi trong dòng thời gian bất tận.

Viết xong chiều ngày 9 tháng 5 năm 2013

Tiểu Miêu Saigon

 
Lượt xem: 2718

© NongLamSucTayNinh.com 2011 - 2020. Thiết kế website tại MtStudio.vn

Thành lập ngày 20 tháng 02 năm 2011

Email: nonglamsuctayninh@gmail.com