Suy nghĩ về ba bài hát Làng tôi trong âm nhạc Việt Nam

Chuyên mục: Trang âm nhạc ( Nghiên cứu - Giới thiệu CD - MV ) Được đăng: Thứ năm, 24 Tháng 2 2022 Viết bởi Ban điều hành

 

SUY NGHĨ VỀ BA BÀI HÁT “LÀNG TÔI” TRONG ÂM NHẠC VIỆT NAM

Nhạc sĩ Nguyễn Quốc Đông

 (Tây Ninh)

 Trong lịch sử âm nhạc Việt Nam có ba bài hát mang tên Làng tôi thì đều tuyệt mỹ rất hay, bất tử với thời gian. Ba bài đó kể theo thứ tự thời gian thì bài Làng tôi của Văn Cao là có trước nhất, ông sáng tác vào năm 1947, kế đến bài Làng tôi của Hồ Bắc sáng tác năm 1949 và cuối cùng là bài Làng tôi của Chung Quân được sáng tác vào năm 1952, như vậy trong 5 năm chúng ta có ba bài hát hay về làng quê, thật là một sự kiện hiếm có trong làng âm nhạc Việt Nam

Trước tiên xin nói đến bài hát Làng tôi của nhạc sĩ Văn Cao được sáng tác vào năm 1947. Trong một tự truyện của họa sĩ Văn Thao (con trai của nhạc sĩ Văn Cao) đã kề lại, bài “Làng tôi” của Văn Cao sáng tác dành tặng cho người vợ của mình, cũng là món quà cưới duy nhất tặng cho vợ.

Về hoàn cảnh ra đời bài hát, thì đầu năm 1947, sau ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946), Văn Cao cùng các văn nghệ sỹ tản cư đi kháng chiến về đóng quản rải rác tại các thôn xóm thuộc huyện Ứng Hòa - Hà Đông. Trong một lần đi công tác, con đò chở ông xuôi trên sông Đáy, hai bên bờ sông rợp bóng tre xanh dưới nắng chiều nhẹ êm. Bỗng một hồi chuông từ nhà thờ ngân lên…, tiếng chuông tỏa lan trên mặt nước hòa trong tiếng mái chèo khua nước. Tiếng chuông khiến tâm hồn nhạy cảm của Văn Cao bồi hồi sao xuyến đưa ông về với miền quê thân thương đầy ắp những kỷ niệm…từ những cảm xúc đó ông viết ra bài Làng tôi: 

Làng tôi xanh bóng tre

Từng tiếng chuông ban chiều

Tiếng chuông nhà thờ rung

Đời đang vui đồng quê yêu dấu

Bóng cau với con thuyền, một dòng sông.

Bài hát mô tả cảnh làng quê Việt Nam đang sống trong yên vui, thanh bình thì bỗng đâu giặc Pháp tràn đến đốt phá, tàn sát người dân lành:

Nhưng thôi rồi còn đâu quê nhà

Ngày giặc Pháp tới làng triệt thôn

Đường ngập bao xương máu tơi bời

Đồng không nhà trống tan hoang.

Với lòng căm thù giặc, quân và dân đã dũng cảm chiến đấu bảo vệ quê hương, tin tưởng mãnh liệt vào ngày mai chiến thắng:

Ngày diệt quân Pháp tan

Là lúc tiếng chuông ngân

Tiếng chuông nhà thờ rung

Làng tôi cùng đoàn quân chiến thắng

Đánh tan lũ quân thù về làng xưa

Dân tưng bừng chặt tre phá cầu

Cùng lập chiến lũy đào hào sâu

Giặc chưa tan chiến đấu không thôi

Đồng quê chào đón ngày mai

Bài hát được viết ở nhịp 6/8, điệu valse nhịp nhàng, sâu lắng, giàu tình cảm, bố cục gọn gàng, chặt chẽ. Nét nhạc chủ đạo phỏng theo nhịp điệu đung đưa của tiếng chuông nhà thờ. Bài hát gồm có 3 lời, như một câu chuyện kể có mở đầu, có dẫn dắt tình tiết và có phần kết thúc đầy lạc quan và tin tưởng vào ngày mai sáng lạng. Từ điệu luân vũ cung đình sang trọng của Châu Âu, Văn Cao đã biến thành một điệu valse bình dị làng quê  Việt Nam thật nhẹ nhàng sâu lắng. Có thể nói ông là vua nhạc valse thời thập niên 40 với những bài hát valse nổi tiếng thuộc vào hàng kinh điển Việt Nam như Ngày mùa, Thu cô liêu, Cung đàn xưa, Làng tôi...

Từ những ngày đầu Giải phóng năm 1976 khi lên dạy học vùng Biên giới Tây Ninh tôi đã dạy các em hát bài nầy, các em rất thích thú khi lần đầu biết đến nhạc Cách mạng. Làng tôi của Văn Cao xứng đáng là một bài hát có giá trị, có sức sống lâu bền trong đời sống âm nhạc của nhân dân ta. Nhạc sĩ Văn Cao qua đời vào năm 1996 tại Hà Nội

Bài Làng tôi thứ hai là bài của Hồ Bắc, chỉ sau bài Văn Cao ba năm, bài hát Làng tôi được ông viết năm 1949 tại chiến khu Việt Bắc. Nhạc sĩ Hồ Bắc sinh ngày 8 tháng 10 năm 1930 tại làng Phù Lưu, xã Tân Hồng, huyện Từ Sơn (nay là khu phố Phù Lưu, phường Đông Ngàn, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Ông tham gia cách mạng từ rất sớm, 15 tuổi đã là cán bộ Việt Minh phụ trách Thiếu nhi tuyên truyền cách mạng. Sau đó Hồ Bắc vào bộ đội và là cán bộ âm nhạc của Văn công sư đoàn 316, Tổng cục Hậu cần. Trong suốt sự nghiệp sáng tác của mình, ông để lại dấu ấn với nhiều ca khúc nổi tiếng về đề tài Cách mạng, quê hương như: như Làng tôi (1949), Bên kia sông Đuống (phỏng thơ Hoàng Cầm - 1950), Gặt tay nhanh (1952), Giữ mãi tuổi xuân (1954), Giữ biển trời Xô viết Nghệ An (1965), Trên đường Hà Nội (1966) Gửi anh chiến sĩ thông tin đảo (1966), Sài Gòn quật khởi (1968), Bến cảng quê hương tôi (1970)...

Từ năm 1956, Hồ Bắc chuyển về Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam và làm việc ở đây cho đến khi nghỉ hưu năm 1990. Ở Đài Tiếng nói Việt Nam, Hồ Bắc đã viết một số hợp xướng như Ca ngợi tổ quốc, Dáng đứng Việt Nam, Tổ quốc yêu thương. Ông cũng viết nhạc cho các phim truyện, tài liệu và hoạt hình. Trong đó, nổi bật nhất phải kể đến Bến cảng quê hương tôi. Tác phẩm từng được bình chọn là 1 trong 10 bài hát hay nhất về ngành giao thông vận tải.

Bài hát Làng tôi của Hồ Bắc viết trên cung trưởng nhịp ¾ cấu trúc gồm 3 đoạn. Vô đầu đoạn nhạc sáng lên với những nốt cao vang xa...diễn tả một làng quê thanh bình  khuất sau lũy tre mờ xa...

Làng tôi sau lũy tre mờ xa

Tình quê yêu thương những nếp nhà

Làng tôi yên ấm bao ngày qua Những chiều đàn em vui hòa ca

Làng tôi bát ngát cánh đồng mỗi khi thu sang nắng vàng bông lúa chín

Làng mạc vui sống êm đềm,

Người nông dân hăng hái tăng gia cho đời no

Đoạn hai (B) tác giả khéo dùng các dấu lặng đen để diễn tả sự bất ngờ, thảng thốt khi quân giặc tràn về cày xới quê hương hoang tàn “ Nhưng ngày nào quân cướp tràn qua đốt phá tan hoang quê nhà tôi xơ xác

Có những người chiến sĩ xa quê hương súng bên mình cùng tiến bước lên đường”

và đoạn ba kết thút (C) tác giả hạ cao độ xuống nét nhạc trầm lắng nhưng vẫn thể hiện một hình ảnh chiến thắng hào hùng của bộ đội chiếm đồn giặc trong đêm khuya, giai điệu lôi cuốn tạo hình ảnh âm nhạc rõ nét đầy chất thơ: rộn ràng tiếng quân đi, bóng mẹ già nhìn theo mến thương, những người con xa quê hương, người con gái đón quân về...

Trong đêm tàn đồn giặc cháy kinh hoàng

Nghe xa xa dồn dập đoàn quân tiến

Có những nàng ra đứng bên kia sông

Đón quân về giải phóng quê mình

Đây là bài nhạc valse rất hay của Hồ Bắc, thường thì các bài hát điệu valse lente (chậm) với cấu trúc âm hình các nốt trắng, nốt đen rất dễ tạo sự đơn điệu (monotone) nghe không hấp dẫn dễ nhàm chán nhưng Hồ Bắc đã biến hóa nhịp điệu rất tự nhiên hài hòa và sinh động, lôi cuốn, tác giả đã khéo sử dụng các cung bậc, các quãng lên xuống nghe âm điệu khác nhau nghe rất cuốn hút rất hòa quyện sinh động nhất là đoạn cuối đầy hình ảnh vừa hào hùng vừa lãng mạn “Có những nàng ra đứng bên kia sông, đón quân về giải phóng quê mình”

Ông được trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất (1997) và Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2001 cho chùm ca khúc "Làng tôi", "Giữ mãi tuổi xuân", "Ca ngợi Tổ quốc" (hợp xướng), "Sài Gòn quật khởi" và "Bến cảng quê hương tôi" (2001). Ông mất ngày 8/02/2021 tại Hà Nội hưởng thọ 92 tuổi

Cuối cùng là bài hát thứ ba, bài Làng tôi của Chung Quân, những giai điệu êm đềm của bài hát đã đi vào tâm thức của biết bao nhiêu thế hệ người Việt. Bài hát Làng Tôi của nhạc sĩ Chung Quân đã có tuổi đời qua 70 năm, ít người biết là được khi sáng tác lúc đó tác giả mới có 16 tuổi. Nhạc sĩ Chung Quân  tên thật là Nguyễn Đức Tiến, sinh năm 1936. năm 1952 khi mới 16 tuổi, trong một dịp tình cờ  Công ty điện ảnh, tuồng cải lương Kim Chung ở Hà Nội tổ chức dự thi tìm bài hát cho bản nhạc nền bộ phim Kiếp hoa, ông đã viết bài tham gia  và bản Làng tôi của ông đã giành được giải, đây một trong số ít những phim Việt Nam thực hiện trong thời kỳ này. Từ đó bài hát nổi tiếng được mọi người yêu thích và lan tỏa đi khắp nơi.

Bài hát viết với  nhịp 4/4, danh từ hành điệu là Moderato Espressivo (biểu cảm), vô đầu nét nhạc đã hiện lên một làng quê Việt Nam rất quen thuộc thanh bình:

Làng tôi có cây đa cao ngất từng xanh

Có sông sâu lờ lững vờn quanh êm xuôi về Nam

Làng tôi bao mái tranh san sát kề nhau

Bóng tre ru bên mấy hàng cau đồng quê mơ màng

Giai điệu bài hát rất Việt Nam, gần gũi với dân ca khi tác giả khéo dùng các nốt luyến rất tinh tế:

 

Bài hát có giai điệu êm ả, mềm mại, duyên dáng dựa trên chất liệu âm nhạc dân tộc với lời ca mộc mạc, dung dị, giàu chất thơ:

Làng tôi có cây đa cao ngất từng xanh

có sông sâu lờ lững vờn quanh

êm xuôi về Nam.

Làng tôi bao mái tranh san sát kề nhau.

Bóng tre ru bên mấy hàng cau.

đồng quê mơ màng!

 

Quê tôi chìm chân trời mờ sương

Quê tôi là bao nguồn yêu thương

Quê tôi là bao nhớ nhung se buồn

Là bao vấn vương tâm hồn

người bốn phương

Đoạn kết bài hát tác giả dùng các biến âm bất thường, sử dụng rất nhuyễn những quãng nghịch thật “đắt” (Quãng 2 trưởng, quãng 2 thứ, quãng 7 thứ...) tạo cảm giác lâng lâng khó tả cho ta thấy một hình ảnh làng quê, dòng sông, cây cầu, lại thấy như nét duyên dáng thiếu nữ che nghiêng nón lá hay  tưởng tượng được một điệu múa dân gian mềm mại:

 

Tuy là tác giả của ca khúc nổi tiếng nhưng Chung Quân không phải là nhạc sĩ chuyên nghiệp mà cả đời ông làm nghề dạy học. Sau năm 1954, Chung Quân theo gia đình vào cư trú ở Sài Gòn. Đang có bài hát nổi như cồn, ông được Bộ Giáo dục  Sài Gòn cho dạy nhạc ở các trường Chu Văn An và Nguyễn Trãi. Học trò của ông có những người về sau cũng trở thành những nhạc sĩ nổi tiếng như Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An, Nam Lộc…Khi chưa xuất dương du học, ông  vẫn dạy nhạc, sau khi có bằng tiến sỹ văn chương ở Anh, ông về nước dạy văn. Giáo sư Chung Quân luôn để lại cho học trò sự tôn kính, quý trọng...

Tuy rằng bài hát sanh sau đẻ muộn nhưng rất thịnh hành từ trong nước và ngoài nước. Ngày trước  từ người trẻ đến người già, từ thính giả ở nông thôn đến thành thị, từ trong nước đến Việt kiều ở nước ngoài ai cũng có thế hát lên: "Làng tôi có cây đa cao ngất tầng xanh, có sông sâu lờ lững vờn quanh êm xuôi về Nam…". nó đã sống trong lòng người yêu nhạc 70 năm qua, cho thấy giá trị  tác phẩm như thế nào? bài hát được chơi với nhiều điệu blues, slow, ballad... đều hay

Sau nầy ông tiếp tục dạy học ở Huế cho đến ngày qua đời (năm 1988)

Trong ba bài hát tuyệt mỹ Làng tôi thì theo tôi bài Làng tôi của Chung Quân mang đậm chất Việt Nam hơn, gần gũi với tâm hồn người Việt, có thể nói ba bài hát Làng tôi là một hiện tượng đặc biệt trong lịch sử âm nhạc Việt Nam, thể hiện sự tinh tế của nghệ thuật. Cho đến nay đã qua bảy thập kỷ mà sức hút của các bài hát vẫn còn mạnh mẽ, người ta vẫn dàn dựng nhiều, vẫn hát, vẫn múa, vẫn chơi, vẫn yêu thích như ngày nào...Đúng là những tác phẩm âm nhạc trác tuyệt bất hủ trong làng nhạc Việt Nam.

 

Nhạc sĩ Nguyễn Quốc Đông

 

Nghe bài hát:

 

LÀNG TÔI    VĂN CAO

https://www.youtube.com/watch?v=oeS17TXOVQ4

 

LÀNG TÔI    HỒ BẮC

https://www.youtube.com/watch?v=tPEVTJGnkXg

 

LANG TOI    CHUNG QUÂN

https://www.youtube.com/watch?v=llIg12vWRBg

 

 

Lượt xem: 1788

© NongLamSucTayNinh.com 2011 - 2020. Thiết kế website tại MtStudio.vn

Thành lập ngày 20 tháng 02 năm 2011

Email: nonglamsuctayninh@gmail.com