Nhớ nhà văn, nhạc sĩ Vân An

Chuyên mục: Truyện ngắn - Bút kí - Tùy bút Được đăng: Thứ ba, 13 Tháng 6 2023 Viết bởi Ban điều hành

NHỚ NHÀ VĂN, NHẠC SĨ VÂN AN

NGUYỄN QUỐC ĐÔNG

(Chi hội nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Tây Ninh)

 Ở Tây Ninh, nói đến nhà văn Vân An thì đa số ai cũng biết, ông là một người bặt thiệp giao du rộng rãi trong giới văn nghệ sỹ, ít người biết ông cũng là người viết nhạc. Ông là nhà văn đầu tiên của Tây Ninh được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam, là người có nhiều đóng góp to lớn vào việc xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật Tây Ninh  trong thời gian ông  đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng như: Trưởng Ban nghiên cứu lịch sử Đảng, Giám đốc Đài Phát thanh Truyền hình, Tổng Biên tập Báo Tây Ninh, Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật...

Sau ngày Giải phóng 30.4.1975 trụ sở Đài phát thanh nằm ở đầu đường Pasteur – Cách mạng tháng Tám bây giờ (Cặp công viên 30.4 Tây Ninh) tôi và một số anh em văn nghệ hay ra chơi, chú Bảy (tên gọi thân mật là chú Bảy) tiếp đãi niềm nở rất thân mật gần gũi, chúng tôi hay gửi bài hát ông xem và góp ý, chúng tôi thường xuyên làm những chương trình giới thiệu ca khúc mới trên Đài gồm những anh em như Lê Hữu Thuyền (đã mất) Vĩnh Hiển, Quốc Đông, Quốc Thái, Lê Hồng Tăng, Phạm Mai, Kim Tuyết, Duy Văn (đã mất), Hoài Nguyên…khi có những buổi giao lưu văn nghệ lúc nào ông cũng ưu ái kêu chúng tôi đi dự. Tuy có bài hát được phổ biến cách đây hơn nửa thế kỷ, nhưng ông chưa bao giờ nhận mình là nhạc sĩ. Trong sự nghiệp âm nhạc của ông có hai bài hát được mọi người biết đến nhiều đó là bài Chiến thắng Bùng BinhVề giữa đôi dòng sông vàng.Ca khúc “Chiến thắng Bùng Binh” được viết vào cuối năm 1950, bài hát ngắn gọn với chủ âm Sol trưởng, khúc thức cân phương gọn gàng nhịp 2/4, điệu hành khúc, cấu tạo âm hình nốt đen, trắng, móc đơn dễ hát tiết tấu sôi động, mạnh mẽ, thể hiện được niềm xúc động và tự hào về trận thắng vang dội của chiến sĩ trung đoàn Đồng Nai tại Bùng Binh (một địa danh thuộc xã Đôn Thuận huyện Trảng Bàng) Bài hát được cán bộ chiến sĩ các đơn vị lực lượng võ trang Khu 7 ngày ấy rất yêu thích.“ Đồn Bùng Binh nơi căm hờn chồng chất như núi cao, hàng rào gai kềm hãm ngàn muôn đồng bào, hôm nay đây lửa cười và gạch ngói vỡ tung, đây là lúc tội ác đền trong lửa hồng”

Cùng với nhiều bài hát cách mạng ra đời trong giai đoạn ấy như Lên ngàn, Nhạc rừng, Tình ca... bài hát “Chiến thắng Bùng Binh” góp phần cổ vũ, động viên rất lớn tinh thần cán bộ, chiến sĩ ta vượt qua gian khổ, hy sinh trong lửa đạn chiến tranh để giành lấy độc lập, tự do cho quê hương “Chiếm chiến công nầy thanh mã tấu, của chiến binh trung đoàn Đồng Nai” Bài hát được chọn làm nhạc hiệu của Đài phát thanh Tây Ninh từ năm 1977, người dân Tây Ninh cũng rất quen thuộc  giai điệu bài hát hằng ngày phát trên loa công cộng nơi các góc phố, nhất là lúc 5 giờ sáng nhạc hiệu Đài phát lên như báo giờ đi tập thể dục. Sau nầy đến năm 1991, khi Đài được phát triển nâng lên thành Đài Phát thanh - Truyền hình, thì nhạc hiệu bài “Chiến thắng Bùng Binh” tiếp tục được sử dụng làm  nhạc hiệu chính thức của  Đài truyền hình Tây Ninh. Bài hát sau nầy đã được Đài hòa âm phối khí lại hiện đại, hoàn thiện hơn cho phù hợp với xu thế tình hình hiện nay.

Bài thứ hai là bài Về giữa đôi dòng sông vàng có nhịp ¾ điệu valse chậm, chủ âm Sol thứ giai điệu nhẹ nhàng tình cảm, bài gồm 3 đoạn: đoạn mở đầu (A) tình cảm tha thiết  giới thiệu hai dòng sông đẹp như hai dãi lụa bao quanh đất mẹ, tưới mát cánh đồng quê nhà là dòng sông Vàm Cỏ Đông ở phía tây nam và sông Sài Gòn ở phía đông của tỉnh (là ranh giới tự nhiên giữa Tây Ninh và Bình Phước), nhắc đến Tây Ninh là nhớ về nơi thánh địa của Cách mạng miền Nam:“ Mặt trời lên từ trên dòng sông Sài Gòn rợp cây xanh uốn quanh Vàm Cỏ Đông nước trong tiễn đưa chiều ta cạnh đồng lúa nhấp nhô...về với rừng với thánh địa của Cách mạng miền Nam” đoạn giữa (B) với một chuỗi nốt đen, móc đơn tạo tiết tấu hơi nhanh dồn dập nói lên truyền thống đánh giặc trừ ngoại xâm của nhân dân qua các chiến công như Tua Hai, Bời Lời, Đồng Rùm, Bông Trang...“Nhân dân quật cường luôn quên mình trừ ngoại xâm, ba mươi năm đấu tranh vẫn không rời súng..”

Đoạn cuối (C) đoạn kết thúc nét nhạc chậm lại ngân vang tự tin thể hiện niềm tự hào truyền thống quật cường, một niềm tin sắt son hướng về tương lai sáng lạng “Truyền thống gieo niềm tin, dốc nhiệt tình  bắt núi sông chuyển mình, đời ấm no dựng xây quyết tâm nầy tương lai trong tầm tay”

Năm 1989 bài hát nầy đã được nhà biên kịch Nguyễn Hồ sử dụng làm nhạc nền trong phim tài liệu  nghệ thuật Tây Ninh miền đất đỏ của Xưởng phim tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh sản xuất do Kim Tuyết hát, nhạc sĩ Trần Hữu Bích soạn hòa âm và Nguyễn Minh Trí đạo diễn và bài hát được in trong tuyển tập nhạc Khi bầy chim trở lại gồm 14 ca khúc do Hội VHNT Tây Ninh xuất bản năm 1989, họa sĩ Nguyễn Văn Bình vẽ bìa, Duy Văn kẻ nhạc, in lụa do anh Tường Huyên và Phan Vĩnh phụ trách, ký họa chân dung là họa sĩ Hoàng Huy (tên tập nhạc cũng là tựa đề  bài hát của tôi góp mặt trong tuyển tập). Lúc đó khi họp bàn chọn tựa tuyển tập nhạc anh em cũng đắn đo suy nghĩ, một số bài của các nhạc sĩ lớn tuổi như chú Bảy Vân An, Vĩnh Hiển, Hoài Nguyên cũng được đưa ra bàn nhưng có lẽ vì chưa phù hợp nên anh em thống nhất lấy tựa Khi bầy chim trở lại cho có ý nghĩa (chúng ta là những con chim bay muôn phương nay có dịp tập hợp hội tụ về đây dưới mái nhà Hội văn nghệ để cùng nhau sáng tác, hát ca,  đại khái ý nghĩa là vậy). Năm 2020 ca khúc Về giữa đôi dòng sông vàng được chọn là một trong 16 ca khúc trong Tuyển tập karaoke Tây Ninh tình yêu trong tôi  do Hội VHNT tỉnh phối hợp với Đài Phát thanh -Truyền hình tỉnh thực hiện và được phát trên Đài cũng như trên các mạng xã hội

 

Nhà văn, nhạc sĩ Vân An tên thật là Trần Vạn An, sinh ngày 10.3.1925 tại Trảng Bàng. Xuất thân từ gia đình Nho giáo quý sự học nên từ nhỏ gia đình đã cho ông về Sài Gòn ăn học, như bao thanh niên hồi đó ông cũng tham gia những cuộc biểu tình, đấu tranh chống thực dân Pháp. Từ những ngày đầu cuộc kháng chiến mùa thu trên quê hương, ông đã tham gia chiến đấu rồi được vinh dự kết nạp vào hàng ngũ của Đảng, năm 1954 ông tập kết ra Bắc và  sau nầy trở thành cán bộ lãnh đạo báo chí và văn học nghệ thuật Tây Ninh. Riêng mảng văn xuôi của ông có 12 tác phẩm vừa tập truyện và truyện dài, một khối lượng tác phẩm không nhỏ, thời gian tập kết ông công tác ở báo Thống Nhất, đây là khoảng thời gian ông dành nhiều cho các sáng tác của mình. Các tác phẩm của ông lần lượt ra đời: Lòng tin (tập truyện, 1959), Giữ súng mướn (1960); Bám đất (tiểu thuyết 1964); Lớn lên (tiểu thuyết)…Nhân vật trong truyện Vân An giai đoạn này vẫn là những người nông dân kiên cường bám đất, một tấc không đi, một ly không rời để tham gia kháng chiến hoặc giúp đỡ kháng chiến. Sau năm 1975 người ta biết nhiều đến ông qua các tác phẩm như Sài Gòn 46 (1986) Màn kịch khóc cười (1978), Họ là ai? (1988)...

Tôi từng đến nhà ông chơi, lúc nào ông cũng có sẵn bình rượu thuốc đãi anh em, khi ấy tôi có ý tưởng viết về đại tá Phan Văn Điền (Hà Minh Trí) bí danh là Mười Thương là người ám sát Ngô Đình Diệm ở Ban Mê Thuột năm 1957, cũng nhờ tư liệu quý giá của ông cho mượn và ông còn dặn dò cách viết nữa, vì khi ấy ông đang viết truyền thống cho ngành công an Tây Ninh nên tư liệu rất phong phú, bài viết đã được đăng trên nhiều tờ báo. Ngày ấy, chiều  chiều lúc tan sở tôi và Trứ (Duy Văn) cũng thường hay ghé chú Bảy chơi, ngồi ở sảnh nhỏ trước nhà làm vài ba ly rượu thuốc đàm đạo chuyện văn nghệ. Những lần giao lưu văn nghệ với các nhạc sĩ nổi tiếng khoảng năm 1980,1981 ông cũng mời chúng tôi ra dự. Nhờ ông mà chúng tôi được giao lưu cùng các nhạc sĩ cách mạng tên tuổi như Xuân Hồng, Lư Nhất Vũ, Hoàng Hiệp, Nguyễn Ngọc Thới, Nguyễn Văn Tý...tôi là người cầm đàn guitar đệm cho nhạc sĩ Hoàng Hiệp hát bài Phố tôi có một anh chàng. Lúc đó sinh hoạt ở tòa biệt thự hai tầng kiểu Pháp  (ngày trước chính quyền Sài Gòn lấy làm tòa án) nằm ở góc trước vòng xoay đường 30.4 bây giờ, mé Công viên 30.4 hay đợt kỷ niệm 60 năm sinh nhật nhạc sĩ Xuân Hồng năm 1988 được tổ chức trang trọng ở khách sạn Hòa Bình có nhiều văn nghệ sĩ trong và ngoài tỉnh tham dự

Ông cũng có những ý tưởng rất hay, thú vị khi năm 1983 lập một quán thơ trên Núi Bà chỉ là mái lá nhà sàn đơn sơ thôi nhưng là nơi anh em văn nghệ lui tới uống rượu ngâm thơ ca hát giới thiệu những tác phẩm mới của mình trong một không gian xanh mát bao la của núi rừng rất thơ mộng lãng mạn, tiếc rằng sau nầy quán thơ dừng hoạt động. Ông cũng chính là thân phụ của ông Trần Lưu Quang bí thư thành phố Hải Phòng hiện nay, anh Quang khi còn làm bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh mỗi lần họp mặt văn nghệ sỹ đầu năm cũng có máu văn nghệ như thân phụ, anh hay lên cầm đàn guitar hát bài Tự nguyện của Trương Quốc Khánh và giao lưu  vui vẻ cùng các văn nghệ sỹ.

Nhà văn Vân An là người rất  hòa đồng, tôi nhớ thời ông còn làm Tổng biên tập báo Tây Ninh vào khoảng năm 1980 hay 1981 gì đó, khi ấy tôi làm bên ty thông tin văn hóa, nghe tin tôi có bài hát về bầu cử Hội đồng nhân dân chính ông thân hành qua lấy về tự chép  tay đưa lên báo (thời đó toàn chép tay thôi không có Encore như bây giờ, lúc đó tôi còn giữ tờ báo  để làm kỷ niệm nhưng nay lâu quá đã mất rồi). Một cử chỉ tôi nhớ mãi rất cảm động, một con người đức độ gần gũi với quần chúng. Ông mất ngày 10.9.2005, hưởng thọ 80 tuổi, để lại cho đời nhiều tác phẩm văn, thơ, nhạc có giá trị.

Nguyễn Quốc Đông

Nghe Chiến thắng Bùng Binh

https://www.youtube.com/watch?v=F2nT0fDUEYs&list=LL&index=2

Nghe nhạc hiệu Đài PT TH TN

https://youtu.be/ZMzJAzB9d-k?t=96

Nghe Về giữa đôi dòng sông vàng

https://www.youtube.com/watch?v=wCFPew8S6V4&list=LL&index=1

 

 

 

Lượt xem: 1468

© NongLamSucTayNinh.com 2011 - 2020. Thiết kế website tại MtStudio.vn

Thành lập ngày 20 tháng 02 năm 2011

Email: nonglamsuctayninh@gmail.com