Một Chút Nhớ - Một Chút Thương

Chuyên mục: Truyện ngắn - Bút kí - Tùy bút Được đăng: Thứ tư, 02 Tháng 2 2011 Viết bởi Bùi Tho

Qua bài viết thầy Bùi Tho mới biết các thầy chúng ta từ nhiều nơi đến như thầy Trần Văn Thìa từ TH NLS Huế,thầy Bành Văn Sinh từ Trung tâm canh mục sắc tộc Quảng Trị,sau đó mới về giảng dạy tại NLS Tây Ninh

 

Xuất phát bài viết này do một lời yêu cầu của một vị giáo sư để làm tư liệu tham khảo nhưng rồi viết lan man thành một bài hồi ký,tôi muốn gửi đền trang nhà NLS Tây Ninh để các bạn có thể hiểu được nhóm tiên phong của hệ Trung Học NLS Việt Nam như thế nào,vì TH NLS bảo lộc là trường đầu tiên với 100 hv từ nhiều nơi hội tụ qua 5 năm  còn lại một nhóm khỏang 18 người tốt nghiệp CĐ SP NLS  K1 được phân công về các trường NLS,rồi K2 có thêm Huê,Cần Thơ,,,hình như đến khóa 5 thì có hv Tây Ninh phải không?ngoài chức năng giảng dạy chính họ là những moc xích kết  nối nhau tạo nên hệ quả mà chúng ta đang thấy đó là tình gắn bó thân ái NLS của chúng ta.

Tôi còn nhớ, khỏang giữa năm 1963 đang theo học luyện thi Tú Tài tại Đà Lạt, thì ba tôi lên tận nơi gọi về thi vào Trung Học Nông Lâm Súc, đó là trường Quốc Gia Nông Lâm Mục Blao nay đã đổi tên. Ông bảo là cố gắng thi đậu và làm sao vào được vào ban Thủy Lâm. Vì trước giờ rất ít người Bảo Lộc được học ở trừơng đó.

Và tôi thí sinh Bùi văn Tho số báo danh 4080 là người trúng tuyển duy nhất tại Hội Đồng tuyển sinh Bảo Lộc hạng 39/100. Ba Hội Đồng khác là Huế, Sài Gòn, Cần Thơ.. số thi sinh tuyển chọn là 100 được chia làm ba ban gồm:

-  Ban Canh Nông -40 Học Viên

-  Ban Thủy Lâm -20 học viên

-  Ban Mục Súc -40 Học viên   

Số học sinh đỗ chính thức không về học đầy đủ nên trường gọi thêm dự khuyết là những thí sinh có điểm đậu cao tiếp theo, họ trở thành học viên chính thức. Ngoài số luợng được kể trên nhà trường ưu tiên cho công chức thuộc trường hoặc thuộc Bộ Canh Nông được gửi con cháu mình theo học với tư cách là bàng thính, lực lượng này phải mang ghế vào để ngồi, cho nên chúng ta có thể thấy 2 lọai ghế khác nhau: một loại được chở từ Mỹ qua, thường là lọai gỗ sồi, đường nét tinh xảo, còn ghế được mang vào thường là gỗ thông, gỗ tạp.. nhìn là biết ngay là "ghế nhái" đóng thủ công.

Riêng tại Bảo lộc, sau đó vào thêm các anh: Từ văn Trường, Văn Xuân Trường, Lai Minh, Nguyễn đình Cường, Vũ Huy Tuấn, Nguyễn văn Tú, Lê Thu Mai,Trần thanh Giang được gọi vào lớp Đệ Tam. Cùng lúc trường cũng tuyển thêm hai lớp đệ ngũ và hai lớp Đệ Tứ nữa. Mỗi cấp lớp 100 học viên.

Cuộc thi kéo dài 2 ngày, mỗi buổi thi một môn gồm: Tóan, Lý hóa, Vạn vật và một bài luận về kiến thức Nông Lâm Súc.

Chương trình học: gồm chương trình phổ thông và kiến thức Nông Lâm Súc, các lớp Đệ Nhất Cấp chưa phân ban, cuối năm học lớp đệ Tứ, học viên tham dự cuộc thi Trung Học Đệ Nhất Cấp ngành Nông Lâm Súc, có bằng này học sinh được dự thi tuyển sinh lớp 10 cùa các trường Đệ Nhị Cấp NLS và Phổ Thông, hoặc có thể theo học các khóa đào tạo cấp Huấn Sự Nông, Lâm, Súc để phục vụ trong ngành.

Đối với học viên đệ nhị cấp NLS thì phải thi các bằng Tú Tài 1 và 2 ngành Nông Lâm Súc bằng này tương đương với bằng Tú Tài ban A phổ thông. Được dự thi hoặc ghi danh Đại Học, có thể dự thi Cao Đẳng NLS, Kiểm Sự, Viện Quốc gia Nông Nghiệp, Cao Đẳng Sư Phạm Nông Lâm Súc... Nếu bị Động viên sẽ nhập ngũ  Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức.

Trong giai đọan này Trường TH Nông Lâm Súc được nhiều học sinh tham gia thi tuyển nhờ một ưu thế là trong thời gian học sẽ được hõan dịch, theo đó nếu có vào Quân Đội thì lại được bố trí về các nganh chuyên môn như: quân cụ, quân nhu. Cũng cần phải nói đến những yếu tố khác nhằm quyến rũ học sinh vào học vì cơ ngơi của trường rất qui mô, hiện đại, khung cảnh rất đẹp và triển vọng có thể tìm được việc làm.

Nói riêng về các năm học của chúng tôi từ 1963 đến 1966 mà ngày nay một số người thường dùng là khóa 1, cũng có người dùng là khóa 9 (theo tôi tất cả đều không đúng, gọi khóa 1 vì đó là đợt vào đầu tiên thuộc TH Nông Lâm Súc Bảo Lộc, gọi là khóa 9 vì trường Quốc Gia Nông Lâm Mục Blao đã tiến hành 8 khóa Kiểm Sự thì đổi tên NLS và đợt chúng tôi vào người ta ngộ nhận là khóa 9

thầy Nguyễn Văn Sơn thứ 4 - thầy Bành Văn Sinh -bìa phải (hàng đứng)
Chúng tôi nhập học khỏang đầu tháng 11/1963, giai đọan thay ngôi đổi chủ của đất nước, kéo theo sự đổi thay lãnh đạo của trường rồi vấn đề an ninh, một lần nhóm học viên từ Sài gòn lên được Mặt trận Giải Phóng mời vào rừng tuyên truyền, năm 1965 chất nổ được đặt tại nhà giáo sư số 15 may mắn vị cố vấn Nông Nghiệp thóat nạn, cộng với thiếu nhân viên giảng huấn cho cấp lớp đệ nhất nên sau khi thi xong Tú Tài 1 lớp chúng tôi phải chuyển về Sài Gòn học tại 45 Cường Để thuộc Cao Đẳng Nông Lâm Súc, sau đổi thành Vịên Quốc Gia Nông Nghiệp (Giống như học viện Quốc Gia Hành Chánh).

Đến kỳ thi Đệ Nhị Lục Cá Nguyệt năm học 1966 thì Nha Học Vụ mới có thông báo miễn thi Tú Tài 2 cho 25% học viên mỗi Ban.

Đậu bằng Tú Tài 2 NLS một số theo học Cao Đẳng còn phần đông theo các khóa Kiểm sự. Vì nhu cầu nên sau khi có kết quả Tú Tài chúng tôi vào học Kiểm sự ngay và đang thực tập tại Đà Lạt, nghe tin Nha Học Vụ mở khóa Cao Đẳng Sư Phạm Nông Lâm Súc, tôi cùng Nguyễn Trung Bình, Hùynh Biên, và Đặng Hữu Thức về thi vào Sư Phạm ban Thủy Lâm vì số lượng dự thi không đủ nên 4 anh em chúng tôi được tuyển thẳng vào ban Thủy Lâm - Ngư Nghiệp. Trong lúc các Ban CN và MS phải thi. Một sự việc đã xảy ra là nhóm Học Viên xuất thân từ Bảo lộc tuyên bố bỏ thi, bởi lẽ trong danh sách dự thi có 05 anh em của trường Trung Học Nông Lâm Súc Cần Thơ vừa mới được xét miễn thi Tú Tài 2 NLS năm 1967 trong lúc cuộc thi chính thức chưa tổ chức, nếu áp dụng ngọai lệ này thì phải áp dụng cho Bảo Lộc và Huế nữa. Sau đó công việc cũng êm xuôi và khóa học tiến hành, như đã nói ở trên yêu cầu quá cấp thiết nên chúng tôi phải học liên tục kể cả chủ nhật và ngày lễ, một mất mát lớn là Hùynh Biên mất vì ung thư, và một thời gian sau Trần Minh Hồng (học Kiểm sự) bị tai nạn giao thông cũng qua đời. Tháng 11 năm 1968 Cao Đẳng Sư Phạm Khóa 1 ngành NLS hòan thành các giáo sinh tốt nghiệp được phân công về các trường TH NLS, Các Trung Tâm Canh Mục Sắc Tộc.

Theo Sự vụ lệnh 1878/GD/NV2/SVL ngày 20/11/1968 của Bộ Văn Hóa Giáo Dục và Thanh Niên cử các Gíao Sư Trung Học Đệ I Cấp NLS Khóa 1 có tên dưới đây tòng sự tại các trường TH NLS và Trung Tâm Canh Mục Sắc Tộc ghi sau:

Ban Thủy Lâm-Ngư Nghiệp

1- Bùi Văn Tho- Trường TH NLS Tây Ninh

2- Đặng Hữu Thức

3- Nguyễn Trung Bình

Ban Canh Nông       

1- Nguyễn văn Sơn- Trường TH NLS Tây Ninh

2- Cô Ngô Ngọc Bích Tư

3- Nguyễn Công Bình

4- Lại Ngọc Đức

5- Đỗ văn Quang

6- Nguyễn Hữu Minh

7- Trần Tấn Miêng

8- Lâm Thành Nghiêm

9- Trần văn Thìa-TH NLS Huế        

Ban Mục Súc

 1- Hà Kim Phụng

 2- Lê Văn Thiên

 3- Nguyễn Ngọc Hạnh- Trường TH NLS Tây Ninh

 4- Nguyễn Hòang Lang

 5- Phạm Thị Bích Hòa

 6- Vũ Hữu Nghị

 7- Trần Văn Hồng

 8- Nguyễn Hữu Phước

 9- Từ Văn Trường

10- Trần Thanh Giang

11- Bành Văn Sinh-  Trung Tâm Canh Mục Sắc Tộc Quảng Trị

Trên đây là nghị định bổ nhiệm nguyên thủy, sau một thời gian không lâu, có lẽ vì các Trung Tâm Canh Mục Sắc Tộc chưa phát triển cộng với sự hoạt động không mấy hiệu quả nên các nhân viên giảng huấn về các Trung Tâm được chuyển về giảng dạy tại các trường Trung Học Nông Lâm Súc địa phương và sau này phát triển mỗi tỉnh đều có trường trung học hướng nghiệp Nông Lâm Súc.

Xin trích một đọan trong bài lịch sử trường Trung Học Nông Lâm Súc Bảo Lộc của trang nhà www.nlsbaoloc.net.

"Nghị định số 136-BCTNT/NĐ/HC/2 ngày 26-3-62 của Bộ Cải Tiến Nông Thôn chuyển giao nhiệm vụ và cơ sở kỹ thuật Canh Nông và các học đường đặt thuộc quyền Bộ Quốc Gia Giáo Dục.

Nghị định số 1377-GD/PC/NĐ ngày 30-9-63 của Bộ QGGD tổ chức Nha Học vụ Nông Lâm Súc.

Nghị định số 1185-GD/PC/NĐ ngày 24-8-63 của Bộ Quốc Gia Giáo Dục cải tổ trường Quốc Gia Nông Lâm Mục Bảo Lộc thành trường trung học Nông Lâm Súc Bảo Lộc.

Chương trình học gồm hai phần, phổ thông và chuyên môn. Học sinh tốt nghiệp với văn bằng Tú Tài II NLS, sau đó tùy theo điều kiện và khả năng, học sinh có thể tiếp tục theo đuổi chương trình Kỹ Sư 4 năm hay Kiểm Sự một năm hoặc chuyển qua một ngành nghề mới tại bất cứ một trường Đại Học nào. Học sinh gia nhập trường NLS-BL phải qua một kỳ thi tuyển. Những năm đầu trường tổ chức thi tuyển vào ba hệ đệ Ngũ, đệ Tứ và đệ Tam, sau đó trường chỉ còn 2 hệ, hệ đệ Ngũ học 5 năm và hệ Đệ Tam học 3 năm. Ở cấp trung học đệ nhị cấp, mỗi lớp gồm có 3 ngành: Thủy Lâm, Canh Nông và Mục Súc, và đến niên khoá 70-71 trường có thêm ngành Công-Thôn. Trường quy tụ các học sinh từ Sai Gòn cho đến các tỉnh miền Trung, Cao Nguyên, Đồng Bằng Sông Cửu Long, và điạ phương Lâm Đồng."

Nhóm 100 con người từ Quảng Trị cho đến Cà Mâu tập trung về ngôi trường ở xứ Blao, rừng thiêng nước độc, trải qua bao thăng trầm, chứng kiến bao đổi thay, và mỗi một con người cũng đã mang bao thân phận, hơn 40 năm rồi giờ đây nào ai có thể làm được bản đúc kết để cho biết ai còn, ai mất? Người còn ở đâu, kẻ mất yên nghỉ nơi nào? Chỉ loáng thóang biết rằng, đã có 3 lần họp mặt, lần thứ nhất có 30 hiện diện, lần 2 cũng khỏang 30 người vắng người cũ thêm người mới, nhưng có tin một người đã về với đất: Hồ Vinh Quế CN, lần họp mặt thứ ba lại có tin thêm 2 người nữa đã vào cõi vĩnh hằng: Lâm Quang Ánh MS, Nguyễn Văn Tú MS. Chưa có cuộc họp nào dự tính trong tương lai nhưng một người nữa đã "nhàn du tiên cảnh": Trần thị Hòang MS và còn ai nữa? Xin cho được gửi lòng tiếc thương và nổi ngậm ngùi.

Rồi hãy vui lên khi ta tìm được người xưa bạn cũ, dù anh chị ở nơi đâu, biết tin hay báo cho nhau, không đòi hỏi nhiều chỉ một lời thăm hỏi, sức khỏe ra sao? Con cái thế nào? Hay quí hơn hãy cho nhau những nụ cười của một chuyện ngày xưa trên khung trời mù sương có ngôi trường thân thương ấy. Tôi biết cũng khá nhiều, Việt Nam có, Mỹ có, Úc có, Canada có, Phi Luật Tân có,...Tôi nhớ Quách Văn Hai ở Cai Lậy mắt mù nhưng sáng chuyện ngày xưa, nhớ Tôn Nữ Thị Cần ở Huế giọng nhỏ nhẹ "mắt Cần bi chừ yếu nhìn có thấy chi mô? À còn chuyện đi học ở Bảo Lộc thì Cần làm sao quên được?" Rồi ông Nguyễn Hoàng Hoanh đã sang Phi Luật Tân làm chuyên gia, thương bạn mến trường mở một trang Web để anh em tình tự.

Riêng chuyện 9 chàng dũng sĩ rừng xanh gốc gác dân Blao-Ferme ngày nào. Giờ đây trơ trụi chỉ mình tôi. Bốn chàng đã vĩnh viễn ra đi: Văn Xuân Trường MS, Nguyễn Đình Cường CN, Vũ Huy Tuấn TL, Nguyễn Văn Tú MS, một chàng là thần dân Hợp Chủng Quốc Hoa kỳ: Lê Thu Mai CN, hai chàng đăng ký thường trú Australia:  Từ Văn Trường MS, Trần Thanh Giang MS, một chàng chọn Trà Vinh làm đất sống chuyên nghề thiến chó: Lai Minh MS.

Rất may những ngày tháng ấy Bảo Lộc tự dưng xuất hiện nhiều sơn nữ mộng mơ nên bây giờ tôi còn ba ông bạn rể của xứ Blao thi thỏang trò chuyện làm vui: Lê Quang Thiện TL, Trần Sắt CN, Thân Trọng Lộc CN, còn một người nữa nếu không nói ra sợ anh ta buồn, vốn dĩ là một nhà kinh tế, anh lên đầu đèo Bảo Lộc lập vườn mở tiệm cơm chay thỉng thỏang vẫn đi chợ Bảo Lộc, và cứ mỗi lần lên Bảo Lộc "Alô, Tho hả ra uống cà phê nhé, có Kiệt đây nè!" Và rồi nhóm Bảo Lộc chúng tôi có Lộc và Thiện cùng hiện diện, không phải nói ra thì các bạn biết chúng tôi sẽ nói chuyện gì rồi! Anh ta phụ trách Kinh Tế của Ban Đại Diện Học Viên, quen gọi là Tám Kinh Tế, và một tên độc đáo nữa là "Tám Nước Mắm" tên trong bằng Tú Tài NLS Ban Canh Nông của anh ta là Trần Văn Tám. Tin mới nhất anh ta đang rao bán phần đất tôi vừa kể trên, để đầu tư sang Úc Đại Lợi khai thác khóang sản..."

Tôi xin phép dược ngừng tại đây, bởi lẽ nói đến chuyện Nông Lâm Súc Bảo Lộc thì không biết chừng nào cho hết........Phải không???

Lượt xem: 3072

© NongLamSucTayNinh.com 2011 - 2020. Thiết kế website tại MtStudio.vn

Thành lập ngày 20 tháng 02 năm 2011

Email: nonglamsuctayninh@gmail.com