Truyện ngắn, bút ký, hồi ký

Đến Biển Hồ

Chuyên mục: Truyện ngắn - Bút kí - Tùy bút
Được đăng: Thứ tư, 26 Tháng 10 2011
Viết bởi Nguyễn Quốc Nam

Nguyễn Quốc Nam

  

Ngư dân Việt Nam trên Biển Hồ

Từ Siêm Reap đến Biền Hồ( Tonle Sap ) mất khoảng hơn 30 phút đường xe ô tô, Biển Hồ có bề rộng khoảng gần 40 km và chiều dài khoảng 165 km giáp năm tỉnh của đất nước Cambodian, đây là một cái hồ nhưng vì quá lớn như biển nên người dân thường gọi là Biển Hồ.

   Trước khi đến Biển Hồ anh bạn tôi cho biết nơi đây có một làng nổi đa số là người Việt sinh sống rất nghèo và có một ngôi trường xây dựng trên xà lang giữa biển nước nuôi dạy trẻ em ăn học miễn phí và gợi ý nhờ tôi vận động những người cùng đi có lòng hão tâm đóng góp chút ít để mua thực phẩm giúp đỡ vì nơi đây theo anh nên hỗ trợ lương thực là tốt nhất. Tôi ủng hộ việc nầy, mọi người cũng đồng tình và nhờ anh là người địa phương biết nơi bán, mua dùm được 15 thùng mì gói, mỗi thùng ở đây  gồm 50 gói giá 14 đô la một thùng, thế là chúng tôi cho xe trực chỉ đến Biển Hồ.  

   Sau khi cảng cặp Biển Hồ chúng tôi mỗi người một tay khiêng những thùng mì lên tàu và mất khoảng 10 – 15 phút để ra một làng nổi giữa hồ đa số là người Việt Nam sinh sống trên thuyền và ven bờ .trong những căn nhà nhỏ, thật ra nhiều căn nhà như những căn lều hay như cái chòi tạm bợ và những căn nhà nầy có thể khênh di dời khi mùa nước lên.

    Trời nước mênh mông, tôi nhìn thấy những cây Lộc Rừng dày đặc bị ngập nửa thân  và  đọt ló lên mặt nước. Những cây Lộc Rừng nầy là nơi cho cá trở về trú ngụ và sinh sản nên không một người dân nào chặt phá, chính nhờ thế mà cá sinh sản phù hợp với môi trường tự nhiên và cung cấp cho Biển hồ một lượng cá giống thiên nhiên vô cùng lớn và mùa cá sinh sản cũng là mùa cấm ngư dân đánh bắt cá. Tàu chạy khá nhanh.., ông bạn tôi chỉ những căn nhà nổi trên mặt nước và cho biết đó là nhà máy lọc nước, nhà máy điện do nước ngoài viện trợ để giúp đỡ cho những cư dân sống nơi đây. Bổng dưng tôi thấy không biết từ đâu ra một số xuồng máy chạy tốc độ cao rẻ sóng bám theo tàu của chúng tôi. Anh bạn tôi nói với tài công tăng tốc độ lên để kịp đến trường học tặng quà cho các em học sinh trước rồi hãy tính sau với các chiếc xuồng nầy vì đó là những chiếc xuồng chạy theo bám vào mạn tàu của mình để xin. Chúng tôi bán tin bán nghi thì thấy một chiếc xuồng máy do một thanh niên cụt tay cầm lái chạy với tốc độ rất nhanh, người vợ ngồi ở mũi và một bé gái nhỏ ngồi giữa, khi chiếc xuồng máy đuỗi kịp tàu chúng tôi chỉ cách khoảng 10 mét thì bổng dưng em bé gái nhỏ thò tay xuống khoan xuồng móc ra một con trăn to tướng, đứng dậy quấn quanh cổ và người làm cho các hành khách trên tàu hoảng sợ chú ý. Thật là như trong phim một cuộc rượt đuỗi diễn ra . Chiếc xuồng mày do anh chàng cụt tay lái nhanh như chớp đã lách sóng bám vào mạn tàu của chúng tôi và em gái nhỏ đứng giơ đầu con trăn lên với đôi mắt van lơn … Anh bạn tôi nhiều kinh nghiệm và hiểu biết nơi đây khuyên anh em đừng nên cho tiền cứ để sau khi mình cho nhà trường xong chừa lại vài thùng mì và chỉ nên cho mỗi xuồng 5- 10 gói mà thôi vì lượng xuồng đến xin sẽ rất đông.

                                                                     tàu dạy học cho trẻ em nghèo

 Tàu chúng tôi tăng tốc và cặp vào trường học , anh bạn tôi lo cột dây neo để hành khách lên chiếc xà lan trường học. Tôi nhìn tấm bảng đề: Trường học Việt Nam nuôi dạy  trẻ em nghèo bằng chữ Việt và phía trên là chữ Cambodian. Bước vào trong tôi nhìn thấy một thầy giáo trẻ đang dạy chữ cho các em và qua trao đổi tôi mới biết thầy dạy thiện nguyện không có lương. Tôi nhìn thấy có hai lớp học mỗi lớp gần 100 em ngồi trên sàn và nhìn lên bảng. Để tiếp chúng tôi thầy tạm ngưng dạy, các nhỏ ăn mặc đủ sắc phục nhoi nhoi nhôn nhao nhìn chúng tôi với những đôi mắt ngây thơ và trong sáng. Chúng tôi chào vị thầy và nói mục đích chuyến viếng thăm . Sau khi thăm hỏi và trao quà cho vị thầy đại diện, nhiều vị đi chung đoàn cảm thương đã tặng thêm một số tiền tùy theo lòng hảo tâm của mỗi người và chụp vài tấm hình làm kỷ niệm trước khi chia tay.

Khi chúng tôi từ trên trường học bước xuống tàu thì rất nhiều chiếc xuồng đã bao vây không còn lối ra. Anh bạn tôi liền mở một số thùng mì và bảo tôi phát phụ cho mỗi chiếc xuồng 5 gói và yêu cầu ai đã nhận rồi thì lui xuồng ra để tàu có thể trở đầu rời bến. Thế là mọi việc cũng xong. Trong chúng tôi ai cũng bùi ngùi lo lắng vì trên mỗi chiếc xuồng điều có những em bé còn rất nhỏ với sự nhấp nhô của sóng nước dập dồn e sợ các em bị té ngã nhưng ông bạn tôi bảo với mọi người cứ an tâm vì tất cả đã quen với cuộc đời sông nước. Nhiều du khách cảm thấy buồn và thương cảm cho những mãnh đời trôi nỗi trên Biển Hồ và không biết tương lai của những đứa trẻ nầy sẽ về đâu…?!

    Tàu chúng tôi trở mũi chạy rất nhanh để về lại cảng, ngồi trên tàu tôi nhìn thấy nhiều ánh mắt trầm tư, thương cảm, xót xa nhìn những chiếc xuồng nhỏ lênh đênh bấp bênh giữa biển nước mênh mông không biết từ đâu đang hướng về tàu của chúng tôi. Tàu rẻ sóng tăng tốc phăng phăng vươn về phía trước bỏ lại sau lưng những chiếc xuồng nhỏ chòng chành trên sóng và những mảnh đời cơ nhở trôi nổi trên sông nước xứ người…!

                                                                                                  NGUYỄN QUỐC NAM

                                                                                      (Siêm Reap ngày 26 – 08 – 2011)

 

Cô giáo Hòa của tôi

Chuyên mục: Truyện ngắn - Bút kí - Tùy bút
Được đăng: Thứ hai, 24 Tháng 10 2011
Viết bởi Lê Quốc Sơn

CÔ GIÁO HÒA CỦA TÔI

Viết kính tặng cô Hòa

Cô Hòa ( bên trái)

Cô giáo dạy chúng tôi dưới mái Trường Nông Lâm Súc thì có nhiều  lắm...Cô Hòa , cô Diện dạy Lý, Cô Sương dạy Toán rồi Cô Xuyến dạy  Văn, Cô Phấn dạy môn Pháp Văn...

Thời ấy ở Trường ,Thầy Cô của  chúng tôi là những bậc đáng kính . uyên bác trong cách giảng dạy...thâm thúy với những kiến thức  của ngưới đi trước truyền dạy lại cho các thế hệ sau này...Trong lớp học,, chúng tôi rất chăm chú và lắng nghe từng  lời giảng bài của Thầy Cô giáo...và với những giờ  học lý thú làm say mê từng đứa , đôi lúc tiết học dù hai tiếng mà bổng thấy sao vô cùng ngắn ngủi!

Như những đứa con của từng gia đình, "Công Cha như núi  Thái Sơn- Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra" nhưng lạ một điểm là khi nhắc và nhớ thì ai cũng thường nhắc về..Mẹ nhiều hơn Cha! còn vê Quê thì cũng hay nhắc đến Quê Mẹ,Quê Ngoại...rồi thơ, văn,ca khúc...thường thì cũng ngợi ca biết bao chuyện về người Mẹ!!! Gia đình của mỗi người là thế, còn Đai gia đinh thứ hai của mỗi người là ngôi trường của mình thì...đa số mỗi chúng ta lại hay nhắc về Cô Giáo của mình!

Tôi luôn nhớ về Cô Hòa, trong số các cô giáo dạy ở trường Nông Lâm Súc dạo ấy, thì Cô Hòa có tác người cao lớn nhất, cô vui vẻ hay cười và những bài giảng của cô rất dể hiểu,lôi cuốn chúng tôi! Tôi còn nhớ như in lời cô thật chắc,gọn và giọng Nam Bộ thật đậm chất, gia đình cô có quán cà phê ” Tao Ngộ” ở gần cửa số 7 ngoại ô, dù thích uống cà phê nhưng hồi đó rất “ngán”gặp Cô Thầy, nên ít đứa nào dám đến uống cà phê nghe nhạc Trịnh dù muốn ủng hộ quán của Cô giáo mình!

 Sau này ,khoảng năm 1995…vô tình tôi gặp lại Cô đang công tác tại một trường Sư Phạm Mẫu Gíao ở Quận 5 Sàigòn, lúc ấy Cô Hòa đã luống tuổi,nhưng vẫn nụ cười đôn hậu như xưa và giọng nói không thay đổi chất Nam Bộ “rặt” khiến tôi rất vui khi được gặp lại Cô, cảm xúc như gặp lại gia đình ruột thịt sau bao năm xa cách!Gặp tôi, Cô cũng rất vui và hỏi han ân cần rất nhiều điều…hỏi thăm những bạn bè trong lớp học ngày xưa,rồi hỏi thăm cuộc sống,công việc làm ăn… thật chân tình như người Mẹ luôn quan tâm tới những đứa con của mình!

Nay, dù đang ở một góc trời xa, tôi thật xúc động khi được nhìn thấy hình ảnh của Cô trên trang nhà của đại gia đình Nông Lâm Súc Tây Ninh, có cả những gương mặt thân yêu của Cô Đời, Cô Xuyến…tất cả bây giờ xấp xỉ hoặc đã bước vào tuổi”xưa nay hiếm” hết rồi!

Cái gì ra đi sẽ không bao giờ quay trở lại! nhưng tôi vẫn luôn mong ước sao sẽ có một ngày tôi  được sống trong một không gian xa cũ…dù chỉ phù vân trong giấc mơ !với ngôi trường . với hàng cây rợp bóng trước sân , dãy lớp học với đông đủ các bạn bè năm nào…và gặp lại các Thầy Cô Gíao kính yêu của mình, nhất là sẽ được gặp Cô Hòa kính yêu mà phong cách của Cô với nụ cười thật đôn hậu,giọng nói “rặt” Nam Bộ luôn theo tôi đi khắp nơi trong cuộc sống!

Những kiến thức mà các Thầy Cô đã dạy dỗ chúng tôi chính là vốn sống thật quý báu để làm hành trang vào đời suốt mấy mươi năm qua…bạc thời gian như bạc theo mái tóc của mỗi Thầy Cô kính yêu!

Lúc này tôi mới hiểu sâu sắc thế nào là ý nghĩa”Quân Sư Phụ” hay câu ru con văng vẳng tôi nghe được trong trưa hè nơi một miền quê “Muốn sang thì bắc cầu Kiều! Muốn con hay chữ-hãy yêu lấy Thầy” rất thực tế,rất nhân văn!

Những chuyến bay vội vã, những chuyến xe ngược xuôi,giòng người tấp nập khắp nơi trên thế gian này…cuộc mưu sinh theo quy luật cuộc sống …tất cả cuốn hút chúng ta vào một guồng máy khổng lồ …nhưng trong những giây phút tỉnh lặng của mình, tâm tưởng tôi luôn nghĩ về những tháng ngày đã qua…hạnh phúc với thuở học sinh với bao kỷ niệm đẹp…trong đó có hình ảnh của cô giáo Hòa  kính  yêu của tôi!

LÊ QUỐC SƠN

Khóa 3 NLS Tây Ninh

 

Tạp ghi về Nguyễn Văn Đạo

Chuyên mục: Truyện ngắn - Bút kí - Tùy bút
Được đăng: Thứ năm, 20 Tháng 10 2011
Viết bởi Bùi Tho

Hai cuộc điện thoại

* Chín giờ sáng, điện thoại reo…

- A lô,tôi nghe đây

-Dạ em là Khánh thầy ,một chốc nữa các anh chị NLS hải ngoại ghé thầy đó…”

Hôm đó ngày 16-2-2011 và tôi thật vui khi lần đầu tiên được gặp vợ chồng Đạo,cô Liễu,và Kim Anh.  Trong bốn người đó thì có hai là Vợ Đạo và Kim Anh vốn là dân Bảo Lộc như vậy là Đạo là rể xứ này ?. Chúng tôi chụp ảnh trước nhà như thông lệ rồi ra tiệm cơm , lần này anh em không vào thăm trường như những bạn bè khác,vì lý do Kim Anh phải ra thăm mộ người thân ở Nghĩa Trang Phât Giáo, còn đoàn có chương trình về Sài  Gòn để đi Đồng Tháp . Theo lời cô Liễu  cho biết  cố gắng  rủ anh em cùng về VN lần này để  tham dự Họp mặt NLS Tây Ninh vào 20-2-2011,chương trình họp mặt ngày chủ nhật,ghi nhận như thế nên các anh chị đã lên chương trình  rồi. Nên khi về đến đây mới vở lẽ ra là hai ngày khác nhau  giữa Mỹ và Việt Nam do đó ngoại trừ cô Liễu nhóm anh em còn lại không thể tham dự họp mặt với Tây Ninh được .Dù rằng theo cô Liễu anh em rất hăm hở  về để dự  họp mặt với Tây Ninh,một chút sơ sẩy nhỏ về thời gian mà không được trọn vẹn,rất tiếc.

Tôi bỗng nhớ lời nói của Trần Quốc Khánh tâm sự”như thế là Thủy lâm 7275 mình  vinh dự lắm , vì được chú ý của anh em NLS đàn anh,được gặp gở với 3 anh chị  của ban điều hành…:có nghĩa là chỉ gặp được thành viên cốt cán cũng là đủ rồi ! “

Và  nghĩ ngay đến phương án cứu cháy,nên gọi ngay cho nhóm Nguyễn Văn Điệp,Nguyễn Quốc Nam,Trương Quang Lộc,Ngọc Huệ và Quốc Đông  là nhóm liên lạc cũng là thành viên tổ chức họp mặt của Tây Ninh. Cho biết vì vấn đề ngày giờ chênh lệch giữa Mỹ và Việt Nam ,đoàn do cô Liễu về không tham dự họp mặt được nên tôi đề nghị cuộc hội ngộ nhỏ với  các em.hoặc tại Sài gòn hoặc tại Gò Dầu. Cuối cùng là anh  em đồng ý chọn Gò Dầu

 

Bốn giờ chiều ngày 19-2-2011 trong một quán lá cạnh cầu Gò Dầu ,có sự hiện diện của vợ chồng Cô Liễu,vợ chồng Đạo,vợ chồng Trần Danh Dự, Kim Anh. Phía Tây Ninh có Nguyễn Quốc Nam,Nguyễn Văn Điệp,Trương Quang Lộc, khách mời có Dương Xuân Triều  Sài gòn lên và vợ chồng Bùi Trung từ Dương Minh Châu đến  đem theo một chai whisky- phải chăng vì nghe tin có Đạo??..anh em tâm tình,nhâm nhi với món đặc sản dế than, nghe Dương Xuân Triều đọc thơ, nghe Quốc Nam và Trương Quang Lộc hát… thật là vui.

*Sáu giờ sáng ngày 1-10-2011….Chuông điện thoại reo,làm tôi thức giấc và  vội bắt máy :

 – A lô thầy hả?  thằng Đạo lớp em nó chết rồi thầy ơi.

– Ai vậy ?

- Em Triều đây,em đang ở bệnh viện,Phạm Đình Long vừa báo cho em biết ,thầy vào Trang nhà xem có đúng không?

Tôi sững sờ vì cái tin này,và tôi mở máy. Trời ơi,đúng như thế Đạo chết thật rồi.! Thật không thể ngờ được ,hình ảnh những ngày tháng gặp ở đầu năm nay trộn lộn trong tôi,đêm rồi trong lần giao lưu thử nghiệm trên trang nhà Thủy lâm tôi có hỏi thăm Thầy Sáu cho biết Đạo bệnh đang điều trị tại nhà,thế mà sáng hôm nay tin Đạo đã vĩnh viễn ra đi.- Quá đau xót

 

Một Chút Tâm Tình

Thật lòng mà nói,khoảng đầu năm 1993 khi gặp Bùi Thị Lợi,Ngô Anh Thuấn lên Bảo Lộc gặp để bàn tổ chức gặp gở anh em học viên NLS Bảo lộc,tôi đã vô cùng xúc động.Và từ đó tinh thần kết nối học viên NLS trong nước phải nói phát triển rất mạnh,tự hào về một ngôi trường,tự hào về tình đồng môn và càng tự hào hơn nữa về nghĩa thầy trò.

Cho đến năm 2007,sau khi tốt nghiệp khóa tự học về Computer  tôi mới biết được ở phân nửa  địa cầu bên kia anh em mình rất đông có cả các thầy cô cũng lập Hội ,sinh hoạt sôi nổi lắm ,qúa  vui quá mừng,vì thấy được rằng bất cứ nơi đâu,hoàn cảnh nào,những con người từng sống,học tập,làm việc ở ngôi trường NLS Bảo Lộc nói riêng và các trường trong hệ thống NLS đều gắn bó thương yêu nhau…và từ đó những email,những cuộc điện đàm,những lần ghé thăm trường để tôi có  những A LÔ….mà Vương thế Đức  đã dành riêng cho tôi phần đất này trên trang nhà….và cũng kể từ lúc đó cho đến nay,mỗi ngày như mọi ngày, sáng sớm và vào đêm không bao giờ tôi quên thăm viếng web nlsbaoloc.net/com–thuylambaoloc- nonglamsuctayninh. Nlsbaolock1….

Và riêng nlsbaoloc.net ngoài những bài viết,hình ảnh theo các chuyên mục,còn một phần tôi thường chú ý là tên của các thành viên trong ban điều hành  Hội ,Ban cố vấn,phụ trách Trang nhà, tiếng nói Hội,đặc san……. ,những thành viên cộng tác bài thường xuyên  là những người nếu đem ra phân tích thì trong máu có tố chất NLS rất cao và tôi rất mến mộ.

Nhưng  tên  thì có mà tướng mạo thế nào? Có nghĩa là chưa từng một lần gặp mặt,vì thời đi học tôi ở trường có 2 năm ,mà là dân ngoại trú nữa chứ!.Nói thế không phải là tất cả . tôi vẫn biết Kim Nguyên cô gái be bé xinh xinh ấy ở photo Ảnh Mỹ Viện,với Trần Danh Dự cùng chung với Gia Đình Phật Tử Minh Đức là con của bác gia trưởng của tôi làm ngành trắc địa từ thời Pháp thuộc,nhớ Cao thị Xuân Liễu từng dạy NLS Tây Ninh và cả Vương thế Đức có lần gặp với Trần tấn Miêng  đang dạy ở Bình Dương vì nhớ trường lên ngủ ở thảm cỏ dưới gốc Đỗ Mai ở nhà học C…mà gần  đây tôi mới biết.

Còn Ngô Hữu Thành,Thắng,Lung, Hương,Lương, Đạo,Công Danh,Thanh Thảo,Trần thị Sâm,Dương Phú Lộc,….và đặc biệt nhất là Kim Anh cô nữ sinh  của trường công lập Bảo Lộc  lại trở thành một NLS nòi ở xứ cờ hoa này . Tôi rất mong gặp mặt.

24-12-2009 tôi được gặp Dương phú Lộc   trong lần về lo đám cước cho con ở Mỹ Tho.Đầu năm 2010 trong cuộc họp mặt tại Bảo lộc  thì gặp được Nguyễn Triêu Lương.

Rồi đầu năm 2011 nhân đợt họp mặt NLS Tây Ninh thì nhìn được dung nhan của Danh Dự,Xuân Liễu,Kim Anh  và Nguyễn Văn Đạo.

* Tôi nhớ ,lần gặp đó Đạo không vào thăm trường,nếu vào anh ta sẽ thấy nhiều đổi thay,chắc Đạo sẽ buồn? Nếu vào anh ta sẽ thấy trước tiên nhũng cây xanh mới trồng khá đẹp nhưng chắc anh sẽ chú ý đến những cây cao to là Sao, là Dầu mà ngày xưa anh ta đã từng ngồi ở dưới gốc trong những buổi trưa học bài,anh sẽ nhìn kỹ lại nó sẽ nhớ đến thầy cô,nhớ đến bạn bè  …đó là tôi nghĩ về anh như thế …Như khu rừng sưu tập của trường ta ngày xưa,khi một cây bị mất đi là một mất mát lớn , mất hẳn, cũng như  chúng ta đã từng mất Tô Hoài Ân,Thiện,Phát và bây giờ là Nguyễn Văn Đạo..

                                                                                                                           BÙI THO

 

Cô Châu

Chuyên mục: Truyện ngắn - Bút kí - Tùy bút
Được đăng: Thứ năm, 13 Tháng 10 2011
Viết bởi Nguyễn Trường Hy

Trong Lưu Bút Ngày Xanh của cựu học sinh Nông Lâm Súc Cần Thơ có bài viết của Thầy Nguyễn Trường Hy như một lời, tự thuật những tình cảm sâu lắng của mình trong thời gian còn đi học và bây giờ đối với một cô giáo ngày xưa. Lời văn chân thànhbày tỏ tình cảm sâu sắc không những chỉ tặng cho Cô mà thương tặng cho các học trò Nông Lâm Súc Cần Thơ, Tây Ninh, Sài Gòn, Westlake Jr. High và Oakland Technical High School California Hoa Kỳ.

   Thầy Nguyễn Trường Hy là giáo sư dạy môn Công Dân và Sử Địa của Trường Trung Học Nông Lâm Súc Tây Ninh niên khóa 1972 – 1973 và là giáo sư hướng dẫn lớp 12 Mục Súc niên khóa 1973 – 1974. Chính Thầy cũng là người biên tập quyển NHỮNG DÒNG LƯU NIỆM cho lớp 12 Mục Súc niên khóa 1973-1974. Nay Trang Nhà Nông Lâm Súc Tây Ninh xin phép đăng bài viết của Thầy để các cựu học viên Nông Lâm Súc Tây Ninh biết tin,  cảm nhận được những tình cảm của Thầy và những niềm ưu ái Thầy dành cho các học sinh trong đó có hoc sinh Nông Lâm Súc Tây Ninh.

   Khi đọc được những dòng chữ nầy rất mong Thầy liên lạc và cộng tác với Trang nhà Nông Lâm Súc Tây Ninh.

  Kính chúc Thầy và gia đình mạnh khỏe…

                                           

                                        TRANG NHÀ NÔNG LÂM SÚC TÂY NINH.

     

                                              

                                                                         CÔ CHÂU

bài viết: Nguyễn Trường Hy

 

Thương tặng các học trò của tôi ở Cần Thơ, Tây Ninh, Sàigòn, Westlake Jr. High và Oakland Technical High School California  Hoa Kỳ.

Hy mến,

Hôm thứ Bảy vừa qua, khi hội chợ tết của Liên Hội Người Việt tổ chức ở San Jose, tao chợt thấy cô Châu trong số những người đang rời khỏi hội chợ. Tao vội vàng tìm chổ đậu xe và cố gắng tìm Cô nhưng chẳng may Cô đã về từ lúc nào rồi. Vài hàng cho mày biết tin, nếu mày có may mắn gặp cô nhớ cho tao biết liền.

Bạn thân của mày.

Tường.

Nhận được thư của Tường, tôi bàng hoàng cả người vì chợt nhớ đến Cô, người đã dạy dỗ, săn sóc tôi mà cả đời tôi không bao giờ quên được.

*****

   Dạo ấy, trong khoảng từ mùa Thu năm 1954 đến mùa xuân 1956, gia đình tôi cư ngụ ở Đà Lạt vì cha tôi phục vụ trong đơn vị Ngự Lâm Quân của Đức Quốc Trưởng Bảo Đại. Vào cuối năm 1955, đơn vị Ngự Lâm Quân bị giải tán nên cha tôi được thuyên chuyển về Sài Gòn để chờ bổ nhiệm đơn vị mới. Mẹ tôi bận buôn bán để nuôi bảy người con nên ít có thì giờ săn sóc chúng tôi.

   Cô Châu đã đến với tôi và Tường như một sự kỳ diệu. Mẹ tôi bận buôn bán còn cha mẹ Tường ở tuốt ngoài Qui Nhơn, Tường phải ở chung người anh cả đã có gia đình, Cô đã như người mẹ thứ hai của chúng tôi; hai đứa trẻ đang cần tình thương và sự chăm sóc trong khi tâm hồn hãy còn non nớt.

   Cô mướn nhà ở gần chúng tôi chỉ cách một vườn rau và con suối nhỏ trên đường Phan Đình Phùng dưới chân chùa Linh Sơn. Mỗi ngày, chúng tôi đứng trước cửa từ sớm, chờ cô đi qua là hai đứa chạy ra đón Cô và cùng cô đi đến trường. Buổi chiều, chúng tôi đến nhà Cô làm bài, nhiều khi Cô nấu cơm cho chúng tôi ăn nữa.

   Cô Châu mới tốt nghiệp trường sư phạm Sài Gòn, được bổ nhiệm lên dạy tại Đà Lạt, không có bà con thân thích nên Cô thương chúng tôi thật tình. Nhờ sự chăm sóc và dạy dỗ của Cô, Tường và tôi trở nên hai đứa học trò giỏi nhất của lớp Nhì A (lớp 4). Chúng tôi trở nên ham học, lúc nào cũng quấn quýt bên Cô và không còn rong chơi tập trận hay vượt đồi lội suối. Có khi rủ   nhau vào rừng bắn chim bằng ná cao su hoặc cùng nhau leo hàng rào vào đồn điền trồng cam bị chó Berger rượt té rách cả áo quần…

   Cuối năm lớp nhì, (hè 1955) trường tôi có tổ chức một buổi cắm trại trong đó có thi đua văn nghệ và các trò chơi sinh hoạt… ở gần thác Cam Ly. Hôm ấy lớp chúng tôi đã đoạt giải nhất vì Tường và tôi đã diễn xuất sắc trong vở kịch do cô soạn. Chúng tôi còn tham dự trong màn múa Mọi và hát nữa. Đó là do kết quả của Cô đã luyện tập cho chúng tôi từ nhiều tuần lễ trước, nhớ lại lần đầu tiên tập múa, tôi mắc cỡ hết sức nhưng nhờ sự khuyến khích của Cô, tôi trở nên dạn dĩ và chú tâm luyện tập thật hăng hái.

   Những ngày tháng êm đềm qua nhanh, đến năm sau lên lớp nhất (lớp 5). Chúng tôi lại may mắn được học lớp của Cô, Cô bắt chúng tôi phải học bài và làm bài nhiều hơn vì cuối năm đó phải thi lấy bằng Tiểu Học và còn phải thi tuyển vào lớp đệ thất (lớp 6) Trường công lập. Nào ngờ đến giữa năm lớp nhất, gia đình tôi phải dọn về Sài Gòn vì mẹ tôi quyết định dọn về gần ba tôi sau khi thấy việc buôn bán ở Đà Lạt không còn phồn thịnh như trước nữa.    ( thầy Hy 1973)

   Hôm xa Đà Lạt, tôi đã khóc sưng cả mắt vì xa Cô. Cô an ủi khuyên dỗ một hồi tôi mới chịu nín để lên xe về Sài Gòn. Sau đó vào trường học mới dần dà nguôi dần theo thời gian. Tuổi thơ chóng quên, hằng ngày hăng say học tập với các bạn đồng lớp. Vài tháng sau, tôi nhận được thư của Tường ở Đà Lạt cho biết rằng Cô đã lập gia đình nên phải thuyên chuyển ra Huế, thế là khoảng cách giữa Cô và tôi còn xa hơn nữa.

   Sau này tôi tiếp tục may mắn được học với các Thầy, Cô đáng kính mến, có nhiều Thầy Cô thương tôi như là con, dạy dỗ và giúp đỡ mọi bề. Tôi xin mượn cơ hội này để bày tỏ lòng tri ân với các vị Ân Sư của tôi: Cô Tăng Thị Minh Châu dạy Pháp Văn, Thầy Trần Văn Điền dạy Anh Văn đang ở Hoa Kỳ, cố giáo sư Nguyễn Ngọc Huy dạy môn Chính Trị Học, Giáo Sư Lê Văn dạy Anh Văn, Giáo Sư Phạm Cao Dương dạy môn Sử Học ở trường Đại Học Sư Phạm Sài Gòn và các quý vị Giáo Sư khác nữa. Tuy nhiên, người mà tôi thương mến nhất đời vẫn là Cô Châu, Cô đã cho tôi một tuổi ấu thơ thật đẹp, đã gieo vào tâm hồn non nớt của tôi những nét hay đẹp của nghề dạy học, đã cho tôi những tình thương tuyệt vời mà tôi khó kiếm được trong suốt cuộc đời  của tôi. Tôi đã tâm nguyện khi lớn lên sẽ theo nghề dạy học để tiếp nối sự nghiệp vàđền đáp công ơn dạy dỗ của Cô.                                                                             

Mùa Thu 1963, ngày tôi nhận tin trúng tuyển vào trường Đại Học Sư Phạm Sài Gòn ban Sử Địa cũng là ngày tôi nhận giấy trình diện nhập học trường Quốc Gia Hành Chánh. Tôi có hỏi ý kiến của ba tôi thì người khuyên tôi nên theo nghề dạy học vì nghề này tuy nghèo nhưng cao quý, đức tính và tâm hồn thanh cao.Con đừng nên theo nghề hành chánh sẽ vấp phải những bước thăng trầm có khi lại nguy hiểm nữa.Nghe lời ba, tôi lặng lẽ xé bỏ tờ giấy trình diện nhập học trường Quốc Gia Hành Chánh.

Hôm nay, sau hơn 40 năm dạy học, tôi đã trải qua biết bao nhiêu kỷ niệm buồn vui với học trò của miền đất Cần Thơ lúc nào cũng sẳn sàng mời thầy một ly cà phê thơm ngát; học trò Tây Ninh, đất nghèo hằn lên sỏi đá, nhưng chân thành mời Thầy được ly nước lạnh, khoai mì… Tôi rất lấy làm mãn nguyện vì mình đã chọn đúng nghề, đã đóng góp một phần nhỏ bé trong việc đào tạo các mầm non của đất nước và nhất là giữ được điều tâm nguyện với Cô Châu.Tôi đã hăng say làm việc không mệt mỏi để hướng dẫn và dạy dỗ các em học sinh.

*****

Thưa Cô,

Con hy vọng những dòng chữ này một ngày nào đó Cô đọc đến thì con sẽ sung sướng vô cùng. Con cầu chúc ơn trên ban cho Cô đầy đủ sức khỏe để có ngày nào con sẽ được gặp lại Cô để nói lên những lời biết ơn Cô, tất cả những thành công của con ngày nay là do công ơn của Cô dạy dỗ và hướng dẫn.

Một lần nữa, con biết ơn Cô!

Nguyễn Trường Hy, NLSCT 67-72, Hoa Kỳ ngày 1-1-2009

 

Kỉ niệm những lần gặp lại cô Hoàng

Chuyên mục: Truyện ngắn - Bút kí - Tùy bút
Được đăng: Thứ sáu, 07 Tháng 10 2011
Viết bởi Nguyễn Quốc Nam

KỶ NIỆM NHỮNG LẦN GẶP LẠI CÔ TRẦN THỊ HOÀNG

   

Cô Hoàng năm 1970 (ảnh thầy Tho cung cấp)

Sau khi hoàn thành chương trình trung học tôi vào đại học và ra đi  ít khi có dịp trở lại mái trường xưa. Sau năm bảy mươi lăm người tôi còn liên lạc thường xuyên ở Sài Gòn đó là Lộc, tức nhạc sỹ Trương Quang Lộc bây giờ. Thời điểm đó rất khó khăn anh em gặp nhau uống ly cà phê đen giá năm mươi xu là quá lắm rồi, cuộc sống thật khó khăn nhưng hại thằng vẫn nhâm nhi cà phê nói chuyện văn nghệ văn gừng cho vui và tôi chợt nhớ mấy câu thơ của ai đó đọc cho Lộc

nghe.

        Nên mới yêu nhau mà cư xử rất vợ chồng.

        Rất thật tình khi lựa quán bình dân…

        Và nói thẳng – Anh uống cà phê đen

        Bởi thiếu tiền uống cà phê đá.

   Thời điểm đó nghèo đều nhau chứ không riêng gì mình, nhà nhà ăn độn khoai mì, xe cộ đi lại khó khăn, lên được chuyến xe ca hay xe bus là cả một vấn đề,. Có người sắp hàng từ 2 giờ đêm đến 8 giờ sáng chưa mua được một vé xe ca đi đường dài về các tỉnh. Tôi và Lộc cũng gặp nhau trong chốc lát rồi mỗi người quay lại công việc của mình nhưng thỉnh thoảng cũng hẹn hò uống cà phê tâm sự thăm hỏi tin tức thầy cô và bạn bè cũ đỡ buồn.

    Khoảng năm 1977 trên làng đại học Thủ Đức tôi đứng đón xe buýt Dĩ An xuống để về Sài Gòn, sau khi chờ đợi hơn một tiếng đồng hồ giữa nắng trời gai gắt thì mới lên được xe, không còn chỗ ngồi đành phải đứng nhưng có yên đâu người sau lên xe thì những người lên trước phải dồn chật cứng chỉ còn thấy lưng nhau. Xe chạy đến đâu anh lơ xe hô to có ai xuống không thì mới biết đang ở vị trí nào. Mồ hôi mồ kê tươm ra ướt cả áo. Khi đến bến chợ Bến Thành bước xuống xe thì bất ngờ tôi nhận ra Cô Trần Thị Hoàng cũng cùng đi chung chuyến xe đó.

    Trước năm 1975 Cô dạy trường Trung học Nông Lâm Súc Tây Ninh. Tôi chào cô - Cô cho biết hiện nay đang dạy ở trường Nông nghiệp Thành phố ở Cát Lái –Thủ Đức. Từ xa lộ đi vào khoảng 3-4 km. Do vội vả lên cho kịp chuyến xe về Bà Hom nên cô chia tay tôi mà chưa kịp nói được gì nhiều...  Tôi tiễn  cô và trong khi cô đang bước lên xe tôi vội nói- Em sẽ đến thăm cô tại trường vào một ngày gần đây và tôi đã thực hiện trong tháng sau.

     Một buổi sáng khoảng 10 giờ tôi mượn một chiếc xe đạp cà tàng , đi từng làng đại học qua Cát Lái giữa cái nắng oi bức, những lúc lên dốc mệt tôi dừng lại nghĩ. Đến ngã ba Cát Lái men theo con đường đá đỏ vào khoảng 3-4 cây số thì đến ngôi trường cô đang dạy. Khu vực nầy là khu giản dân thuộc Thủ Đức. Tôi dừng xe ngoài đường nhìn ngôi trường trên một gò đất đỏ cao không một bóng cây, có lẽ trường mới xây dựng nên chỉ có hai dãy trệt quay ra mặt đường với khoảng sân rất rộng. Toàn bộ khu đất đỏ với đá phún lam nham trên mặt  Tôi đẩy xe đến bậc thềm thì tình cờ cô cũng vừa từ văn phòng bước ra, cô vẫy tay gọi , chỉ cho tôi chỗ để xe và hướng dẫn tôi lên văn phòng có lẽ là phòng khách của ban giám hiệu.Cô rót nước mời và hỏi thăm nơi ở và công việc của tôi như thế nào. Cô mặc bộ đồ tây đẹp, gọn gàng và lịch thiệp chứ không như ở những nơi khác mà tôi thường thấy. Sau giải phóng không còn ai mặc áo dài đi dạy nữa có lẽ vì như thế bị đánh giá là phi lao động ,biểu hiện của tính tiểu tư sản trí thức? hay là vì sao không biết nhưng toàn quốc kể cả các trường đại học, tất cả mọi người đều ăn mặc giản dị , thậm chí ở tỉnh lẻ mặc cả đồ bà ba đến lớp là chuyện bình thường. Tôi ngồi tâm sự thăm hỏi cô khoảng hơn một tiếng đồng hồ thì đã 12 giờ 30 phút . Chung quanh ngôi trường không thấy một tiệm quán ăn nào cả nên muốn mời cô cũng chẳng được, tôi đành xin chào cô ra về vì nhà ăn tập thể mọi người đang ăn sắp xong, để cô còn cơm nước và chuẩn bị lên lớp  buổi chiều. Cô đứng trên bậc thềm chào và chúc tôi thành đạt trong cuộc sống..

     Tôi đạp chiếc xe cà tàng đôi khi sút dây sên giữa trưa nắng gắt vừa đói nhưng cảm thấy vui vì mình đã thực hiện được một điều nho nhỏ là thăm cô và thấy cô vẫn khỏe mạnh, tiếp tục với nghề dạy học. Niềm vui và hạnh phúc thật giản dị , tôi vừa đạp xe bụng đói và khát nhưng nhận ra được bài học: Hạnh phúc thật đơn sơ ,dù giàu hay nghèo , dù no hay đói , ai cũng có một tấm lòng, một tình cảm tốt đẹp, một niềm tin trong tâm hồn để sống.

Hai mươi mấy năm sau lần thăm cô ở Cát Lái Thủ Đức, tôi nhận được tin cô bị bệnh qua một người bạn ở Sài Gòn và hẹn nhau để đi thăm. Địa chỉ nhà ngày xưa bây giờ đã thay đổi nhưng người bạn tin chắc rằng cứ đến Bà Hom đi thẳng tỉnh lộ 10 rồi dò hỏi sẽ tìm được vì còn nhơ nhớ vài khung cảnh ở đây. Tôi liên lạc với Quang Lộc và đúng hẹn chúng tôi cùng vài người bạn lên đường đi tìm nhà cô. Dù tìm được hay không  chúng tôi cũng ghé chợ mua một vài hộp bánh và vài loại trái cây để làm quà thăm viếng.

   Thật may mắn đến nơi hỏi thăm thì có người biết và chỉ dẫn tận tình thì ra người ấy là cháu của Cô.- Các anh đi qua một dãy cửa hàng sẽ thấy một cái cổng nhỏ, đi vào trong một đoạn quẹo sang phải sẽ thấy nhà cô. Chúng tôi đị theo sự hướng dẫn, đường vào nhà cô rất tối vì đất rộng mà không có đèn . Thế rồi chúng tôi cũng đứng trước cửa một ngôi nhà cổ mái ngói âm dương, các song cửa bằng gỗ có thể nhìn vào bên trong. Ngôi nhà thắp một bóng đèn đỏ như đèn ngủ nên trông có vẽ âm u. Chúng tôi quyết định gõ cửa và gọi chủ nhà. Chờ một lúc lâu thì đèn néon rực sáng. Qua song cửa chúng tôi nhận ra cô mập mạp, chậm rãi bước những bước chân nặng nề ra mỡ cửa.

    Thật diễm phúc người đầu tiên cô nhận ra là tôi. Sau khi vào nhà tôi giới thiệu tên từng bạn cho cô nhớ lại. Cô phân trần nhà không có ai, người cháu giúp việc chỉ làm ban ngày , ban đêm chỉ có mình Cô,  việc di chuyển đi lại của Cô cũng là khón khăn vì chân bị đau nhức..

     Cô ở ngôi nhà cổ lợp ngói âm dương cũng là nhà hương quả, cột gỗ to tròn có gắng những câu liễng, bên trên bàn thờ có những chữ Nho to và dát vàng, hai bên có nhũng bức hoành phi trông nghiêm trang cổ kính và rất đẹp…

     Cô mừng rỡ mời các em dùng nước và kể những kỷ niệm, những câu chuyện thời cô còn đi học ở Bảo Lộc. Cô vui vẻ kể lại những cảm giác và rung động đầu đời của mình một cách tự nhiên khiến chúng tôi cười thỏa thích. Cô nói về tình yêu, quan niệm tình yêu của riêng mình một cách nghiêm túc và chúng tôi cũng biết Cô rất nghiêm túc trong cuộc sống. Cô nói về những kỷ niệm thời dạy học ở Tây Ninh… Cô kể có những lúc xem phim truyền hình cô thấy một cậu đóng vai thầy giáo sống với đồng lương ít ỏi của mình ở ngoại thành và phải chăn nuôi heo thêm để cải thiện trong khi cô vợ đang se sua bươi chải trên thương trường. Cô nhận ra người đóng vai ấy là học trò mình nhưng không nhớ tên gì…Tôi và Quang Lộc nhắc cho cô nhớ đó Văn Thênh hiện nay là một đạo diễn. Cô à thật to và cười thật hạnh phúc khi nhận ra tên người học trò năm xưa của mình.

     Sau những giây phút vui tươi cô lại trầm giọng khi nói về bản thân mình. Cô bị đau  và sưng khớp tay chân kể cả giãn các tĩnh mạch chủ. Cô đã điều trị hầu hết các bệnh viện nổi tiếng ở Sài Gòn kể cả các người bạn là bác sỹ từ Hoa Kỳ về khám chữa trị cho cô nhưng đều không có kết quả. Đôi lúc Cô cảm thấy đồng tiền vô nghĩa… Cô có gần mười cửa hàng cho thuê , thu nhập hằng tháng khoảng trên 20 triệu đồng vào thời điểm mà cán bộ công nhân viên nhà nước lương bình quân mỗi tháng khoảng 300.000 đồng.. Cô bảo tiền rất cần thiết cho cuộc sống nhưng không là tất cả, như cô có đất đại ở thành phố nầy nhiều, tiền hằng tháng thừa chi xài nhưng bệnh tật làm cô đau đớn, lực bất tòng tâm và đôi khi cảm thấy cô đơn trong cuộc sống. Cô ít đi đâu cứ quẫn quanh trong nhà dù biết tin các em có tổ chức họp mặt hằng năm. Hiện Cô chỉ biết đến bệnh viện khám bệnh rồi về nhà….

    Những câu chuyện, những kỷ niệm xưa và nay cứ đang xen tiếp nối khi nhìn chiếc đồng hồ cổ treo trên tường thì đã hơn 22 giờ đêm. Chúng tôi xin phép ra về để Cô còn nghỉ ngơi. Cô quyến luyến chúc các em vui khỏe trong cuộc sống và gởi lời thăm các em học trò ngày xưa…Cô hy vọng năm sau nếu khỏe mạnh đi lại tốt cô sẽ đến Tây Ninh tham dự họp mặt và gặp gỡ các em.

        Một buổi trưa khoảng 13 giờ 30 tôi nhận được điện thoại của một người chị đang nuôi mẹ bị tai biến mạch máu não nằm ở bệnh viện 115 : - Alô phải em không? – Dạ chào chị, em nghe đây.- Em có biết cô Trần Thị Hoàng trước dạy học ở Trường Trung Học Nông Lâm Súc Tây Ninh không? – Dạ, là Cô dạy học của em.. – Vậy em đến bệnh viện 115 phòng cấp cứu dãy sau ở trên lầu 2 thăm cô Hoàng đi, Cô yếu lắm và đang nằm cạnh giường của mẹ chị. Tôi vội mặc quần áo, lấy xe đi ngay và thầm nghĩ thật là cơ duyên xui khiến cho mình biết tin Cô.. ...

        Từ thang máy bước ra tôi vội vào phòng cô đang nằm thì gặp Vinh và Thu (vợ chồng em trai của Cô) đang bên cạnh gường Cô. Tôi chào hỏi người chị thân mến và bà mẹ đang nằm cạnh gường cô Hoàng xong và quay sang nắm bàn tay Cô. Tôi nói lớn : - Cô nhớ em không? Cô từ từ quay mặt về phía tôi, đôi mắt lờ đờ… Cô nhìn tôi một lúc lâu rồi chớp mắt như hàm ý nhận ra tôi. Tôi nắm bàn tay cô và cô cử động nhè nhẹ trong lòng bàn tay tôi và tôi cảm nhận được Cô đã nhận biết mình. Tôi nhìn thấy Cô ốm rất nhiều so với lần tôi gặp trước đây. Thu ( em dâu của Cô cũng là cựu học viên Nông Lâm Súc Tây Ninh ) vừa sọan đồ đạt bỏ vào giỏ vừa nói với tôi là chuẩn bị xuất viện về nhà, anh Vinh đã gọi và đang chờ xe đến để đưa cô về, chỉ chờ cô y tá đến chích một mũi thuốc nữa là đưa ra xe. Đúng lúc đó cô y tá đến, cô rút nước thuốc vào ống tiêm, nắm bàn tay no tròn của cô cẩn thận lụi vào nhưng không đúng tỉnh mạch, cô lại rút ra và đâm kim một lần nữa lại không kết quả. Cô y tá nói mạch chìm khó chích quá thôi bỏ mũi thuốc nầy nhé. Tôi lên tiếng : Nhứt quá tam một lần nữa không xong thì đành chịu... Tôi nắm bàn tay cô co gập lại một tay nắm chặt trên bắp tay, còn một tay từ từ kéo tay cô ra cho nổi tỉnh mạch , vừa làm tôi thầm cầu nguyện mọi sự tốt lành đến với Cô. Cô y tá đâm kim lần cuối và cô thốt to mừng rỡ – Được rồi ! Cô bơm thuốc từ từ nhưng chỉ được nửa ống thì  không thể bơm được nữa và đành phải rút ra bỏ phần còn lại…

      Cô y tá và vài người giúp tôi và Vinh rinh cô lên xe đẩy, chúng tôi đẩy Cô ra thang máy. Vinh vào trong để kéo xe, tôi bên ngoài sửa và đẩy cho xe lọt vào thang máy ngay ngắn. Trước khi cửa thang đóng lại tôi nắm nhẹ bàn tay và nhìn thẳng vào đôi mắt Cô . Những ngón tay cô cử động nhẹ nhàng trong tay tôi, đôi mắt Cô lờ đờ vẫn mở và nhìn tôi trong ánh nhìn yếu ớt , lòng tôi bổng dưng rung động và thương cảm lạ thường vì tôi biết đây là lần cuối tôi gặp Cô và lúc đó cửa thang máy từ từ đóng lại ……

     

      Hơn hai tuần lễ sau tôi nhận được tin Cô đã qua đời. Chúng tôi những cựu học sinh Nông Lâm Súc Tây Ninh hiện cư ngụ tại Thành Phố hẹn nhau vào chiều tối đến dự tang lễ của Cô. Tại tang lễ chúng tôi gặp các thầy cô năm xưa như: Thầy Phạm Văn Nê, Cô Thân Thị Đời, Cô Nguyễn Thi Xuyến ….Chúng tôi vào cúng bái Cô một mâm tế và một tấm liễng với dòng chữ: Thầy, Cô và cựu học viên Trường Trung học Nông Lâm Súc Tây Ninh đồng kính điếu.

    

     Những nén nhang hương thơm  thoang thoảng trước bàn vong, bài vị và ảnh chân dung của cô. Chúng tôi cầu nguyện cho hương hồn cô được siêu thăng tịnh độ trong cõi vĩnh hằng – Vĩnh biệt Cô.

                                                                      NGUYỄN QUỐC NAM

                                                                  ( Ngày 9 tháng 11 năm 2009 )

        

 

Tự sự với chính mình

Chuyên mục: Truyện ngắn - Bút kí - Tùy bút
Được đăng: Thứ năm, 06 Tháng 10 2011
Viết bởi Super User

Bạn Lê Quốc Sơn khóa 3,dù đi muôn phương trong lòng vẫn canh cánh nỗi niềm nhớ Trường xưa bạn cũ.Anh sắp sang đảo quốc New Zeanland mà vẫn tranh thủ viết một bài kí về cho TrangNha.Xin giới thiệu cùng Quý vị ( và theo yêu cầu anh em chúng tôi đăng kèm hình để các bạn chiêm ngưỡng lại dung nhan...của người bạn xưa nhé...)

 

LÊ QUỐC SƠN


TỰ SỰ VỚI CHÍNH MÌNH


Tôi đang ở quán cafe Passion nằm cạnh trường học Mac Quarie tren đại lộ George trung tâm thành phố Sydney nước Úc!
Ngồi chờ một người bạn Úc gốc Việt ở khu Cabramanta  sắp đến theo cái hẹn! trong lúc rảnh,ngồi mở máy xem tin tức thời sự khắp năm châu và khi lướt vào trang nhà Nông Lâm Súc Tây Ninh thì lòng bổng dưng xôn xao chi lạ..
Đọc thấy có tin vui về Lễ thành hôn của ...con trai người bạn cùng khóa những năm 67...lòng thấy vui cho bạn mình  sắp

Xem thêm: Tự sự với chính mình

© NongLamSucTayNinh.com 2011 - 2020. Thiết kế website tại MtStudio.vn

Thành lập ngày 20 tháng 02 năm 2011

Email: nonglamsuctayninh@gmail.com